Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 293/2003/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẠI HỘI ĐỒNG XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP KHI CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH HỘI ĐỒNG XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ KHI CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ; và Pháp lệnh giá có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2002 ;
Căn cứ Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần ; Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 1999 và Nghị định số 49/2002/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước ; và Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp tại Công văn số 2745/TCVG-HĐXĐGTDN ngày 30 tháng 9 năm 2003, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố tại Tờ trình số 334/ĐMDN ngày 30 tháng 9 năm 2003 ; và Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố tại tờ trình số 130/TCCQ ngày 14 tháng 10 năm 2003 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay tổ chức lại Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần theo Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ (được thành lập theo Quyết định số 5327/QĐ-UB ngày 23 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố) thành Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước thành phố khi chuyển đổi sở hữu (gọi tắt là Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố).

Điều 2.- Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố có các thành viên sau đây :

1. Chủ tịch Hội đồng : Ông Đinh Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố.

2. Các Ủy viên Hội đồng :

2.1. Bà Hoàng Thị Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố ;

2.2. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ;

2.3. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ;

2.4. Ông Trương Minh Tâm, chuyên viên chính, đại diện bộ phận Thường trực Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố ;

2.5. Đại diện có thẩm quyền là cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu (Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Tổng Công ty thành phố) ;

2.6. Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu.

3. Căn cứ yêu cầu cụ thể liên quan đến thực trạng của doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu ; Hội đồng được mời tổ chức có chức năng định giá hoặc chuyên gia kỹ thuật-kinh tế-tài chính tham gia đánh giá chất lượng và xác định giá trị thực tế của từng loại tài sản thuộc doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu.

4. Giúp việc cho Hội đồng có Tổ nghiệp vụ, gồm các chuyên viên có kinh nghiệm nghiệp vụ do cơ quan là thành viên ổn định của Hội đồng đề cử, Chủ tịch Hội đồng quyết định công nhận và phân công nhiệm vụ.

Điều 3.- Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố được sử dụng con dấu của Sở Tài chính trong các văn bản báo cáo, văn bản yêu cầu và biên bản thẩm định có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng.

Mức chi kinh phí hoạt động của Hội đồng được chấp thuận là 3.000.000đ/hồ sơ xác định giá trị của 01 doanh nghiệp.

Điều 4.- Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước tổ chức thực thi chức năng, nhiệm vụ theo các nội dung, quy trình, quy định hiện hành có liên quan của Nhà nước và Quy chế tổ chức-hoạt động được ban hành kèm theo quyết định này của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5327/QĐ-UB ngày 23 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ.

Điều 6.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Chi cục Trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty thành phố, Giám đốc Sở-ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố, các Ủy viên Hội đồng và Tổ nghiệp vụ của Hội đồng có trách nhiệm thi hành Quyết định này.-

 


Nơi nhận :
- Như điều 6
- Ban ĐM&PTDN.TW (để b/c)
- Bộ Tài chính
- TT/TU, TT.HĐND, TT/UB
- Ban TC/TU, Ban TTVH/TU
- NHNN CN/TP, KBNN CN/TP  
- VPHĐ-UB : Các PVP
- Tổ CNN
- Lưu (CNN-K)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH






Mai Quốc Bình

 

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ KHI CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 293/2003/QĐ-UB ngày 12/12/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 1.- Các căn cứ làm cơ sở thực thi nhiệm vụ :

1. Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần ; Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp ; Nghị định số 49/2002/NĐ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp và các văn bản liên quan khác của Bộ-ngành, Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Hồ sơ để xác định giá trị doanh nghiệp của Ban Đổi mới quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu.

3. Hồ sơ thẩm định giá trị doanh nghiệp Nhà nước của Tổ nghiệp vụ, của các Công ty tư vấn có liên quan (nếu có-theo đề nghị của Hội đồng) ; hoặc hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước của các Công ty kiểm toán, tổ chức có chức năng định giá khi cần thiết.

Điều 2.- Chức năng :

1. Xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước thành phố thực hiện cổ phần hóa ;

2. Xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước thành phố giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê doanh nghiệp ; hoặc thẩm định kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của các Công ty kiểm toán, tổ chức có chức năng định giá theo Ủy nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 3 .- Nhiệm vụ :

1. Công khai phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu xác định giá trị doanh nghiệp theo trình tự thủ tục hồ sơ hợp lý và quy trình thống nhất.

2. Xem xét kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của Ban Đổi mới quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước, kết quả thẩm định của các Tổ nghiệp vụ hoặc kết quả xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước của các Công ty kiểm toán, tổ chức có chức năng định giá.

3. Tổ chức họp Hội đồng theo nguyên tắc quy định. Kết quả phiên họp được thể hiện thông qua hình thức biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham dự thông qua Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp của Hội đồng phải hoàn thành trong 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp gửi theo hướng dẫn của Hội đồng (có biên bản đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng). Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, cần có sự giám định của các cơ quan hoặc tổ chức chuyên môn, được gia hạn thời gian thêm tối đa là 07 ngày làm việc.

Điều 4.- Quyền hạn :

1. Được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình các vấn đề liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước của Ban Đổi mới quản lý tại doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu.

2. Tùy vào thực trạng doanh nghiệp và yêu cầu cụ thể, Hội đồng có thể mời hoặc yêu cầu doanh nghiệp mời các tổ chức hoặc các chuyên viên kỹ thuật, kinh tế tài chính trong và ngoài doanh nghiệp cần thiết cho việc đánh giá chất lượng và xác định giá trị thực tế của từng loại tài sản. Chi phí do đơn vị mời chi trả từ nguồn kinh phí sắp xếp doanh nghiệp.

3. Khi cần thiết, Hội đồng được quyền huy động một số cán bộ, công chức của Chi cục Tài chính doanh nghiệp và của các phòng, ban có liên quan thuộc Sở Tài chính tham gia giúp việc có thời hạn cho Hội đồng theo yêu cầu.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 5.- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng :

1. Tập trung, dân chủ.

2. Khách quan.

3. Đảm bảo chế độ lưu trữ, bảo mật theo quy định.

4. Các thành viên Hội đồng được bảo lưu ý kiến theo chức năng quản lý Nhà nước của ngành khi chưa thống nhất trong Hội đồng về nội dung xác định giá trị doanh nghiệp.

Điều 6.- Chế độ làm việc của Hội đồng :

1. Hội đồng làm việc bằng hình thức họp các thành viên, theo nguyên tắc nêu tại Điều 5.

2. Lịch họp của Hội đồng được duy trì ổn định hàng tuần. Ngoài ra, do yêu cầu công tác, Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập các thành viên họp đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ. Các cuộc họp của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng triệu tập bằng thư mời (kèm tài liệu) đến từng thành viên.

3. Trường hợp thành viên Hội đồng vắng mặt, phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng và cử người thay thế. Mọi vấn đề quyết định trong cuộc họp được xem như là sự nhất trí của thành viên vắng mặt và phải chịu trách nhiệm về nội dung có liên quan tại cuộc họp trừ trường hợp người được cử có ý kiến khác.

4. Phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 5/7 số thành viên tham dự mới hợp lệ. Kết quả làm việc của Hội đồng được biểu quyết thông qua từng nội dung. Trường hợp ý kiến nhất trí và không nhất trí bằng nhau, bên có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng được xem là ý kiến quyết định. Thành viên chưa thống nhất ý kiến có quyền bảo lưu trong biên bản.

5. Trước khi họp, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ do Hội đồng gửi kèm thư mời. Hồ sơ và thư mời phải gửi đến các thành viên dự họp ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày họp.

6. Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng ; tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và biểu quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng.

Chương 3:

TỔ CHỨC NHÂN SỰ THÀNH VIÊN CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 7. Nhân sự thành viên của Hội đồng :

1. Hội đồng được tổ chức lại theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố. Mọi điều chỉnh, thay đổi hoặc bổ sung nhân sự của Hội đồng do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thông qua Sở Nội Vụ.

2. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trường hợp có thành viên được điều chuyển hoặc do nhu cầu thay đổi công tác, cơ quan cử thành viên tham gia Hội đồng phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố thay thế thành viên khác theo đúng thành phần đã quy định.

3. Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng :

Căn cứ Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ; Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ; Nghị định số 49/2002/NĐ-CP và các văn bản liên quan của các Bộ ngành của Ủy ban nhân dân thành phố, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm :

3.1. Chủ tịch Hội đồng do Phó Giám đốc Sở Tài chính đảm trách và chịu trách nhiệm chung về tổ chức điều hành hoạt động của Hội đồng như :

a) Quyết định kế hoạch, chương trình công tác của Hội đồng.

b) Phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo quy trình thống nhất.

c) Chủ tịch các phiên họp của Hội đồng ; thông qua các nội dung được Hội đồng xem xét, thảo luận và biểu quết thông qua Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố, trình Ủy ban nhân dân thành phố kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và các đề xuất.

d) Trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc Tổ nghiệp vụ hoàn thành nhiệm vụ đúng yêu cầu, tiến độ và kế hoạch được giao.

đ) Trả lời các đơn vị về những vấn đề liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu.

3.2. Thành viên Hội đồng :

a) Tham gia đầy đủ các cuộc họp theo sự triệu tập của Chủ tịch Hội đồng.

b) Chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nghiệp vụ, pháp lý của ngành trong việc xác định giá trị doanh nghiệp.

c) Có trách nhiệm xem xét, thảo luận và biểu quyết các nội dung xác định giá trị doanh nghiệp (kể cả những vấn đề liên quan đến ngành của thành viên và những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng).

d) Có trách nhiệm đôn đốc các chuyên viên thuộc cơ quan thành viên tham gia Tổ nghiệp vụ hoàn thành chức trách được giao.

đ) Có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ khác của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng phân công khi cần thiết.

Điều 8.- Kinh phí hoạt động của Hội đồng :

1. Hội đồng được hưởng kinh phí cấp của Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.

2. Kinh phí được sử dụng cho các hoạt động của Hội đồng theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm lập dự toán, điều hành các khoản chi và thực hiện quyết toán kinh phí của Hội đồng theo chế độ quy định của Nhà nước.

Chương 4:

TỔ NGHIỆP VỤ CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 9. Tổ chức của Tổ nghiệp vụ :

Tổ nghiệp vụ do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập, có chức năng giúp việc cho Hội đồng thông qua các yêu cầu nguyên tắc nghiệp vụ cần thiết.

Thành phần Tổ nghiệp vụ thuộc đại diện các cơ quan sau :

1. Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố, trực thuộc Sở Tài chính.

2. Ban Vật giá, thuộc Sở Tài chính.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Sở Xây dựng.

5. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.

6. Cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu : Sở-ban-ngành, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Tổng Công ty thành phố (không cố định).

7. Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu (không cố định).

Điều 10.- Chế độ làm việc của Tổ nghiệp vụ :

1. Làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Tổ trưởng (thuộc thành viên đại diện Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố) chịu trách nhiệm điều hành hoạt động và các công việc nghiệp vụ của Tổ, báo cáo kết quả thẩm tra giá trị doanh nghiệp cho Hội đồng theo tiến độ quy định chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ xác định giá trị của doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu.

3. Các thành viên của Tổ nghiệp vụ chịu trách nhiệm về nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực chuyên môn và các công việc được Tổ trưởng giao.

Điều 11.- Nhiệm vụ cụ thể của Tổ nghiệp vụ :

1. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định thì thảo công văn trình Chủ tịch Hội đồng gửi trả doanh nghiệp. Nội dung công văn nêu rõ những vấn đề doanh nghiệp cần điều chỉnh hoặc tài liệu cần bổ sung.

2. Thẩm định việc xác định giá trị doanh nghiệp của Ban Đổi mới quản lý tại doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu :

a) Kết quả kiểm kê, phân loại tài sản, chứng từ và các văn bản có liên quan đến việc kiểm kê, phân loại tài sản.

b) Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, chứng từ và văn bản có liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp như :

- Biên bản đối chiếu, xử lý công nợ ;

- Hợp đồng liên doanh, liên kết, giấy phép và các tài liệu liên quan đến đầu tư tài chính (nếu có) ;

- Cơ sở pháp lý của các tài sản ;

- Cơ sở xác định tỷ lệ còn lại của tài sản …

3. Lập biên bản thẩm định về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp kèm ý kiến đề xuất giải quyết các vấn đề tồn tại ; có đầy đủ chữ ký của các thành viên Tổ nghiệp vụ. Trường hợp thành viên Tổ nghiệp vụ chưa thống nhất ý kiến, có quyền bảo lưu trong biên bản.

4. Thành viên Tổ nghiệp vụ có trách nhiệm báo cáo kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp cho thành viên Hội đồng là đại diện của cơ quan cử chuyên viên tham gia Tổ nghiệp vụ trước khi Hội đồng họp, chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản thẩm định về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp.

5. Tổ nghiệp vụ phải hoàn thành việc thẩm định giá trị doanh nghiệp trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định công khai. Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, cần có sự giám định của các cơ quan hoặc tổ chức chuyên môn, được gia hạn thêm tối đa là 07 ngày làm việc.

6. Báo cáo, thuyết minh kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong phiên họp Hội đồng.

7. Lập xong biên bản họp xác định giá trị doanh nghiệp của Hội đồng, chuyển các thành viên Hội đồng ký tên, chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng.

Điều 12.- Quyền hạn của Tổ nghiệp vụ :

Được quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp 01 lần đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thẩm định giá trị doanh nghiệp như :

1. Kết quả kiểm kê, phân loại tài sản của doanh nghiệp.

2. Toàn bộ chứng từ và các văn bản liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp.

Chương 5:

CHẾ ĐỘ LƯU TRỮ HỒ SƠ

Điều 13.- Nơi lưu trữ hồ sơ :

Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu của Hội đồng được lưu trữ tại các cơ quan là thành viên tham gia Hội đồng :

1. Sở Tài chính (tổng hợp lưu trữ đầu mối)

2. Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Sở Xây dựng.

5. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.

6. Cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu : Sở-ban-ngành, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Tổng Công ty thành phố (lưu trữ theo công việc liên quan cụ thể của doanh nghiệp trực thuộc).

7. Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu (lưu trữ của doanh nghiệp).

Điều 14.- Chế độ lưu trữ hồ sơ :

Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tổ chức cập nhật, lưu trữ hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của Hội đồng tại cơ quan thành viên theo chế độ quy định của Nhà nước.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15.- Các thành viên Hội đồng, Tổ nghiệp vụ giúp việc cho Hội đồng và các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung của Quy chế này.

Điều 16.- Mọi điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chế này do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thông qua Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố và Giám đốc Sở Nội Vụ.

Điều 17.- Các từ ngữ trong Quy chế này không được giải thích trái với các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 293/2003/QĐ-UB về việc tổ chức lại Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thành Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước thành phố khi chuyển đổi sở hữu do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 293/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/12/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Mai Quốc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản