Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 292-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1974 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỂ SẮP XẾP SỬ DỤNG HỢP LÝ LỰC LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC SẢN XUẤT VÀ THỰC HIỆN TINH GIẢN BỘ MÁY QUẢN LÝ TRONG KHU VỰC NHÀ NƯỚC

Để bảo đảm thực hiện những yêu cầu và phương hướng của nghị quyết hội nghị trung ương Đảng lần thứ 22 và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 46-CP ngày 18-3-1974 về phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm; số 245-CP ngày 05-11-1974 về tinh giản bộ máy quản lý, sắp xếp và sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức trong khu vực Nhà nước; Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 05-12-1974, quyết định:

I

Hướng sắp xếp, sử dụng và chế độ đối với số lao động không bố trí được trong dây chuyền sản xuất ở các xí nghiệp và đối với số cán bộ, nhân viên dôi ra qua  thực hiện tinh giản bộ máy quản lý, là phải phát huy tiềm lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh, để tận dụng lực lượng lao động sẵn có, “không để người nào còn có khả năng phục vụ mà không được sắp xếp công việc”. Phải tùy theo trình độ kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa và sức khoẻ của từng người mà chuyển sang trực tiếp sản xuất, xây dựng, vận tải, thu mua, bán hàng, làm công tác sự nghiệp khác, hoặc về tăng cường cho các hợp tác xã ở đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển …

Sau đây là những chế độ cụ thể để áp dụng trong khi thực hiện phương hướng nói trên.

1. Đối với số lao động không bố trí được dây chuyền sản xuất ở các xí nghiệp quốc doanh:

- Trường hợp do xí nghiệp tạm thời thiếu điện, thiếu nguyên vật liệu, hoặc do máy móc dụng cụ chưa đồng bộ, hoặc do thời tiết (mưa, bão, lụt …) mà có một số lao động chưa có việc ngành chủ quản phải tìm mọi cách bố trí việc làm tạm thời tại chỗ cho công nhân, nhân viên, để khi xí nghiệp có đủ điện, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, … thì có sẵn số lao động cần thiết cho sản xuất, xây dựng.

Trong thời gian làm việc tạm thời như trên, nếu lương mới cao hơn lương cũ thì giữ nguyên lương cũ. Không được để công nhân ngồi không mà hưởng lương ngừng việc kéo dài.

- Trường hợp do hợp lý hóa sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới, hoặc do tinh giản bộ máy quản lý mà có số người dôi ra, thì trước hết, thủ tướng đơn vị và ngành chủ quản phải có kế hoạch mở rộng sản xuất, xây dựng (kể cả tổ chức sản xuất mặt hàng phụ) để sử dụng hợp lý lực lượng  lao động này; hoặc điều động cho những cơ sở khác trong ngành đang thiếu người làm việc; hoặc nếu có nhu cầu đào tạo thì sẽ chọn những ngừơi đủ tiêu chuẩn cho đi đào tạo. Trường hợp trong ngành thực sự có khó khăn không bố trí được, thì bàn với cơ quan lao động để tìm cách sắp xếp công việc.

Khi công nhân nhận công tác mới, nếu lương mới cao hơn lương cũ thì được hưởng theo lương mới, nếu thấp hơn lương cũ thì được phụ cấp chênh lệch cho bằng lương cấp bậc cũ đến khi có điều kiện xếp lương cao hơn. Khỏan phụ cấp chênh lệch này xí nghiệp được hạch toán riêng. Người nào đã được sắp xếp công việc đúng nghề cũ nhưng lại tự ý xin việc khác, thì làm việc gì chỉ được trả lương theo việc ấy, nếu lương thấp cũng không được hưởng phụ cấp chênh lệch. Người nào được xét đưa đi đào tạo thì hưởng theo chế độ sinh họat phí hiện hành.

2. Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên được chuyển công tác từ bộ máy quản lý Nhà nước, quản lý các ngành sản xuất kinh doanh, quản lý xí nghiệp hay đơn vị sự nghiệp sang làm việc trực tiếp sản xuất, xây dựng, vận tải, thu mua, bán hàng, v.v… ở các cơ sở thì được giữ nguyên lương cũ cho đến khi có điều kiện xếp lương cao hơn.

3. Đối với những người tuy có khả năng tham gia sản xuất, công tác, nhưng tạm thời chưa thể sắp xếp đựơc công tác thì trong khi chờ việc, được vận dụng chế độ trả lương ngừng việc. Thời gian hưởng lương chờ việc không được kéo dài quá 3 tháng. Trong thời gian  này, thủ trưởng đơn vị và ngành chủ quản phải quan tâm bố trí nhanh việc làm thỏa đáng cho họ. Quá thời hạn 3 tháng, nếu không có lý do chính đáng, mà điều động công tác không chịu nhận việc thì không được tiếp tục trả lương và sau khi bàn bạc với Ban thường vụ Công đoàn đồng cấp, thủ trưởng đơn vị có quyền cho đương sự được thôi việc.

4. Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên ốm đau sức khỏe suy yếu, thì thủ trưởng đơn vị và ngành chủ quản phải hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện tổ chức điều trị, điều dưỡng cho những người này mau chóng phục hồi sức khỏe để trở lại làm việc cũ, hoặc điều chỉnh công tác cho phù hợp với khả năng và sức khỏe của mỗi người.

- Đối với những người đã qua điều trị, điều dưỡng nhưng sức khỏe không phục hồi, không còn đủ sức làm việc liên tục, nhưng lại chưa đủ tiêu chuẩn hưởng theo chế độ mất sức lao động hiện hành, thì thủ trưởng đơn vị bàn bạc với Ban thường vụ Công đoàn đồng cấp, cố gắng thu xếp công việc cho phù hợp với sức khỏe của họ. Nếu không thể sắp xếp đựơc công việc thích hợp, thì cho đương sự được thôi việc và hưởng trợ cấp; cứ mỗi năm làm việc được một tháng lương, kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con, nếu có (theo điểm 3 điều 1 của nghị định số 163-CP ngày 04-07-1974 của Hội đồng Chính phủ). Các trường hợp thôi việc thông thường khác vẫn theo chế độ trợ cấp hiện hành (theo Thông tư số 88-TTg-CN ngày 01-10-1964 của Thủ trưởng Chính phủ).

- Đối với những người đến tuổi và đủ tiêu chuẩn về hưu hay mất sức lao động, thì cần cho nghỉ việc theo chế độ hưu trí hoặc mất sức lao động hiện hành.

5. Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên được điều động từ miền xuôi đến công tác ở các vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi:

- Được hưởng nguyên lương cấp bậc hoặc nguyên lương chức vụ và được hưởng phụ cấp khu vực ở nơi mới đến công tác. Nếu nơi mới đến công tác chưa có phụ cấp khu vực đang hưởng thì được giữ nguyên phụ cấp khu vực cũ cho đến khi có quy định mới;

- Được hửơng chế độ trợ cấp ban đầu 50 đồng một người để mua sắm những đồ dùng cần thiết;

- Khi đến nơi công tác mới, được hưởng phụ cấp khuyến khích theo các mức: 15% lương cấp bậc hoặc chức vụ hàng tháng (nếu đến công tác thuộc vùng núi); 20% lương cấp bậc hoặc chức vụ hàng tháng (nếu đến công tác thuộc vùng rẻo cao); 6% lương cấp bậc hoặc chức vụ hàng tháng (nếu đến công tác ở các vùng khác).

- Được nghỉ việc có lương một số  ngày (ngoài số ngày nghỉ theo chế độ phép năm hiện hành) để thu xếp gia đình khi điều động: 5 ngày đối với những người không đem theo gia đình, 10 ngày đối với những người có gia đình đi theo;

- Được hưởng phụ cấp di chuyển bao gồm tiền tàu xe, cước phí hành lý và tiền ăn đi đường theo quy dịnh hiện hành.

- Tiền theo điều kiện  lao động được hưởng tiêu chuẩn lương thực theo các mức định lượng Nhà nước đã quy định. Đối với những người công tác ở rẻo cao, núi cao được hưởng tiêu chuẩn lương thực 21 kg như đã quy định trong nghị quyết số 109-CP ngày 19-6-1973 của Hội đồng Chính phủ;

- Được hưởng tiêu chuẩn vải và áo bông theo quy định hiện hành;

- Nếu đem theo gia đình thì được hưởng phụ cấp  một lần 30 đồng và được cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn đi đường cho gia đình theo quy định hiện hành; được sắp xếp nhà ở, nếu muốn làm nhà riêng thì được cấp đất và trợ cấp 200 đồng về thêm vào mua nguyên liêu; được thu xếp cho con cái học tập. Gia đình cán bộ, công nhân, nhân viên tham gia làm ăn trong hợp tác xã thì được hưởng mọi quyền lợi như xã viên trong hợp tác xã.

6. Học sinh tốt nghiệp các trường trung học hay đại học chuyên nghiệp, trong thời gian tập sự, được điều động đến công tác ở các vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi:

- Được hưởng 85% lương khởi điểm theo chế độ tập sự và được rút ngắn 1/3 thời gian tập sự;

- Được hưởng trợ cấp ban đầu 50 đồng để mua sắm đồ dùng cần thiết; chế độ phụ cấp khuyến khích 15% nếu công tác ở vùng núi, 20% nếu công tác ở vùng rẻo cao, 6% nếu công tác ở vùng khác.

7. Đối với cán bộ được điều động từ cơ quan quản lý Nhà nước về tăng cường cho hợp tác xã (áp dụng chung cả các tỉnh miền xuôi và các tỉnh miền núi):

- Được giữ nguyên lương cấp bậc cũ và trong thời gian công tác ở cơ sở vẫn được xét nâng bậc như đối với cán bộ, công nhân, nhân viên khác;

- Được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 6% lương cấp bậc. Khỏan phụ cấp này chỉ hưởng trong thời gian thực sự công tác ở hợp tác xã;

- Được trợ cấp 30 đồng một lần để mua sắm những đồ dùng cần thiết;

- Trường hợp nơi công tác mới không có hay có phụ cấp khu vực thấp hơn thì được giữ nguyên mức phụ cấp khu vực cũ (nếu có) cho đến khi có quy định mới;

- Được tiếp  tục hưởng các tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, vải … như cán bộ, công nhân, nhân viên khác. Nhưng mức thấp nhất cũng được hưởng 18 kg, nếu công tác ở hợp tác xã miền núi và rẻo cao được hưởng 21 kg một tháng theo nghị quyết số 109-CP ngày 19-06-1973;

- Khi được điều động công tác về hợp tác xã, thì ngoài những ngày nghỉ phép năm theo chế độ hiện hành, được nghỉ một số ngày có lương để thu xếp gia đình: 5 ngày đối với người không đem theo gia đình, 10 ngày đối với có gia đình đi theo.

Khi di chuyển đến nhận công tác ở hợp tác xã được cấp tiền tàu xe và cước phí hành lý, tiền ăn đường như khi đi công tác. Nếu chuyển cả gia đình đi theo, được hợp tác xã giúp đỡ sắp xếp chỗ ở và được trợ cấp một lần 30 đồng (cho cả gia đình).

Những  cán bộ được Nhà nước tăng cường cho hợp tác xã đều do Ủy ban hành chính huyện trực tiếp quản lý về mọi mặt, và giao cho hợp tác xã sử dụng theo đúng quy chế của Nhà nước (quy định riêng). Ủy ban Nông nghiệp trung ương quản lý chung và bồi dưỡng số cán bộ này.

II

Để bảo đảm thi hành các chế độ nói trên, vấn đề tổ chức chỉ đạo thực hiện phải hết sức coi trọng:

1. Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, các ngành chủ quản và Chủ tịch Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện quyết định này ở đơn vị mình, ngành mình, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, thủ trưởng phải phối hợp với Ban thường vụ Công đoàn đồng cấp và các đoàn thể quần chúng để giáo dục tư tưởng, động viên cán bộ, công nhân, nhân viên tự giác chấp hành.

2. Cán bộ và cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố phụ trách việc tổ chức điều dưỡng cho số cán bộ và công nhân của ngành mình, địa phương mình. Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Tổng công đoàn Việt Nam và cán Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Bộ Lao động … để hướng dẫn cán Bộ chủ quản về việc tổ chức điều trị, điều dưỡng cho cán bộ, công nhân, nhân viên ốm đau theo chế độ hiện hành. Nếu chi phí còn thiếu, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và Bộ chủ quản bàn với cơ quan tài chính và trình Chính phủ xét cấp thêm (nếu cần) theo khả năng ngân sách của Nhà nước.

3. Bộ Tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các chế độ cụ thể về việc mở rộng sản xuất, xây dựng, kể cả tổ chức sản xuất mặt hàng phụ ở các cơ sở sản xuất quốc doanh để thu hút số lao động đang tạm thời dôi ra ở các xí nghiệp.

4. Bộ lao động có trách nhiệm phối hợp với các Bộ Tài chính, Y tế, Ban Tổ chức của Chính phủ và Tổng Công đoàn Việt Nam, giải thích, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện đầy đủ quyết định này; đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu để đầu năm 1975 trình Chính phủ ban hành sớm chính sách và chế độ toàn diện đối với những cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước được cử đến công tác ở miền núi và hải đảo … nhằm khuyến khích và ổn định sinh hoạt cho những người công tác lâu năm ở những nơi điều kiện sinh hoạt và công tác có nhiều khó khăn.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 
 

Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 292-CP năm 1974 Bổ sung một số chế độ để sắp xếp sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức sản xuất và thực hiện tinh giản bộ máy quản lý trong khu vực Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 292-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/1974
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản