Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-LĐ/QĐ

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 1973 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TRƯỜNG DẠY NGHỀ CỦA NHÀ NƯỚC 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Căn cứ nghị định số 187-CP ngày 20-12-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Lao động và nghị định số 200-CP ngày 09-10-1969 của Hội đồng Chính phủ thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động.

Căn cứ quyết định số 53-TTg, ngày 07-03-1973 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Lao động ban hành quy chế tạm thời về trường dạy nghề của Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế tạm thời về trường dạy nghề của Nhà nước.

Điều 2. – Quy chế này áp dụng thống nhất cho tất cả các trường dạy nghề của Nhà nước (bao gồm cả trường ở trung ương và địa phương) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Điều 3. - Tổng cục trưởng, Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật, Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thi hành quy chế này.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

 

 

 

Nguyễn Hữu Khiếu

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

 

VỀ TRƯỜNG DẠY NGHỀ CỦA NHÀ NƯỚC

(Ban hành kèm theo quyết định số 29-LĐ/QĐ ngày 7-4-1973 của Bộ Lao động)

 

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật. Công dân đến tuổi lao động không phân biệt trai gái đều có nhiệm vụ học tập, trau dồi nghề nghiệp để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Việc ban hành Quy chế tạm thời  này nhằm mục đích phát triển sự nghiệp đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật ngày càng đông, chất lượng tốt.

Sau đây là những quy định tạm thời đối với các trường dạy nghề của Nhà nước.

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.  Trường dạy nghề là một bộ phận của hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa thống nhất. Mọi hoạt động của trường dạy nghề phải tuân theo pháp luật của Nhà nước. Trường dạy nghề có nhiệm vụ:

- Đào tạo học sinh thành người công nhân có trình độ kỹ thuật vầ tay nghề theo đúng mục tiêu và yêu cầu đào tạo của mỗi nghề.

- Giáo dục học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu ngành nghề, ý thức tổ chức và và kỷ luật, ý thức làm chủ tập thể, ý thức độc lập tự chủ, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân.

- Rèn luyện học sinh có thể lực tốt để lao động cống hiến nhiều nhất cho chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Điều 2. – Các trường dạy nghề của Nhà nước bao gồm: trường của các Bộ, các ngành trung ương, trường của các tỉnh, thành phố, trường của xí nghiệp.

Trường dạy nghề mở phải có đầy đủ lớp học, xưởng thực tập cơ bản và thực tập sản xuất, đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp và bộ máy quản lý hoàn chỉnh. Trường dạy nghề cạnh xí nghiệp do giám đốc hoặc phó giám đốc xí nghiệp làm hiệu trưởng, có thể dùng làm các cơ sở của xí nghiệp làm trường, lớp, xưởng thực tập sản xuất và một số cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp kiêm giảng dạy cho trường, nhưng phải có xưởng thực tập cơ bản riêng, một số giáo viên chuyên nghiệp và một số cán bộ giúp việc cho hiệu trưởng quản lý và lãnh đạo công tác đào tạo công nhân theo yêu cầu nhiệm vụ của trường dạy nghề cạnh xí nghiệp.

Điều 3. – Tùy theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của mỗi loại nghề khác nhau mà ấn định chương trình và thời gian đào tạo học sinh trong các trường dạy nghề của Nhà nước cho phù hợp. Thời gian ít  nhất 6 tháng, nhiều nhất 3 năm, quy mô từ 100 đến 600 học sinh.

Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật sẽ quy định tiêu chuẩn mẫu, phân loại trường làm cơ sở cho việc xây dựng cơ cấu tổ chức biên chế…của từng loại trường.

Điều 4. – Các trường dạy nghề phải theo đúng danh mục nghề nghiệp cần đào tạo do Bộ Lao động ban hành và chương trình đào tạo được Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) xét duyệt nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo phù hợp yêu cầu kỹ thuật phát triển sản xuất của từng thời kỳ phát triển kinh tế.

Điều 5. – Các trường dạy nghề thuộc cơ quan chủ quản (Bộ, ngành, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh) sẽ do cơ quan chủ quản đó quản lý theo đúng những quy định chung của Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật).

Điều 6. - Việc mở hoặc giải thể các trường dạy nghề do cơ quan chủ quan quyết định căn cứ vào các chi tiêu Nhà nước về đào tạo công nhân kỹ thuật và được sự thỏa thuận của Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật).

Thủ tục mở, giải thể, khai giảng các trường dạy nghề do Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) hướng dẫn.

Điều 7. - Mỗi trường dạy nghề phải có điều lệ tổ chức và nội quy nhà trường. Điều lệ tổ chức trường dạy nghề do Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) ban hành mà xây dựng nên.

Chương II:

HỌC SINH HỌC NGHỀ

Điều 8. – Công dân Việt nam không phân biệt dân tộc, trai , gái đều có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh vào trường, lớp đào tạo công nhân kỹ thuật do Bộ Lao động ban hành, đều có thể tuyển vào học ở các trường dạy nghề của Nhà nước.

Điều 9. – Học sinh được hưởng các quyền lợi:

- Học tập nghề nghiệp theo kế hoạch giảng dạy của trường và được cấp bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận nghề nghiệp sau khi mãn khóa.

- Được hưởng sinh hoạt phí và các quyền lợi khác theo chế độ chung của Nhà nước, được ở ký túc xá (nếu có) và hoạt động thể dục  thể thao, văn hóa…theo nội quy của trường.

- Thông qua các tổ chức quần chúng trong trường hoặc thông qua đại biểu học sinh, tham gia ý kiến hoặc đề đạt những vấn đề về cải tiến giảng dạy, học tập lao động sản xuất, thực tập nghề nghiệp, tổ chức đời sống, xét duyệt khen thưởng, kỷ lục học sinh trong trường.

- Đã đạt nguyện vọng nghề nghiệp của mình, kết hợp đúng đắn với yêu cầu đào tạo chung và sự phân công của Nhà nước.

Điều 10. - Học sinh có nhiệm vụ:

- Vừa học vừa làm, nắm vững lý thuyết và tay nghề theo yêu cầu đào tạo.

- Rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, rèn luyện sức khỏe, nhiệt tình lao động, nâng cao trình độ văn hóa theo yêu cầu đào tạo, sẵn sàng nhận sự phân công của Nhà nước và sẵn sàng đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Tuân theo pháp luật của Nhà nước và nội quy, kỷ luật của nhà trường.

Điều 11. – Những học sinh có thành tích học tập nghề nghiệp, lao động, rèn luyện đạo đức và sức khỏe…đều được xét khen thưởng về tinh thần và vật chất theo đúng các quy định về các chế độ khen thưởng hiện hành của Nhà nước.

Những học sinh vi phạm kỷ luật (như khai man lý lịch, vi phạm nội quy, chế độ học tập và sinh hoạt của nhà trường và học sinh tự ý bỏ học) thì tùy theo mức độ phạm lỗi mà thi hành kỳ luật theo các hình thức phê bình, cảnh cáo hoặc đuổi khỏi trường, và phải bồi thường sinh hoạt phí trong suốt thời gian học ở trường, hoàn lại các khoản cung cấp, trang bị cho cá nhân khi còn ở trường.

Điều 12. – Nói chung học sinh học nghề không được lưu ban, nếu không được tiếp tục học, sẽ được trả về quê quán hoặc đơn vị cũ. Việc cho học sinh nghỉ học vì không được lưu ban do hiệu trưởng quyết định dựa theo kết quả thi hàng năm và chế độ kiểm tra của Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật).

Điều 13. - Những học sinh hoàn thành tốt yêu cầu của kế hoạch và chương trình học tập, hạnh kiểm tốt đều được thi tốt nghiệp. Những học sinh tốt nghiệp được hiệu trưởng cấp bằng; những học sinh chưa tốt nghiệp được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận sau khi Hội đồng giám khảo đề nghị và được cơ quan chủ quản công nhận theo quy chế thi tốt nghiệp do Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân các ngành, các địa phương) ban hành.

Điều 14. - Tất cả học sinh đã tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp đều được nhận công tác theo sự phân công của Nhà nước. Nếu không chịu đi nhận công tác đều phải chịu kỷ luật và phải bồi thường sinh hoạt phí trong suốt thời gian học tập ở trường và sẽ bị thu hồi bằng tốt nghiệp (nếu đã tốt nghiệp) hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận nghề nghiệp (nếu chưa tốt nghiệp).

Những học sinh tốt nghiệp thuộc loại ưu tú được giảm thời gian tập sự.

Chương III:

GIÁO VIÊN, HƯỚNG DẪN VIÊN DẠY NGHỀ CỦA TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Điều 15. – Giáo viên trường dạy nghề gồm có giáo viên dạy nghề, giáo viên lý thuyết kỹ thuật cơ sở, giáo viên văn hóa và giáo viên khác.

Giáo viên dạy nghề vừa dạy lý thuyết nghề vừa dạy thực hành và phải tốt nghiệp giáo viên dạy nghề hoặc có trình độ tương đương.

Giáo viên lý thuyết kỹ thuật cơ sở dạy các môn điện các ngành, các địa phương, cơ kỹ thuật, vẽ kỹ thuật…ít nhất cũng phải có trình độ trung học chuyên nghiệp đúng ngành nghề và được bồi dưỡng về khoa sư phạm dạy nghề.

Giáo viên văn hóa dạy các môn toán, lý, hóa, văn ít nhất cũng phải có trình độ trung cấp sư phạm.

Giáo viên khác dạy các môn chính trị, quân sự, thể dục thể thao…ít nhất cũng phải có trình độ trung học đúng ngành nghề.

Điều 16. - Hướng dẫn viên tay nghề uốn nắn thao tác cơ bản cho học sinh, phải thành thạo thao tác cơ bản trong sản xuất, có kinh nghiệm hướng dẫn, có bậc thợ cao hơn 2 bậc so với nghề đào tạo.

Điều 17. – Giáo viên có quyền hạn và nhiệm vụ:

- Sử dụng phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và những cơ sở phục vụ giảng dạy khác để giảng dạy cho học sinh theo đúng quy định của trường.

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy theo đúng kế hoạch giảng dạy, chương trình, thời khóa biểu của trường, kiểm tra kết quả học tập của học sinh do mình phụ trách.

- Thường xuyên nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa và chuyên môn của mình, tham gia lao động sản xuất và các hoạt động xã hội của nhà trường.

- Chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước và nội quy, kỷ luật của trường.

Điều 18. – Giáo viên chủ nhiệm do hiệu trưởng chỉ định.

Chương IV:

CÔNG TÁC GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP Ở TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Điều 19.  – Công tác giảng dạy ở trường dạy nghề thực hiện theo kế hoạch giảng dạy và phải có chương trình, giáo trình, giáo án, thời khóa biểu nhằm bảo đảm các nhiệm vụ đào tạo đã nói ở điều 1.

Kế hoạch giảng dạy, chương trình môn học ở các trường, do Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) xét duyệt và ban hành thống nhất. Một số nghề, môn học riêng biệt thì kế hoạch giảng dạy, chương trình môn học do cơ quan chủ quản soạn và được sự thỏa thuận của Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật).

Điều 20. – Những hình thức học tập ở các trường dạy nghề có bài giảng, thí nghiện và bài tập, thực tập cơ bản và thực tập sản xuất, tham quan và ngoại khóa, tự học của học sinh, phụ đạo, kiểm tra sát hạch.

Điều 21. – Các trường dạy nghề theo năm học và được nghỉ lễ, nghỉ hè theo chế độ hiện hành của nhà nước.

Điều 22. – Các trường dạy nghề chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ giáo dục của Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật).

Chương V:

TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO Ở TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Điều 23. - Trường dạy nghề có hiệu trưởng và hiệu phó do cơ quan chủ quản bổ nhiệm.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về toàn bộ hoạt động của trường, giải quyết mọi vấn đề thuộc nhà trường, thay mặt trường giải quyết các vấn đề có liên quan với các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước; sử dụng, quản lý tài sản và kinh phí của trường trong phạm vi quy định để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch theo đúng yêu cầu, mục đích đào tạo và các nguyên tắc quản lý của Nhà nước.

Hiệu phó là người giúp việc hiệu trưởng, thay hiệu trưởng khi vắng mặt và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về những mặt công tác được phân công.

Điều 24. - Để giúp hiệu trưởng chỉ đạo đúng đắn các vấn đề giáo dục, phương pháp giảng dạy và học tập…mỗi trường thành lập một hội đồng giáo dục do hiệu trưởng làm chủ tịch, thành phần và hoạt động của Hội đồng này do Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân các ngành, các địa phương) quy định riêng.

Điều 25. – Các phòng hay các tổ hành chính sự nghiệp là tổ chức giúp hiệu trưởng quản lý các mặt công tác trong trường như giáo vụ, tổ chức, tài vụ…tùy theo quy mô và tính chất của mỗi trường mà lập ra ít hay nhiều phòng hay tổ hành chính sự nghiệp.

Điều 26. - Xưởng thực tập nhằm phục vụ cho việc dạy học sinh nắm vững thao tác cơ bản và thực tập nghề nghiệp kết hợp với sản xuất ra sản phẩm cho xã hội. Xưởng phải trang bị đủ máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ theo yêu cầu giảng dạy của trường theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 27. - Tổ giáo viên giúp nhau trong công tác nâng cao nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy, tổ gồm một số giáo viên cùng dạy một môn học, một nghề hoặc những môn, nghề có quan hệ gần gũi nhau.

Điềư 28. - Lớp học sinh giúp nhau việc tự học và thực hiện nội quy. Lớp có lớp trưởng và lớp phó, lớp học sinh chia thành các tổ học tập, Tổ học tập gồm có tổ trưởng, tổ phó.

Điều 29. – Biên chế cán bộ của trường dạy nghề do cơ quan chủ quản duyệt y theo quy định của Nhà nước.

Điều 30. - Trường dạy nghề (không kể trường cạnh xí nghiệp) có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng.

Chương VI:

CÁC TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG TRONG TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Điều 31. – Công đoàn, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh trong trường dạy nghề đoàn kết, động viên tất cả cán bộ, công nhân, viên chức và học sinh học nghề phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của trường.

Các tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc và điều lệ của tổ chức mình.

Điều 32. – Các tổ chức Công đoàn, Thanh niên trong trường tham gia việc xây dựng thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao cải tiến giáo dục, giảng dạy, học tập và phục vụ đời sống hàng ngày của học sinh và cán bộ, công nhân, viên chức.

Tùy theo sự cần thiết, các tổ chức này cử đại biểu của mình tham gia các hội đồng của trường.

Điều 33. - Hiệu trưởng phải coi trọng các hoạt động của các tổ chức quần chúng trong trường, hết sức giúp đỡ và tạo mọi điều kiện phát huy tác dụng của các tổ chức này nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của trường.

Chương VII:

TÀI SẢN TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Điều 34. – Tất cả nhà cửa, máy móc thiết bị và tài sản khác của trường là tài sản chung của Nhà nước, dùng vào mục đích dạy nghề.

Điều 35. – Các trường dạy nghề có dự toán riêng theo nguyên tắc Nhà nước đã quy định và cho chủ quản cơ quan duyệt y.

Điều 36. – Cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh có trách nhiệm giữ gìn bảo quản các tài sản của trường theo đúng chế độ quy định, triệt để thực hiện tiết kiệm các khoản chi phí nguyên liệu, vật liệu và tiền của của nhà trường. Ai xâm phạm và làm thiệt hại đến tài sản của trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo các luật lệ, chế độ Nhà nước quy định.

Chương VIII:

CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. – Quy chế này áp dụng cho các trường dạy nghề của Nhà nước, thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong khu vực kinh tế Nhà nước. Đối với các lớp đào tạo kèm cặp trong sản xuất, hoặc các trường dạy nghề thuộc khu vực kinh tế tập thể , hoặc tư nhân sẽ có quy định riêng.

Điều 38. - Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 29-LĐ/QĐ năm 1973 về Quy chế tạm thời về trường dạy nghề của Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành.

  • Số hiệu: 29-LĐ/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/1973
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Hữu Khiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản