Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 283/2003/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH “QUY CHẾ SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ, CHO NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2003 – 2005”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ;
Thực hiện ý kiến Chỉ đạo tại công văn số 1074/UB-TM ngày 20/3/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố giai đoạn 2003 – 2005;
Xét đề nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố tại tờ trình số 115/LHH-2003 ngày 10/8/2003;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Qui chế sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, cho các nội dung hoạt động Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố giai đoạn 2003 – 2005, như sau :

1. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố;

2. Hoạt động hỗ trợ có thu hồi các dự án triển khai nhỏ (dưới 50 triệu đồng) và in sách chuyên sâu của các nhà khoa học;

3. Hoạt động phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường Đại học để tổ chức (thông qua các Hội chuyên ngành thành viên) các cuộc thi Olympic cho tài năng trẻ;

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực áp dụng kể từ ngày ký;

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố và Thủ trưởng các cơ quan của thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận :
- Như điều 3  
- Thường trực Thành Ủy  
- TTUB: CT, PCT/TT
- VPHĐ-UB : PVP/KT, VX
- Tổ TH, VX, CNN, TM
- Lưu (CNN.HH)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thiện Nhân

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

QUY CHẾ

SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ, CHO NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
GIAI ĐOẠN 2003 – 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 283/2003/QĐ-UB ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định các nội dung, phạm vi điều chỉnh việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố cho 3 nội dung hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, giai đoạn 2003-2005 như sau :

1.1. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố;

1.2. Hỗ trợ có thu hồi các dự án triển khai nhỏ (dưới 50 triệu đồng) và in sách chuyên sâu của các nhà khoa học;

1.3. Phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo và các trường Đại học để tổ chức (thông qua các Hội chuyên ngành thành viên) các cuộc thi Olympic cho tài năng trẻ;

Điều 2. Các nội dung không được quy định trong quy chế này được áp dụng theo các quy định khác của pháp luật;

Điều 3. Giải thích từ ngữ trong quy chế :

3.1. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, được tuân thủ theo quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của quy chế này;

3.2. Các dự án nhỏ được hiểu là các dự án do thành viên của Liên hiệp Hội đề xuất, có yêu cầu hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng và tuân thủ các quy định của quy chế này;

3.3. Sách chuyên sâu được hiểu là sách của các thành viên trong Liên hiệp Hội biên soạn và tuân thủ các quy định của quy chế này;

3.4. Hội thi Olympic được hiểu là Hội thi chuyên ngành, không chính qui, do Liên hiệp Hội phối hợp với các đơn vị cùng tổ chức, nhằm góp phần phát hiện các tài năng trẻ cho thành phố;

Chương 2:

QUY ĐỊNH NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội:

4.1. Đối tượng (khách hàng): Bao gồm các vấn đề, chương trình, phương án, đề án, dự án...được Thành Ủy, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ; các Sở, Ban ngành, quận, huyện đặt hàng, hoặc các nội dung do Liên hiệp hội đề xuất, đúng theo quy định hướng dẫn về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại Công văn số 733/LHH ngày 06/9/2002 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

4.2. Trách nhiệm: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố có trách nhiệm tổ chức tư vấn, phản biện, giám định xã hội và báo cáo kết quả cho các đơn vị đặt hàng theo đúng yêu cầu hợp đồng ký kết;

4.3. Cơ chế thực hiện : Chủ tịch Liên hiệp hội ra Quyết định thành lập và giao nhiệm vụ cho Hội đồng Tư vấn, phản biện và giám định xã hội gồm các Ủy viên được chọn từ thành viên của Liên hiệp Hội, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với nội dung, yêu cầu phía đặt hàng; giới hạn thành viên trong một Hội đồng cao nhất không quá 15 người và thấp nhất là 7 người;

4.4. Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố về phương pháp tiến hành và phải báo cáo kết quả công việc đã thực hiện khi kết thúc nhiệm vụ.

Điều 5. Hoạt động hỗ trợ có thu hồi các dự án triển khai nhỏ và in sách chuyên sâu :

5.1. Đối tượng hỗ trợ : Các hội viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố có công trình nghiên cứu khoa học đã được Hội đồng Khoa học của Liên hiệp Hội, hoặc Hội đồng Khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ thành lập nghiệm thu, được đánh giá khả thi, áp dụng vào thực tế có triển vọng đem lại hiệu quả cần được xem xét hỗ trợ triển khai vào sản xuất, hoặc hỗ trợ in ấn phổ biến cho xã hội theo quy chế này;

5.2. Điều kiện tham gia: dự án đã được đăng ký trong kế hoạch hàng năm của Liên hiệp Hội (đăng ký trước tháng 9 hàng năm); lập thuyết minh dự án đúng theo mẫu của Liên hiệp Hội phát hành, có chữ ký cá nhân, xác nhận đóng dấu của Hội chủ quản và đơn vị thực hiện (nếu có); chấp hành đúng các quy định của quy chế này;

5.3. Trách nhiệm chủ dự án: toàn quyền chủ động tổ chức thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, sản phẩm đã ký trong hợp đồng triển khai với Liên hiệp Hội; có trách nhiệm sử dụng, thanh quyết toán và hoàn trả kinh phí thu hồi theo đúng quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước; chịu trách nhiệm về các hoạt động thực hiện dự án trước Liên hiệp Hội và Pháp luật;

5.4. Trách nhiệm của Liên hiệp Hội: hướng dẫn và thực hiện quản lý việc tổ chức triển khai các dự án theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước Thành Ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả đầu tư;

5.5. Cơ chế tổ chức xét duyệt, nghiệm thu và kiểm tra, giám sát dự án: Chủ tịch Liên hiệp Hội ra quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt, Hội đồng nghiệm thu và duyệt hỗ trợ kinh phí có thu hồi các dự án triển khai nhỏ và in sách chuyên sâu; Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu dự án tối thiểu gồm 5 thành viên có kiến thức chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, quản lý phù hợp theo nội dung của dự án và không thay đổi cho đến khi kết thúc dự án; trường hợp thay đổi thành viên phải có lý do chính đáng; trong quá trình thực hiện dự án Liên hiệp Hội có quyền tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế tại nơi triển khai từ 1 đến 2 lần trên thời gian đăng ký trong hợp đồng và được báo trước cho chủ dự án biết.

Điều 6. Phối hợp tổ chức các cuộc thi Olympic tài năng trẻ:

6.1. Đối tượng dự thi: là sinh viên các trường Đại học theo chuyên ngành cụ thể, hoặc học sinh phổ thông trung học và phổ thông cơ sở;

6.2. Quy trình tổ chức: các hội chuyên ngành kết hợp với trường Đại học hoặc Sở Giáo dục - Đào tạo thành lập Ban tổ chức hội thi; Ban tổ chức hội thi đề ra mục đích yêu cầu hội thi, đề thi, đối tượng dự thi, thời gian, địa điểm, đơn vị đăng cai tổ chức và thành lập ban giám khảo, dự toán kinh phí tổ chức hội thi, sau đó lập tờ trình gởi Chủ tịch Liên hiệp hội phê duyệt;

6.3. Trách nhiệm của Chủ tịch Liên hiệp hội: xem xét ra Quyết định thành lập Ban tổ chức Hội thi, phê duyệt kế hoạch tổ chức, ấn định các giải thưởng, giám sát và tuyên truyền rộng rãi cho các cuộc thi;

6.4. Sau khi các cuộc thi kết thúc, Liên hiệp hội và Ban tổ chức có trách nhiệm báo cáo đề xuất, kiến nghị chính sách, phương án đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ đoạt giải, trình cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét chỉ đạo.

Chương 3:

CƠ CHẾ SỬ DỤNG TÀI CHÁNH

Điều 7.

7.1. Kinh phí được hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố có trách nhiệm sử dụng theo 3 nội dung và thời gian đã ghi tại điều 1 của qui chế này;

7.2. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ để lập kế hoạch dự toán hàng năm cho 3 hoạt động nêu tại điều 1 và quyết toán kinh phí này theo quy định hiện hành.

Điều 8. Việc quản lý và sử dụng quỹ được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Sở Tài chính thành phố.

Điều 9. Chi phí cho các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội thống nhất áp dụng theo quy định hướng dẫn tại thông tư số 27/2003/TT.BTC ngày 01/4/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Điều 10.

10.1 Kinh phí hỗ trợ có thu hồi các dự án triển khai nhỏ (dưới 50 triệu đồng và in sách chuyên sâu của các nhà khoa học) do Hội đồng khoa học của Liên hiệp hội kiến nghị và Chủ tịch Liên hiệp hội quyết định;

10.2 Tiền thu hồi từ các dự án triển khai nhỏ được nộp về ngân sách thành phố, theo đúng thủ tục quy định của Sở Tài chính thành phố.

Điều 11.

11.1 Kinh phí tổ chức các cuộc thi Olympic tài năng trẻ chuyên ngành gồm:

- Kinh phí Liên hiệp Hội phê duyệt hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thành phố giao, không được vượt quá 50% tổng dự toán kinh phí của một cuộc thi;

- Kinh phí tài trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

11.2 Kinh phí phê duyệt hỗ trợ cho các cuộc thi do Hội đồng khoa học của Liên hiệp Hội xem xét đề nghị lên Chủ tịch Liên hiệp Hội quyết định.

Điều 12. Kinh phí cho mỗi lần họp Hội đồng khoa học về xét duyệt, nghiệm thu hỗ trợ các dự án triển khai nhỏ và in sách chuyên sâu được vận dụng mức chi cho Hội đồng Khoa học thành phố, quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2001/TTLT-BTC-BKHCNMT ngày 18/6/2001 giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ và được chi trong nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố giao.

Điều 13. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố được phép trích quản lý phí theo quy định tại Thông tư số 27/2003/TT-BTC ngày 01/4/2003 của Bộ Tài chính để sử dụng phục vụ công tác quản lý và các hoạt động văn phòng của Liên hiệp hội.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến hết năm 2005, trên cơ sở hoàn tất các thủ tục cấp phát và thanh quyết toán theo quy định số kinh phí đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thành phố;

Điều 15. Việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi và gia hạn Qui chế sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định trên cơ sở xem xét kiến nghị của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và Giám đốc các Sở ngành chức năng liên quan./.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 283/2003/QĐ-UB ban hành “Quy chế sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, cho nội dung hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2003 – 2005” do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 283/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/12/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản