Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2942/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 6 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐI LẠI BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG HOẶC PHƯƠNG TIỆN KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ THAY CHO PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI CÁ NHÂN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Công văn số 2277/SGTVT-VTĐB ngày 26 tháng 4 năm 2011) và của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố (Công văn số 232/CNCPT ngày 11 tháng 5 năm 2011),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch vận động nhân dân thành phố đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không có động cơ thay cho phương tiện cơ giới cá nhân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐI LẠI BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG HOẶC PHƯƠNG TIỆN KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ THAY CHO PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI CÁ NHÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2942/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. Lý do và mục tiêu cuộc vận động
Trong tình hình số lượng xe gắn máy sử dụng ngày càng gia tăng, góp phần gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; việc vận động nhân dân thành phố đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không có động cơ thay cho phương tiện cơ giới cá nhân là cần thiết và cấp bách hiện nay. Cuộc vận động này nhằm mục đích:
- Tạo dần thói quen đi lại bằng xe công cộng và từng bước thay đổi ý thức văn hóa giao thông, hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng cường sử dụng xe buýt hoặc đi bộ ở tuyến đường gần của nhân dân thành phố nói chung và đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
- Tăng số lượt người sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hàng năm.
- Góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội.
- Góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
- Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
II. Đối tượng áp dụng
Để cuộc vận động thực hiện từng bước có hiệu quả, bước đầu tập trung vận động các đối tượng là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, công chức, viên chức, công nhân và học sinh, sinh viên; sau đó mở rộng cho tất cả tầng lớp nhân dân đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
III. Thời gian vận động
Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến ngày 01 tháng 6 năm 2015 và chia làm hai giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Thực hiện thí điểm từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến ngày 01 tháng 12 năm 2011.
Giai đoạn này chủ yếu tập trung vận động đối tượng là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh.
Giai đoạn 2: Triển khai mở rộng từ ngày 02 tháng 12 năm 2011 đến ngày 02 tháng 12 năm 2015; đối tượng là toàn thể nhân dân sinh sống trên địa bàn thành phố.
IV. Nội dung thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện ngay công tác cải thiện chất lượng phục vụ của xe buýt và tạo thuận lợi cho khách bộ hành đi lại trên vỉa hè thông thoáng, nhất là ở các tuyến hẻm ra đến các trạm xe buýt mặt tiền đường.
2. Tuyên truyền kêu gọi nhân dân thành phố đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không có động cơ, thay cho phương tiện cơ giới cá nhân, ít nhất 01 ngày trong tuần.
3. Phân công trách nhiệm các đơn vị thực hiện như sau:
3.1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị trong đơn vị tổ chức phát động phong trào kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị tham gia đi xe buýt. Khi xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm cho tập thể, cá nhân ở từng đơn vị, có lồng ghép tiêu chí về việc tham gia đi lại bằng xe buýt. Phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng tổ chức bán vé tháng xe buýt cho cán bộ công chức, viên chức của đơn vị.
3.2. Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp với thanh tra giao thông thành phố tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên việc lấn chiếm các vỉa hè đã có vạch sơn dành riêng cho khách bộ hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn giao nhiệm vụ các Tổ dân phố tuyên truyền vận động người dân đi xe buýt, đồng thời phát động phong trào làm sạch các tuyến hẻm, không buôn bán lấn chiếm vỉa hè, tuyến hẻm.
3.3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo, đài thành phố tăng cường công tác tuyên truyền vận động sâu rộng, kêu gọi người dân hưởng ứng đi xe buýt. Riêng Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố xây dựng các chương trình, tăng thời lượng phát sóng tuyên truyền vận động nhân dân đi xe buýt.
3.4. Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải phát động phong trào "Tiếp viên xe buýt nhã nhặn và lịch sự; tài xế xe buýt cẩn trọng khi lái xe và không bỏ trạm". Nhanh chóng tổ chức rà soát và chỉnh trang lại các trạm đón xe buýt sạch sẽ, nề nếp và thân thiện, qua đó tạo môi trường thu hút ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt.
3.5. Công an thành phố cần tăng cường điều tiết lưu thông trong thời gian thực hiện cuộc vận động, hạn chế tối đa để xảy ra các điểm ùn tắc kéo dài, nhất là ở các tuyến đường có xe buýt thường xuyên đi lại.
3.6. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng dự án hình thành phố đi bộ trên địa bàn thành phố (kể cả bố trí các điểm giữ xe trung chuyển), nhanh chóng triển khai đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015, tạo môi trường cho khách bộ hành dần dần có thói quen đi bộ.
V. Chỉ tiêu phấn đấu sau khi kết thúc đợt vận động
1. Phấn đấu tăng số lượt hành khách đi xe buýt từ 7% (năm 2010) lên 12% vào cuối thời gian vận động (năm 2015).
2. Tăng mức độ (%) hài lòng qua kết quả khảo sát chỉ số hài lòng hàng năm đối với người dân đi xe buýt, năm sau cao hơn năm trước.
VI. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố đối với cuộc vận động nhân dân thành phố đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không có động cơ thay cho phương tiện cơ giới cá nhân, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Phó trưởng Ban thường trực và các thành viên là lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an thành phố, Viện Nghiên cứu Phát triển; Mời đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
2. Các đơn vị được phân công, chịu trách nhiệm báo cáo sơ kết hàng năm cho Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở sơ kết, thành phố sẽ điều chỉnh hoặc cải tiến kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt và gia tăng số người tham gia xe buýt./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 2942/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch vận động nhân dân thành phố đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không có động cơ thay cho phương tiện cơ giới cá nhân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 2942/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/06/2011
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Hoàng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 42
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra