Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2910/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2012 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - QUẢN TRỊ KINH DOANH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài chính - Quản trị kinh doanh;
Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - QUẢN TRỊ KINH DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2910/QĐ-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Điều 1. Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh (sau đây gọi tắt là Trường) được thành lập theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài chính - Quản trị kinh doanh.
Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh có sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài chính, kinh tế và các ngành, nghề khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép ở trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học; thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, kinh tế; cung cấp những sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước nói chung và khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.
Tên giao dịch quốc tế: University of Finance and Business Administration.
Trụ sở của Trường đặt tại tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.
Trường chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính; quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Điều 3. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng
1. Tổ chức đào tạo nhân lực ở trình độ đại học, sau đại học, cao đẳng, theo ngành và chuyên ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; đảm bảo đào tạo nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp về quản lý kinh tế tương xứng với trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội và có khả năng hợp tác trong hoạt động nghề nghiệp.
2. Tổ chức xây dựng và ban hành chương trình đào tạo cho từng ngành và chuyên ngành trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm sự liên thông giữa các ngành và chuyên ngành, các trình độ đào tạo trong Trường. Thường xuyên phát triển chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, đa dạng hóa, hiện đại hóa;
3. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế, quy định về đào tạo từng trình độ; cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính; chấp hành pháp luật về giáo dục, thực hiện xã hội hóa về giáo dục.
4. Điều tra dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực xã hội đối với từng ngành nghề của Trường; trên cơ sở đó điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và phương thức đào tạo của Trường;
5. Tổ chức cung cấp các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn cho các đối tượng có nhu cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và thực hiện công khai thông tin về hoạt động đào tạo của nhà trường;
6. Tổ chức tuyển sinh và quản lý người học theo quy định;
7. Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng của nhà trường; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Điều 4. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
1. Thực hiện nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực tài chính, kinh tế, bao gồm: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chính sách, nghiên cứu ứng dụng, phân tích và dự báo;
2. Nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng kế hoạch, nội dung nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học của người học;
3. Xây dựng hệ thống thông tin, thư viện; tổ chức quản lý cung cấp các nguồn thông tin khoa học về kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán...; thực thi các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ở Trường;
4. Tổ chức biên soạn, biên dịch: giáo trình, bài giảng gốc, sách chuyên khảo và tham khảo thuộc các chuyên ngành đào tạo của Trường; định kỳ tổ chức đánh giá các chương trình đào tạo theo từng ngành và chuyên ngành đào tạo;
5. Tổ chức xuất bản và phát hành tạp chí, tập san, bản tin và các ấn phẩm khoa học khác về kinh tế, tài chính phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu của ngành và xã hội;
6. Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về kinh tế, tài chính phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành Tài chính và phục vụ nhu cầu xã hội theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giáo dục.
Điều 5. Nhiệm vụ hợp tác quốc tế
1. Thiết lập các mối quan hệ hợp tác, ký kết văn bản ghi nhớ, thỏa thuận, hợp tác về đào tạo, khoa học và công nghệ với các tổ chức trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật;
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các thỏa thuận, dự án đã được phê duyệt phù hợp với các quy định của Nhà nước; hợp tác trao đổi giảng viên, người học theo quy định của pháp luật;
3. Lập kế hoạch, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu và hội thảo khoa học; cử cán bộ, công chức, viên chức của Trường đi công tác, học tập, giảng dạy, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, hội thảo khoa học ở nước ngoài theo thẩm quyền được Bộ Tài chính phân cấp.
Điều 6. Các nhiệm vụ khác
1. Quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành, chuyên ngành, cơ cấu tuổi và giới tính; chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức nhà trường;
2. Quản lý, sử dụng đất đai, tài sản và tài chính theo quy định của pháp luật;
3. Thực hiện chế độ báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý các cấp về hoạt động của Trường theo quy định hiện hành;
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính và theo quy định của pháp luật.
1. Được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, Điều lệ trường đại học và phân cấp của Bộ Tài chính về quy hoạch, kế hoạch phát triển Trường, tổ chức tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế, tổ chức, nhân sự, tài sản và tài chính;
2. Được huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo đúng quy định của pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo; hợp tác, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
3. Được đăng ký tham gia và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao; ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng quy định của Nhà nước.
4. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; công bố, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Trường.
5. Được Nhà nước giao đất; được thuê đất, vay vốn; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của Trường. Trên cơ sở Điều lệ trường đại học, nhà trường xây dựng quy chế tổ chức của Hội đồng trường, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.
Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật của Trường; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của Trường theo quy định của pháp luật, Điều lệ trường đại học, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường.
Hiệu trưởng nhà trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức theo quy định tại Điều lệ trường đại học, các quy định khác của Đảng, của Nhà nước và của Bộ Tài chính.
Hiệu trưởng nhà trường có các quyền hạn và trách nhiệm sau đây:
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Trường; Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường; bổ nhiệm có thời hạn chức danh Phó Hiệu trưởng Trường;
2. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc thành lập thêm, đổi tên, sáp nhập, chia, tách hoặc giải thể các phòng, ban chức năng, các khoa thuộc Trường, các đơn vị phục vụ đào tạo, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trường quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Quy chế này.
3. Quyết định thành lập hoặc giải thể các hội đồng quy định tại Điều 11, các bộ môn thuộc khoa quy định tại Điều 13 của Quy chế này;
4. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Trường;
5. Ban hành các quy định, quy chế quản lý nội bộ phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, quy chế phối hợp công tác giữa các đơn vị của Trường; quy chế sử dụng, điều động cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm đảm bảo việc điều hành, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của Trường theo quy định của pháp luật;
6. Quản lý trực tiếp, toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Trường theo quy định của pháp luật và quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính:
a) Bổ nhiệm có thời hạn, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm chức danh lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường;
b) Tuyển dụng viên chức; ký kết các hợp đồng lao động;
c) Cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, học tập ở trong nước và nước ngoài theo thẩm quyền được phân cấp;
d) Quyết định các vấn đề liên quan đến tiền lương, khen thưởng, kỷ luật theo thẩm quyền được phân cấp.
e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của Trường;
f) Đánh giá, phân loại trình độ cán bộ, công chức, viên chức để sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với yêu cầu công tác của Trường.
7. Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của Trường;
8. Tổ chức và quản lý nghiên cứu khoa học trong Trường; xét duyệt, quản lý và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học của Trường;
9. Hiệu trưởng là chủ tài khoản của Trường, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng của Trường; tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật, của Bộ Tài chính và quy chế nội bộ Trường;
10. Phối hợp với tổ chức Đảng, Công đoàn và các tổ chức quần chúng khác trong Trường thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan; xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên; ban hành các quy định về việc nâng cao trình độ, thực hiện nghĩa vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội của giảng viên; ban hành các quy định về thỉnh giảng; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công chức, viên chức trong trường; tạo điều kiện cho công chức, viên chức và người học tham gia các sinh hoạt đoàn thể và hoạt động xã hội.
1. Giúp việc cho Hiệu trưởng có các Phó Hiệu trưởng. Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và miễn nhiệm các Phó Hiệu trưởng trên cơ sở đề nghi của Hiệu trưởng. Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Phó Hiệu trưởng thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường đại học, các quy định khác của Đảng, của Nhà nước và của Bộ Tài chính.
2. Phó Hiệu trưởng có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của Trường; trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Hiệu trưởng và giải quyết các công việc do Hiệu trưởng giao.
b) Khi giải quyết công việc được Hiệu trưởng giao, Phó Hiệu trưởng thay mặt Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về kết quả công việc được giao.
Điều 11. Hội đồng Khoa học và đào tạo; Hội đồng tư vấn
1. Hội đồng khoa học và đào tạo được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng. Nhiệm kỳ của Hội đồng khoa học và đào tạo theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng. Số lượng thành viên, nguyên tắc bầu Chủ tịch, họp Hội đồng, thực hiện theo Điều lệ trường đại học. Hội đồng khoa học và đào tạo có nhiệm vụ tư vấn với Hiệu trưởng về các việc:
a) Xây dựng và sửa đổi các quy chế, quy định về đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên thư viện, phòng thí nghiệm;
b) Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Trường;
c) Trọng tâm đào tạo, đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo, triển khai và hủy bỏ các chương trình đào tạo;
d) Định hướng phát triển khoa học và công nghệ, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, phân công thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, khoa học và công nghệ;
đ) Báo cáo, giải trình của Hiệu trưởng;
e) Đánh giá công tác quản lý, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của các đơn vị trong trường.
2. Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng về các vấn đề có liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, gắn nhà trường với doanh nghiệp, nhằm gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nhà trường đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Hội đồng tư vấn làm việc không hưởng lương.
Hội đồng tư vấn bao gồm từ 7 đến 15 thành viên ở ngoài trường, là những người có đóng góp tích cực cho trường, đặc biệt là những người hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, xã hội và chính trị có liên quan đến các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế của nhà trường.
Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng tư vấn trên cơ sở đề nghị của Hội đồng khoa học và đào tạo.
Tùy theo yêu cầu công việc, Hiệu trưởng có thể mời tất cả hoặc một số thành viên của Hội đồng tư vấn để tư vấn trực tiếp tại các cuộc họp hoặc tư vấn bằng văn bản.
Điều 12. Các phòng, ban chức năng
Các phòng, ban chức năng có nhiệm vụ tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý thường xuyên hoạt động của Trường, gồm:
- Phòng Tổ chức cán bộ;
- Phòng Hành chính - Tổng hợp;
- Phòng Quản lý Đào tạo;
- Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng;
- Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế;
- Phòng Công tác sinh viên;
- Phòng Tài chính - Kế toán;
- Phòng Quản trị - Thiết bị;
- Ban Quản lý ký túc xá;
Điều 13. Các khoa thuộc trường và bộ môn trực thuộc khoa.
Khoa thuộc trường là đơn vị quản lý cơ sở của Trường, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý sinh viên và các nhiệm vụ khác được Hiệu trưởng nhà trường giao. Trường có các khoa sau:
- Khoa Lý luận chính trị.
- Khoa Tài chính - Ngân hàng;
- Khoa Kế toán - Kiểm toán;
- Khoa Hệ thống thông tin quản lý;
- Khoa Quản trị kinh doanh;
- Khoa Thẩm định giá;
- Khoa Ngoại ngữ;
- Khoa Giáo dục thể chất;
Trong các khoa có các Bộ môn thuộc Khoa. Bộ môn là đơn vị chuyên môn về đào tạo, khoa học và công nghệ của một hoặc một số ngành, chuyên ngành đào tạo trực thuộc khoa trong trường đại học. Trên cơ sở đề nghị cúa Trưởng khoa, ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học và đào tạo và chấp thuận của Hội đồng trường, Hiệu trưởng quyết định việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách các Bộ môn và quyết định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Bộ môn theo thẩm quyền.
Điều 14. Các đơn vị phục vụ đào tạo; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trường
Các đơn vị phục vụ đào tạo, đơn vị sự nghiệp của Trường được thành lập để phục vụ hoạt động đào tạo và triển khai các hoạt động có liên quan đến xã hội hóa kết quả nghiên cứu, các dịch vụ về thông tin; đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn về kinh tế, tài chính, cụ thể như sau:
03 đơn vị phục vụ đào tạo gồm:
- Trung tâm Thông tin - Thư viện;
- Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp;
- Trạm Y tế.
03 đơn vị sự nghiệp gồm:
- Trung tâm tư vấn định giá và thẩm định giá;
- Trung tâm Tin học-Ngoại ngữ;
- Trung tâm dịch vụ Tư vấn Tài chính - Kế toán.
Điều 15. Các tổ chức Đảng, đoàn thể
Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam của Trường hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Các đoàn thể, tổ chức xã hội trong Trường hoạt động theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục phù hợp với tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể, tổ chức xã hội đã được xác định.
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI HỌC
Điều 16. Cán bộ, công chức, viên chức của Trường
1. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức của Trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong tổng số biên chế của Bộ Tài chính;
2. Cán bộ, công chức, viên chức của Trường được nâng lương thường xuyên, nâng lương trước hạn; được xếp vào các ngạch, bậc theo đúng tiêu chuẩn chức danh phù hợp với quy định của Nhà nước; được cử đi công tác, giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở trong và ngoài nước theo quy định.
3. Cán bộ, công chức, viên chức của Trường có trách nhiệm tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.
4. Cán bộ, công chức, viên chức của Trường có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ người học trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống.
5. Cán bộ, công chức, viên chức của Trường có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Quy chế này; chịu sự giám sát của các cấp quản lý về chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
6. Cán bộ, công chức, viên chức của Trường được tham gia góp ý kiến vào việc giải quyết các công việc của Trường, thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của Trường, được đảm bảo về cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.
7. Các quy định đối với giảng viên (Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, tuyển dụng và trợ giảng) thực hiện theo quy định của Điều 24, Điều 25, Điều 27 và Điều 28 Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”.
1. Người học của Trường được tuyển chọn theo quy chế tuyển sinh của Nhà nước và các quy định của Bộ Tài chính. Người nước ngoài vào học tại Trường thực hiện theo quy định của Nhà nước;
2. Người học trong Trường chịu sự quản lý của các khoa, phòng có liên quan; chịu sự quản lý trực tiếp của cán bộ quản lý, giảng viên. Người học theo học tại các đơn vị liên kết đào tạo với Trường, bên cạnh việc thực hiện các quy định trên, phải thực hiện các quy định và chịu sự quản lý của các cơ sở đào tạo liên kết;
3. Người học trong Trường có nghĩa vụ phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, nội quy của Trường; đóng học phí đầy đủ và các khoản đóng góp vật chất khác theo quy định của Nhà nước và của Trường;
4. Người học được đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước và của Trường.
Điều 18. Các nguồn tài chính của Trường gồm:
1. Kinh phí Ngân sách Nhà nước giao;
2. Thu học phí và phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật;
3. Thu sự nghiệp từ các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học; dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ;
4. Kinh phí vay, nợ, viện trợ nước ngoài;
5. Kinh phí được tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ các dự án và các nguồn thu hợp pháp khác:
Việc quản lý, sử dụng các nguồn tài chính trên phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và của Bộ Tài chính.
Điều 19. Nhà trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật; tổ chức và quản lý, sử dụng đúng pháp luật, có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.
Điều 20. Tập thể, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người học của Trường và các tổ chức, cá nhân ngoài Trường thực hiện tốt quy chế này, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của Trường, sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, sự nghiệp tài chính sẽ được Trường tuyên dương khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức và người học của Trường có những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định của Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Hiệu trưởng Trường trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định./.
- 1Quyết định 59/QĐ-TTg năm 2010 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt – Đức kèm theo Quyết định 380/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1126/QĐ-TTg năm 2012 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Luật Khoa học và Công nghệ 2000
- 3Nghị định 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 4Quyết định 59/QĐ-TTg năm 2010 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt – Đức kèm theo Quyết định 380/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 58/2010/QĐ-TTg ban hành “Điều lệ trường đại học" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1126/QĐ-TTg năm 2012 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1320/QĐ-TTg năm 2012 thành lập Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 2910/QĐ-BTC năm 2012 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 2910/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/11/2012
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vương Đình Huệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/11/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra