Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2893/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 27 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Thực hiện Thông báo số 169/TB-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tại Tờ trình số 337/TTr-SKHCN ngày 05 tháng 9 năm 2006 về việc phê duyệt Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ.

Kinh phí thực hiện: từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
Bộ KH&CN: Để báo cáo
Cục SH trí tuệ:Để báo cáo
TT.TU, TT. HĐND: Để B.cáo
CT.UBND: Để báo cáo
Như điều 2: Để TH
Lưu VT-TH.
P1/ 15/9/A KHCN

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Văn Niên

 

CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2893/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2006 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu )

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Đặt vấn đề.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong những năm qua có nhiều chuyển biến đáng kể. Khoa học công nghệ (KHCN) có những tác động rõ nét, nhiều luận cứ khoa học đã tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách và quyết định tạo ra nhiều giải pháp mới và các điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến hạt điều, cao su ... có được các kết quả trên một phần xuất phát từ những cơ chế khuyến khích đầu tư và áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống. Về sản xuất, các chủ doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong điều hành quản lý, song cũng còn một số chủ doanh nghiệp dân doanh còn nhiều khó khăn. Quá trình hình thành và phát triển của hầu hết các doanh nghiệp có khởi nguồn từ những doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc sản xuất truyền thống, nên phần lớn thiết bị công nghệ bộc lộ nhiều bất cập, tốc độ phát triển của các doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nhiều sản phẩm còn không ít hạn chế: Năng suất chất lượng thấp, giá thành cao chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế. Vấn đề đổi mới thiết bị công nghệ thì các chủ doanh nghiệp còn nhiều ngần ngại lo gặp nhiều rủi ro, đôi khi còn chưa xác định được nhu cầu doanh nghiệp cần đổi mới thiết bị công nghệ gì cho phù hợp với vốn, năng lực, thị trường và hiệu quả sản xuất hiện nay. Vấn đề áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP, GMP); Xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, nhất là về nhãn hiệu hàng hoá gần đã đây được các doanh nghiệp quan tâm, nhưng việc áp dụng, thực thi trong doanh nghiệp nói chung còn hạn chế. Mặt khác, việc tác động, khuyến khích, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhằm đổi mới sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh còn nhiều bất cập. Đó là những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.

2. Cơ sở pháp lý:

Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/09/1999 của Chính phủ về một số chính sách cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ và Thông tư liên tịch số 2341/2000/TTLT-BKHCNMT – BTC ngày 28 tháng 11 năm 2000 của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.

Căn cứ Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Căn cứ Quyết định số 191/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2005 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010”.

Căn cứ Chỉ thị số 22/2004/CT-UBND ngày 30/03/2004 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về chương trình công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2004.

Căn cứ Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp giai đoạn 2005 - 2010 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Căn cứ Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Công văn số 4746/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2005.

Căn cứ Thông báo số 169/TB-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2006 kết quả cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn năm 2006 - 2010 ý kiến kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá nâng cao năng lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO 9000, ISO 14000, HACCP, GMP, TMQ, SA 8000… tại các doanh nghiệp.

- Tăng cường số lượng các doanh nghiệp tham gia bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Tăng cường sản suất sạch, xử lý giảm thiểu ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm; tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguồn phụ tải lớn nhằm giảm thiểu chi phí năng lượng, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp và thương mại điện tử.

III. ĐỐI TƯỢNG.

Đối tượng áp dụng chương trình: là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc mọi thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có pháp nhân Việt Nam …) đang hoạt động theo đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, các loại hàng hoá là sản phẩm chủ lực của địa phương và các doanh nghiệp có thương hiệu đạt uy tín trên thị trường.

IV. NỘI DUNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH

1. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, HACCP, ISO 14000, SA 8000 ...

2. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá

3. Sản xuất sạch hơn, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường

4. Đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm; tiết kiệm năng lượng

5. Ứng dụng công nghệ thông tin: nâng cao nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp và thương mại điện tử.

V. PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH

1. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

a) Nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ về tư vấn, chứng nhận, giám sát. Kinh phí được cấp một lần sau khi doanh nghiệp được tổ chức đánh giá cấp giấy chứng nhận ISO, HACCP ...

b) Mức hỗ trợ:

Do Hội đồng Khoa học - Công nghệ xét duyệt quyết định: tối đa không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp áp dụng ISO và không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp áp dụng HACCP.

c) Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ISO, HACCP; kinh phí được cấp một lần khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ.

2. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá.

a) Nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trong nước và nước ngoài.

b) Mức hỗ trợ:

- Do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định:

+ Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trong nước: 5.000.000 đồng/nhãn hiệu; mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 03 nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ.

+ Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ra nước ngoài: 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng/nhãn hiệu; mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ 01 nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ.

c) Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ sau khi doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ; kinh phí được cấp một lần khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ và chứng từ hợp lệ.

3. Sản xuất sạch hơn, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

a) Nội dung hỗ trợ:

- Sản xuất sạch hơn:

+ Nghiên cứu, xác định các nguyên nhân gây thải và lãng phí; Nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất sạch hơn; Xây dựng quy trình áp dụng sản xuất sạch hơn; Phân tích mẫu; Tập huấn kiến thức cơ bản cho nhóm sản xuất sạch; Viết báo cáo tổng hợp, đánh giá kết quả; kiểm tra, giám sát và nghiệm thu.

- Xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường:

+ Khảo sát đánh giá hiện trạng; thiết kế, xây dựng công trình; phân tích mẫu; đào tạo, hướng dẫn vận hành hệ thống; kiểm tra, giám sát và nghiệm thu; báo cáo tổng kết thực hiện đề án.

b) Mức hỗ trợ:

Do Hội đồng Khoa học - Công nghệ xét duyệt quyết định; Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện dự án không quá 30% tổng kinh phí cho việc thực hiện dự án của doanh nghiệp và không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

c) Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ sau khi được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu, kinh phí được cấp 1 lần khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ.

4. Đổi mới công nghệ, thiết bị và tiết kiệm năng lượng

a) Nội dung hỗ trợ:

Đổi mới công nghệ, thiết bị: Hỗ trợ khảo sát lựa chọn công nghệ; chuyển giao công nghệ; đào tạo tập huấn nhân công vận hành chạy thử; nguyên vật liệu năng lượng chạy thử; kiểm định chất lượng sản phẩm; kiểm tra, giám sát và nghiệm thu, báo cáo tổng kết đề án.

Tiết kiệm năng lượng: Hỗ trợ kiểm toán năng lượng; thiết kế cải tạo hệ thống; đào tạo về công tác tiết kiệm năng lượng; nguyên vật liệu năng lượng vận hành chạy thử; kiểm tra, giám sát, nghiệm thu; báo cáo tổng kết đề án.

b) Mức hỗ trợ:

Do Hội đồng Khoa học - Công nghệ xét duyệt quyết định; Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện dự án không quá 30% tổng kinh phí cho việc thực hiện dự án của doanh nghiệp và không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

c) Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ sau khi được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu, kinh phí được cấp 01 lần khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin.

a) Nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp; Đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp và thương mại điện tử; Xây dựng mô hình và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website quảng bá sản phẩm và thực hiện thương mại điện tử.

b) Mức hỗ trợ:

Do Hội đồng Khoa học - Công nghệ xét duyệt quyết định; Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện dự án không quá 30% tổng kinh phí cho việc thực hiện dự án của doanh nghiệp và không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

c) Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ sau khi được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu, kinh phí được cấp 1 lần khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ.

VI. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHÍ HỖ TRỢ

- Điều kiện chung:

+ Đã đăng ký nộp thuế.

+ Hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh.

+ Có đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí…) đảm bảo cho hoạt động theo nội dung của chương trình mà doanh nghiệp tham gia.

- Thực hiện đầy đủ yêu cầu của hồ sơ quy định tham gia chương trình.

- Tiêu chí và thủ tục hỗ trợ.

1. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

- Ưu tiên:

+ Doanh nghiệp có hàng xuất khẩu.

+ Doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và thị trường xuất khẩu ổn định.

+ Doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ và công nhân có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý.

- Thủ tục:

+ Đơn đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ.

+ Thuyết minh đề án hỗ trợ doanh nghiệp .

2. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá

- Ưu tiên:

+ Doanh nghiệp có thị trường sản xuất, dịch vụ ổn định và có uy tín.

+ Doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu ổn định.

- Thủ tục:

+ Đơn đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Mẫu nhãn hiệu.

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và danh mục hàng hoá/dịch vụ xin đăng ký bảo hộ.

3. Áp dụng sản xuất sạch hơn, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường

- Ưu tiên:

+ Công nghệ thiết bị của dự án đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của Nhà nước.

+ Là cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh địa điểm đã được quy hoạch ổn định.

+ Các lĩnh vực sản xuất, chế biến thuỷ sản, nông sản, thực phẩm.

- Thủ tục:

+ Đơn đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Thuyết minh đề án hỗ trợ doanh nghiệp.

4. Đổi mới công nghệ, thiết bị và tiết kiệm năng lượng

- Ưu tiên:

+ Công nghệ thiết bị của dự án đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của Nhà nước.

+ Doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và có thị trường xuất khẩu ổn định.

+ Doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu hàng năm lớn.

+ Sản phẩm của công nghệ ứng dụng có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế hàng ngoại nhập.

+ Doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ và công nhân có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý.

+ Công nghệ ứng dụng đạt trình độ tiên tiến, hao tốn ít năng lượng, tỉ lệ phế phẩm thấp, và công nghệ thuộc ngành nghề ưu tiên của tỉnh.

- Thủ tục:

+ Đơn đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Thuyết minh đề án hỗ trợ doanh nghiệp.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin

- Ưu tiên:

+ Doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu ổn định

+ Doanh nghiệp có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về công nghệ thông tin

- Thủ tục:

+ Đơn đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Thuyết minh đề án hỗ trợ doanh nghiệp.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với Ban Chỉ đạo

Các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh, có quy định phân công cụ thể riêng.

2. Đối với Sở Khoa học – Công nghệ

Hàng năm Sở Khoa học – Công nghệ thông báo cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố danh mục các lĩnh vực được hỗ trợ của chương trình và tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền nội dung chương trình cho doanh nghiệp biết đăng ký tham gia. Thành lập Hội đồng Khoa học - Công nghệ chuyên ngành để xem xét về tính khả thi và kinh phí hỗ trợ dự án theo quy định.

3. Đối với các ngành, đơn vị

- Căn cứ nội dung thông báo hàng năm về Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành tổ chức triển khai và khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện.

- Hàng năm, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức các đợt tuyên truyền nội dung chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

4. Kinh phí tổ chức thực hiện: Kinh phí tổ chức họp Hội đồng, tuyên truyền phổ biến và tổng kết nghiệm thu.....áp dụng Thông tư liên tịch số 45/2001/TTLT-BTC – BKHCNMT ngày 18 tháng 6 năm 2001 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học - Công nghệ) hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các quy định hiện hành.

5. Báo cáo, sơ kết, tổng kết

- Báo cáo định kỳ một năm hai lần về tình hình triển khai thực hiện chương trình.

- Tổ chức sơ kết: 02 năm một lần đánh giá những nội dung đã và đang thực hiện, những kiến nghị, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

- Tổ chức tổng kết chương trình, đánh giá kết quả đạt được qua các giai đoạn đối với từng lĩnh vực của chương trình; Đánh giá công tác phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Ban Chỉ đạo và các nội dung khác; Tổ chức khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp.

VIII. KHOẢN THI HÀNH.

Chương trình này thay thế cho Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4746/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày ký./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2893/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 2893/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Hồ Văn Niên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 19/09/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản