Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2980/QĐ-TCHQ | Hà Nội; ngày 10 tháng 10 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CHUYÊN GIA NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2123/QĐ-BTC ngày 27/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011-2020”;
Căn cứ Quyết định số 2534/QĐ-BTC ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1648/QĐ-BTC ngày 02/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý chuyên gia ngành Hải quan”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CHUYÊN GIA NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2980/QĐ-TCHQ ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích và yêu cầu
1. Đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia ngành Hải quan (sau đây gọi tắt là chuyên gia) đáp ứng các tiêu chí chuyên gia và yêu cầu nhiệm vụ cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan.
2. Giúp ngành Hải quan có chuyên gia đáp ứng yêu cầu tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về hải quan và hiện đại hóa hải quan.
3. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị cho công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là CCVC) được công nhận là chuyên gia từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại; Chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.
4. Giúp quản lý và sử dụng chuyên gia được hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý CCVC là chuyên gia của ngành Hải quan.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan và CCVC được công nhận là chuyên gia.
Điều 3. Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng nội dung, đối tượng phục vụ cho sự phát triển của chuyên gia phục vụ cho công tác hiện đại hóa hải quan.
2. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc chọn cử, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý chuyên gia của đơn vị mình.
3. CCVC được công nhận là chuyên gia phải có trách nhiệm tu dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và nhiệm vụ do Lãnh đạo Tổng cục giao.
4. Việc sử dụng chuyên gia phải đảm bảo tính hiệu quả, chuyên sâu, theo đúng mục đích và thống nhất theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục.
5. Việc quản lý chuyên gia phải đảm bảo tính khoa học, tạo sự phát triển liên tục và có tính kế thừa.
6. Áp dụng chế độ đãi ngộ, khen thưởng và kỷ luật cụ thể đối với chuyên gia.
7. Áp dụng các tiêu chí về chuyên gia tại Quyết định số 934/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA NGÀNH HẢI QUAN
Điều 4. Nhiệm vụ của chuyên gia
1. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên gia.
2. Tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo các cấp giải quyết các vấn đề nghiệp vụ hải quan theo chuyên môn.
3. Tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất về chính sách, chế độ quản lý của ngành Hải quan.
4. Tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, tham gia đóng góp ý kiến vào các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ và các nội dung nghiên cứu khoa học của ngành Hải quan.
5. Tham gia giảng dạy như giảng viên kiêm nhiệm của ngành Hải quan và thuyết trình về nghiệp vụ khi có Thư mời của Trường Hải quan Việt Nam.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng đơn vị và Lãnh đạo Tổng cục phân công.
Điều 5. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia
1. Các đơn vị Vụ, Cục nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia thuộc lĩnh vực nghiệp vụ do đơn vị phụ trách.
2. Các chuyên gia được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị... trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực nghiệp vụ được giao phụ trách.
3. Hàng năm, các đơn vị có CCVC là chuyên gia có báo cáo đánh giá về việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyên gia của đơn vị.
Điều 6. Sử dụng chuyên gia
1. Các đơn vị Vụ, Cục thuộc cơ quan Tổng cục sử dụng chuyên gia theo lĩnh vực nghiệp vụ do đơn vị phụ trách, phù hợp với yêu cầu của Ngành.
2. Đối với các lĩnh vực mà ngành Hải quan đã xây dựng đội ngũ chuyên gia, các đơn vị nghiệp vụ chủ trì đánh giá sử dụng chuyên gia theo lĩnh vực do đơn vị phụ trách, cụ thể:
- Cục Thuế Xuất nhập khẩu sử dụng và đánh giá chuyên gia về lĩnh vực trị giá và phân loại hàng hóa.
- Cục Giám sát quản lý về hải quan sử dụng và đánh giá chuyên gia về lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.
3. Hàng năm, các đơn vị có CCVC là chuyên gia phải có đánh giá sử dụng và báo cáo Tổng cục Hải quan đưa những chuyên gia không có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực chuyên môn ra khỏi danh sách chuyên gia.
Điều 7. Quản lý chuyên gia
Tổng cục Hải quan thống nhất việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng chuyên gia và thực hiện các nội dung sau:
1. Xây dựng kế hoạch phát triển chuyên gia trong ngắn hạn và dài hạn.
2. Xây dựng các tiêu chí lựa chọn chuyên gia các lĩnh vực theo nhu cầu hoạt động quản lý của ngành Hải quan.
3. Quyết định về danh sách chuyên gia.
4. Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng chuyên gia.
5. Chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia:
+ Được tham dự các hội nghị tổng kết, hội nghị chuyên đề của ngành Hải quan (theo giấy mời).
+ Được tham gia vào các đề tài khoa học phù hợp với chuyên ngành của chuyên gia; tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do ngành Hải quan tổ chức; và ưu tiên chọn cử đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.
+ Được nghỉ công tác tại đơn vị để tập trung viết bài giảng, tài liệu, soạn giáo án trước khi tham gia giảng dạy theo đề nghị của Trường Hải quan Việt Nam; tham gia giảng dạy vào các ngày nghỉ, ngày lễ được tính là thời gian làm ngoài giờ.
+ Được ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao trình độ theo tiêu chuẩn ngạch, bậc và ưu tiên xét dự thi nâng ngạch.
+ Được ưu tiên luân chuyển, bổ nhiệm và nâng lương trước hạn.
+ Được hỗ trợ hàng tháng một phần kinh phí cho hoạt động theo quy định về quản lý tài chính của Ngành.
Điều 8. Trách nhiệm của chuyên gia
1. Làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được cung cấp tài liệu và những thông tin cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
2. Tham gia đầy đủ các chương trình làm việc theo yêu cầu của Tổng cục; trường hợp vắng mặt, phải có lý do chính đáng; trường hợp đi công tác dài ngày (từ 03 tháng trở lên), phải có báo cáo lãnh đạo Tổng cục.
3. Thực hiện đúng chức trách khi tiến hành các công việc và nhiệm vụ được giao.
4. Chấp hành các quy định của đơn vị và của ngành Hải quan về chuyên môn, nghiệp vụ và gương mẫu trong mọi hoạt động.
5. Đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp để hoàn thành tốt các công việc được giao.
Chương III
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC VÀ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 9. Đánh giá kết quả công tác
Cuối tháng 11 hàng năm, chuyên gia có bản tự nhận xét, đánh giá (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị) gửi về Tổng cục Hải quan để làm căn cứ đánh giá, phân loại và xét khen thưởng, kỷ luật theo quy định về đánh giá, phân loại công chức, viên chức của Nhà nước, Bộ Tài chính và ngành Hải quan.
Điều 10. Khen thưởng và kỷ luật
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ kết quả đánh giá đối với chuyên gia để xem xét hình thức khen thưởng, kỷ luật.
2. Các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với chuyên gia thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước (theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Thi đua- khen thưởng) và quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC HẢI QUAN
Điều 11. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ
1. Xây dựng, trình Lãnh đạo Tổng cục Hải quan thông qua kế hoạch phát triển chuyên gia hàng năm và dài hạn.
2. Tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Tổng cục chọn cử CCVC vào đội danh sách chuyên gia.
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho chuyên gia đáp ứng yêu cầu công việc của Ngành.
4. Giúp Lãnh đạo Tổng cục sử dụng, quản lý, đánh giá, phân loại chuyên gia theo các cấp độ và theo từng năm.
5. Phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch công tác, sử dụng, quản lý chuyên gia.
6. Phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia.
Điều 12. Trách nhiệm của Vụ Hợp tác quốc tế
1. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động của chuyên gia, đề xuất với Tổng cục, đặt quan hệ hợp tác với Hải quan các nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan.
2. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị chức năng trong việc đề xuất đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng chuyên gia tại nước ngoài.
Điều 13. Trách nhiệm của Vụ Tài vụ - quản trị
1. Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng nguồn kinh phí và các chế độ hỗ trợ cho hoạt động của chuyên gia theo kế hoạch của Tổng cục phê duyệt, đảm bảo đúng theo các quy định của Nhà nước, thực hành tiết kiệm và hiệu quả.
2. Tham mưu trình Lãnh đạo Tổng cục có hướng dẫn cụ thể về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với chuyên gia.
Điều 14. Trách nhiệm của Văn phòng Tổng cục Hải quan
Chịu trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về kinh phí, phương tiện và cơ sở vật chất... có liên quan đến hoạt động của chuyên gia theo kế hoạch công tác đã được phê duyệt.
Điều 15. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
1. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trong việc đề xuất, giới thiệu, sử dụng và quản lý chuyên gia.
2. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chuyên gia.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Tổ chức thực hiện Quy chế
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phổ biến và thực hiện Quy chế này.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm giúp Lãnh đạo Tổng cục Hải quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh hoặc vướng mắc, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Tổng cục Hải quan (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét, quyết định việc sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.
- 1Quyết định 76/QĐ-TCHQ năm 2013 phân công nhiệm vụ, quản lý tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công, viên chức trong ngành Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Quyết định 77/QĐ-TCHQ về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức của ngành Hải quan năm 2014 do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 3467/BKHCN-TCCB năm 2017 về đăng ký tham gia Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 4Quyết định 1484/QĐ-TCHQ năm 2018 về Tiêu chí lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng chuyên gia theo lĩnh vực về Trị giá Hải quan và chuyên gia về Phân loại hàng hóa do Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Luật Hải quan sửa đổi 2005
- 2Luật Hải quan 2001
- 3Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 4Luật cán bộ, công chức 2008
- 5Quyết định 02/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật viên chức 2010
- 7Quyết định 448/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2123/QĐ-BTC năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9Quyết định 76/QĐ-TCHQ năm 2013 phân công nhiệm vụ, quản lý tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công, viên chức trong ngành Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- 10Quyết định 1648/QĐ-BTC năm 2012 về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công, viên chức ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 11Quyết định 77/QĐ-TCHQ về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức của ngành Hải quan năm 2014 do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 12Quyết định 2534/QĐ-BTC năm 2014 về phân cấp quản lý công, viên chức tại đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính
- 13Công văn 3467/BKHCN-TCCB năm 2017 về đăng ký tham gia Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 14Quyết định 1484/QĐ-TCHQ năm 2018 về Tiêu chí lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng chuyên gia theo lĩnh vực về Trị giá Hải quan và chuyên gia về Phân loại hàng hóa do Tổng cục Hải quan ban hành
Quyết định 2980/QĐ-TCHQ năm 2014 về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý chuyên gia ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 2980/QĐ-TCHQ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/10/2014
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/10/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra