ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2011/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 27 tháng 09 năm 2011 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2011-2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII; Kết luận số 21-KL/TU, ngày 10/5/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh trong thời gian tới và Thông báo số 26-TB/TU ngày 08/12/2010 về tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
Xét đề nghị của Trường Đại học Hà Tĩnh tại Tờ trình số 428/TTr-TĐHHT ngày 30 tháng 5 năm 2011; Sở Tài chính tại Tờ trình số: 1338/STC-NS ngày 03 tháng 8 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách đối với Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ngoại vụ, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ; Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh: UBND huyện Cẩm Xuyên; Thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 29/2011/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
1. Đối tượng áp dụng: Các cán bộ, giáo viên của Trường Đại học Hà Tĩnh và đội ngũ cán bộ. giáo viên có học hàm, học vị cao, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và giáo viên các chuyên ngành mới đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được Trường Đại học mời gọi về công tác và tham gia giảng dạy tại Trường
2. Phạm vi điều chỉnh: Các hoạt động phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015.
1. Biên chế và tuyển dụng:
Ngoài chỉ tiêu biên chế được duyệt hàng năm, căn cứ vào nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Hà Tĩnh lập kế hoạch gửi UBND tỉnh xem xét, quyết định giao bổ sung biên chế tăng thêm để chủ động thu hút, mời gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên có học hàm, học vị cao, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và giáo viên các chuyên ngành mới đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về công tác và tham gia giảng dạy tại Trường.
2. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng:
a. Đào tạo trong nước:
Ngoài các chế độ theo quy định hiện hành, để khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và giảng dạy của của Nhà trường, ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 20 triệu đồng cho các cán bộ, giáo viên sau khi tốt nghiệp có bằng thạc sỹ và 50 triệu đồng cho các cán bộ, giáo viên sau khi tốt nghiệp có bằng tiến sỹ.
b. Về đào tạo nước ngoài:
- Các cán bộ giáo viên được cử đi đào tạo nước ngoài theo Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài các chế độ quy định, được hưởng nguyên lương và ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 20 triệu đồng cho các cán bộ, giáo viên sau khi tốt nghiệp có bằng thạc sỹ và 50 triệu đồng cho các cán bộ, giáo viên sau khi tốt nghiệp có bằng tiến sỹ.
- Trên cơ sở lộ trình và định hướng phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường trong từng thời kỳ, Trường Đại học Hà Tĩnh được chủ động liên hệ với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để đề xuất với UBND tỉnh cử cán bộ, giảng viên đảm bảo tiêu chuẩn đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí.
- Khuyến khích các cán bộ, giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn cử đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ theo đề nghị của Nhà trường thi đậu vào các Trường có uy tín trên thế giới và được các cơ sở đào tạo này tài trợ 100% kinh phí sinh hoạt và học tập; ngoài các chế độ quy định, được hưởng nguyên lương và ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 30 triệu đồng đối với người có bằng thạc sỹ, 70 triệu đồng đối với người có bằng tiến sỹ, sau khi các cán bộ, giáo viên tốt nghiệp trở về Trường Đại học Hà Tĩnh công tác.
- Các cán bộ, giáo viên của Nhà trường được hưởng một trong các chính sách nêu trên về đào tạo tại nước ngoài phải có cam kết tiếp tục tham gia công tác lâu dài tại Trường Đại học Hà Tĩnh (tối thiểu 6 năm đối với người sau khi tốt nghiệp bằng thạc sỹ; 2 năm đối với người sau khi tốt nghiệp có bằng tiến sỹ).
c. Khuyến khích thi đạt các chứng chỉ quốc tế đối với giảng viên và cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường:
- Hỗ trợ 10 triệu đồng cho các cán bộ, giáo viên thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với số điểm tối thiểu 6.5 điểm IELTS hoặc 550 điểm đối với paper- based TOEFL; 210 điểm đối với computer-based TOEFL, hoặc 80 điểm đối với internet-based TOEFL.
- Hỗ trợ 05 triệu đồng cho các cán bộ, giáo viên thi đạt 5,5 điểm IELTS hoặc 500 điểm đối với paper-based TOEFL.
Điều 3. Về chế độ ưu đãi cho cán bộ, giáo viên.
1. Ngoài các chế độ quy định, ngân sách tỉnh hỗ trợ phụ cấp tăng thêm cho các giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy tương ứng bằng mức 40% phụ cấp ưu đãi hiện hưởng.
2. Đối với các cán bộ, giáo viên tuyển dụng mới, được ngân sách tỉnh hỗ trợ tăng thêm mỗi tháng một khoản kinh phí tương ứng bằng mức nửa tháng lương tối thiểu trong năm đầu.
3. Được giao đất ở theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với những cán bộ, giáo viên của Nhà trường chưa có đất ở tại các khu vực, phù hợp với quy hoạch của Trường tại địa điểm mới theo giá quy định hàng năm. Trường chủ động phối hợp với các ngành có liên quan để xây dựng phương án cụ thể trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Điều 4. Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
1. Hỗ trợ kinh phí để thu hút, mời gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên có học hàm, học vị cao, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và giáo viên các chuyên ngành mới đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về công tác, tham gia giảng dạy tại Trường. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch giao biên chế bổ sung của UBND tỉnh và thực tế triển khai thực hiện. Trường Đại học lập kế hoạch và dự toán kinh phí cụ thể trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.
2. Căn cứ yêu cầu của công tác nghiên cứu khoa học và việc nâng cao kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, Trường Đại học chủ động xây dựng kế hoạch chung hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt trong và ngoài nước đối với cán bộ, giáo viên, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; ủy quyền cho Trường Đại học Hà Tĩnh căn cứ kế hoạch được phê duyệt, lựa chọn những cán bộ, giáo viên đủ các điều kiện, tiêu chuẩn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khả thi và phát triển bền vững.
3. Trường Đại học Hà Tĩnh căn cứ vào nhu cầu đào tạo, chủ động liên hệ, khâu nối với các Trường Đại học trong và ngoài nước để phối hợp đào tạo các ngành, nghề cần thiết, đề xuất phương án cụ thể với UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Ưu tiên cho Trường Đại học chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cấp tỉnh và cấp nhà nước triển khai trên địa bàn tỉnh. Ủy quyền cho Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh được phép quyết định các vấn đề nghiên cứu khoa học liên quan đến Trường Đại học Hà Tĩnh với các bộ, ban, ngành Trung ương song phải hiệu quả, thiết thực, phù hợp xu hướng phát triển.
5. Ưu tiên bổ sung kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác cho Trung tâm dạy nghề thuộc Trường Đại học Hà Tĩnh để từng bước tăng cường cơ sở vật chất nâng cao năng lực đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn lực lao động cho tỉnh.
6. Trường Đại học Hà Tĩnh phải xây dựng quy hoạch về đào tạo nguồn nhân lực bao gồm: Cán bộ quản lý, học hàm, học vị, chuyên môn, chuyên ngành; quy hoạch phải có lộ trình, thời gian cụ thể, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, yêu cầu phát triển của Trường và nhu cầu đào tạo trong và ngoài nước.
Điều 5. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường ở cơ sở mới.
1. Tập trung các nguồn vốn (ngân sách tập trung, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, tiền bán đất tại các cơ sở cũ của Trường, bổ sung từ sự nghiệp đào tạo và các nguồn vốn hợp pháp khác) để đầu tư xây dựng Trường Đại học tại cơ sở mới theo đúng lộ trình và kế hoạch vốn hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Hàng năm, căn cứ vào khả năng ngân sách, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn tăng thu ngân sách của tỉnh để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy của Nhà trường.
3. Cho phép bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản, vật kiến trúc trên đất tại cơ sở cũ để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư xây dựng Trường Đại học tại địa điểm mới. Trường chủ động phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng phương án cụ thể trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
4. Cho phép Trường Đại học Hà Tĩnh lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và tài chính, cam kết bỏ vốn trước để thi công các hạng mục đảm bảo đúng tiến độ, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định cho chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
1. Trường Đại học Hà Tĩnh:
a. Phối hợp với các ngành: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nội vụ, Ngoại vụ, UBND huyện Cẩm Xuyên và các ngành có liên quan để triển khai thực hiện chính sách này.
b. Hàng năm lập kế hoạch về các nhiệm vụ và dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện, thống nhất với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và các ngành có liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét quyết định.
c. Định kỳ hàng năm tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện các chính sách trên báo cáo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.
2. Sở Nội vụ:
a. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chỉ tiêu biên chế hàng năm và biên chế bổ sung cho trường Đại học Hà Tĩnh đảm bảo số lượng và phù hợp với nhu cầu của Nhà trường.
b. Hướng dẫn quy trình, thủ tục tuyển dụng cán bộ, giáo viên và công tác đào tạo cán bộ, giáo viên của Nhà trường.
3. Sở Tài chính:
a. Căn cứ vào kế hoạch nhiệm vụ và dự kiến kinh phí của Trường Đại học Hà Tĩnh, trên cơ sở khả năng ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành có liên quan, thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm và trong quá trình thực hiện dự toán.
b. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Trường Đại học Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan xây dựng phương án bán đấu giá đất và tài sản, vật kiến trúc trên đất các cơ sở cũ của Trường sau khi di dời, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
c. Ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung có liên quan để thực hiện chính sách trên.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn (XDCB tập trung. Chương trình MTQG, bổ sung có mục tiêu từ NSTW, trái phiếu Chính phủ…) nhằm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Trường Đại học tại cơ sở mới đảm bảo tiến độ phê duyệt.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh, Sở Tài chính bố trí lồng ghép kinh phí từ nguồn sự nghiệp KHCN hàng năm để thực hiện chính sách này.
6. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh và các cơ quan có liên quan xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo việc đầu tư đồng bộ; chất lượng, hiện đại, mỹ quan, đúng quy trình, đúng thủ tục pháp lý an toàn lao động và đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Cẩm Xuyên và các quan có liên quan đề xuất phương án bán đấu giá đất và giao đất ở cho cán bộ, giáo viên của nhà Trường chưa có đất ở, phù hợp với quy hoạch của Trường tại địa điểm mới, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
8. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện giao đất ở cho các cán bộ, giáo viên của Nhà trường theo đúng phương án phê duyệt của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, hay cần thiết sửa đổi bổ sung, đề nghị các cấp, các ngành và Trường Đại học Hà Tĩnh kịp thời phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Nghị quyết 18/2014/NQ-HĐND8 về chính sách thu hút người có học hàm, học vị về công tác tại Trường Đại học Thủ Dầu Một do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 2Nghị quyết 34/2013/NQ-HĐND Về cơ chế, chính sách thu hút giảng viên trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân Trào do Tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 3Nghị quyết 190/2015/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Nghị quyết 18/2014/NQ-HĐND8 về chính sách thu hút người có học hàm, học vị về công tác tại Trường Đại học Thủ Dầu Một do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 4Nghị quyết 34/2013/NQ-HĐND Về cơ chế, chính sách thu hút giảng viên trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân Trào do Tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 5Nghị quyết 190/2015/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
Quyết định 29/2011/QĐ-UBND về Quy định chính sách đối với Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu: 29/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/09/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Võ Kim Cự
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/10/2011
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết