Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2983/QĐ-UBND

Huế, ngày 29 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI KHUYẾN NGƯ VIÊN CƠ SỞ TẠI CÁC XÃ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRỌNG ĐIỂM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BTS ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Bộ Thủy sản về việc Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 56/2007/NĐ - CP ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư;

Căn cứ Công văn số 12/TT.HĐND–KTNS ngày 30 tháng 01 năm 2007 của Thường trực Hội đồng Nhân dân về việc phê duyệt đề án xây dựng mạng lưới khuyến ngư viên cơ sở;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản tại Tờ trình số 538 /TTr-STS ngày 25 tháng 12 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng mạng lưới khuyến ngư viên cơ sở tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu và quan điểm chỉ đạo phát triển mạng lưới khuyến ngư viên cơ sở

a) Mục tiêu:

Xây dựng mạng lưới các khuyến ngư viên tại cơ sở nhằm nắm bắt các nhu cầu, nguyện vọng của người dân; giải quyết kịp thời các khó khăn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản của người dân.

b) Quan điểm phát triển mạng lưới khuyến ngư viên cơ sở:

- Mỗi xã vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm có ít nhất 01 khuyến ngư viên. Đối với các xã ven biển, đầm phá có nuôi trồng thủy sản có thể bố trí 02 khuyến ngư viên trở lên.

- Khuyến ngư viên phải có trình độ phổ thông trung học trở lên hoặc nông dân có kinh nghiệm sản xuất, có uy tín và khả năng về hoạt động khuyến ngư.

- Khuyến ngư viên do Ủy ban Nhân dân xã tuyển chọn và quản lý, đồng thời có sự hướng dẫn chuyên môn của tổ chức khuyến ngư cấp huyện; được hưởng phụ cấp do ngân sách tỉnh chi trả tùy theo điều kiện cụ thể.

2. Phạm vi áp dụng

39 xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm thuộc 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.

3. Nội dung thực hiện

a) Số lượng khuyến ngư viên cơ sở: 42 người thuộc 39 xã có nuôi trồng thuỷ sản của 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.

b) Chức năng, nhiệm vụ của khuyến ngư viên cơ sở xã:

- Là đầu mối nắm các thông tin về tình hình sản xuất thủy sản của địa phương, các khó khăn, thuận lợi để báo cáo cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã và Trưởng trạm Khuyến ngư huyện.

- Phổ biến, thông báo cho nhân dân lịch thời vụ nuôi trồng và kiểm tra việc áp dụng lịch thời vụ; thông báo các thông tin liên quan về địa điểm mua, bán, giá cả giống vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; hướng dẫn cách sử dụng vật tư, con giống.

- Chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, chuyển giao và kiểm tra người dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp với cán bộ khuyến ngư chỉ đạo địa bàn triển khai, tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn, các lớp tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho người dân địa phương, tổ chức các hội nghị đầu bờ, hội thảo đánh giá chia sẻ thông tin kinh nghiệm sản xuất.

- Hàng tuần họp cụm 2-3 xã để chia sẻ thông tin và định kỳ hàng tháng họp với Trạm Khuyến ngư và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để báo cáo tình hình.

c) Mức phụ cấp đối với khuyến ngư viên cơ sở xã:

Hỗ trợ phụ cấp cho mỗi khuyến ngư viên cơ sở xã: 300.000 đồng/tháng

d) Kinh phí dự kiến hàng năm:

Hỗ trợ các hoạt động khuyến ngư cơ sở xã là 230 triệu đồng/năm.

Bao gồm:

+ Phụ cấp hàng tháng cho khuyến ngư viên cơ sở xã:

300.000 đồng x 12 tháng x 42 người = 151.200.000 đồng.

+ Hoạt động đào tạo tập huấn kỹ năng hoạt động khuyến ngư:

10.000.000 đồng x 3 lớp = 30.000.000 đồng/năm

+ Quản lý, chỉ đạo các hoạt động khuyến ngư: 49.000.000 đồng/năm.

e) Nguồn kinh phí:

Ngân sách cấp hàng năm theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Biện pháp tổ chức thực hiện

1. Trung tâm Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các xã tổ chức tuyển chọn và quản lý khuyến ngư viên cơ sở xã; chỉ đạo Trạm Khuyến ngư huyện hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ khuyến ngư viên cơ sở xã trong hoạt động khuyến ngư.

2. Ủy ban Nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến ngư trên địa bàn xã. Khuyến ngư viên cơ sở xã trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến ngư do Ủy ban Nhân dân xã và các tổ chức, cá nhân khác triển khai.

3. Trung tâm khuyến ngư tỉnh sử dụng nguồn kinh phí khuyến ngư được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán để chi phí phụ cấp cho khuyến ngư viên cơ sở và các hoạt động khuyến ngư.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Thủy sản, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Trung tâm khuyến ngư tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện