Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 2933/QĐ-UB

Huế, ngày 07 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TTCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỜI KỲ 2001 – 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

- Căn cứ Thông báo số 2730/TB-UB ngày 31/12/2001 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh về việc thông báo Kết luận của UBND tỉnh thông qua quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001 - 2010;

- Căn cứ Thông báo số 50/TB-VP ngày 22/5/2002 của Bộ Công nghiệp về việc thông báo Kết quả cuộc họp về “Quy hoạch phát triển Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001 - 2010";

- Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1996 - 2010;

- Theo đề nghị của Sở Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp tại tờ trình số 198/SCN-KH ngày 27/5/2002 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số: 558/TH-SKH ngày 19/6/ 2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I : Phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển Công nghiệp - TTCN thời kỳ 2001 - 2010 với nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển Công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001 - 2010.

2. Định hướng và mục tiêu phát triển:

2.1. Phương hướng, nhiệm vụ, và các quan điểm cơ bản:

Lấy nhiệm vụ phát triển công nghiệp - TTCN làm khâu bứt phá để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế nhằm nhanh chóng rút gắn khoảng cách chênh lệch về tốc độ tăng trưởng và phát triển so với các trung tâm kinh tế của cả nước.

Phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn gắn với tổng thể phát triển công nghiệp - TTCN của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - TTCN ở các vùng đô thị, lấy các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp, những vùng có điều kiện hạ tầng cơ sở thuận lợi làm động lực chính để phát triển. Đồng thời phát triển công nghiệp - TTCN ở các huyện có điều kiện về nguồn nguyên liệu tại chỗ và tay nghề truyền thống; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp - TTCN mũi nhọn: sản xuất VLXD, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm thuỷ sản; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm; từng bước xây dựng các ngành công nghiệp vật liệu mới, sinh học…

Gắn phát triển công nghiệp - TTCN với giải quyết các vấn đề xã hội, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy phân bố lại lao động và dân cư; kết hợp một cách hữu cơ giữa CNH-HĐH với quá trình đô thị hoá và phát triển nông nghiệp nông thôn từng bước giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Phải chuẩn bị tốt về mọi mặt để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp - TTCN. Coi trong đầu tư xây dựng vung nguyên liệu, áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường, sinh thái, sử dụng hợp lý lâu dài tài nguyên thiên nhiên trong tỉnh. Ngoài việc xây dựng cơ cấu - TTCN hợp lý phải coi trọng đổi mới thiết bị và công nghệ; thường xuyên nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả các thành tựu mới về khoa học công nghệ và khoa học quản lý; chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp - TTCN bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề… Trên cơ sở đó tăng khả năng cạnh tranh, chủ động trong quá trình hội nhập, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Trong quá trình phát triển công nghiệp - TTCN phải huy động mọi nguồn lực từ bên trong lấy nội lực của các thành phần kinh tế là chính, kết hợp với thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế, xem đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng. Đa dạng hoá về quy mô và các loại hình sản xuất công nghiệp - TTCN, phát triển các cơ sở công nghiệp - TTCN chủ đạo đi đôi với xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô vừa và nhỏ, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống làm vệ tinh cho các ngành, doanh nghiệp công nghiệp - TTCN chủ đạo, phục vụ tốt sản xuất nông lâm ngư nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu.

2.2. Mục tiêu:

Phấn đấu đến năm 2010 đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 17,4 - 18,5% trong đó giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân là 16 - 17%, nâng tỷ trọng GDP ngành công nghiệp trong GDP toàn tỉnh lên 28 - 28,6% vào năm 2005 và 31- 32,2% vào năm 2010.

- Đến cuối kỳ kế hoạch, Thừa Thiên Huế phải trở thành một trung tâm mạnh của khu vực và cả nước về dệt may, sản xuất VLXD, chế biến nông lâm thuỷ sản; hàng thủ công mỹ nghệ; công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm,…

3. Nhiệm vụ chủ yếu về phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2010:

3.1. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm:

Chú trọng đầu tư phát triển sản xuất chế biến với trình độ công nghệ ngày càng cao các nhóm sản phẩm: thủy - hải sản, súc sản, đồ uống, cà phê, cao su, hướng mạnh vào xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đầu tư chiều sâu, cải tạo mở rộng, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến thủy sản; bia Huế, các cơ sở chế biến đồ gỗ, bánh kẹo; tôm chua truyền thống …hiện có.

Đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Thuận An (Phú Vang), Cầu Hai (Phú Lộc). Tập trung đầu tư sản xuất nước khoáng, chế biến nước dứa cô đặc và nước hoa quả các loại, các loại đồ uống từ sửa,... Xây dựng mới các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, thực phẩm sấy khô; mở rộng, đa dạng hoá sản phẩm của nhà máy Bia Huế. Xây dựng các nhà máy: chế biến cà phê; chế biến tinh bột sắn; chế biến cao su, nhựa thông; chế biến súc sản và gia cầm; sản xuất ván nhân tạo; gỗ Laminate,…

Phấn đấu giá trị hàng hoá ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản thực phẩm giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân hàng năm là 12,7 - 14,5% và giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân hàng năm là 18,3 - 19,6%.

3.2. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống:

Tập trung đầu tư những ngành nghề có nhiều thuận lợi phát triển dựa trên những tiềm năng nguyên liệu tại chỗ, cùng với lợi thế là trung tâm du lịch. Vận dụng đồng bộ các giải pháp, chính sách để khôi phục, phát triển các làng nghề điêu khắc, đúc đồng, sơn mài, thêu ren,…Đầu tư nghiên cứu một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, làm hàng lưu niệm quà tặng phục vụ du khách trong nước và xuất khẩu. Thành lập Trung tâm giao dịch mau bán hàng thủ công mỹ nghệ. Có chính sách về mọi mặt và hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, đồng thời tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân khắc phục tính bảo thủ, trì trệ trong sản xuất kinh doanh.

3.3 Công nghiệp vật liệu xây dựng, gốm sứ, thuỷ tinh

Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cả trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Chất lượng, giá sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường cả nước và nước ngoài. Tập trung đầu tư các sản phẩm có nhu cầu lớn, sức cạnh tranh cao, có điều kiện phát triển, có nguyên liệu tại chổ dồi dào như xi măng, gạch không nung, vật liệu lợp, đá ốp lát, gạch Cêramic, bê tông và cấu kiện bê tông, vật liệu xây dựng công nghệ cao. Phát triển các loại sản phẩm như thuỷ tinh pha lê, gạch Granit nhân tạo, bông sợi thuỷ tinh, vật liệu composite, bột màu xây dựng,… Đến năm 2005 xây dựng xong nhà máy sản xuất xi măng Đồng Lâm công suất 1,4-2 triệu tấn/năm, giai đoạn 2005-2010 nâng công suất gấp đôi; Xi măng Lucksvaxi lên 1-1,5 triệu tấn/năm, đưa công suất nhà máy Xi măng Long Thọ công suất 0,12 - 0,16 triệu tấn/năm; chuẩn bị để khởi công nhà máy xi măng Nam Đồng 1,4-2 triệu tấn/năm; sứ vệ sinh 1 triệu sản phẩm /năm, sứ cách điện và sứ gia dụng.

- Khai thác sử dụng có hiệu quả các loại vật liệu xây dựng thông thường: đá, cát, sạn sỏi đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng.

- Gắn phát triển sản xuất vật liệu xây dựng với hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích lịch sử, văn hoá và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân hằng năm là 9,04-9,4% và giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân hằng năm là 27,5-30,6%.

3.4 Công nghiệp dệt may- da giày

Ngành dệt cần ưu tiên đầu tư sản xuất sợi và vải dệt kim và phụ kiện ngành may chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh trong cả nước và tăng tỷ lệ xuất khẩu, về may mặc cần áp dụng đồng bộ các biện pháp để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động sáng tạo mẫu mã, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng nhằm không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát triển sản xuất giày thể thao, giày vải, giày dép da, giả da, các sản phẩm giả da chủ yếu dành cho xuất khẩu. Xây dựng cơ sở sản xuất đế giày, mũi giày và phụ liệu nhằm tăng tỷ trọng sử dụng các nguyên liệu trong nước. Phấn đấu giá trị tăng bình quân từ 24,5% đến 25,5% trong giai đoạn 2001-2005, từ 10,5 đến 1 1,5% giai đoạn 2006-2010.

3.5 Công nghiệp phần mềm

Xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo kỹ thuật viên phần mềm và lập trình viên, từ năm 2002 đến năm 2005 xây dựng xong công viên phần mềm với quy mô khoảng 4.000-6.000 m2 và có 2.000 - 3.000 chỗ làm việc, có thể thu hút 20-30 Công ty phần mềm. Đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong công tác quản lý hành chính, quản lý xây dựng, kết hợp tới chương trình phát triển công nghiệp phần mềm với việc ứng dụng công nghệ thông tin cho mọi đối tượng, mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

3.6 Công nghiệp cơ bản

Phát triển một số ngành, cơ sở công nghiệp kỹ thuật cao về sinh học, điện tử, vật liệu mới: Trước mắt tập trung nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ mới trong sản xuất giống cây con sạch bệnh; xử lý nước thải, chất thải rắn, xử lý môi trường vùng chuyên canh, đặc biệt là vùng nuôi trồng chuyên canh. Mở rộng sản xuất men frit, đa dạng hoá các loại men nền, tiến tới sản xuất màu men; Xây dựng Nhà máy sản xuất Gốm điện tử.

3. 7 Công nghiệp khai khoáng

Tăng cường công tác điều tra địa chất ở những vùng có triển vọng, chú ý các mỏ khoáng sản, vàng, đá vôi, sét, cao lanh, Oxit sắt, Oxit Ti tan, nước khoáng,... Tích cực đổi mới công nghệ khai thác và chế biến, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Xây dựng mới nhà máy tuyển lọc cao lanh công suất 20-30 ngàn tấn /năm, nghiền tẩy trắng Zircon công suất 5.000 tấn/năm.

Với giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân hằng năm và 31,6 - 31,8%, giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân hằng năm là 13,1-14,8% và cả thời kỳ 2001-2010 tăng bình quân hằng năm là 23,0%.

3-8 Công nghiệp hoá chất

Tập trung và sản xuất những sản phẩm như dược phẩm, phân bón, các sản phẩm nhựa dân dụng, công nghiệp, bao bì, composite theo hướng đầu tư chiều sâu, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát huy tối đa công suất cơ sở sản xuất hiện có như: Bao bì xuất khẩu Thái Hoà, phân vi sinh Sông Hương, Dược TW Huế, đá cẩm thạch nhân tạo, composite ở công ty Điện Cơ. Đầu tư xây dựng một số cơ sở chế biến rác thải công nghiệp và đô thị.

3.9 Ngành chế tạo máy và gia công kim loại

Hướng đầu tư và các ngành chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ các ngành kinh tế như: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, chương trình đánh bắt xa bờ và một số sản phẩm tiêu dùng. Tận dụng năng lực hiện có, đầu tư chiều sâu để có công nghệ phù hợp, bảo đảm sản phẩm có sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả; với sản phẩm trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực như: nông cụ cầm tay, máy móc cơ khí phục vụ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch; nâng cao năng lực đóng mới và sửa chữa ô tô, lắp ráp xe máy, hiện đại hoá ngành cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền, phục vụ chương trình đánh bắt xa bờ và nhu cầu khác.

Tăng cường liên doanh liên kết với các Công ty, Tổng Công ty theo hướng hợp tác chuyên môn để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm cơ khí.

3.10 Công nghiệp hạ tầng

Xây dựng mới kết hợp với cải tạo hệ thống lưới điện theo quy hoạch định hướng sơ đồ ngành Điện giai đoạn V của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, rà soát sửa đổi bổ sung quy hoạch phát triển cải tạo lưới điện tỉnh giai đoạn 2000-2010 có tính đến năm 2020. Xây dựng lập quy hoạch phát triển cải tạo lưới điện nông thôn ở các huyện thành phố. Thực hiện các dự án cấp nước, thoát nước cho các khu công nghiệp, tập trung giải quyết nước sạch nông thôn. Nâng công suất các nhà máy nước trong tỉnh lên từ 200.000-250.000 m3/ngày đến vào năm 2010 đảm bảo tất cả thị trấn, khu du lịch, khu công nghiệp và vùng phụ cận đều có nước máy.

Hoàn thành dự án xử lý nước thải ở thành phố Huế, triển khai dự án xử lý nước thải Lăng Cô - Chân Mây, Phú Bài. Nâng cấp cơ sở xử lý chất thải rắn ở Thuỷ Phương, xây dựng cơ sở xử lý rác thải phục vụ phía bắc thành phố và Khu Công nghiệp: Hương Trà, khu Chân mây; khu du lịch Lăng Cô,...

Xây dựng các công trình: Nhà máy thuỷ điện hồ Tả Trạch, Hữu Trạch, Cổ Bi, đảm bảo đạt công suất phát điện khoảng 150.000 KW. Hoàn thành đường dây lộ kép 220 Kv Hoà Khánh - Huế và khởi công xây dựng tuyến 220 KV Đồng Hới - Huế. Xây dựng các trạm biến áp 110 - 220 KV có dung lượng từ 16 - 125 MVA, sử dụng tối đa các dạng năng lượng gió, mặt trời, xây dựng các trạm phát điện bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

4- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và nhân lực cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp -TTCN

4.1. Về cơ sở hạ tầng

- Xây dựng hoàn chỉnh từng bước cơ sở vật chất kỹ thuật của các khu cụm công nghiệp ở đô thị Chân Mây, Phú Bài, Hương Sơ, Tứ Hạ -Phong Thu và các cụm công nghiệp ở các huyện và thành phố Huế. Chú trọng các hệ thống hạ tầng: điện, nước, bưu điện, xử lý chất thải.

- Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp như vùng cao su 5.000 ha, vùng cà phê A Lưới 4000 ha; mở rộng trồng lạc 5.000 ha, sắn 8.000 ha, dứa 3.000 ha, tôm xuất khẩu 5.000 ha, diện tích rừng trồng 120.000-150.000 ha.

- Hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất công nghiệp -TTCN.

- Tiếp tục xây dựng đường giao thông nối các khu công nghiệp và các khu nguyên liệu, vùng khai khoáng,...

4.2 . Về nhân lực

- Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp - TTCN bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

- Củng cố hệ thống trường chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh; mở một số chuyên ngành kỹ thuật công nghệ ở Đại học Dân lập Phú Xuân, mở rộng (kể cả quy mô và ngành nghề đào tạo) trường Trung học Công nghiệp để từng bước xây dựng thành trường Cao đẳng Công nghiệp. Hoàn chỉnh đầu tư trường dạy nghề Phú Bài, Quảng Điền và tiếp tục xây dựng một số trường dạy nghề khác; phối hợp với các đơn vị Trung ương để mở trường công nghiệp xây dựng, cơ khí dệt may, trường dạy nghề thuỷ sản,...

5. Những giải pháp chủ yếu

- Để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch, cần thực hiện và vận dụng sáng tạo các biện pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Trước mắt hoàn chỉnh sớm chính sách hỗ trợ, hướng dẫn đầu tư vào địa bàn tỉnh, và khu Công nghiệp, chính sách bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, chính sách huy động vốn.

- Căn cứ Quy hoạch công nghiệp -TTCN được phê duyệt, các Sở ban ngành nghiên cứu triển khai các chương trình phát triển, các dự án đầu tư và từng bước đưa dần vào kế hoạch năm năm, kế hoạch hằng năm để thực hiện.

- Tích cực chủ động thu hút đầu tư FDI, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc mở các cơ sở sản xuất của các Tổng Công ty trên địa bàn, đầu tư có trọng điểm để hình thành một số đơn vị sản xuất công Nghiệp -TTCN mũi nhọn của cả 5 thành phần kinh tế.

- Khắc phục các mặt yếu về công tác quản lý đầu tư, tăng cường quản lý về xây dựng cơ bản theo quy hoạch. Hệ thống hoá hệ thống thông tin lưu trữ phục vụ công tác quản lý. Tổ chức tốt sự phối hợp giữa chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đầu tư và xây dựng.

- Sở Công nghiệp -TTCN chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp -TTCN đã đề ra.

- Ban hành sớm chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, xây dựng và phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, các ngành nghề có trình độ công nghệ cao.

- Sở Công nghiệp -TTCN chủ trì phối hợp với UBND các huyện và thành phố xây dựng và triển khai cụm công nghiệp, dự án phát triển ngành nghề phân bổ lại lao động ở nông thôn; phấn đấu tăng tỷ lệ lao động ngành nghề ở nông thôn từ 6% lên 13% tổng số lao động xã hội.

Điều II: Giao trách nhiệm cho sở Công Nghiệp - TTCN có kế hoạch kiểm tra, theo dõi tổng hợp việc thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp của các ngành, các cấp một cách chặt chẽ; thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất để có những điều chỉnh hợp lý kịp thời phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, của vùng và của cả nước. Các sở, ban ngành các cấp có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ sở Công nghiệp- TTCN trong quá trình thực hiện, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch công nghiệp với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế xã hội, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp vùng.

Điều III: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều IV: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công nghiệp -TTCN, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Địa chính, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thuỷ sản, Du lịch, Văn hoá Thông tin, Lao động TB và XH, Điện lực Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều IV;
- Bộ Công nghiệp;
- Thường vụ Tỉnh uỷ ( b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP và các CV;
- Lưu VT.

TM- UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Mễ

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2933/QĐ-UB năm 2002 phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu Thủ Công Nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001 - 2010

  • Số hiệu: 2933/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Mễ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản