Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 30/2008/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG BAO THANH TOÁN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1096/2004/QĐ-NHNN NGÀY 06/9/2004 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính;
Căn cứ Nghị định số 95/2008/NĐ-CP ngày 25/8/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động bao thanh toán của các Tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây viết tắt là Quy chế hoạt động bao thanh toán ) như sau:

1. Các thuật ngữ sau tại Quy chế hoạt động bao thanh toán được sửa đổi như sau:

- “Hợp đồng mua, bán hàng hoá” thành “Hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ”.

- “Mua, bán hàng hoá” thành “Mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ”;

- “Chứng từ bán hàng” thành “Chứng từ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ”.

- “Bên mua hàng” thành “Bên mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ”.

- “Bên bán hàng” thành “ Bên bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ”

2. Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối tượng áp dụng:

2.1. Tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán, gồm:

a. Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng:

- Ngân hàng thương mại nhà nước;

- Ngân hàng thương mại cổ phần;

- Ngân hàng liên doanh;

- Ngân hàng 100% vốn nước ngoài;

- Công ty tài chính;

- Công ty cho thuê tài chính.

b. Ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam theo Luật Tổ chức tín dụng.

2.2. Khách hàng được tổ chức tín dụng bao thanh toán là các tổ chức kinh tế Việt Nam và nước ngoài bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (sau đây viết tắt là bên bán hàng) và được thụ hưởng các khoản phải thu phát sinh từ việc bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo thoả thuận giữa bên bán hàng và bên mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ (sau đây viết tắt là bên mua hàng) tại hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Đối với Công ty cho thuê tài chính, chỉ được thực hiện bao thanh toán đối với khách hàng là bên thuê của Công ty cho thuê tài chính”.

3. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối từng tháng của ba tháng gần nhất dưới 5%; không vi phạm các quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng;”

“3. Đối với Công ty cho thuê tài chính, chỉ được thực hiện hoạt động bao thanh toán khi có mức vốn điều lệ tương đương với mức vốn pháp định quy định đối với Công ty tài chính,”.

4. Điều 8 được bổ sung Khoản 3 như sau:

“3. Các tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính, trường hợp là các bản sao trong hồ sơ phải có xác nhận của cơ quan đã cấp bản chính hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”

5. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Tổ chức tín dụng phải gửi tới Ngân hàng Nhà nước các số báo đã đăng, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền và các tài liệu khác có liên quan.

3. Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, tổ chức tín dụng phải tiến hành thực hiện hoạt động bao thanh toán. Hết thời hạn quy định, nếu tổ chức tín dụng không tiến hành hoạt động bao thanh toán, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước sẽ hết hiệu lực.”

6. Điểm d, đ, e Khoản 1 Điều 13 được sửa đổi như sau:

“d. Bên bán hàng gửi văn bản thông báo về hợp đồng bao thanh toán cho bên mua hàng và các bên liên quan, trong đó nêu rõ việc bên bán hàng chuyển giao quyền đòi nợ cho đơn vị bao thanh toán và hướng dẫn bên mua hàng thanh toán cho đơn vị bao thanh toán.

đ. Bên mua hàng gửi văn bản cho bên bán hàng và đơn vị bao thanh toán xác nhận về việc đã nhận được thông báo và cam kết về việc thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán. Trường hợp bên mua hàng không có văn bản cam kết thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán thì việc tiếp tục thực hiện bao thanh toán giữa bên bán và đơn vị bao thanh toán sẽ do hai bên quyết định và tự chịu trách nhiệm khi có rủi ro phát sinh.

e. Bên bán hàng chuyển giao bảng kê kèm bản gốc hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; chứng từ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các chứng từ khác liên quan đến các khoản phải thu cho đơn vị bao thanh toán. Nếu tài liệu nêu trên là bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ do bên bán hàng, đơn vị bao thanh toán thoả thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi có rủi ro phát sinh;”

7. Điều 19 được bổ sung Khoản 8 và Khoản 9 như sau:

“8. Các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng; lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo phụ lục đính kèm;

9. Hợp đồng mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng”.

8. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Sửa đổi Điểm b, Khoản 1: “Được yêu cầu bên bán hàng chuyển giao toàn bộ bảng kê kèm bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền về hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; chứng từ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; quyền, lợi ích và các giấy tờ liên quan đến khoản phải thu được bao thanh toán”.

- Bỏ Điểm a, Khoản 2, Điều 23;

9. Điểm d Khoản 2 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d. Chuyển giao đầy đủ và đúng hạn cho đơn vị bao thanh toán toàn bộ bảng kê kèm bản gốc (hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; chứng từ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; quyền, lợi ích và các giấy tờ khác có liên quan đến khoản phải thu được bao thanh toán theo thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Lưu VP, Pháp chế, Vụ CNH.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Trần Minh Tuấn

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỊCH VỤ TÀI CHÍNH- NGÂN HÀNG (*)

A. DỊCH VỤ BẢO HIỂM VÀ DỊCH VỤ LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HIỂM:

1. Bảo hiểm trực tiếp (kể cả đồng bảo hiểm):

- Nhân thọ

- Phi nhân thọ

2. Tái bảo hiểm và tái nhượng bảo hiểm;

3. Trung gian bảo hiểm, như môi giới và đại lý;

4. Dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm, như tư vấn, dịch vụ đánh giá xác xuất và rủi ro và dịch vụ giải quyết khiếu nại.

B. NGÂN HÀNG VÀ CÁC DỊCH VỤ TÀI CHÍNH KHÁC (TRỪ BẢO HIỂM)

1. Nhận tiền gửi hoặc đặt cọc và các khoản tiền có thể thanh toán khác của công chúng;

2. Cho vay dưới các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao tiêu nợ và tài trợ các giao dịch thương mại;

3. Thuê mua tài chính;

4. Mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và báo nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng.

5. Bảo lãnh và cam kết.

6. Kinh doanh tài khoản của mình hoặc của khách hàng, tại sở giao dịch và trên thị trường không chính thức, hoặc các giao dịch khác về:

- Công cụ thị trường tiền tệ (gồm séc, chứng chỉ tiền gửi)

- Ngoại hối;

- Các sản phẩm tài chính phái sinh, bao gồm nhưng không hạn chế các hợp đồng kỳ hạn (futures) hoặc hợp đồng quyền chọn (opions);

- Các sản phẩm dựa trên tỷ giá hối đoái và lãi suất, gồm các sản phẩm như hoán đổi (swaps), hợp đồng tỷ giá kỳ hạn;

- Chứng khoán có thể chuyển nhượng;

- Các công cụ có thể chuyển nhượng khác bằng tài sản tài chính, kể cả kim khí quý.

7. Tham gia vào việc phát hành các loại chứng khoán, kể cả bảo lãnh phát hành và chào bán như đại lý (công khai hoặc theo thoả thuận riêng) và cung cấp dịch vụ liên quan tới việc phát hành đó;

8. Môi giới tiền tệ;

9. Quản lý tài sản, như tiền mặt hoặc quản lý danh mục đầu tư, các hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, dịch vụ bảo quản, lưu giữ và tín thác.

10. Các dịch vụ thanh toán và quyết toán tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm tài chính phái sinh và các công cụ thanh toán khác;

11. Các dịch vụ về tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác liên quan đến các hoạt động nêu từ điểm (1) đến điểm (10), kể cả tham khảo và phân tích tín dụng, nghiên cứu, tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn mua sắm và về cơ cấu lại hoặc chiến lược doanh nghiệp.

(*) Nguồn: Theo Các văn bản pháp lý cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2007 - từ USAID và Uỷ Ban Quốc Gia về hợp tác kinh tế quốc tế (tr. 245)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2008/QĐ-NHNN sửa đổi Quy chế hoạt động bao thanh toán của các Tổ chức tín dụng theo Quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 30/2008/QĐ-NHNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/2008
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 587 đến số 588
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản