Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2851/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 15 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHI CỤC THÚ Y TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, về việc quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 1879/TTr-SNN ngày 03/9/2007, V/v ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và sửa đổi, bổ sung quyết định số 356/QĐ-TC-UB, ngày 25 tháng 5 năm 1987 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, về việc chuyển Trạm Thú y tỉnh thành Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHI CỤC THÚ Y TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2851/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Điều 1. Chi cục Thú y là cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thú y; phòng chống dịch, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, chẩn đoán xét nghiệm và thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Chi cục Thú y chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước để hoạt động theo quy định hiện hành.

Trụ sở Chi cục Thú y đặt tại số 14 Hùng Vương, thành phố Đà Lạt

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng qui hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm; chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành Thú y.

Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thú y trên địa bàn Tỉnh.

Điều 4. Về công tác quản lý phòng chống dịch bệnh động vật

1. Tham mưu cho Giám đốc Sở chỉ đạo, kiểm tra để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan các cấp đề xuất chủ trương, giải pháp và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch động vật mới và quản lý các ổ dịch cũ.

3. Phối hợp với cơ quan thú y cấp huyện phát hiện, chẩn đoán, xét nghiệm để xác định bệnh động vật, giám sát và khống chế dịch bệnh kịp thời.

4. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn để cơ quan thú y cấp huyện, thực hiện tiêm phòng bắt buộc cho động vật định kỳ hàng năm và đột xuất, tùy theo tình hình dịch tể xảy ra.

5. Hướng dẫn, thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với các cơ sở có hoạt động liên quan đến chăn nuôi thú y, các dụng cụ chứa đựng, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

6. Tham mưu để xây dựng các chính sách cụ thể nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch gồm: kinh phí tiêm phòng, chống dịch, khử trùng tiêu độc, chế độ cho người tham gia, hỗ trợ cho người chăn nuôi khi gặp rủi ro do dịch bệnh gây ra…

7. Kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại cơ sở sản xuất con giống, các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Về công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật:

1. Hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cho cơ quan Thú y cấp huyện.

2. Thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, chất thải động vật lưu thông vận chuyển ra vào tỉnh.

3. Tham mưu công tác qui hoạch và thực hiện dự án qui hoạch lò giết mổ tập trung của Tỉnh; thẩm định điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn Tỉnh.

4. Xây dựng chương trình và cùng với cơ quan Thú y cấp huyện, định kỳ, đột xuất kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi, sản xuất con giống, cơ sở giết mổ, sơ chế; cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; Cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc thú y; Cơ sở hành nghề thú y và các cơ sở hoạt động khác liên quan đến chăn nuôi thú y.

5. Phối hợp với cơ quan thú y cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức xây dựng và công nhận các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.

6. Phối hợp với Chi cục Thú y các Tỉnh trong công tác kiểm dịch động vật và phòng chống dịch bệnh.

Điều 6. Về công tác quản lý thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y (gọi tắt là thuốc thú y)

1. Phối hợp với cơ quan thú y cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn cho tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông, sử dụng thuốc thú y.

2. Quản lý việc sản xuất, kinh doanh, hội thảo, quảng cáo, thử nghiệm, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y; giám sát chất lượng thuốc thú y đang lưu thông và sử dụng trên đại bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Tham mưu cho Giám đốc Sở về dự trữ thuốc, vật tư thú y; phân bổ, cấp phát thuốc, vaccin, thuốc khử trùng tiêu độc, vật tư thú y khác từ các nguồn được Nhà nước và các tổ chức khác cho các đối tượng theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch.

Điều 7. Cấp, thu hồi các loại giấy chứng nhận: Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, giấy chứng nhận vệ sinh thú y, chứng chỉ hành nghề thú y và các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ chính sách thuộc chuyên ngành thú y; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thú y, mạng lưới thú y cơ sở và các tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi thú y.

Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình quốc gia, dự án hợp tác quốc tế về chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh.

Điều 8. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động thú y; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thú y theo quy định của Nhà nước.

Thanh tra chuyên ngành; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý các vi phạm về thú y, kiểm dịch động vật và thuốc thú y theo thẩm quyền quy định.

Điều 9. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định.

- Quản lý việc thu, sử dụng các loại phí và lệ phí trong hoạt động thú y theo quy định của pháp luật.

- Quản lý cán bộ, công chức, kinh phí và tài sản được giao theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 10. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Chi cục có Chi cục trưởng và 01 đến 02 Phó Chi cục trưởng. Việc bổ nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Các tổ chức chuyên môn giúp việc:

a) Phòng Hành chính - Tổng hợp - Pháp chế;

b) Phòng Kỹ thuật - Kiểm dịch động vật;

c) Thanh tra chuyên ngành Thú y và Kiểm dịch động vật.

d) Các Trạm Kiểm dịch động vật;

Việc thành lập, giải thể các Trạm kiểm dịch động vật do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng, Trạm do Chi cục trưởng quy định.

Mỗi Phòng, Trạm có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và Trưởng trạm, Phó Trưởng trạm.

Chức năng, nhiệm vụ Thanh tra chuyên ngành thú y và Kiểm dịch động vật do Chi cục trưởng xây dựng, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Thanh tra chuyên ngành có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên chuyên ngành.

Việc bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra chuyên ngành theo quy định hiện hành; việc bổ nhiệm Thanh tra viên chuyên ngành do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo đề nghị của Chi cục trưởng.

Chi cục trưởng quyết định bổ nhiệm các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng trạm, Phó Trưởng trạm sau khi có ý kiến thống nhất của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 11. Biên chế

Biên chế của Chi cục Thú y (gồm biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp) do Chủ tịch UBND tỉnh giao hàng năm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2851/QĐ-UBND năm 2007 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 2851/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản