Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 292/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 14 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ VÀ BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10/TTr-SNN ngày 19 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn hại lúa năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch được ban hành tại Điều 1; đồng thời theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố Bạc Liêu; các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục, KH&CN;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VP, (Trạng 06).

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thiều

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ VÀ BỆNH ĐẠO ÔN TRÊN LÚA NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẢN XUẤT VÀ PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ VÀ BỆNH ĐẠO ÔN TRÊN CÁC TRÀ LÚA NĂM 2022

1. Kết quả sản xuất lúa:

Tổng diện tích canh tác năm 2022 là 102.357 ha, đạt 100,02% kế hoạch và tăng 2,13% so với cùng kỳ; diện tích gieo trồng (DTGT) 188.931 ha, đạt 98,28% kế hoạch và giảm 1,09% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lúa đạt 1.192.958 tấn, đạt 97,38% kế hoạch và giảm 2,73% so với cùng kỳ, chia ra các trà lúa như sau:

- Lúa vụ Mùa 2021 - 2022: Diện tích xuống giống là 41.541 ha, năng suất bình quân 6,07 tấn/ha; sản lượng đạt 252.037 tấn, đạt 100,57% kế hoạch và tăng 5,05% so với cùng kỳ. Kết quả điều tra cơ cấu giống: Nhóm giống lúa chất lượng cao 39.075 ha (chiếm 94,06% DTGT); trong đó giống lúa đặc sản (Một bụi đỏ) 17.596 ha (chiếm 42,36% DTGT); giống lúa thơm (ST24, ST25, Đài Thơm 8,) 13.016 ha (chiếm 31,33% DTGT); giống lúa thơm nhẹ và không thơm (OM 5451, OM 18, OM 2517, VNR-20) 8.463 ha (chiếm 20,37 % DTGT); nhóm giống có chất lượng trung bình, thấp (B-TE1, HR 182, lúa tím,...) 2.466 ha (chiếm 5,94 %) DTGT). Diện tích sử dụng giống cấp xác nhận 30.219 ha (chiếm 72,74 % DTGT); diện tích giảm lượng giống gieo sạ từ 80 đến <100 kg/ha 38.612 ha (chiếm 92,95 % DTGT), từ 100 - 150 kg/ha 2.929 ha (chiếm 7,05 % DTGT).

Kết quả điều tra giá thành sản xuất bình quân 3.744 đồng/kg lúa khô, lợi nhuận 16,60 triệu đồng/ha, tỷ lệ lợi nhuận so với tổng doanh thu 47,09% và so với tổng chi phí sản xuất lúa 89,00%.

- Lúa Đông Xuân 2021 - 2022: Diện tích xuống giống là 48.230 ha, năng suất bình quân 7,57 tấn/ha; sản lượng 364.920 tấn, đạt 99,30% kế hoạch và giảm 3,21% so với cùng kỳ. Kết quả điều tra cơ cấu giống: Nhóm giống lúa chất lượng cao 46.503 ha (chiếm 96,42% DTGT), trong đó giống thơm (ST24, ST25, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, RVT) 34.621 ha (chiếm 71,78% DTGT), giống lúa thơm nhẹ hoặc không thơm (OM 5451, OM 18, OM 2517, Hương Châu 6) 11.882 ha (chiếm 24,64% DTGT); nhóm giống chất lượng trung bình và thấp (IR50404) 430 ha (chiếm 0,89% DTGT); nhóm giống khác (BLR 413, lúa tím, Hương Cửu Long) 1.297 ha (chiếm 2,69% DTGT). Diện tích sử dụng giống cấp xác nhận 37.020 ha (chiếm 76,76% DTGT). Diện tích giảm lượng giống gieo sạ từ 80 đến <100 kg/ha 6.762 ha (chiếm 14,02% DTGT), từ 100 - 150 kg/ha 32.203 ha (chiếm 66,77% DTGT), trên 150 kg/ha 9.265 ha (chiếm 19,21% DTGT).

Kết quả điều tra giá thành sản xuất bình quân 4.651 đồng/kg lúa khô, lợi nhuận 13,36 triệu đồng/ha, tỷ lệ lợi nhuận so với tổng doanh thu 30,68% và so với tổng chi phí sản xuất 44,26%.

- Lúa Hè Thu 2022: Diện tích xuống giống là 58.910 ha, năng suất bình quân 5,61 tấn/ha; sản lượng 330.579 tấn, đạt 96,10% kế hoạch và giảm 3,81% so với cùng kỳ. Kết quả điều tra cơ cấu giống: Nhóm giống lúa chất lượng cao 57.923 ha (chiếm 98,32% DTGT), trong đó giống lúa thơm (ST24, ST25, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, RVT) 27.433 ha (chiếm 46,57% DTGT), giống lúa thơm nhẹ và không thơm (OM 5451, OM 18, OM 2517, Hương Châu 6) 30.490 ha (chiếm 51,76% diện tích); nhóm giống chất lượng trung bình và thấp (OM1490, IR50404) 263 ha (chiếm 0,45% DTGT); nhóm giống khác (BLR 143, Đài Phát 3,...) 724 ha (chiếm 1,22%) DTGT). Diện tích sử dụng giống xác nhận 30.224 tấn (chiếm 51,31% diện tích); diện tích giảm lượng giống gieo sạ từ 80 đến <100 kg/ha 7.561 ha (chiếm 12,84% diện tích), từ 100 - 150 kg/ha 40.874 ha (chiếm 69,38% diện tích), trên 150 kg/ha 10.475 ha (chiếm 17,78% diện tích).

Kết quả điều tra giá thành sản xuất bình quân 5.103 đồng/kg lúa khô, lợi nhuận 7,87 triệu đồng/ha, tỷ lệ lợi nhuận so với tổng doanh thu 22,59% và so với tổng chi phí sản xuất 29,18%.

- Lúa Thu Đông (cao sản + lấp vụ Hè Thu): Diện tích xuống giống là 40.250 ha, đạt 90,84% kế hoạch và giảm 8,36% so với cùng kỳ; năng suất bình quân 6,10 tấn/ha; sản lượng 245.422 tấn, đạt 93,35% kế hoạch và giảm 7,69% so với cùng kỳ, trong đó:

+ Lúa cao sản: Diện tích xuống giống là 1.906 ha, đạt 101,33% kế hoạch và tương đương so với cùng kỳ; năng suất bình quân 5,75 tấn/ha; sản lượng 10.950 tấn, đạt 101,39% kế hoạch và tăng 0,46% so với cùng kỳ.

+ Lúa lấp vụ Hè Thu: Diện tích xuống giống 38.344 ha, đạt 90,37% kế hoạch và giảm 8,74% cùng kỳ; năng suất bình quân ước đạt 6,11 tấn/ha; sản lượng 234.472 tấn , đạt 93,01% kế hoạch và giảm 8,03% cùng kỳ.

+ Kết quả điều tra cơ cấu giống: Nhóm giống lúa chất lượng cao 38.046 ha (chiếm 94,52% DTGT); trong đó: Nhóm lúa đặc sản địa phương (Tài nguyên) 3.343 ha (chiếm 8,31% DTGT); nhóm giống lúa thơm (Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, ST24, ST25, RVT) 28.859 ha (chiếm 71,70% DTGT), nhóm giống lúa thơm nhẹ và không thơm (OM18, OM2517, Hương Châu 6, OM5451) 5.844 ha (chiếm 14,52% DTGT); nhóm có chất lượng trung bình và thấp (IR 42, Bảy Hóa, IR50404) 1.914 ha (chiếm 4,76%) DTGT); nhóm giống lúa khác (BLR 143, Đài Phát 3,...) 290 ha (chiếm 0,72% DTGT). Diện tích sử dụng giống cấp xác nhận 18.004 ha (chiếm 44,73% DTGT). Diện tích giảm lượng giống gieo sạ từ 80 đến <100 kg/ha 6.643 ha (chiếm 16,50% DTGT); từ 100 - 150 kg/ha 22.811 ha (chiếm 56,67 %, DTGT); >150 kg/ha 10.796 ha (chiếm 26,82% DTGT).

2. Tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn:

2.1 Rầy nâu: Phát sinh và gây hại cả 03 vụ trong năm, diện tích nhiễm 9.017 ha, diện tích nhiễm cần trừ 5.375 ha, diện tích đã trừ 5.375 ha. Tình hình phát sinh gây hại trên từng mùa vụ sản xuất cụ thể như sau:

2.1.1. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022:

Rầy nâu phát sinh 03 đợt, tổng diện tích nhiễm 4.721 ha, diện tích cần trừ 3.241 ha, diện tích đã trừ 3.241 ha, cụ thể như sau:

- Đợt 1: Rầy nâu nở tháng 02 năm 2022, diện tích nhiễm nhẹ 1.000 ha.

- Đợt 2: Rầy nâu nở tháng 3 năm 2022, diện tích nhiễm 2.500 ha, diện tích cần trừ 2.200 ha, diện tích đã trừ 2.200 ha.

- Đợt 3: Rầy nâu nở tháng 4 năm 2022, diện tích nhiễm 1.221 ha, diện tích cần trừ 1.041 ha, diện tích đã trừ 1.041 ha.

2.1.2. Vụ Hè Thu 2022:

Rầy nâu phát sinh 02 đợt, tổng diện tích nhiễm 1.354 ha, diện tích cần trừ 734 ha; diện tích đã trừ 734 ha, cụ thể như sau:

- Đợt 1: Rầy nâu nở tháng 7 năm 2022, diện tích nhiễm 500 ha, diện tích cần trừ 200 ha, diện tích đã trừ 200 ha.

- Đợt 2: Rầy nâu nở tháng 8 năm 2022, diện tích nhiễm 854 ha, diện tích cần trừ 534 ha, diện tích đã trừ 534 ha.

2.1.3. Thu Đông và vụ Mùa:

Rầy nâu phát sinh 03 đợt, tổng diện tích nhiễm 2.942 ha, diện tích cần trừ 1.400 ha, diện tích đã trừ 1.400 ha, cụ thể như sau:

- Đợt 1: Rầy nâu phát sinh nở tháng 10 năm 2022, diện tích nhiễm nhẹ 100 ha.

- Đợt 2: Rầy nâu phát sinh nở tháng 11 năm 2022, diện tích nhiễm 560 ha, diện tích cần trừ 120 ha, diện tích đã trừ 120 ha.

- Đợt 3: Rầy nâu phát sinh nở tháng 12 năm 2022, diện tích nhiễm 2.282 ha, diện tích cần trừ 1.280 ha, diện tích đã trừ 1.280 ha.

2.2. Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá:

Năm 2022, thực hiện tốt công tác xây dựng lịch thời vụ, hướng dẫn nông dân phòng trừ tốt rầy nâu nên không có diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại lúa.

Hiện nay, lúa Đông Xuân 2022 - 2023 đã xuống giống nhưng không đồng loạt, rầy nâu vẫn có khả năng truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, có nguy cơ phát tán lây lan do rầy nâu chích hút cây lúa mang mầm bệnh di chuyển sang truyền bệnh cho các ruộng lúa xung quanh và các vụ mùa tới.

2.3. Bệnh đạo ôn: Tổng diện tích nhiễm là 59.200 ha gieo trồng, diện tích cần trừ 53.130 ha; đã phòng trừ 53.130 ha, tình hình phát sinh gây hại cụ thể như sau:

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 12.140 ha, diện tích cần trừ 6.130 ha, diện tích đã trừ 6.130 ha.

- Bệnh đạo ôn bông: Diện tích nhiễm 47.060 ha, diện tích cần trừ 47.000 ha, diện tích đã trừ 47.000 ha.

2.3.1. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022:

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm là 4.580 ha, diện tích cần trừ 2.500 ha, diện tích đã trừ 2.500 ha.

- Bệnh đạo ôn bông: Diện tích nhiễm 10.280 ha, diện tích cần trừ 10.280 ha, diện tích đã trừ 10.280 ha.

2.3.2. Vụ Hè Thu 2022:

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 5.750 ha, diện tích cần trừ 2.730 ha, diện tích đã trừ 2.730 ha.

- Bệnh đạo ôn bông: Diện tích nhiễm 23.600 ha, diện tích cần trừ 23.600 ha, diện tích đã trừ 23.600 ha.

2.3.3. Thu Đông và vụ Mùa:

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 1.810 ha, diện tích cần trừ 900 ha, diện tích đã trừ 900 ha.

- Bệnh đạo ôn bông: Diện tích nhiễm 13.180 ha, diện tích cần trừ 13.120 ha, diện tích đã trừ 13.120 ha.

3. Công tác tổ chức chỉ đạo và hỗ trợ dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn:

3.1. Củng cố Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo) các cấp:

- Công tác chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và đạo ôn trên lúa được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đã thường xuyên kiểm tra và có những văn bản hướng dẫn chỉ đạo kịp thời.

- Ban Chỉ đạo tiếp tục được duy trì từ tỉnh đến cơ sở để hỗ trợ dập dịch những nơi có mật số rầy, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và tỷ lệ bệnh đạo ôn cao.

- Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố định kỳ tổ chức họp giao ban hàng tuần để kịp nắm tình hình và có kế hoạch phân công cán bộ kỹ thuật xuống tận địa bàn kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho nông dân.

- Thông báo, làm việc với các huyện, thị xã, thành phố về thời điểm rầy nở, công tác tổ chức phòng trừ trước khi rầy nâu nở rộ trên đồng ruộng.

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo và làm việc với các huyện, thị xã, thành phố về thời điểm rầy nở, công tác tổ chức phòng trừ trước khi rầy nâu nở rộ trên đồng ruộng, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Giá Rai, thành phố Bạc Liêu, các xã, phường, thị trấn theo dõi tình hình diễn biến rầy nâu, khoanh vùng, xác định thời điểm phòng trừ có hiệu quả, tổ chức vận động nông dân ra quân phòng trừ rầy nâu đồng loạt trên diện rộng.

3.2. Thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) phối hợp với các Cơ quan như Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn hại lúa.

- Thông báo trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh 04 thông báo khẩn, 03 thông báo lịch xuống giống né rầy, thực hiện 03 phóng sự về tình hình diễn biến rầy nâu và hướng dẫn cách phòng trừ; thông tin tình hình rầy nâu trên Báo Bạc Liêu, trên Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn để nông dân biết chủ động phòng trừ kịp thời có hiệu quả. Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn phát động nông dân phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại khác như: Rầy phấn trắng, sâu đục thân, muỗi hành, bệnh đạo ôn, chuột,...

- Lồng ghép với các mô hình khuyến nông, chương trình IPM, chương trình xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết và tiêu thụ lúa hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn 81 lớp, có 2.553 nông dân tham dự.

3.3. Công tác dự tính, dự báo và chỉ đạo xuống giống “né rầy”:

- Duy trì hoạt động 2 bẫy đèn trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, huyện Phước Long và lắp đặt 01 bẫy đèn giám sát côn trùng thông minh; thường xuyên kiểm tra diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên đồng ruộng, làm tốt công tác hướng dẫn phòng trừ và dự tính, dự báo thời điểm rầy nở rộ, bệnh phát sinh để thông báo cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phòng trừ đồng loạt có hiệu quả; các đợt rây nâu và bệnh đạo ôn đã được thông báo trước từ 10 ngày đến 15 ngày và đã thông báo 6 kỳ trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trước 07 ngày.

- Tổng diện tích xuống giống “né rầy” là 154.000 ha (vụ Mùa 25.000 ha, vụ Đông Xuân 44.000 ha, vụ Hè Thu 53.000 ha và vụ Thu Đông 32.000 ha đạt kết quả rất tốt.

3.4. Thực hiện chính sách hỗ trợ phòng trừ dập dịch rầy nâu, bệnh đạo ôn: Trong năm 2022, thực hiện phát động phong trào ra quân dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã và thành phố tỉnh Bạc Liêu (không hỗ trợ thuốc phòng trừ dập dịch).

4. Đánh giá kết quả thực hiện:

4.1. Thuận lợi:

- Có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời của Trung ương và của tỉnh về phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; huy động được nguồn lực và cả hệ thống chính trị cùng tham gia đã tạo thuận lợi cho công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn trên địa bàn tỉnh.

- Ban Chỉ đạo tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố họp báo giao ban định kỳ để rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp tổ chức chỉ đạo phòng trừ cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố và cơ sở; giúp các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở chủ động triển khai công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn có hiệu quả.

- Vai trò tích cực vận động nông dân của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của cán bộ các Ban, Ngành, Đoàn thể có liên quan, của đoàn viên, hội viên các Đoàn thể, các đội xung kích và nhất là vai trò tích cực lao động sản xuất, phòng chống dịch bệnh của nông dân đã đem lại hiệu quả cao trong việc phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa.

4.2. Hiệu quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ dập dịch:

- Góp phần ổn định đời sống Nhân dân vùng sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và cung cấp một lượng lớn lúa gạo hàng hóa chất lượng cao để xuất khẩu.

- Góp phần hạn chế về ô nhiễm môi trường do nông dân sử dụng thuốc theo phương pháp “4 đúng”.

4.3. Khó khăn, tồn tại:

- Một bộ phận nông dân còn chủ quan trong việc phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn.

- Trên đồng ruộng có nhiều trà lúa ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau, rầy nâu du nhập từ nơi khác đến, phát sinh trên lúa ở giai đoạn đòng trổ, có nhiều lứa rầy phụ xen kẽ và do nông dân phun xịt thuốc chưa đúng kỹ thuật nên có một số diện tích phải phun xịt lại 02 - 03 lần rất tốn kém.

- Các giống lúa hiện nay bà con nông dân canh tác qua nhiều vụ đã bị nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn và cháy bìa lá gây khó khăn trong sản xuất.

- Lực lượng cán bộ kỹ thuật còn thiếu, nên gặp nhiều khó khăn trong việc phân công bám sát địa bàn.

II. KẾ HOẠCH PHÒNG TRỪ RẦY NÂU, BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ VÀ BỆNH ĐẠO ÔN TRÊN LÚA NĂM 2023

1. Căn cứ pháp lý:

- Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013.

- Căn cứ Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

- Dựa trên cơ sở kết quả sản xuất, công tác phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa năm 2022 và nhận định tình hình khí tượng thủy văn, tình hình dịch bệnh hại lúa năm 2023.

2. Kế hoạch sản xuất lúa năm 2023:

Diện tích canh tác là 107.170 ha, tăng 4,70% so với cùng kỳ; diện tích gieo trồng là 191.372 ha, tăng 1,29% so với cùng kỳ; sản lượng là 1.200.000 tấn, tăng 0,59% so với cùng kỳ, chia theo các trà lúa:

- Lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023: Diện tích là 42.925 ha, giảm 11,00% so với cùng kỳ; sản lượng 329.000 tấn, giảm 9,84% so với cùng kỳ;

- Lúa vụ Hè Thu 2023: Diện tích là 58.802 ha, giảm 0,18% so với cùng kỳ; sản lượng lúa 330.700 tấn, tăng 0,94% so với cùng kỳ.

- Lúa vụ Thu Đông và lúa vụ Mùa:

+ Lúa vụ Thu Đông: Diện tích là 43.156 ha (trong đó lúa cao sản 1.879 ha, lúa lấp vụ Hè Thu 41.277 ha), tăng 7,22% so với cùng kỳ; sản lượng 260.700 tấn (trong đó lúa cao sản 11.000 tấn, lúa lấp vụ Hè Thu 249.700 tấn), tăng 6,23% so với cùng kỳ.

+ Lúa vụ Mùa 2022-2023 (lúa trên đất nuôi tôm): Diện tích là 46.489 ha, tăng 11,91% so với cùng kỳ; sản lượng 276.600 tấn, tăng 9,75% so với cùng kỳ.

3. Dự báo tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn hại lúa:

3.1. Rầy nâu: Dự báo phát sinh và gây hại cả 03 vụ trong năm, diện tích nhiễm 70.000 ha gieo trồng, diện tích cần trừ 46.000 ha (trong đó, nhiễm nặng 5.000 ha), như sau:

- Lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023: Sẽ có 03 đợt rầy nâu phát sinh chính, diện tích nhiễm 22.500 ha, diện tích cần trừ 13.100 ha, trong đó, diện tích nhiễm nặng 1.300 ha.

+ Đợt 1: Tháng 02 năm 2023, rầy nở từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 02, diện tích nhiễm 2.000 ha; diện tích cần trừ 800 ha.

+ Đợt 2: Tháng 3 năm 2023, rầy nở từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 3, diện tích nhiễm 13.500 ha, diện tích cần trừ 7.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 800 ha.

+ Đợt 3: Tháng 4 năm 2023, rầy nở từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 4, diện tích nhiễm 7.000 ha, diện tích cần trừ 4.500 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 500 ha.

- Lúa vụ Hè Thu 2023: Sẽ có 03 đợt rầy nâu phát sinh gây hại, diện tích nhiễm 24.500 ha, diện tích cần trừ 18.200 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 2.200 ha.

+ Đợt 1: Tháng 6 năm 2023, rầy nở từ ngày 19 tháng 6 đến ngày 25 tháng 6, diện tích nhiễm 4.500 ha, diện tích cần trừ 2.700 ha.

+ Đợt 2: Tháng 7 năm 2023, rầy nở từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 23 tháng 7, diện tích nhiễm 9.500 ha, diện tích cần trừ 8.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.200 ha.

+ Đợt 3: Tháng 8 năm 2023, rầy nở từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 8, diện tích nhiễm 10.500 ha, diện tích cần trừ 7.500 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.000 ha.

- Lúa vụ Thu Đông (lúa cao sản và lúa lấp vụ Hè Thu) và vụ Mùa (lúa trên đất nuôi tôm): Sẽ có 03 đợt rầy nâu gây hại, diện tích nhiễm 24.000 ha, diện tích cần trừ 14.700 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.500 ha.

+ Đợt 1: Tháng 10 năm 2023, rầy nở từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 10, diện tích nhiễm 5.000 ha, diện tích cần trừ 3.300 ha.

+ Đợt 2: Tháng 11 năm 2023, rầy nở từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 11, diện tích nhiễm 7.000 ha, diện tích cần trừ 4.600 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.000 ha.

+ Đợt 3: Tháng 12 năm 2023, rầy nở từ ngày 08 đến ngày 14 tháng 12, diện tích nhiễm 11.000 ha, diện tích cần trừ 6.800 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 500 ha.

3.2. Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá:

- Lúa Đông Xuân 2022 - 2023 có khoảng 100 ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, trong đó có khoảng 5 ha nhiễm nặng.

- Lúa vụ Hè Thu 2023 có khoảng 100 ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, trong đó có khoảng 8 ha nhiễm nặng.

- Lúa vụ Thu Đông 2023 và vụ Mùa 2022 - 2023 có khoảng 100 ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, trong đó có khoảng 7 ha nhiễm nặng.

3.3. Bệnh đạo ôn: Dự kiến diện tích nhiễm 80.000 ha gieo trồng, diện tích nhiễm trung bình (cần trừ) 65.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 3.400 ha, như sau:

- Bệnh đạo ôn lá: Phát sinh 03 đợt, diện tích nhiễm 50.000 ha, diện tích cần trừ 40.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 2.200 ha.

+ Lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023: Phát sinh tháng 02 và tháng 3 năm 2023, diện tích nhiễm 15.000 ha, diện tích cần trừ 13.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 200 ha.

+ Lúa vụ Hè Thu: Phát sinh từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7 năm 2023 trên trà lúa sớm, diện tích nhiễm 20.000 ha, diện tích cần trừ 15.500 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.500 ha.

+ Lúa vụ Thu Đông và vụ Mùa: Phát sinh 02 đợt cao điểm vào tháng 9 và tháng 10 năm 2023, diện tích nhiễm 15.000 ha, diện tích cần trừ 11.500 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 500 ha.

- Bệnh đạo ôn bông: Phát sinh 3 đợt, diện tích nhiễm 30.000 ha, diện tích cần trừ 25.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.200 ha.

+ Lúa Đông Xuân 2022 - 2023: Phát sinh từ cuối tháng 02 đến giữa tháng 3 năm 2023, diện tích nhiễm 5.000 ha, diện tích cần trừ 4.000 ha.

+ Lúa vụ Hè Thu: Phát sinh mạnh từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 2023, diện tích nhiễm 11.000 ha, diện tích cần trừ 11.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 700 ha.

+ Lúa vụ Thu Đông và vụ Mùa: Phát sinh vào tháng 10 và tháng 11 năm 2023, diện tích nhiễm là 14.000 ha, diện tích cần trừ là 10.000 ha, trong đó nhiễm nặng là 500 ha.

4. Mục tiêu, nhiệm vụ:

- Bảo vệ diện tích, năng suất, sản lượng các trà lúa, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023.

- Giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất lúa, dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn hại lúa, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, có hiệu quả; khống chế không để dịch bệnh bùng phát và kiên quyết không để xảy ra cháy rầy, cháy đạo ôn trên diện rộng; hướng dẫn nông dân khắc phục kịp thời diện tích bị thiệt hại.

5. Các giải pháp phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn:

5.1. Công tác tổ chức chỉ đạo, phòng trừ:

- Triển khai quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa.

- Tiếp tục củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp theo quy định của pháp luật về bảo vệ thực vật; phân công cán bộ lãnh đạo chuyên trách trực tiếp chỉ đạo; huy động mọi nguồn lực tham gia phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa; phân công cán bộ xuống các địa bàn có diện tích lúa bị nhiễm nặng rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn, tập trung chỉ đạo sớm dập tắt dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Giá Rai, thành phố Bạc Liêu và các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể có liên quan từ tỉnh đến cơ sở phải là những đơn vị chủ lực tham gia dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn nhằm bảo vệ năng suất lúa và bảo toàn đồng vốn đã đầu tư của nông dân; các bộ phận chuyên môn về bảo vệ thực vật, khuyến nông, giống cây trồng phân công cán bộ theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở; kịp thời thông báo dịch bệnh cho nông dân biết để chủ động phòng trừ và báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

5.2. Thông tin tuyên truyền:

- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở phối hợp chặt chẽ để nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời về tình hình sản xuất và phòng chống dịch bệnh; đề xuất, kiến nghị nhũng giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp các cấp để được xem xét, xử lý kịp thời.

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bạc Liêu, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu liên tục đưa tin về tình hình diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn khi ngành chuyên môn đề xuất; đồng thời, mở rộng hình thức tuyên truyền lưu động ở các địa điểm dân cư.

- Hướng dẫn các biện pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

- In ấn tờ rơi hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn để cấp phát cho nông dân; in 15.000 cuốn sổ tay hướng dẫn phòng trừ rầy nâu; tổ chức hội thảo đầu bờ giúp nông dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn.

5.3. Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực phục vụ dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn:

- Về nhân lực và bình bơm phun xịt thuốc huy động nông dân đáp ứng 100% diện tích nhiễm dịch hại.

- Tổng nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật dập dịch dự kiến là 18,41 tấn thuốc trừ rầy nâu và 32,50 tấn thuốc trừ bệnh đạo ôn, trong đó ngân sách hỗ trợ dập dịch trên diện rộng 0,6 tấn thuốc trừ rầy và 0,75 tấn thuốc trừ bệnh đạo ôn, cụ thể như sau:

+ Thuốc trừ rầy nâu:

• Lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023: Diện tích cần phòng trừ 13.100 ha, nhu cầu thuốc sử dụng 5,24 tấn.

• Lúa vụ Hè Thu: Diện tích cần phòng trừ 18.200 ha, nhu cầu thuốc sử dụng 7,28 tấn, trong đó ngân sách hỗ trợ dập dịch 0,40 tấn (tương đương 1.000 ha).

• Lúa vụ Thu Đông (lúa cao sản và lúa lấp vụ Hè Tím) và vụ Mùa (lúa trên đất nuôi tôm): Diện tích cần phòng trừ 14.700 ha, nhu cầu thuốc sử dụng 5,88 tấn, trong đó ngân sách hỗ trợ dập dịch 0,20 tấn (tương đương 500 ha).

• Diện tích tiêu hủy bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá 20 ha, sử dụng 0,01 tấn thuốc.

+ Thuốc trừ bệnh đạo ôn:

• Lúa vụ Đông Xuân: Diện tích cần phòng trừ 17.000 ha, nhu cầu thuốc sử dụng 8,5 tấn.

• Lúa vụ Hè Thu: Diện tích cần phòng trừ 26.400 ha, nhu cầu thuốc sử dụng 13,3 tấn, trong đó ngân sách hỗ trợ dập dịch 0,5 tấn (tương đương 1.000 ha).

• Lúa vụ Thu Đông (lúa cao sản và lúa lấp vụ Hè Thu) và vụ Mùa (lúa trên đất nuôi tôm): Diện tích cần phòng trừ 21.500 ha, nhu cầu thuốc sử dụng 10,8 tấn, trong đó ngân sách hỗ trợ dập dịch 0,25 tấn (tương đương 500 ha).

- Dự kiến kinh phí hỗ trợ dập dịch: 1.886.360.000 đồng.

STT

Danh mục

ĐVT

Số lượng

Đơn giá
(1.000 đ)

Thành tiền
(1.000 đ)

1

Thuốc BVTV

Tấn

1,35

 

1.278.900

-

Thuốc trừ rầy nâu, VL-LXL 1.500 ha

Tấn

0,60

 

911.400

+

Thuốc trừ rầy nâu có hoạt chất Nitenpyram 30% + Pymetrozine 40% trở lên; quy cách 23gr/gói; 0,4kg/ha.

Kg

600

1.519

911.400

-

Thuốc trừ bệnh đạo ôn 1.500 ha

Tấn

0,75

 

367.500

+

Thuốc có hoạt chất Tricylazole 75% ww, trở lên; quy cách 100 gr/gói; 0,5kg/ha.

Kg

750

490

367.500

2

Tiền lưu kho, bốc xếp

 

 

 

33.280

3

Kinh phí bẫy đèn

 

 

 

34.600

- Duy tu sửa chữa và duy trì hoạt động bẫy đèn thông minh

Bẫy

1

25.000

25.000

- Sửa chữa bẫy đèn

Bẫy

2

1.200

2.400

- Chi phí hoạt động bẫy đèn

Bẫy

2

12th x 300

7.200

4

Kinh phí Ban chỉ đạo

 

 

 

10.900

- Pho to văn bản (giấy 10 gr,mực 3 hộp)

 

 

 

1.540

- Nhiên liệu (12 lần x 30 lít)

Lít

360

26

9.360

5

Chi phí cho cán bộ phòng, chống dịch

 

 

 

324.000

- Chi phí xe (8 lần x 5 ngày x 27 lượt người)

Lần

1.080

150

162.000

- Chi công tác phí (8 lần x 5 ngày x 27 lượt người)

Lần

1.080

150

162.000

6

In ấn tài liệu hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, VL và LXL và bệnh đạo ôn

Tờ

10.000

2,5

25.000

7

Chi phí tuyên truyền

Lượt

12

3.500

42.000

8

Kinh phí dự phòng (tiêu hủy lúa bệnh, tăng giá thuốc, ...)

 

 

 

137.680

Tổng cộng

 

 

 

1.886.360

- Kinh phí dự phòng (tiêu hủy lúa bệnh, tăng giá thuốc,...) xin bổ sung kinh phí khi phát sinh thêm.

- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.

- Căn cứ vào Kế hoạch đã được phê duyệt, khi có nhu cầu phòng, trừ dịch bệnh theo đề nghị của đơn vị, giao Sở Tài chính xem xét, đề xuất giải quyết kinh phí theo thực tế tình hình dịch bệnh phát sinh trên cơ sở kết quả thẩm định mức độ thiệt hại của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhu cầu kinh phí đề nghị hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu theo quy định hiện hành.

5.4. Các biện pháp kỹ thuật:

5.4.1. Biện pháp phòng:

- Không gieo sạ lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa 02 vụ lúa ít nhất 20 - 30 ngày; sản xuất lúa phải theo quy hoạch được phê duyệt, thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài.

- Chuẩn bị đất: Cày, bừa, trục kỹ, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, củng cố bờ bao, nạo vét khai thông mương dẫn nước trước khi gieo sạ; gieo sạ mật độ khuyến cáo (lượng giống sử dụng 80 - 100 kg lúa giống/ha), áp dụng phương pháp sạ hàng, những hộ không có dụng cụ sạ hàng thì nên sạ thưa theo băng, sử dụng giống lúa kháng rầy hoặc hơi kháng rầy, giống lúa ít nhiễm bệnh đạo ôn, lúa giống có chất lượng tốt; khuyến cáo nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận, không dùng lúa hàng hóa để làm giống; bón phân cân đối hợp lý giữa các loại phân đạm (urê), phân lân và phân kali, không bón quá thừa phân đạm, tăng cường bón các loại phân có canxi, silic để nâng cao khả năng chống chịu đối với dịch bệnh.

- Cần gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy và xuống giống tập trung theo từng vùng (mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5 - 7 ngày, để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn; như vậy, khi lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành di trú truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá).

- Để bảo vệ cây lúa giai đoạn mạ, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa; thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa (phải vạch gốc lúa để theo dõi mật số rầy nâu).

- Tăng cường bón phân trung và vi lượng như silic, canxi,... để tăng cường sức chống chịu của cây lúa.

5.4.2. Biện pháp trừ rầy nâu và bệnh đạo ôn bằng thuốc bảo vệ thực vật:

- Khi phát hiện có bệnh đạo ôn và rầy nâu trên lúa thì phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để diệt rầy theo phương pháp “4 đúng”: Đúng loại thuốc (theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật địa phương, không pha trộn nhiều loại thuốc để phun); đúng liều lượng (pha thuốc theo đúng liều lượng và phun đủ lượng nước thuốc theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì mỗi loại thuốc); đúng lúc (khi phát hiện bệnh đạo ôn xuất hiện 05% số lá, rầy cám ở tuổi 01 đến tuổi 03 chiếm đa số trong ruộng) và đúng cách (đối với bệnh đạo ôn phun lên lá, đối với rầy nâu hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy tập trung; trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, phun xịt sẽ hiệu quả hơn).

- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: Nếu phát hiện có rầy xuất hiện thì phun xịt thuốc ngay bằng các loại thuốc có gốc chống lột xác, tuyệt đối cấm sử dụng thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp (Pyrethroid) và lân hữu cơ trong giai đoạn này để tránh làm chết thiên địch, gây bộc phát rầy nâu sau này.

- Giai đoạn sau 20 ngày đến trổ, chín: Nếu phát hiện rầy tuổi 01 đến tuổi 03 với mật số từ 03 con/tép trở lên thì phun xịt thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc đặc trị.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 3 năm 2023 đến ngày 01 tháng 01 năm 2024.

2. Phân giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch:

2.1. Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm:

- Phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai, quán triệt Kế hoạch này đến các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở sau khi được ban hành.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở; thu thập số liệu, báo cáo đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo thực hiện công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trong từng thời điểm, sát với thực tế sản xuất ở cơ sở.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:

- Lập thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch (nếu có) theo quy định hiện hành.

- Chuẩn bị vật tư, công cụ, dụng cụ, phương tiện phòng chống dịch theo đúng quy định.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn đối với các trà lúa trên địa bàn tỉnh năm 2023; thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh tại các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ sau:

2.2.1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:

- Theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, bẫy đèn, dịch bệnh trên lúa và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có cơ sở dự tính, dự báo chính xác về rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn để thông báo đến nông dân biện pháp phòng trừ qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cấp phát tờ rơi, tờ bướm hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn cho Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố để cấp phát đến tận hộ nông dân.

- Phối hợp với Viện, Trường, cơ quan liên quan khảo nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các loại thuốc trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn và nhanh chóng phổ biến đến tận hộ nông dân.

- Cấp và thanh toán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định hiện hành.

- Phân công cán bộ phụ trách địa bàn tại các huyện, thị xã, thành phố tham gia Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố; tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trị rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn.

- Tăng cường công tác phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để xảy ra hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời gian có dịch.

- Nghiên cứu xây dựng lịch thời vụ cho từng vụ lúa trong năm phù hợp với từng địa phương của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để xuống giống đồng loạt, né rầy, hạn chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở giai đoạn đầu của cây lúa.

2.2.2. Trung tâm Khuyến nông:

- Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn; cử cán bộ khuyến nông tham gia Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và đứng điểm chỉ đạo ở các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu.

- Theo dõi sát tình hình sản xuất ở địa phương để phối hợp chỉ đạo cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu giống lúa, thời vụ xuống giống và các biện pháp canh tác phù hợp nhằm hạn chế rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn cho các mùa vụ sản xuất lúa năm 2023.

2.2.3. Trung tâm Giống Nông nghiệp:

- Cung cấp thông tin về giống lúa, đề xuất hạn chế và loại bỏ các giống lúa nhiễm nặng rầy nâu, bệnh đạo ôn và cháy bìa lá; cử cán bộ tham gia tập huấn hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn ở các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu.

- Phối hợp với các Viện, Trường tiến hành thử nghiệm, sản xuất thử, trình diễn các giống lúa mới, chọn ra các giống lúa mới có tính kháng rầy nâu cao, kháng bệnh đạo ôn và kháng bệnh cháy bìa lá, phẩm chất tốt, năng suất cao, tiết kiệm chi phí khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất lúa (mỗi vụ khuyến cáo từ 02 - 03 giống lúa chủ lực và 03 - 04 giống lúa triển vọng chuẩn bị thay thế).

2.3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:

Khi có dịch bệnh xảy ra, trên cơ sở dự toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Sở Tài chính thẩm định, tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch.

2.4. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm: Xem xét tuyển chọn đề tài nghiên cứu các giống lúa kháng rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh cháy bìa lá để phục vụ kịp thời cho sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.

2.5. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn,...): Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện kế hoạch này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, hội viên tích cực tham gia phòng chống dịch.

2.6. Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách và các biện pháp phòng chống dịch đến nông dân.

2.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:

- Củng cố Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp chỉ đạo sản xuất và phòng trừ rầy nâu, ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn đối với các trà lúa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và cơ sở.

- Ban Chỉ đạo họp giao ban hàng tuần, báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

- Ban Chỉ đạo phân công cán bộ phụ trách đến địa bàn trọng điểm, chỉ đạo các Ngành, Đoàn thể vận động, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền của các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn nông dân phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa để nông dân hiểu biết được sự nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh và thực hiện có hiệu quả biện pháp phòng chống dịch.

- Phân bổ và quyết toán kinh phí, vật tư từ nguồn hỗ trợ của tỉnh theo quy định hiện hành.

- Chỉ đạo Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để xảy ra hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá hàng hóa, vật tư, nhiên liệu trong thời gian có dịch.

- Đề xuất khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh; đồng thời, có hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2.8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm: Tổ chức phân công cán bộ triển khai cụ thể các nội dung trong công tác phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa xuống tận địa bàn các khóm, ấp và nông dân.

2.9. Đối với người sản xuất lúa: Thường xuyên thăm đồng để theo dõi diễn biến của rầy nâu, bệnh đạo ôn và các loại dịch hại khác trên đồng ruộng, ra đồng xịt thuốc đồng loạt khi được Ban Chỉ đạo phát động, xử lý thuốc theo phương pháp “4 đúng”; tích cực tham gia thực hiện nhổ bỏ, tiêu hủy lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá theo quy định; đảm bảo thực hiện tốt các trang bị an toàn lao động để đề phòng ngộ độc và thu gom vỏ chai thuốc đã sử dụng, không vứt bừa bãi ra ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường; thực hiện đúng theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có những vấn đề chưa phù hợp cần điều chỉnh, bổ sung thì Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp các cấp; các Sở, Ban, Ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phản ánh kịp thời về Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp báo cáo, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 292/QĐ-UBND về Kế hoạch phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn hại lúa năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

  • Số hiệu: 292/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Phạm Văn Thiều
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản