Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2944/2005/QĐ-UBND | Long xuyên, ngày 27 tháng 10 năm 2005. |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2006-2010.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định 131/2004/QĐ-TTg ngày 16/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010;
Căn cứ công văn số 1908/BTS-KT&BVNL ngày 23/8/2005 của Bộ Thủy sản về việc xây dựng Chương trình 131;
Xét tờ trình số 1000/2005/TT.NN ngày 04/10/2005 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang về việc xin phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang giai đoạn 2006- 2010.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang giai đoạn 2006- 2010 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu:
- Sử dụng an toàn hệ sinh thái và môi trường nước mặt, chú ý đưa nước vào các vùng đê bao để phát triển các loài thủy sinh vật. Khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Đảm bảo mục tiêu khai thác thủy sản ổn định từ 50.000- 60.000 tấn/năm, tăng giá trị thủy sản khai thác.
- Tổ chức khoanh vùng các khu trồng rừng, thực hiện việc điều tiết chất lượng nước để bảo vệ rừng tràm và khai thác thủy sản. Tổ chức quản lý khai thác và bảo tồn các loài thủy sản trong các khu hệ rừng hiện có.
- Triển khai Luật Môi trường, rà soát và hoàn chỉnh các văn bản pháp quy về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tỉnh, hạn chế tối đa tác hại ô nhiễm môi trường.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản chung trong cộng đồng.
- Đối với một số giống loài thủy sản tự nhiên bị giảm sút về sản lượng hoặc có nguy cơ diệt chủng sẽ có kế hoạch thả giống nhằm tái tạo nguồn lợi tự nhiên.
II. Nội dung Chương trình:
1. Phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản:
- Kết hợp điều chỉnh cường lực khai thác với sản xuất giống nhân tạo, thả bổ sung vào môi trường tự nhiên, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản nhằm khôi phục khả năng tái tạo, tăng mật độ quần thể các giống loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lấy lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật trong các thủy vực.
- Tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật tiên tiến từ các Viện, Trường về sản xuất giống và kỹ thuật nuôi thủy sản để phát triển nuôi trồng nhằm giảm bớt áp lực từ khai thác tự nhiên.
- Nghiên cứu, khoanh vùng khu vực các bãi cồn có ốc gạo tự nhiên và một số loài nhuyễn thể mới xuất hiện trở lại.
- Chủ động xả lũ ở các vùng đê bao khép kín để các loài thủy sinh vật có cơ hội phục hồi và phát triển, cân bằng hệ sinh thái.
- Tiến hành qui hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các mô hình nuôi thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo độ bền vững của hệ sinh thái.
2. Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật:
- Kiểm soát hoạt động khai thác các loài thủy sản quí hiếm, có giá trị về kinh tế và khoa học đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thực hiện công tác quản lý kiểm tra trên từng đối tượng thủy sản theo đúng Thông tư 04-TS/TT và Thông tư 01/2000/TT-BTS hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Xây dựng, khoanh khu bảo vệ các vùng đất ngập nước Tứ giác Long Xuyên, khu Búng Bình Thiên, các khu rừng tràm... nhằm khôi phục sinh cảnh, tạo môi trường sống, môi trường sinh sản cho các loài thủy sinh vật. Nghiên cứu, bảo tồn nguồn gien những loài thủy sản quí hiếm, có giá trị về khoa học và kinh tế, đa dạng về giống loài thủy sản.
- Giảm cường độ khai thác thủy sản, hoạt động khai thác phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh sản và các nguồn gien quí hiếm đang dần bị mất đi. Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản là điều kiện rất cần thiết và cấp bách cho nên cần nâng cao vai trò quản lý của các cấp, các ngành. Thường xuyên theo dõi sự biến động nguồn lợi thủy sản tự nhiên và có kế hoạch thả bù giống thủy sản để phục hồi sản lượng tự nhiên.
- Khuyến khích người dân hạn chế việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nông nghiệp, trong nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi thải vào môi trường nước mặt.
3. Tổ chức quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lãnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: sử dụng ngư cụ cấm, mùa vụ khai thác, đối tượng cấm khai thác,…(thực hiện theo Thông tư 04-TS/TT và Thông tư 01/2000/TT-BTS hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản).
- Từng bước hướng dẫn cho ngư dân chuyển đổi hình thức khai thác mang tính hủy diệt sang hình thức khai thác khác không bị cấm. Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện tàu cá theo quy định của Bộ Thủy sản. Qui hoạch vùng khai thác hàng năm và hướng dẫn cụ thể cho ngư dân khai thác những quy định về thời gian khai thác, kích thước mắt lưới và ngư cụ hợp lý, kích cỡ cá khai thác.
- Tiến hành quan trắc môi trường định kỳ tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, thông báo kết quả kịp thời đến người nuôi, đồng thời dự báo mức độ ô nhiễm trong thời gian tới.
- Xây dựng những biển báo cố định, panô, áp phích…ở những vị trí xung yếu, hướng dẫn chi tiết các nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực khai thác, khu bảo tồn tại từng địa phương.
- Phân cấp quản lý bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cho các ngành và địa phương một cách rõ ràng. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra chuyên ngành nhằm kiểm soát tốt các hoạt động khai thác.
4. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nguồn lợi thủy sản:
- Thực hiện điều tra toàn diện nguồn lợi động thực vật thủy sinh trong tỉnh một cách khoa học để đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản tự nhiên toàn tỉnh; các tác động ảnh hưởng đối với việc tái tạo, gia tăng và suy giảm của nguồn lợi thủy sản.
- Lập bản đồ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) của tỉnh về thủy sản tự nhiên nhằm quản lý, lưu trữ dữ liệu phục vụ cho công tác khoa học, quản lý nguồn lợi. Kết nối với hệ thống thông tin dữ liệu thủy sinh vật quốc gia và khu vực để đáp ứng thông tin kịp thời.
- Phối hợp với ngành Thống kê xây dựng chế độ báo cáo kịp thời về các thông tin khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu thập số liệu chung về hoạt động nghề cá của từng huyện, thị, thành phố đáp ứng nhu cầu thông tin cho các cấp quản lý.
- Đào tạo nhân lực áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thủy sản, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu.
5. Giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền mới như thông qua sân khấu, màn ảnh nhỏ để giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Phối hợp với ngành Văn hóa Thông tin, Báo, Đài xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm tuyên truyền một cách thường xuyên và có chiều sâu các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản về lĩnh vực phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua đội ngũ báo cáo viên.
- In ấn, phát hành các panô, áp phích, tài liệu tuyên truyền các văn bản pháp quy về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn các tài liệu tìm hiểu về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản để giáo dục cho học sinh trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa.
- Tổ chức các chuyến học tập tham quan nhằm giáo dục nâng cao nhận thức và học hỏi kinh nghiệm.
6. Các dự án ưu tiên thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản:
- Điều tra nguồn lợi động thực vật thủy sinh của tỉnh An Giang.
- Bảo tồn các loài thủy sản khu vực rừng tràm Trà Sư - huyện Tịnh Biên.
- Bảo tồn các loài thủy sản khu vực Búng Bình Thiên - An Phú.
- Bảo tồn các loài thủy sản Bắc Vàm Nao.
- Xây dựng mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của cộng đồng.
- Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia truyền thông về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Dự án sản xuất giống các loài cá bản địa, thả bổ sung cho vùng nước tự nhiên.
III. Một số giải pháp chủ yếu:
1. Khuyến khích đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, lai tạo các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế phục vụ nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi hoặc đầu tư vào thiết lập, xây dựng khu bảo tồn thì được hưởng cơ chế chính sách theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và khai thác các lợi ích trong khu bảo tồn theo quy định.
Cụ thể hoá các chính sách ưu đãi của Trung ương và có chính sách hỗ trợ của địa phương nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Chuyển đổi nghề khai thác gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản
Thống kê hộ khai thác thủy sản, lập kế hoạch chuyển đổi nghề, mở các lớp dạy nghề cho ngư dân. Cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để ngư dân chuyển đổi sang hình thức khai thác khác không bị cấm hoặc kết hợp với đào tạo kỹ thuật để họ chuyển sang nuôi trồng thủy sản (thực hiện theo Chỉ thị 04/2005/CT-UB).
3. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Huy động các tổ chức đoàn thể, hội tham gia: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hiệp hội Thủy sản... tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản ở một số địa phương với sự tham gia của cộng đồng dân cư từ tổ, xóm, ấp.
Tiếp nhận và nhân rộng mô hình quản lý túi cá triển khai tại ấp Bình An- Thạnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú từ Dự án do Trung tâm Nghề cá Thế giới (WorldFish Center) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ đang thực hiện.
4. Chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống thủy sản đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín của địa phương, thực hiện tái tạo nguồn lợi bằng việc phục hồi mật số quần thể giống của một số loài bị khai thác quá mức, các loài thủy sản quí hiếm có nguy cơ bị tiệt chủng.
- Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản, đánh giá trữ lượng hàng năm và nghiên cứu định mức khai thác hợp lý bền vững. Ứng dụng các quy trình nuôi sạch ở các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000 CM và một số tiêu chuẩn khác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5. Về tài chính:
Nhu cầu kinh phí cho Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn 2006 - 2010, gồm:
- Ngân sách trung ương chi cho các hoạt động:
+ Điều tra nguồn lợi động, thực vật thủy sinh của tỉnh An Giang.
+ Quy hoạch xây dựng các khu bảo tồn.
+ Chuyển giao công nghệ ứng dụng.
- Ngân sách địa phương chi cho các hoạt động:
+ Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản
+ Hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống thủy sinh vật.
+ Chương trình phối hợp thực hiện công tác truyền thông
+ Đào tạo nhân lực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường
+ Thả giống vào thủy vực tái tạo nguồn lợi.
- Nguồn huy động khác:
+ Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các tổ chức quốc tế và các hoạt động khác.
V. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm chính, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh điều hành và chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát triển các nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng các dự án ưu tiên và hướng dẫn các huyện, thị, TP xây dựng Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cụ thể ở từng địa phương. Chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên ngành bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo các cộng tác viên truyền thông bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản. Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tổ chức triển khai các chương trình hoạt động cụ thể đã được phê duyệt. Tổng hợp báo cáo định kỳ và tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình.
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chánh cân đối và phân bổ các nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn tài trợ quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình triển khai thực hiện.
3. Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT nghiên cứu khoa học, quy hoạch và tổ chức quản lý các khu bảo tồn và các khu vực trọng điểm khác.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thông tin, các cơ quan Báo chí, Đài Phát thanh truyền hình phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức biên soạn các nội dung về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đưa vào giảng dạy trong nhà trường, xây dựng chương trình và nội dung tuyên truyền nhằm giáo dục nhận thức của nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn ở địa phương lập kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở địa phương mình, nhất là chính quyền cấp xã. Có các chính sách và điều kiện ưu đãi để thu hút được nguồn đầu tư nhằm thực hiện tốt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đề xuất các dự án cụ thể.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa thông tin, Chủ tịch UBND Huyện, Thị, Thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2012 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/11/2012
- 2Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 1Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2012 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/11/2012
- 2Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 1Chỉ thị 04/2005/CT-UB về việc nghiêm cấm sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 2Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 3Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 4Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) 1998
- 5Thông tư 01/2000/TT-BTS sửa đổi Thông tư 04-TS/TT 1990 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh năm 1989 và Nghị định 195-HĐBT về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản do Bộ Thủy sản ban hành
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Quyết định 131/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 2944/2005/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang giai đoạn 2006- 2010
- Số hiệu: 2944/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/10/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Phạm Kim Yên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/11/2005
- Ngày hết hiệu lực: 14/01/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra