Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 295/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 04/2005/QĐ-TTg ngày 06/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi Ban hành Bản quy định tạm thời về một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Căn cứ Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 12/6/2006 của Chủ tịch UBND Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề cương chi tiết và Dự toán kinh phí lập bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 64/TTr-SKHĐT ngày 17/01/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội:

a) Lấy phát triển nông - lâm nghiệp làm cơ sở để ổn định kinh tế - xã hội, làm tiền đề để phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phân bố sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (như mía, tiêu, quế, cây ăn quả…) gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn lương thực, đưa chăn nuôi lên thành ngành chính, bảo vệ phát triển và khai thác tổng hợp nguồn tài nguyên rừng. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, lấy giao thông, thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu, tích cực đưa giống mới vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, ngành nghề, cơ khí hóa, điện khí hoá nông thôn, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

b) Đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế. Chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp và dịch vụ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.

c) Đi đôi với phát triển kinh tế phải chú trọng tới phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình…

d) Phát triển giáo dục, đào tạo; nâng cao dân trí, khắc phục các tập tục và tệ nạn lạc hậu; chăm lo cuộc sống văn hóa, tinh thần, sức khoẻ... nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

e) Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với việc bảo đảm giữ gìn trật tự xã hội và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu:

a) Cơ cấu kinh tế chung của vùng trước mắt cũng như lâu dài được xác định: “Phát triển nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ” theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng hệ thống kinh tế mở gắn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của vùng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

b) Tập trung phát triển và hình thành các tiểu vùng kinh tế, phát triển đồng thời cả 2 mặt về chiều rộng lẫn chiều sâu, khai thác những lợi thế của các huyện trong vùng. Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần để thu hút vốn đầu tư, nhanh chóng tạo ra các yếu tố bên trong vững mạnh, tranh thủ các lợi thế để thu hút sự đầu tư bên ngoài nhất là sự đầu tư của tỉnh và Trung ương. Phát huy tối đa những cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng trong những năm qua.

c) Gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu tiến bộ công bằng xã hội nhằm trước hết tạo điều kiện cho người lao động, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ít người.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

a) Tăng trưởng về giá trị sản xuất:

- Phấn đấu đạt mức tăng Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2006 - 2010 từ 12,5 – 13% .

Trong đó:

+ Nông, lâm, thuỷ sản tăng         :            8 - 9%;

+ Công nghiệp – TTCN tăng        :           20 - 21%;

+ Thương mại dịch vụ tăng         :           14 - 15%.

- Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2010 khoảng 5,4 triệu đồng.

- Sản lượng lương thực bình quân đầu người đến năm 2010 là 300 kg/người.

b) Cơ cấu kinh tế (theo giá trị sản xuất) đến năm 2010:

+ Lâm - nông - thuỷ sản :           54 - 55%;

+ Công nghiệp - Xây dựng:         29 - 30%;

+ Thương mại - dịch vụ  :           15 - 16%.

c) Thu - chi ngân sách:

- Tổng thu ngân sách của vùng năm 2010 đạt 12,5 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách của vùng năm 2010 khoảng 217 tỷ đồng.

d) Đầu tư:

Tổng mức đầu tư cho toàn vùng từ 2006 - 2010 khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng gấp 17 - 18 lần so với giai đoạn 2001- 2005 (do trong giai đoạn này nhiều công trình lớn được đầu tư trên địa bàn như: hồ chứa nước Nước Trong, đường Dung Quất - Trà Bồng - Trà My nối với đường Hồ Chí Minh, các hồ thuỷ lợi…).

e) Về Văn hóa - Xã hội:

- Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đến năm 2010: Mẫu giáo đạt 80–85%; Tiểu học đạt 95%; Trung học cơ sở đạt 90%; Trung học phổ thông đạt 80%.

- Số trường đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp đến năm 2010: Mẫu giáo đạt 6 trường (mỗi huyện có 01 trường), Tiểu học đạt 18 trường, Trung học cơ sở đạt 19 trường, Trung học phổ thông đạt 4 trường.

- Đầu năm 2008 hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở toàn vùng.

- Đến năm 2010 có 68 - 76% hộ gia đình; 60 - 70% thôn, tổ dân phố; 84-90% cơ quan; 15% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về văn hóa.

- 100% trạm y tế xã có bác sỹ vào năm 2010.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2010 dưới 25%.

- Giảm tỷ suất sinh bình quân hàng năm: 0,55‰ - 0,6‰.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2010: 1,1%.

- Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dưới 35% vào năm 2010.

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đến năm 2010 là 85 - 90%.

- Đến năm 2010 phủ sóng Phát thanh - Truyền hình 100% khu dân cư ở miền núi.

- Đến năm 2010 đạt bình quân 12 - 14 máy điện thoại/100 dân.

f) Về Tài nguyên – Môi trường:

- Hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp vào năm 2008.

- Công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 của huyện hoàn thành vào năm 2007; của xã, thị trấn hoàn thành cuối năm 2008.

- Năm 2010, độ che phủ rừng của vùng đạt 57,6%.

- Năm 2010, 60 - 65% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Năm 2010, 50% hộ có hố xí.

4. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế - xã hội:

a) Phát triển lâm - nông - thủy sản:

- Chú trọng phát triển lâm - nông - ngư nghiệp trên cơ sở phát huy các lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất lâm nghiệp; khẩn trương giao đất, giao rừng để bảo vệ rừng.

- Đầu tư phát triển vốn rừng bao gồm cả trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng kinh tế, nhất là trồng cây nguyên liệu, chú trọng trồng các loại cây lâu năm để lấy gỗ.

- Đẩy mạnh công tác khuyến lâm, khuyến nông, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây lúa nước, ngô…; mở rộng diện tích các loại cây trồng như lạc, quế, mây, cau, chè, hồ tiêu, cây ăn quả… ở những nơi có điều kiện. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc và gia cầm, nhất là chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn hàng hóa với quy mô thích hợp; thực hiện Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn hiệu quả.

- Tăng cường chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là giống cây trồng vật nuôi.

- Thực hiện và phát huy hiệu quả chính sách của Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

- Khai thác hiệu quả các ao, hồ các loại để nuôi cá và các loại thủy sản nước ngọt, góp phần tăng nguồn thực phẩm thủy sản phục vụ đời sống của các hộ dân trong vùng, tiến tới sản xuất hàng hóa.

- Đến năm 2010, diện tích rừng toàn vùng đạt 185.868 ha; trong đó rừng tự nhiên 134.067 ha, rừng trồng 51.801 ha. Độ che phủ rừng của vùng đạt 57,6% vào năm 2010 (toàn tỉnh đạt 45%).

Sản lượng một số cây trông chính năm 2010:

- Lúa                                 :           53.000 tấn.

- Ngô                                :             3.330 tấn.

- Mía                                 :           69.090 tấn.

- Mì                                   :          105.800 tấn.

Gia súc, gia cầm năm 2010:

- Đàn trâu                          :           36.335 con.

- Đàn bò                            :           47.000 con.

- Đàn lợn                           :           94.400 con.

- Đàn gia cầm                    :         322.845 con.

b) Phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp:

- Phát triển các ngành nghề có nguồn nguyên vật liệu sẵn có, tại chỗ và thu hút nhiều lao động như chế biến nông sản, nguyên vật liệu xây dựng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, dệt thổ cẩm…

- Xây dựng và phát triển các cụm, điểm công nghiệp - làng nghề ở các huyện để thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp - làng nghề, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ.

- Phát triển các cơ sở sản xuất các mặt hàng cơ khí thủ công tại trung tâm xã và trung tâm cụm xã đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho người dân trong vùng.

c) Phát triển Thương mại dịch vụ:

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 14%.

- Tiếp tục củng cố, phát triển các doanh nghiệp công ích để thực hiện chính sách thương mại ưu đãi, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm sản và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

- Phát triển các dịch vụ công cộng và dịch vụ tài chính, tín dụng, bưu điện, vận tải, sửa chữa ô tô, xe máy, điện - điện tử, dịch vụ ăn uống…

- Phát triển hệ thống chợ, đặc biệt là chợ trung tâm của các huyện làm hạt nhân để phát triển các chợ trung tâm xã, cụm xã. Phấn đấu đến năm 2010 nâng cấp, sửa chữa 29 chợ hiện có và xây mới 18 chợ.

- Phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch tham quan di tích lịch sử… gắn với các tuyến du lịch trong tỉnh, trong vùng.

d) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội:

Tiếp tục đầu tư từ nhiều nguồn vốn, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư hoàn thiện, xây dựng mới các công trình lớn, công trình quan trọng, đồng thời huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác để xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ với hạ tầng kinh tế - xã hội toàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Chú ý tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình đã xây dựng.

* Giao thông:

- Về đường dọc: Xây dựng tuyến Đông Trường Sơn đi qua phía Tây các huyện miền núi, tuyến Trà Phong - Trà Ka - Bắc Trà My.

- Về đường ngang: Xây dựng tuyến Dung Quất - Trà Bồng - Trà My nối với đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các tuyến đường: Quảng Ngãi - Trà Bồng - Tây Trà, Quảng Ngãi - Sơn Hà - Sơn Tây…

- Thực hiện hiệu quả Đề án Giao thông nông thôn - miền núi giai đoạn 2006 - 2010. Đến năm 2010, thâm nhập nhựa 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, trung tâm cụm xã; đảm bảo 100% tuyến đường đến trung tâm xã ô tô đi được quanh năm; phát triển và nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn.

* Thủy lợi:

- Hoàn thành việc xây dựng hồ chứa nước Nước Trong, hồ Làng Re, đập Nước Râng, Nước Lùng, hồ Sơn Hải, hồ Tui Dum, đập Pring, hồ Sình Kiến, hồ chứa nước Vực Thành, hồ chứa nước Suối Loa, hồ chứa nước Biều Qua, hồ chứa nước Hố Cả, hồ chứa nước Xô Lô.

- Xây dựng một số công trình quy mô vừa và nhỏ phục vụ định canh định cư và xây dựng các vùng kinh tế mới như Nước Nhiên, Suối Lớn, Hồ Kép, Long Mai ở Minh Long; đập Đồng Rồng, Nước Ren, Trà Nô, hồ Nề Hà, hồ Ba Chất, hồ Suối Loa ở Ba Tơ.

- Thực hiện hiệu quả Đề án Kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2010, tăng năng lực tưới đạt khoảng 1.000 ha.

* Nước sinh hoạt:

Cung cấp nước sạch cho đồng bào miền núi, trước hết giải quyết nước sạch cho các trung tâm huyện lỵ miền núi, các Trung tâm cụm xã và khoảng 50% số dân được dùng nước sinh hoạt tự chảy từ các công trình xây dựng kiên cố.

* Điện:

Nâng cấp, xây dựng các công trình thủy điện theo quy hoạch như: thuỷ điện Cà Đú, Dakrinh, Dakre, sông Liên, Pà Ê - Nước Long, Tam Rao - Tầm Linh, sông Tang, Hà Nang, Nước Trong… vừa cung cấp điện cho các huyện miền núi, vừa bổ sung nguồn cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, cắt lũ vùng hạ lưu của tỉnh. Đến năm 2010 có từ 85 - 90% hộ sử dụng điện.

* Xây dựng các thị trấn: Đầu tư nâng cấp các thị trấn trung tâm huyện lỵ thuộc các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng; quy hoạch và đầu tư xây dựng để đến năm 2010 hình thành các thị trấn mới thuộc trung tâm huyện lỵ Minh Long, Sơn Tây và Tây Trà để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của các huyện miền núi; đồng thời hình thành và phát triển các thị tứ ở những nơi có điều kiện.

e) Bảo vệ môi trường sinh thái:

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc giữ vững cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, khoáng sản…). Tăng cường các biện pháp cấp bách và lâu dài nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; chủ động đề phòng các thiên tai như bão, lũ quét, sạt lở đất.

f) Các lĩnh vực văn hóa - xã hội:

- Để phát triển nguồn nhân lực - một trong hai nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết XVII của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2006 - 2010, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các huyện, xã vùng miền núi. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các huyện, xã, thị trấn miền núi. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường: Mẫu giáo đạt 80 - 85%, Tiểu học đạt 95%, THCS đạt 90% và THPT đạt 80%; thực hiện các biện pháp để hạn chế tình trạng học sinh các cấp bỏ học. Để nhanh chóng tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, trong những năm đến cần hình thành Trường dạy nghề cho lực lượng lao động ở khu vực này.

- Xã hội hóa công tác bảo vệ sức khỏe toàn dân theo quan điểm tích cực phòng bệnh đi đôi với rèn luyện thân thể để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh; tăng cường giáo dục cho nhân dân về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 25% vào năm 2010; tăng cường mạng lưới y tế cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là y tế thôn, bản. Nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Đến năm 2010 xoá xã trắng về y tế, đảm bảo 100% trạm y tế xã có bác sỹ.

- Sưu tầm, bảo tồn và phát triển đa dạng hóa nền văn hóa của các dân tộc trong vùng, hướng các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số vào các hoạt động lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời đẩy lùi các tập tục lạc hậu; củng cố và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, các chương trình tuyên truyền giáo dục thường xuyên; đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, các di tích lịch sử, bảo tồn những kiến trúc văn hóa dân tộc. Xây dựng tuyến du lịch theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm.

- Đầu tư xây dựng hệ thống phát thanh, truyền hình trên địa bàn 63 xã thuộc 6 huyện miền núi; hệ thống thu phát hình ở 14 trung tâm cụm xã nhằm từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

g) Định canh định cư và giảm nghèo:

- Đối với công tác định canh định cư: Đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao mức sống cho trên 7.700 hộ định canh định cư còn yếu. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư định canh định cư cho trên 3.600 hộ chưa thực hiện công tác định canh định cư và những hộ tái định canh định cư do thiên tai, do xây dựng các công trình trọng điểm. Tập trung phát triển nhanh việc trồng các loại cây công nghiệp hàng hóa (tiêu, quế, mây, cau…), đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn bò gắn với công tác trồng rừng và bảo vệ rừng để tạo việc làm, ổn định đời sống dân cư trong khu vực tái định cư.

- Đối với công tác giảm nghèo: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 35% vào năm 2010. Tập trung vào việc lập các dự án giảm nghèo có sự tham gia của người dân từ khâu thông tin đến các giải pháp và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho chương trình giảm nghèo, tập trung chính vào phát triển sản xuất, bảo đảm nhu cầu lương thực, phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, phát triển hệ thống tổ chức y tế nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất và đời sống phải đi đôi với cho vay vốn phát triển sản xuất, cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ, khuyến lâm - nông - ngư, nâng cao năng lực cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

h) Phát triển Khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường:

- Phát triển Khoa học - Công nghệ, nhanh chóng đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và phẩm chất tốt phù hợp với điều kiện sản xuất và canh tác của vùng như giống lúa, ngô, đậu tương, mía… Thực hiện tốt công tác Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, đưa loại giống quế có chất lượng và năng suất cao vào trồng trên địa bàn của vùng. Mở rộng diện tích cây trồng mũi nhọn như lạc, quế, mây, cau, cây ăn quả, gắn với công nghiệp chế biến. Đối với công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cần tập trung đổi mới các trang thiết bị phục vụ sản xuất theo hướng hiện đại hóa, làm tăng nhanh chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

i) Chương trình 134 và 135:

* Chương trình 134:

Đây là một trong những chương trình hỗ trợ trực tiếp đến việc sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc nghèo ở 6 huyện miền núi của tỉnh. Do vậy, trong những năm đến, tiếp tục đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ Chương trình này cho tỉnh để tiếp tục thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh chính trị khu vực phía Tây của tỉnh.

* Chương trình 135:

- Về phát triển sản xuất: Nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới tiến bộ cho đồng bào dân tộc, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập nhằm giảm nghèo bền vững.

- Về phát triển cơ sở hạ tầng: Các xã đã có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất bảo đảm phục vụ có hiệu quả, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

- Về nâng cao đời sống văn hóa, xã hội cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn: Phấn đấu 60-65% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 85-90% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; kiểm soát, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm đối với con người; tăng tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh trên 50%...

- Về phát triển nâng cao năng lực: Trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức quản lý đầu tư và kỹ năng quản lý, điều hành để hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, công chức cấp xã và trưởng thôn, bản. Nâng cao năng lực của cộng đồng, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia có hiệu quả việc giám sát hoạt động về đầu tư và các hoạt động khác trên địa bàn.

k) Bảo đảm an ninh quốc phòng:

- Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang đủ khả năng phòng chống có hiệu quả, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những yếu tố có thể phát sinh phức tạp, không để xảy ra điểm nóng, không để xảy ra án đặc biệt nghiệm trọng, phòng chống các tệ nạn xã hội có hiệu quả.

Tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng cơ sở xã, thị trấn vững mạnh toàn diện và vững mạnh về quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ số lượng, chất lượng theo phương châm vững mạnh rộng khắp. Thường xuyên xây dựng và quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên và thực hiện tốt công tác gọi công dân nhập ngũ hàng năm.

Trong giai đoạn này, hoạt động tôn giáo ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa chính trị, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc; mặt khác, cần tăng cường cán bộ bám sát địa bàn ở thôn, xóm tại các huyện miền núi. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho miền núi nhằm từng bước giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Các giải pháp chủ yếu:

a) Tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý của cán bộ chính quyền ở cấp huyện, cấp xã ở các huyện miền núi. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, là chiến lược phát triển con người nhằm nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài thông qua đó để sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả, bảo đảm về cơ cấu, vững về trình độ chuyên môn.

b) Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2006 - 2010 gồm: quy hoạch chung, quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương; quản lý và thực hiện đúng các quy hoạch đã được duyệt. Thực hiện ngay và có hiệu quả việc giao đất, giao rừng cho nhân dân; quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp và đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng tích tụ ruộng đất nông nghiệp, giữ đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng trái với quy hoạch.

c) Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí; đẩy mạnh công tác khuyến lâm - khuyến nông. Đồng thời nghiên cứu khôi phục, phát triển một số vật nuôi có tính chất đặc thù của miền núi theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Xây dựng mạng lưới thú y cơ sở đủ mạnh để phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

d) Tăng cường nguồn vốn qua Ngân hàng chính sách xã hội để đồng bào vùng sâu, vùng xa được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, tổ chức kinh tế làm ăn có hiệu quả tại vùng miền núi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn.

e) Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân lưu thông hàng hóa giữa miền núi và nông thôn, từng bước hoàn thiện mạng lưới dịch vụ thu mua sản phẩm và cung ứng vật tư cho sản xuất; thúc đẩy công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp phát triển. Mở rộng thị trường buôn bán và thiết lập mối quan hệ trao đổi hàng hóa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

f) Chú trọng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch để hạn chế sự gia tăng dân số.

g) Có chính sách khuyến khích để thu hút vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển. Phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế hợp tác xã, kinh tế cá thể trong nông nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.

Điều 2. Ban Dân tộc tỉnh và các Sở, Ban ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện miền núi cụ thể hoá Quy hoạch được phê duyệt bằng các chương trình và các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, tạo điều kiện để các huyện thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Thương mại - Du lịch, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện miền núi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 295/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010

  • Số hiệu: 295/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản