Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 29/2010/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA XE THÔ SƠ VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ KHÁC THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hoá;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ và các loại xe tương tự khác tham gia giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe thô sơ là xe không di chuyển bằng sức động cơ như: xe đạp (kể cả xe đạp máy); xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; xe do súc vật kéo; xe ba gác đạp, đẩy hoặc kéo bằng sức người và các loại xe tương tự.

2. Các loại xe tương tự (không phải là xe tự chế) là xe có cấu tạo tính năng và công dụng giống như các loại xe trên.

3. Người điều khiển phương tiện thô sơ là người điều khiển xe thô sơ và các loại xe tương tự tham gia giao thông đường bộ.

Điều 4. Điều kiện của người điều khiển phương tiện

1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới bảy tuổi thì được chở tối đa hai người.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe xúc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.

4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn người điều khiển phương tiện. Đối với xe đạp, hàng hóa xếp trên xe không vượt quá chiều rộng xe 30 cm tính từ tâm theo phương dọc trục của xe và không vượt quá 30 cm phía sau xe tính từ kích thước bao của xe. Đối với các loại xe thô sơ khác, hàng hóa xếp trên xe không được vượt quá kích thước bao của phương tiện (xe) đó.

5. Người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.

6. Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

7. Trẻ em dưới 10 tuổi không được điều khiển xe đạp.

8. Tuổi người điều khiển xe thô sơ và các loại xe tương tự khác tham gia giao thông đường bộ (trừ xe đạp, xe lăn, xe lắc người khuyết tật) theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Điều kiện của xe thô sơ khi tham gia giao thông

Xe thô sơ và các loại xe tương tự khác khi tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Xe thô sơ và các loại xe tương tự khác phải bảo đảm đúng kích thước, quy cách, kiểu mẫu, vật liệu kết cấu theo thiết kế.

2. Bộ phận thắng (hãm) đầy đủ và còn hiệu lực.

3. Càng điều khiển phải đủ độ bền, điều khiển chính xác.

4. Khung xe phải đảm bảo chắc chắn, không bị nứt hoặc cong vênh khi nhận biết bằng mắt thường; các mối hàn ghép phải đảm bảo kỹ thuật.

5. Thân vỏ, thùng bệ không bị thủng rách; khung xương không bị nứt gãy; các mối nối liên kết đảm bảo đúng kỹ thuật.

6. Có lắp đặt phản quang phía trước và phía sau xe để các phương tiện khác nhận biết vào ban đêm.

7. Chủ phương tiện phải thường xuyên kiểm tra, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của xe theo thiết kế ban đầu.

Điều 6. Phạm vi hoạt động

Xe thô sơ và các loại xe tương tự khác phải đi đúng phần đường quy định và không được phép hoạt động vào các giờ cao điểm trong nội ô quận, huyện (trừ xe đạp, xe thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe lăn, xe lắc người khuyết tật). Giờ quy định cụ thể như sau:

Sáng: Từ 6 giờ 00 phút đến 7 giờ 30 phút.

Trưa: Từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 12 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút.

Chiều: Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 00 phút.

Điều 7. Nghiêm cấm người điều khiển, người ngồi trên xe thô sơ và các loại xe tương tự khác khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

1. Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ (trừ xe lăn, xe lắc người khuyết tật) và phương tiện khác (nếu có phần làn đường dành cho xe thô sơ), đi xe dàn hàng ngang từ hai xe trở lên.

2. Sử dụng dù (ô), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).

3. Sử dụng xe để bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác và chở vật cồng kềnh.

4. Đứng trên yên, giá chở (đèo) hàng hoặc ngồi trên tay lái, người điều khiển buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh.

5. Dừng xe, để xe ở lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.

6. Sử dụng xe do súc vật kéo làm mất vệ sinh đường phố.

7. Hành vi khác gây mất trật tự an toàn giao thông.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở giao thông vận tải

1. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở, ngành chức năng tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố lắp đặt hệ thống biển báo hiệu giao thông cho phù hợp.

2. Có trách nhiệm tổng hợp (thông qua báo cáo của Ủy ban nhân dân quận, huyện) các phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết kịp thời.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Căn cứ Quyết định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn.

Điều 10. Xử lý vi phạm

Các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 11. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất 05 (năm) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 12. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (HN + TPHCM);
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TT. Thành ủy, TT. HĐND thành phố;
- CT, PCT UBND thành phố;
- VP Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố;
- UBMT Tổ quốc và các Đoàn thể thành phố;
- Sở, ban ngành thành phố có liên quan;
- TT HĐND, UBND quận, huyện;
- Ban An toàn giao thông thành phố;
- Website chính phủ;
- Báo Cần Thơ; Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT. LPL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 29/2010/QĐ-UBND quy định điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ và tương tự khác tham gia giao thông đường bộ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 29/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/07/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản