Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 291/1999/QĐ-UB

Thái Nguyên, ngày 26 tháng 01 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG RỪNG TRỒNG BẰNG NGUỒN VỐN TÀI TRỢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI (PAM) Ở THÁI NGUYÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi).

- Căn cứ Quyết định số 145/1998/QĐ-TTg ngày 15/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quản lý và sử dụng rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (PAM).

- Để quản lý và sử dụng rừng PAM phù hợp với mục tiêu dự án và đem lại hiệu quả thiết thực.

- Theo đề nghị của Chi cục Trưởng chi cục Kiểm lâm và Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định của UBND tỉnh về chính sách quản lý và sử dụng rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (PAM) ở tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Giao cho Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm phối hợp với sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông , bà Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch HĐND và UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
CHỦ TỊCH




Mai Phúc Toàn

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG RỪNG TRỒNG BẰNG NGUỒN VỐN TÀI TRỢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI (PAM) Ở TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo QĐ số 291/1999 /QĐ-UB ngày 26 tháng 01 năm 1999 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (gọi tắt là rừng PAM) là những khu rừng có sử dụng nguồn vốn tài trợ của PAM để trồng và chủ rừng đã tự đầu tư bổ sung vốn, lao động để chăm sóc, bảo vệ theo mục tiêu của dự án.

Điều 2. Tất cả diện tích rừng PAM hiện có trên địa bàn tỉnh đều được kiểm kê xem xét để xử lý theo quy định này.

Quy định này không áp dụng đối với các loại rừng khác.

Chương II

NGUYÊN TẮC VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG RỪNG PAM

Điều 3. Các chủ rừng (hộ nông dân, các nông, lâm trường, cá nhân, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp....) khi tiến hành khai thác, sử dụng rừng PAM phải đảm bảo tái tạo rừng theo hướng ổn định, bền vững (nghĩa là khai thác bao nhiêu phải trồng lại bấy nhiêu, trong đó lưu ý tăng cường trồng thêm các loại cây bản địa), phát huy tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường, thiên nhiên.

Điều 4. Bảo đảm quyền lợi của chủ rừng phù hợp với mục tiêu của dự án đã được Chính phủ ta thoả thuận với tổ chức PAM.

Điều 5. Chính quyền địa phương sở tại và các ngành liên quan phải tạo mọi điều kiện để chủ rừng được khai thác, sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ rừng PAM được thuận lợi.

Điều 6. Đối với rừng PAM do các tổ chức, hộ nông dân, cá nhân, hộ cán bộ công nhân viên đã trồng trên đất qui hoạch các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng xung yếu, rất xung yếu thì nay giao lại cho các tổ chức được UBND tỉnh ( hoặc UBND huyện, thành phố, thị xã) giao nhiệm vụ quản lý các khu rừng đó làm chức năng chủ rừng. Các tổ chức này được tỉnh (hoặc huyện, thành phố, thị xã) giao khoán ổn định, lâu dài và phải có trách nhiệm bảo vệ, khai thác theo đúng các quy định của Nhà nước đối với từng loại rừng.

Điều 7. Đối với rừng PAM sản xuất do hợp tác xã hoặc tổ chức đã trồng trên đất qui hoạch rừng sản xuất nay đã giải thể, nhưng chưa chuyển nhượng hợp pháp quyền sử dụng đất và rừng đó thì giao lại cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý để giao khoán cho các hộ nhân dân quản lý, chăm sóc và khai thác theo quy định của UBND tỉnh.

Chương III

CHỦ RỪNG PAM

Điều 8. Những tổ chức, hộ nhân dân, cá nhân được xác định là chủ rừng PAM phải có một trong các điều kiện sau đây:

1- Đã nhận vốn tài trợ của PAM để trồng rừng trên đất đã được UBND huyện, thành phố, thị xã, hoặc UBND tỉnh giao quyền sử dụng ổn định, lâu dài cho mình.

2- Đã nhận vốn tài trợ của PAM để trồng rừng trên đất nhận khoán của người có quyền sử dụng đất hợp pháp lâu dài giao cho theo hợp đồng đã được ký kết giữa 2 bên.

3- Đã được hợp tác xã, tổ chức, hộ nhân dân, cá nhân chuyển nhượng hợp pháp rừng PAM hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp và người được nhận đất này đã trồng rừng bằng vốn tài trợ của PAM.

Điều 9. Đối với rừng PAM do tổ chức, hộ nhân dân, cá nhân đã trồng trên đất qui hoạch các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu, xung yếu thì nay giao lại cho các tổ chức (lâm, nông trường, trạm, trại, ban quản lý dự án....) được UBND huyện, thành phố, thị xã hoặc UBND tỉnh giao quản lý với chức năng là chủ rừng. Các chủ rừng này được nhận khoán ổn định, lâu dài, đồng thời có trách nhiệm và nghĩa vụ phải quản lý, bảo vệ và quyền được khai thác theo quy định đối với từng loại rừng do UBND huyện, thành phố, thị xã hoặc UBND tỉnh quy định cụ thể trong văn bản giao khoán.

Điều 10. Đối với rừng PAM do các hợp tác xã, hoặc các tổ chức đã trồng trên đất qui hoạch rừng sản xuất nay đã giải thể nhưng chưa chuyển nhượng hợp pháp quyền sử dụng đất và rừng đó thì UBND huyện, thành phố, thị xã quyết định giao lại cho UBND xã (phường, thị trấn nếu có) trực tiếp quản lý để giao khoán cho các hộ nhân dân ở địa phương sở tại, trường hợp địa phương sở tại không có ai nhận khoán thì giao cho hộ nhân dân ở các địa phương khác xét thấy hộ nhân dân đó có điều kiện để quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng.

Chương IV

CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG RỪNG PAM

Điều 11. Người nhận khoán rừng PAM trồng trên đất qui hoạch rừng sản xuất, rừng phòng hộ ở vùng ít xung yếu rừng phòng hộ cục bộ trong phạm vi một thôn, một xã thì người nhận khoán có quyền sở hữu hoàn toàn đối với rừng do mình gây trồng, có quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và được khai thác, sử dụng sản phẩm rừng PAM phù hợp với qui chế quản lý của từng loại rừng và hưởng chế độ khoán theo quy định.

Điều 12. Người nhận khoán rừng PAM trồng trên đất qui hoạch rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu và rừng đặc dụng thì người nhận khoán:

- Được thu hoạch toàn bộ sản phẩm cây trồng trong phạm vi rừng đã nhận khoán nếu cây trồng đó không phù hợp với yêu cầu thiết kế của loại rừng đã qui hoạch.

- Được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa nông, lâm kết hợp và các lâm sản phụ dưới tán rừng.

- Được khai thác rừng theo thiết kế của bên giao khoán phù hợp với qui chế quản lý của từng loại rừng.

- Được đầu tư vốn để trồng bổ xung hoặc trồng lại theo yêu cầu thiết kế của từng loại rừng.

- Được hưởng chế độ nhận khoán theo quy định.

Điều 13. Khai thác và tiêu thụ:

1- Tiêu chuẩn rừng được khai thác.

1.1- Rừng đã đạt tiêu chuẩn công nghệ theo mục tiêu gây trồng (gỗ mỏ, nguyên liệu cho công nghiệp....).

1.2- Rừng đã trồng nhiều năm một chu kỳ cây trồng nhưng đến nay vẫn không thành rừng cần phải cải tạo để trồng lại.

1.3- Rừng ít hiệu quả cần phải thay đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hoặc phải trả lại đất cho qui hoạch khác.

2- Nơi có độ dốc lớn hơn 15 độ, diện tích các lô khai trong năm liền nhau không được lớn hơn 5 ha và bằng giãn cách giữa 2 lô khai thác ít nhất là 20 m.

3- Khi khai thác và tiêu thụ sản phẩm rừng PAM, chủ rừng phải làm đầy đủ các thủ tục:

3.1- Làm đơn xin khai thác có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn sở tại gửi Hạt Kiểm lâm huyện (thành phố, thị xã).

3.2- Có phương án trồng lại (hoặc trồng bổ sung) sau khi khai thác rừng PAM, phương án này phải được UBND huyện, thành phố, thị xã phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định phương án của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4- Sau khi nhận được đơn xin khai thác rừng PAM của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố, thị xã có nhiệm vụ:

4.1- Tổ chức kiểm tra, xem xét thực tế, nếu đúng như trong đơn thì hướng dẫn làm thủ tục tiếp, nếu không đúng như trong đơn thì trả lại đơn hoặc yêu cầu làm đơn lại theo đúng thực tế đã kiểm tra.

4.2- Hướng dẫn và giải quyết các thủ tục cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hợp pháp từ rừng trồng và cấp giấy phép vận chuyển, lưu thông theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4.3- Trong thời gian không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn, Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố, thị xã phải giải quyết xong các thủ tục cho chủ rừng (nếu đơn không hợp lệ phải trả lời và hướng dẫn chủ rừng chuẩn bị thêm). Nếu sau 15 ngày chủ rừng không nhận được ý kiến trả lời của Hạt Kiểm lâm, thì chủ rừng tiếp tục được thực hiện theo đơn đề nghị của mình và Hạt Kiểm lâm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai phạm xẩy ra trong trường hợp này.

Chương V

NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG KHI KHAI THÁC RỪNG PAM

Điều 14. Sau khi khai thác rừng, chủ rừng phải có nhiệm vụ:

1- Trồng lại rừng hoặc xúc tiến tái sinh để tái tạo rừng, bảo đảm cho rừng phát triển bền vững và giữ môi trường, sinh thái thiên nhiên.

1.1- Đối với những diện tích rừng có giá trị thu nhập thực tế (sau khi đã trừ các khoản tiền nộp thuế, đóng góp nghĩa vụ vào quĩ xã) lớn hơn hoặc bằng định mức đầu cho diện tích rừng đó thì chủ rừng được hoàn toàn sử dụng nguồn thu nhập này để đầu tư tái tạo lại rừng.

1.2- Đối với diện tích rừng có giá trị thu nhập thực tế (sau khi đã trừ các khoản tiền nộp thuế, đóng góp vào quĩ xã) thấp hơn mức đầu tư cho diện tích rừng đó, nếu chủ rừng không chủ động được vốn thì phải làm các thủ tục vay vốn theo Quyết định 661/1998/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ để trồng lại rừng. Mức vay tối đa cộng cả nguồn thu nhập từ rừng PAM bằng mức đầu tư theo Quyết định 661 cho diện tích rừng đó.

2- Trong vòng một năm sau khi khai thác nếu chủ rừng không có biện pháp để tái tạo rừng thì Hạt Kiểm lâm cùng UBND xã (phường, thị trấn) sở tại đề nghị UBND huyện, thành phố, thị xã ra quyết định thu hồi đất và tiền hỗ trợ đầu tư của chương trình PAM để giao cho người khác sử dụng và gây trồng lại rừng theo quy định.

3- Nộp thuế sử dụng đất theo luật định (4% giá trị thu hoạch).

4- Hỗ trợ cho ngân sách xã một khoản tiền bằng 3% giá trị sản phẩm khai thác hàng năm (các nông, lâm trường, trạm, trại, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, quân đội, không phải nộp loại tiền này). Khoản kinh phí này UBND xã trực tiếp quản lý và sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của xã.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành ngay việc kiểm kê toàn bộ diện tích rừng PAM trên địa bàn mình quản lý theo mẫu sau:

- Tên chủ rừng.

- Địa chỉ.

- Tên rừng.

- Diện tích rừng theo sổ sách đã được nghiệm thu.

- Diện tích rừng kiểm kê thực tế.

- Số chênh lệnh.

- Nói rõ nguyên nhân.

- Phân loại rừng đã kiểm kê thực tế.

+ Đặc dụng.

+ Phòng hộ xung yếu và rất xung yếu.

+ Sản xuất và phòng hộ ít xung yếu.

- Phân loại rừng theo độ dốc:

+ Trên 15 độ.

+ Dưới 15 độ.

+ Đất bằng cần giao lại cho sản xuất Nông nghiệp.

- Xác định sản lượng:

+ Gỗ:

+ Củi:

+ Lâm sản khác:

Sau khi kiểm kê xong, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng phương án khai thác, tiêu thụ báo cáo UBND tỉnh, đồng gửi sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Điều 16. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Sở Tài chính Vật giá, Cục Thuế, sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp chỉ đạo thực hiện quy định này.

UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này ở địa phương mình.

Điều 17. Qui định này chỉ áp dụng đối với rừng PAM./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 291/1999/QĐ-UB ban hành quy định về chính sách quản lý và sử dụng rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (PAM) ở Thái Nguyên do Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành

  • Số hiệu: 291/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/01/1999
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Mai Phúc Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản