Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 296/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ NĂM CĂN, TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tính chất:

- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: Khu phi thuế quan (công nghiệp – thương mại – dịch vụ) và Khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Cà Mau).

- Là đầu mối giao thương phía Nam của tỉnh Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.

- Là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam tỉnh Cà Mau với trọng tâm phát triển công nghiệp cơ khí, đóng mới tàu biển và dịch vụ tài chính, viễn thông.

- Là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn. Trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ và nuôi trồng, chế biến thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Phạm vi, ranh giới quy mô lập quy hoạch:

Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau nằm dọc theo hành lang trục quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau (bao gồm thị trấn Năm Căn, xã Hàm Rồng, xã Hàng Vịnh và ấp Ông Do của xã Đất Mới). Khu vực thành lập Khu kinh tế có diện tích tự nhiên là 11.000 ha, dân số hiện trạng khoảng trên 35.000 người. Ranh giới địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Cái Nước, huyện Phú Tân và huyện Đầm Dơi (bờ Nam sông Bảy Háp).

- Phía Nam giáp huyện Ngọc Hiển (bờ Bắc sông Cửa Lớn).

- Phía Đông giáp xã Hiệp Tùng huyện Năm Căn.

- Phía Tây giáp phần còn lại của xã Đất Mới và xã Lâm Hải, huyện Năm Căn.

3. Quy mô dân số và đất đai:

a) Quy mô dân số:

- Đến năm 2020 khoảng 40.000 – 45.000 người.

- Đến năm 2030 khoảng 75.000 – 90.000 người

b) Quy mô đất đai xây dựng:

- Dự kiến đến năm 2020 khoảng 1.800 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 800 ha.

- Dự kiến đến năm 2030 khoảng 3.500 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.500 ha

4. Mục tiêu:

Khai thác tiềm năng lợi thế đặc trưng vùng sông nước rừng ngập mặn, xây dựng Khu kinh tế Năm Căn thành một trung tâm kinh tế biển tại cực Nam của Tổ quốc theo chiến lược phát triển hệ thống các Khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cà Mau và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

5. Các chỉ tiêu chính của đồ án:

a) Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị:

Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị bình quân khoảng 150m2 – 300 m2/người, trong đó: Đất dân dụng khoảng 90 m2 – 100 m2/người.

b) Các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Giao thông: Diện tích đất dành cho giao thông giai đoạn đến năm 2020 chiếm 12 – 15% đất xây dựng đô thị, giai đoạn đến năm 2030 chiếm 18 – 20% đất xây dựng đô thị; mật độ đường chính đối với khu vực cửa khẩu và đô thị giai đoạn đến năm 2020 đạt 3,5 km/km2, giai đoạn đến năm 2030 đạt 4,5 km/km2.

- Cấp nước: Chỉ tiêu cấp nước giai đoạn đến năm 2020 khoảng 100 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước 80% dân số; giai đoạn đến năm 2030 khoảng 120 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước 100% dân số. Chỉ tiêu cấp nước công nghiệp khoảng 40m3/ha và cấp nước phục vụ du lịch là 120 lít - 200 lít/người/ngày đêm.

- Cấp điện: Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt đối với đô thị (loại IV đến loại V) từ 400 – 1000 kwh/người/năm, đối với nông thôn từ 200 – 500 kwh/người/năm; hoạt động dịch vụ thương mại khoảng 30% - 35% tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt và phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 120 – 200 kw/ha.

- Thoát nước bẩn: Tiêu chuẩn thải nước lấy theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng. Nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt tỷ lệ 80% (đối với nước thải công nghiệp phải đạt 100%).

- Rác thải: Chỉ tiêu rác thải 0,8 – 0,9 kg/người/ngày đêm đối với khu vực đô thị và từ 0,6 – 0,8 kg/người/ngày đêm đối với khu vực nông thôn.

- Đất nghĩa trang: 0,66 ha/1.000 dân.

6. Các yêu cầu nghiên cứu:

a) Phân tích đặc điểm tự nhiên và hiện trạng:

- Phân tích vị trí địa lý của Khu kinh tế Năm Căn trong mối quan hệ vùng tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng thành phố Hồ Chí Minh. Phân tích đặc điểm khí hậu, thủy văn, địa hình, địa chất và cảnh quan đặc trưng khu vực quy hoạch Khu kinh tế.

- Phân tích hiện trạng về dân số, lao động, sử dụng đất, kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật; đánh giá các quy hoạch và các dự án đầu tư đã và đang triển khai trong phạm vi Khu kinh tế Năm Căn.

b) Đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và nguồn lực của Khu kinh tế Năm Căn trong các mối quan hệ vùng: Vùng tỉnh Cà Mau; vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (Kiên Giang – Cà Mau – An Giang – thành phố Cần Thơ), vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Đề xuất mô hình phát triển, cấu trúc không gian Khu kinh tế Năm Căn theo trục phát triển như quốc lộ 1A (đường Hồ Chí Minh) và các khu vực kết nối với hệ thống đường thủy Quốc gia chính như sông Bảy Háp, sông Cửa Lớn.

d) Đề xuất phân khu chức năng theo giai đoạn quy hoạch đến năm 2030: Xác định khu phi thuế quan (khu công nghiệp và thương mại dịch vụ); khu vực phát triển các đô thị, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn; khu vực tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái; vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản; các vùng cảnh quan rừng ngập mặn,…

đ) Đề xuất cơ cấu tổ chức không gian của các khu chức năng chính trong Khu kinh tế Năm Căn, bao gồm: Khu quản lý nhà nước, khu vực phi thuế quan, các khu vực phát triển đô thị, khu du lịch, dịch vụ.

e) Hệ thống công viên cây xanh và các không gian mở.

g) Hệ thống các điểm dân cư nông thôn và sản xuất nuôi trồng thủy sản, các khu rừng sản xuất, rừng phòng hộ.

h) Các khu bảo tồn, cấm hoặc hạn chế phát triển: Rừng phòng hộ; các khu quốc phòng, an ninh; hạn chế phát triển tại các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp là vành đai sinh thái.

i) Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan (thiết kế đô thị).

- Đề xuất khu thiết kế đô thị tổng thể bao gồm các trục, vùng kiểm soát phát triển, các công trình điểm nhấn, các vùng cảnh quan không gian mở.

- Hướng dẫn thiết kế đô thị các vùng kiểm soát phát triển bao gồm phạm vi sử dụng đất, các trực tuyến kết nối, các công trình điểm nhấn, không gian mở, mật độ xây dựng, tầng cao.

k) Đề xuất định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, hiện đại đáp ứng những mục tiêu phát triển, nhu cầu sử dụng, đảm bảo mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường của Khu kinh tế Năm Căn.

l) Đánh giá môi trường chiến lược và đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên nguyên tắc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, các giá trị nhân văn.

m) Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực, đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn.

n) Dự thảo Quy định quản lý theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2030.

7. Thành phần hồ sơ:

Hồ sơ đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2005NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ và các quy định hiện hành.

8. Tổ chức thực hiện:

a) Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

b) Cơ quan quản lý dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

c) Cơ quan chủ đầu tư: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau.

d) Cơ quan thẩm định, trình phê duyệt: Bộ Xây dựng.

đ) Thời gian lập đồ án quy hoạch: 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 296/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 296/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/03/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản