Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2870/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỈNH QUẢNG NINH - MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM”, GIAI ĐOẠN 2013 - 2016.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới;

- Căn cứ Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2010 - 2020”;

- Căn cứ Quyết định số 775/QĐ-UBND ngày 18/3/2011 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020;

- Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 4164/STC-TCHCSN ngày 07/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016, gồm các nội dung sau:

1. Tên Đề án: Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 2013-2016.

2. Chủ Đề án: Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh.

3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ tháng 10/2013 - tháng 12/2016.

4. Phạm vi thực hiện Đề án: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

5. Cơ quan tư vấn:

Tư vấn 1: Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp Miền Bắc - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam.

Tư vấn 2: Công ty TNHH MTV Dược khoa - Trường ĐH Dược Hà Nội.

6. Mục tiêu Đề án:

6.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

6.2. Mục tiêu cụ thể:

Phát triển sản xuất kinh doanh cho 40-60 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh

Nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị của 20-30 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hóa có quy mô trung bình và lớn;

Hình thành 10-15 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10-15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống

Hình thành hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá sản phẩm.

7. Quan điểm về cách thức triển khai Đề án:

- Nhà nước hỗ trợ: Hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu,

- Công đồng dân cư (bao gồm cả các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nông thôn) tự tổ chức triển khai thực hiện

8. Nội dung Đề án:

8.1. Tổ chức các cuộc hội thảo về, tham quan học tập kinh nghiệm các đơn vị đã triển khai chương trình.

8.2. Tổ chức hướng dẫn cho cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện các nội dung công việc, bao gồm:

- Đánh giá thực trạng sản phẩm truyền thống đặc sản của địa phương.

- Đánh giá lợi thế cạnh tranh và đề xuất sản phẩm ưu tiên.

- Xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết.

- Triển khai thực hiện kế hoạch.

- Sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh (nếu cần thiết).

9. Kinh phí tổ chức thực hiện Đề án:

9.1. Tổng kinh phí ngân sách Tỉnh hỗ trợ: 6.960.000.000 đồng, trong đó:

+ Năm 2013: 300 triệu đồng (Đã bố trí vốn kế hoạch năm 2013)

+ Năm 2014: 2.500 triệu đồng;

+ Năm 2015: 2.160 triệu đồng;

+ Năm 2016: 2.000 triệu đồng;

9.2. Nguồn vốn: Ngân sách Tỉnh trích để lại cho Ban Xây dựng nông thôn mới từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới hàng năm.

9.3. Nội dung chi: Các cuội hội thảo, in ấn tài liệu, hướng dẫn triển khai, cung cấp thông tin...(Hàng năm Ban Xây dựng nông thôn mới lập kế hoạch chi, gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định).

10. Kế hoạch triển khai: Đề án được triển khai trong 39 tháng, từ 10/2013 đến 12/2016 (Theo kế hoạch đã nêu trong Đề án được phê duyệt).

11. Tổ chức thực hiện:

11.1. Ban Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh: Chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức triển khai thực hiện và hiệu quả của Đề án.

11.2. Các Sở, ngành:

- Sở Y tế: Hỗ trợ các cộng đồng xây dựng và bảo đảm các chỉ tiêu thuốc Y học cổ truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh giá các sản phẩm thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thuốc Y học cổ truyền.

- Sở Tài chính: Cân đối tài chính cho các hoạt động theo Đề án được duyệt; hỗ trợ các tổ chức kinh tế hình thành trong Đề án về nghiệp vụ, chế độ quản lý tài chính.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Lồng ghép các nội dung của Đề án vào Quy hoạch tổng thể, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hằng năm; phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách; hỗ trợ việc hình thành các tổ chức kinh tế do cộng đồng xây dựng trong Đề án.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Lồng ghép các hoạt động của Đề án vào các hoạt động khuyến nông - lâm - ngư; hướng dẫn phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã; tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ công nghệ để nâng cấp sản phẩm của Đề án.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Tham gia giải quyết các công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; lập kế hoạch ngân sách hàng năm cho các đề tài nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và các Đề án KHCN về các sản phẩm do cộng đồng đăng ký.

- Sở Công Thương: Lồng ghép các hoạt động khuyến công liên quan đến các tổ chức kinh tế hình thành bởi Đề án; tổ chức hội chợ, hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm thi được giải; tạo điều kiện cho các sản phẩm được lưu thông trên thị trường.

- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Nghiên cứu phát triển và triển khai các sản phẩm du lịch nông thôn, quảng bá các hình ảnh về bản sắc văn hóa, sản phẩm của Đề án trong các hoạt động văn hóa và du lịch trong Tỉnh.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với các sản phẩm của Đề án.

- Liên minh các HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Xây dựng và phát triển tổ chức HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

- Hội các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong Đề án.

- Hội Đông y: Chịu trách nhiệm tuyên truyền và động viên các hội viên tham gia Đề án.

- Đề nghị Hội Nông dân Tỉnh, phối hợp trong công tác tuyên truyền và động viên các hội viên tham gia Đề án.

10.3. UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố

- Nghiên cứu ban hành và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ triển khai Đề án tại địa phương; Phân bổ và điều chỉnh các nguồn lực thực hiện Đề án trong phạm vi của địa phương.

- Phối hợp tham gia tuyên truyền về Đề án qua hệ thống của địa phương; Tổ chức cuộc thi sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi cấp tỉnh.

Điều 2: Các ông bà: Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2 (thực hiện)
- V0, V1, V2;
- NLN1, TM3;
- Lưu VT, NLN1(45B-QD 34).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thông

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2870/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án "Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm", giai đoạn 2013-2016

  • Số hiệu: 2870/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Đỗ Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản