Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2931/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI DỌC TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (Tuyến) trên cơ sở phát huy nguồn lực từ các địa phương một cách hợp lý, hiệu quả và khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và nguồn lực.

b) Xác định liên kết, hợp tác giữa các địa phương là một trong những vấn đề then chốt để phát triển công nghiệp và thương mại. Trên cơ sở đó gắn sản xuất với tiêu dùng; phát triển nhanh, bền vững các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương trên Tuyến.

c) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, thương mại gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại Tuyến phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp - thương mại trong cơ cấu kinh tế; tạo công ăn việc làm, giải quyết vấn đề xã hội và nâng cao mức thu nhập bình quân của người dân trong khu vực.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 14,5% - 15,5%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 14,0% - 15,0%/năm.

b) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 17,5% -18,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 18,5% -19,5%.

3. Định hướng phát triển

3.1. Ngành công nghiệp

a) Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất vật liệu xây dựng.

b) Phát triển một số dự án quy mô lớn tại các khu công nghiệp đã được thành lập để hình thành mối liên kết trong sản xuất theo mô hình các công ty vệ tinh, kết hợp với kêu gọi đầu tư các dự án chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị tăng thêm của ngành và gắn sản xuất với vùng nguyên liệu.

3.2. Ngành thương mại

a) Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại một cách hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Trong đó tập trung phát triển hệ thống kho, bãi, chợ đầu mối, chợ bán buôn để liên kết hình thành mạng lưới sản xuất và phân phối hàng hóa một cách đồng bộ.

b) Chú trọng phát triển mạng lưới chợ trung tâm ở các thị xã, thành phố để hình thành không gian thương mại chính của các đô thị và là hạt nhân để hình thành một trục thương mại kết nối các khu vực lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ và bảo đảm sự ổn định chung của thị trường của các địa phương trong Tuyến.

c) Phát triển mạng lưới chợ trung tâm huyện vừa bán buôn vừa bán lẻ, trong đó bán lẻ là chủ yếu, phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu chung của thị trường khu vực. Đồng thời từng bước xây dựng kênh phân phối nhằm đảm bảo cung ứng hàng thuận tiện và chất lượng tốt.

4. Quy hoạch phát triển

4.1. Các ngành công nghiệp

4.1.1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

a) Giai đoạn đến năm 2025

Tập trung khai thác các mỏ, điểm mỏ đang khai thác và các mỏ, điểm mỏ, biểu hiện khoáng sản đã đánh giá cấp trữ lượng. Đồng thời tiếp tục triển khai các dự án khai thác và chế biến sâu một số loại khoáng sản như sắt, đá vôi xi măng, cát thủy tinh.

- Triển khai công tác thăm dò với các mỏ, điểm mỏ và đánh giá cấp trữ lượng nhằm đảm bảo tài nguyên đủ tin cậy cho hoạt động của các dự án khai thác các loại khoáng sản.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

- Từng bước đổi mới công nghệ kết hợp với nâng cao hiệu quả của các dự án khai thác. Đồng thời tăng cường chế biến sâu các loại khoáng sản nhằm nâng cao giá trị tăng thêm của ngành và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến.

- Tiếp tục công tác thăm dò, đánh giá cấp trữ lượng phục vụ cho các dự án khai thác ở các giai đoạn tiếp theo.

4.1.2. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Ưu tiên phát triển chế biến sâu sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao như: chè, cao su, cà phê, gạo, điều và các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương khu vực dọc Tuyến.

- Đầu tư mới một số dự án chế biến nông, lâm sản công suất lớn gắn với vùng nguyên liệu như: chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ; chế biến chè, cà phê; chế biến gạo, thủy sản,.... Đồng thời phát triển mạnh chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án chế biến để khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu từ chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản.

- Tiếp tục lộ trình chuyển giao công nghệ nhằm tăng giá trị tăng thêm và tạo ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp và hợp thị hiếu tiêu dùng. Đồng thời tăng cường xây dựng hình ảnh, thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm.

4.1.3. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Tập trung sản xuất vật liệu xây dựng thông thường như gạch, ngói, tấm lợp, đá xây dựng, ốp lát phân bố ở hầu hết các địa phương phục vụ cho nhu cầu trong khu vực

- Phát triển các cơ sở sản xuất gạch nung với quy mô hợp lý với công nghệ sản xuất hiện đại; các loại gạch có kích thước lớn, độ rỗng nhằm tiến tới thay thế gạch thủ công.

- Từng bước phát triển vật liệu không nung để thay thế vật liệu nung trên cơ sở khai thác nguồn đá mạt nhằm phù hợp với lộ trình chung về tăng cường sản xuất vật liệu không nung của ngành xây dựng.

- Sắp xếp lại các cơ sở nghiền cuội, nghiền cát sỏi và từng bước đầu tư chiều sâu để đồng bộ các dây chuyền nghiền sàng đá, có mức độ cơ giới hóa cao nhằm phát huy hết công suất thiết kế, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường khu vực.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

- Phát triển nhanh vật liệu không nung, kết hợp với sản xuất ngói không nung với màu sắc đa dạng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Đồng thời thu hút đầu tư một số dự án sản xuất vật liệu mới, vách ngăn, vật liệu trang trí, cách âm, cách nhiệt.

- Tiếp tục khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm phát triển hài hòa, bền vững và đáp ứng đủ cho nhu cầu về vật liệu xây dựng trong khu vực.

4.1.4. Công nghiệp cơ khí, luyện kim

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Đầu tư một số dự án gang thép, luyện chì kim loại tại một số khu vực có nguồn nguyên liệu. Đồng thời quan tâm phát triển sản xuất phương tiện đường thủy; sản xuất máy móc phục vụ sản xuất và chế biến nông, lâm sản.

- Phát triển các cơ sở cơ khí nhỏ và dịch vụ sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ nhu cầu tại chỗ.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

- Từng bước phát triển sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành ô tô; sản xuất, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp và phương tiện đường thủy.

- Sản xuất thiết bị phi tiêu chuẩn cỡ nhỏ kết hợp với phát triển sản xuất các dụng cụ cầm tay và các dịch vụ sửa chữa thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải, thiết bị mỏ, máy công trình.

4.1.5. Công nghiệp dệt may, da giầy

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Triển khai một số dự án sản xuất sợi, dệt và may quy mô lớn và vừa tại một số khu vực có lợi thế về vị trí địa lý và lao động nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động trong khu vực.

- Thu hút đầu tư sản xuất giầy thể thao, giầy vải, dép, túi cặp vào một số khu công nghiệp dọc tuyến để khai thác nguồn lao động tại chỗ.

- Khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống về sản xuất các sản phẩm thổ cẩm phục vụ tiêu dùng và du lịch.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

Thu hút đầu tư một số dự án sản xuất sợi, dệt vải, may mặc và sản xuất giầy kết hợp với tập trung duy trì sản xuất; từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

4.1.6. Công nghiệp hóa chất

a) Giai đoạn đến năm 2025

Triển khai một số dự án sản xuất cao su thành phẩm, phân vi sinh. Đồng thời phát triển một số dự án sản xuất nhựa gia dụng và mở rộng nâng công suất một số phân xưởng sản xuất đạm.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư vào một số sản phẩm chế biến cao su thành phẩm, nhựa công nghiệp.

4.1.7. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Phát triển đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương nhằm cung cấp điện đảm bảo chất lượng, liên tục, an toàn, hiệu quả.

- Đối với các dự án thủy điện, triển khai thực hiện theo danh mục kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên cả nước.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

- Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ các hệ thống nguồn điện, lưới điện; đồng bộ hóa hệ thống truyền tải và phân phối tương ứng với các nguồn điện và theo yêu cầu phụ tải.

- Nghiên cứu đầu tư thăm dò, phát triển điện gió, điện mặt trời.

4.2. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại

4.2.1. Hệ thống chợ

a) Giai đoạn đến năm 2025

Xây dựng mới và nâng cấp chợ đầu mối, chợ biên giới và hệ thống chợ hạng I, hạng II và hạng III phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư trên địa bàn, đồng thời là nơi trao đổi, mua bán hàng nông sản thực phẩm.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

Tiếp tục hoàn thành việc xây mới và nâng cấp hệ thống chợ phục vụ bán buôn, bán lẻ tổng hợp làm đầu mối thu gom, phân phối hàng hóa trong khu vực và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

4.2.2. Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị.

a) Giai đoạn đến năm 2025

Phát triển trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị quy mô hạng II và hạng III tại các thị trấn, trung tâm huyện và các cửa khẩu; phát triển một số trung tâm thương mại, siêu thị quy mô hạng I và hạng II tại các thành phố, thị xã.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

Tiếp tục phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt chú trọng phát triển các dự án trong các khu kinh tế cửa khẩu và trung tâm thành phố, thị xã.

4.2.3. Trung tâm trung chuyển và kho vận

a) Giai đoạn đến năm 2025

Xây dựng hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận, từng bước triển khai các dịch vụ theo mô hình của trung tâm logistics phục vụ cho xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ hàng hóa.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

Thu hút đầu tư phát triển hệ thống trung tâm logistics trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển các dịch vụ theo hướng hiện đại mang tính chuyên môn hóa cao.

5. Một số giải pháp chủ yếu

5.1. Giải pháp ngắn hạn

a) Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công, cụm nghiệp và hạ tầng thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển.

b) Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn nhằm đảm bảo cung cầu một cách hợp lý. Đồng thời kết hợp chặt chẽ sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí và gắn sản xuất với cung ứng nguồn nguyên liệu.

c) Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tổ chức phân phối hàng hóa một cách hợp lý và có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, nhằm đáp ứng nhu cầu của lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu vực.

5.2. Giải pháp dài hạn

a) Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng trong đầu tư và trong các hoạt động thương mại.

b) Đổi mới công tác điều phối vùng để phát huy được lợi thế của từng địa phương và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư.

c) Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh chuyển giao và triển khai ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất và các hoạt động thương mại.

d) Khai thác hiệu quả của công tác khuyến công nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của phát triển công nghiệp - thương mại.

đ) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường bình đẳng nhằm thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

c) Tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra kết hợp với xây dựng, sửa đổi cơ chế phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại.

6. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố dọc tuyến đường Hồ Chí Minh

- Phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan, rà soát, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư. Khẩn trương triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

- Xem xét, rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh cho phù hợp.

- Phối hợp xây dựng chương trình chung về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hòa giữa các địa phương dọc Tuyến.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh dọc tuyến đường Hồ Chí Minh;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ;
- Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp;
- Viện Nghiên cứu Thương mại;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU
(Kèm theo Quyết định số 2931/QĐ-BCT, ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Khai thác và chế biến khoáng sản

1

Thăm dò và khai thác quặng sắt

Hòa An, thành phố Cao Bằng, Nguyên Bình, Ngân Sơn, Bạch Thông, Thanh Sơn, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Thanh Chương, Hương Sơn, Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Cam Lộ.

2

Thăm dò và khai thác niken, đồng, titan, thiếc, vàng sa khoáng, chì, kẽm, bazan, sét xi măng, đá vôi, cao lanh, felspat, thạch anh, ...

Hòa An, thành phố Cao Bằng, Bạch Thông, Nguyên Bình, Ngân Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Chương Mỹ, Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Hương Sơn, Hương Khê, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, A Lưới, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh, Hướng Hóa, Phước Sơn, Đa Krông, thành phố Kon Tum

3

Khai thác và chế biến đá, bột đá

Bạch Thông, thị xã Thái Hòa, EaH’Leo, Chư Sê, Đồng Phú, Bình Long

4

Khai thác nước khoáng

Kim Bôi, Lạc Sơn, Nghĩa Đàn, Hương Sơn, Lệ Thủy, Bố Trạch, Cam Lộ, Đa Krông, Hòa Vang

5

Thăm dò mỏ quặng bauxit quy mô lớn và biểu hiện quặng có triển vọng

Đăk Song, Bắc Gia Nghĩa, Phú Riềng

6

Khai thác cát thủy tinh

Các huyện có nguồn nguyên liệu thuộc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế

2. Cơ khí, luyện kim

1

Điện phân chì kẽm, luyện chì kim loại, luyện fero mangan

Chợ Đồn, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới

2

Đóng mới và sửa chữa phương tiện đường thủy

Các huyện trong tuyến thuộc khu vực sông Hậu Giang và sông Tiền Giang

3

Sản xuất, lắp ráp dụng cụ, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông - lâm sản và dịch vụ cơ khí

Các huyện dọc Tuyến

4

Sản xuất thanh nhôm định hình

Các huyện trong Tuyến thuộc: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh, Long An

3. Điện tử, tin học

1

Sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử, điện gia dụng điện, điện lạnh và linh kiện điện tử

Lương Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn,Thạch Thất, Quốc Oai, Hướng Hóa, Hòa Vang, Thủ Thừa, Bàu Bàng, thành phố Cao Lãnh

4. Hóa chất và sản phẩm hóa chất

1

Sơ chế mủ cao su, sản xuất săm lốp các loại và cao su thành phẩm

Các huyện có tiềm năng thuộc: Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh

2

Sản xuất bao bì PP, sản phẩm nhựa cho xây dựng, nhựa gia dụng, sản phẩm composite

Các huyện trong tuyến thuộc: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang

5. Sản xuất vật liệu xây dựng

1

Sản xuất đá ốp lát, đá xây dựng, gạch, ngói, vật liệu cách âm, cách nhiệt, vật liệu chịu lửa

Các huyện dọc Tuyến có nguồn nguyên liệu

2

Sản xuất xi măng

Tiếp tục triển khai theo Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ

3

Sản xuất sứ vệ sinh cao cấp

Thị xã Phú Thọ, thành phố Đồng Hới, Hương Thủy, Bình Long, thành phố Cao Lãnh, thành phố Rạch Giá.

4

Sản xuất vật liệu ván tre, ván ép

Các huyện dọc Tuyến có tiềm năng thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau

6. Chế biến nông, lâm sản, thực phẩm

1

Chế biến thịt, thủy sản, đồ hộp thực phẩm, rau quả

Thành phố Bắc Kạn, Yên Sơn, Đoan Hùng, Hương Sơn, thành phố Đồng Hới, Bố Trạch, Lệ Thủy, Vĩnh Linh, Hòa Vang, Cu Jút, Đắk Mil, Đăk Song, thị xã Gia Nghĩa, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Trảng Bàng, thành phố Cao Lãnh, Giồng Giềng, Tháp Mười, Lấp Vò, Thốt Nốt, Hồng Dân, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển, thành phố Cà Mau

2

Sản xuất thức ăn chăn nuôi

Thành phố Cao Bằng, thành phố Bắc Kạn, thị xã Phú Thọ, Chương Mỹ, Lệ Thủy, Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới, Phong Điền, Phú Bài, Hòa Vang, Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn, Ea H’leo, Đăk Hà, Cư Jút, Trảng Bàng, Đức Hòa, Thủ Thừa, Lấp Vò, Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, Giồng Giềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Hồng Dân, thành phố Cà Mau

3

Chế biến gỗ, ván ép nhân tạo

Bình Nguyên, Hòa An, Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn, Phú Bình, Yên Sơn, Lương Sơn, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quảng Trạch, thành phố Đồng Hới, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Kon tum, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Song, Đăk R’lấp, Đồng Phú, Bình Long, thị xã Đồng Xoài, Gò Dầu, thành phố Cao Lãnh, Lấp Vò, Tháp Mười

4

Sản xuất nước hoa quả

Phú Bài, thành phố Kon Tum, thành phố Buôn Ma Thuột, Bình Long, Giồng Giềng, Hồng Dân, thành phố Cà Mau, Đắk Nông

5

Chế biến cà phê

Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Hướng Hóa, A Lưới, hành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Glei, Chư Sê, thành phố Pleiku, Chư Pắk, Đăk R’lấp, Đăk Mil, Gia Nghĩa, thị xã Đồng Xoài, Đồng Phú, Bù Đăng

6

Sản xuất bánh, kẹo

Đồng Phú, Bàu Bàng, Trảng Bàng, Bến Lức, thành phố Cao Lãnh, thành phố Cà Mau

7

Chế biến gạo

Tháp Mười, Thốt Nốt, Châu Thành, Giồng Giềng, Tân Hiệp, Hồng Dân, thành phố Cà Mau, Năm Căn

7. Dệt may - da giầy

1

Kéo sợi, dệt, nhuộm

Vĩnh Linh, Hương Khê, Hương Trà, Phong Điền, Hòa Vang

2

Sản xuất sản phẩm may

Thành phố Cao Bằng, thị xã Phú Thọ, Lương Sơn, Lạc Thủy, thị xã Sơn Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ, thành phố Đồng Hới, Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, thành phố Kon Tum, thành phố Pleiku, thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Bình Long, thị xã Đồng Xoài, Trảng Bàng, Tân Thạnh, Đại Lộc, Thủ Thừa, Bến Lức, thành phố Cao Lãnh, Tháp Mười, thành phố Rạch Giá, thành phố Cà Mau

3

Sản xuất phụ kiện ngành may

Hương Khê, Hương Trà, Phong Điền và Hòa Vang

4

Sản xuất sản phẩm giầy, dép, cặp, túi,..

Thị xã Sơn Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ, Gio Linh, Phong Điền, Hòa Vang, Dầu Tiếng, Trảng Bàng, Tân Thạch, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức, thành phố Cao Lãnh

5

Thêu thổ cẩm, dệt thủ công và may trang phục truyền thống

Các huyện có làng nghề trong khu vực Tuyến

8. Hệ thống chợ

1

Chợ biên giới

Thực hiện triển khai theo Quyết định số 6077/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 15 tháng 10 năm 2012

2

Chợ đầu mối

Thành phố Cao Bằng, thành phố Bắc Kạn, Bạch Thông, thị xã Sơn Tây, Quốc Oai, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Hòa Vang, thành phố Kon Tum, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk R’Lấp, Chơn Thành, thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, Châu Thành, thành phố Cà Mau

3

Chợ hạng I

- Nâng cấp mở rộng: Hòa An, thành phố Cao Bằng, thành phố Bắc Kạn, Phú Lương, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, Chương Mỹ, Anh Sơn, thị xã Thái Hòa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, A Lưới, Chư Sê, thành phố Kom Tum, thị xã Gia Nghĩa, thị xã Đồng Xoài, Bù Đăng

- Xây mới: thành phố Cao Bằng, thị xã Phú Thọ, Lạc Sơn, Ba Vì, Thanh Chương, Hướng Hóa, Gio Linh, thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, Đăk Mil, Đăk R’Lấp, Gò Dầu

4

Chợ hạng II

- Nâng cấp, mở rộng: Hòa An, thành phố Cao Bằng, Nguyên Bình, Vũ Quang, Hương Sơn, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, A Lưới, Đại Lộc, thành phố Pleiku, EaH’leo, Đồng Phú, Chơn Thành, Dầu Tiếng.

- Xây mới: thành phố Cao Bằng, Như Xuân, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Hương Khê, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Nam Giang, Chư Pắk, Đăk Mil, Krông Nô, Gò Dầu

9. Trung tâm thương mại, siêu thị

1

Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị hạng I

Thị xã Phú Thọ, Tam Nông, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, thành phố Đồng Hới, Lệ Thủy, Hướng Hóa, Nam Giang, thành phố Pleiku

2

Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị hạng II

Tam Nông, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Thanh Ba, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Thọ Xuân, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thành phố Đồng Hới, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Pleiku, Chư Sê, Chư Păh, thành phố Kon Tum, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Mil, Đăk R’Lấp, thị xã Đồng Xoài, Trảng Bàng, Bến Lức, thành phố Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, thành phố Sa Đéc, thành phố Rạch Giá

3

Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị hạng III

- Nâng cấp: thành phố Bắc Kạn, Hướng Hóa

- Xây mới: Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì, Ba Bể, Yên Sơn, Thanh Ba, Thạch Thất, Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Thọ Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Hải Lăng, Đakrông, Triệu Phong, A Lưới, Hòa Vang, Đại Lộc, Nam Giang, Đăk Glei, thị xã Buôn Hồ, Krông Búk, EaH’Leo, Đăk Mil, Đăk R'Lấp, Đăk Song, Krông Nô, Cư Jút, thị xã Đồng Xoài, Bù Đăng, Đồng Phú, Trảng Bàng, Gò Dầu, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Giềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận

10. Hệ thống trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, kho bãi

1

Trung tâm logistics

Chương Mỹ, Gio Linh, Hải Lăng, Nam Giang, Ngọc Hồi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk R’Lấp, Chơn Thành, Bến Lức, thành phố Cao Lãnh

2

Trung tâm Hội chợ triển lãm

Thành phố Pleiku, thành phố Buôn Ma Thuột

3

Kho tập kết hàng hóa, kho vật tư, ngoại quan

Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, thành phố Đồng Hới, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Gio Linh, Hướng Hóa, ĐaKrông, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum, Chư Sê, Ea H’Leo, Krông Buk, Thủ Thừa, Đức Hòa, Gò Quao, thành phố Cà Mau, Cái Ước, Ngọc Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2931/QĐ-BCT năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 2931/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/07/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản