Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2822/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 12 tháng 09 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 07 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa tại Tờ trình số 1978/SXD-QLCL, ngày 01 tháng 9 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu điều chỉnh phát triển vật liệu xây dựng
- Phát triển sản xuất VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Khắc phục tình trạng mất cân đối về chủng loại vật liệu theo các vùng miền.
- Từng bước hiện đại hóa ngành Công nghiệp VLXD trong tỉnh. Phấn đấu sản xuất các loại vật liệu trên địa bàn tỉnh thay thế các loại vật liệu nhập khẩu và tiến tới sản xuất các loại vật liệu cung cấp ra tỉnh ngoài và tham gia thị trường xuất khẩu.
- Thu hút lực lượng lao động, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tăng thu ngân sách cho địa phương.
2. Quan điểm phát triển sản xuất vật liệu xây dựng
- Ưu tiên phát triển nhóm vật liệu trên địa bàn tỉnh có thể mạnh như: Xi măng, đá xây dựng, vật liệu nung và các loại vật liệu mới từ nguyên liệu địa phương. Các loại vật liệu phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và các khu đô thị mới.
- Tiết kiệm tài nguyên khoáng sản bằng giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác chế biến. Khai thác sâu các mỏ lộ thiên, ưu tiên tạo ra các loại sản phẩm vật liệu có giá trị cao cùng một nguồn khoáng sản. Chú trọng nghiên cứu sản xuất các loại vật liệu mới từ phế thải công nghiệp.
- Tạo điều kiện thuận lợi các thủ tục đầu tư. Cấp phép hoạt động khoáng sản. Khai thác tối đa công suất các cơ sở đã đầu tư, hạn chế và chấm dứt tình trạng khai thác sản xuất trái phép, sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.
- Phát triển sản xuất VLXD phải đảm bảo bền vững, gắn hiệu quả kinh tế của nhà sản xuất với hiệu quả kinh tế - xã hội chung. Bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, môi trường sinh thái, di tích văn hóa, lịch sử, cảnh quan và an ninh, quốc phòng.
- Qui hoạch VLXD của tỉnh phải phù hợp với qui hoạch phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời phù hợp với quy hoạch VLXD của cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng để đảm bảo tính khả thi cao.
3. Phạm vi điều chỉnh qui hoạch VLXD đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- Kế thừa đề án quy hoạch VLXD đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định phê duyệt số 343/2002/QĐ-UB ngày 28 tháng 01 năm 2002 của UBND tỉnh.
- Chỉ điều chỉnh quy hoạch phát triển các loại vật liệu thông thường. Không quy hoạch các loại vật liệu chủ yếu như: Xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng theo phân cấp của Nghị định 124/2007/NĐ-CP.
- Điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và các năm tiếp theo về các mặt: Chủng loại vật liệu, địa bàn phát triển, quy mô đầu tư, công nghệ sản xuất.
- Về Vật liệu xây: Từng bước hạn chế và chấm dứt hoạt động của các cơ sở tư nhân kinh doanh gạch đất sét nung lò đứng, gây ô nhiễm môi trường.
+ Ổn định và phát huy tối đa công suất các nhà máy gạch Tuy nen đã đầu tư. Di chuyển Nhà máy Gạch Đông Hương ra khỏi khu vực thành phố Thanh Hóa.
+ Đầu tư mới sản xuất gạch Tuy nen công suất 20 - 40 triệu viên/năm tại các huyện: Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Tĩnh Gia, Nông Cống, Yên Định, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Bỉm Sơn, Như Xuân, Mường Lát. Trong đó khuyến khích sử dụng sét đồi để tiết kiệm đất nông nghiệp.
+ Đầu tư tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, mỗi huyện 1 dây chuyền gạch không nung công suất 12 triệu viên/năm. Phấn đấu đến năm 2010, đưa sản lượng gạch xây các loại đạt 1.200 triệu viên và đến năm 2015 đạt sản lượng 2.300 triệu viên.
- Vật liệu lợp:
+ Đầu tư tại Ngọc Lặc 1 - 2 dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng Fibrôximăng công suất 1 triệu m2/năm.
+ Đầu tư tại Khu công nghiệp Nghi Sơn 1 - 2 dây chuyền tấm lợp kim loại công suất 1 triệu m2/năm.
- Đối với ngói đất sét nung: Các nhà máy gạch Tuy nen kết hợp sản xuất trong dây chuyền gạch tùy chất lượng nguyên liệu và nhu cầu thị trường của từng khu vực. Đến năm 2015 đạt sản lượng 9 triệu m2 tấm lợp các loại và 30 triệu viên ngói nung tiêu chuẩn.
- Đá xây dựng:
+ Ổn định và mở rộng quy mô sản xuất đối với các cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường đang hoạt động nếu đủ các điều kiện theo quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường.
+ Ngừng sản xuất đối với các cơ sở khai thác đá trái phép, vi phạm hành lang an toàn giao thông, điện lực và đê điều. Khuyến khích các cơ sở khai thác nhỏ lẻ trên cùng địa bàn liên kết sản xuất theo quy mô công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến.
+ Đầu tư các điểm khai thác tại các huyện miền núi cung cấp đá cho thi công đường vành đai biên giới, đường đến trung tâm các xã và 7 tuyến đường ngang phía Tây đường Hồ Chí Minh. Đến năm 2015, các cơ sở đầu tư mới đạt từ 3 - 4 triệu m3, bao gồm:
- Ngọc Lặc sản lượng - Cẩm Thủy sản lượng - Thạch Thành sản lượng - Như Thanh sản lượng - Như Xuân sản lượng - Thường Xuân sản lượng - Lang Chánh sản lượng - Bá Thước sản lượng - Quan Sơn sản lượng - Quan Hóa sản lượng - Tĩnh Gia sản lượng | 400.000m3/năm; 500.000m3/năm; 400.000m3/năm; 400.000m3/năm; 400.000m3/năm; 400.000m3/năm; 200.000m3/năm; 200.000m3/năm; 100.000m3/năm; 150.000m3/năm; 600.000m3/năm. |
Trong đó các huyện Ngọc Lặc, Tĩnh Gia, Bỉm Sơn, Nông Cống mỗi địa phương đầu tư 1 dây chuyền nghiền sàng liên hợp công suất 100m3/giờ, cung cấp đá hợp chuẩn cho các trạm bê tông thương phẩm.
- Đá ốp lát:
+ Để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển bền vững. Đối với mặt hàng đá ốp lát không khuyến khích phát triển, chỉ duy trì sản xuất với các cơ sở chế biến đã đầu tư quy mô lớn công nghệ tiên tiến. Tập trung các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào các làng nghề đã được quy hoạch.
+ Việc thẩm định, phê duyệt đầu tư, cấp phép khai thác đá các loại phải tuân thủ theo Quy định của Điều 40, Điều 41, Điều 61 của Nghị định 160/2005/NĐ-CP, ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về thi hành Luật Khoáng sản sửa đổi.
+ Không cấp phép mới, hoặc gia hạn khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các mỏ đá có hàm lượng đá ốp lát cao.
- Bê tông thương phẩm.
+ Đầu tư mới tại Ngọc Lặc và Tĩnh Gia mỗi địa phương 01 trạm bê tông thương phẩm công suất 20.000m3/năm, tại Bỉm Sơn 01 trạm công suất 10.000m3/ năm. Đưa sản lượng bê tông thương phẩm lên 70.000m3/năm
- Vôi xây dựng
Hạn chế và tiến tới không sử dụng vôi trong xây dựng. Đến 2015 và các năm tiếp theo, chỉ sản xuất vôi phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến giấy, sản xuất phôi thép và hóa chất. Địa điểm sản xuất vôi được qui hoạch tập trung ở các khu vực sản xuất đá để tận thu phế liệu và đảm bảo vệ sinh môi trường sản lượng đến 2015 khoảng 500.000 tấn, được bố trí tại các huyện:
Đông Sơn 90.000 tấn, Nông Cống 20.000 tấn, Như Thanh 15.000 tấn, Hà Trung 70.000 tấn, Thạch Thành 25.000 tấn, Ngọc Lặc 32.000 tấn, Yên Định 40.000 tấn, Cẩm Thủy 13.000 tấn, Tĩnh Gia 45.000 tấn, Bỉm Sơn 75.000 tấn, Triệu Sơn 20.000 tấn. Các địa phương có quy hoạch sản xuất vôi xây dựng phải quy hoạch cụ thể sản xuất tập trung để hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Các loại vật liệu khác
+ Phụ gia xi măng: Mở rộng quy mô khai thác của các đơn vị đang hoạt động; đầu tư mới một số cơ sở khai thác có quy mô phù hợp tại các khu vực có tiềm năng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu các nhà máy xi măng đang được đầu tư xây dựng: Quặng sắt hàm lượng thấp tại các huyện Như Thanh, Nông Cống, Thạch Thành, Hà Trung, các huyện khu vực Tây Bắc của tỉnh. Đá bazan tại các huyện Như Thanh, Như Xuân. Quặng silic, spilit tại các huyện Hà Trung, Bỉm Sơn.
+ Vật liệu chịu lửa: Đầu tư 1 dây chuyền sản xuất gạch Sa mốt tại xã Trí Năng - Lang Chánh công suất 20.000 tấn, cung cấp cho công nghiệp xi măng và các ngành công nghiệp khác.
+ Ván sàn: Đầu tư một số dây chuyền sản xuất ván sàn đạt tổng sản lượng khoảng 2.000.000m2 tại các khu vực có tiềm năng về nguyên liệu.
+ Cát xây dựng: Thực hiện theo Quyết định số 3350/2007/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 11 năm 2007 của UBND tỉnh.
5. Định hướng phát triển vật liệu đến năm 2020
- Tiếp tục đổi mới công nghệ, phát huy năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
- Phối hợp sản xuất liên ngành tại các khu công nghiệp. Trên cơ sở hỗ trợ và tận dụng phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng như:
+ Tận dụng nhiệt thải, phế thải luyện kim, hóa chất, nhiệt điện cho công nghiệp xi măng;
+ Tận dụng chất thải đô thị, chất thải xây dựng, phế thải nhiệt điện và công nghiệp khai khoáng cho sản xuất gạch nhẹ.
- Sản xuất các loại vật liệu nhẹ từ công nghiệp hóa dầu: Tấm trải sàn, vật liệu chống thấm, chống ẩm, vật liệu nhựa.
- Sản xuất bột đá vôi chất lượng cao phục vụ công nghiệp giấy, nhựa PVC, sơn tĩnh điện.
- Sản xuất gạch thủy tinh từ Đôlômít và Tràng Thạch là những loại nguyên liệu tỉnh ta sẵn có để phục vụ các công trình cao tầng và các khu đô thị lớn.
6. Những giải pháp lớn để thực hiện quy hoạch điều chỉnh VLXD đến 2015 và định hướng đến 2020
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, có chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để phát triển công nghiệp VLXD.
- Đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng và mục đích sử dụng các loại tài nguyên. Giúp các nhà đầu tư lựa chọn phương án và giải pháp công nghệ phù hợp. Có chính sách khai thác và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh việc tiếp nhận công nghệ mới, để rút ngắn khoảng cách lạc hậu về công nghệ sản xuất so với trình độ chung của cả nước và khu vực.
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn lao động kỹ thuật, cán bộ khoa học chuyên ngành vật liệu đủ năng lực tiếp cận và quản lý sản xuất VLXD.
- Thống nhất và phân định rõ chức năng của các ngành tham gia quản lý nhà nước về khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác quy hoạch khoáng sản làm VLXD, quy hoạch VLXD và thực hiện đúng quy hoạch được duyệt.
- Sở Xây dựng: Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh trực tiếp quản lý theo dõi thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến công khai quy hoạch; lập chương trình, kế hoạch vận động, kêu gọi đầu tư các dự án đã xác định trong quy hoạch. Tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch và có kế hoạch trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết.
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp để xử lý theo đề xuất của cơ quan chủ trì.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Trực tiếp quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư trên địa bàn, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng trong việc quy hoạch quỹ đất cho xây dựng các dự án trong quy hoạch khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng cụ thể hóa đề án này thành chương trình, bước đi phù hợp. Chủ trì công tác quản lý nhà nước về VLXD trong các lĩnh vực qui hoạch, công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm VLXD và lưu thông trên thị trường theo tinh thần Nghị định 179/2004/NĐ-CP và Nghị định 124/2007/NĐ-CP.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 323/QĐ-UBND năm 2017 điều chỉnh mỏ đá Quyền Giang, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, với diện tích 18ha vào Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 572/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 512/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Quyết định 172/QĐ-UBND năm 2018 về bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 1Nghị định 160/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoáng sản và Luật Khoáng sản sửa đổi
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 179/2004/NĐ-CP quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
- 4Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng
- 5Quyết định 3350/2007/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi lòng sông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 6Quyết định 323/QĐ-UBND năm 2017 điều chỉnh mỏ đá Quyền Giang, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, với diện tích 18ha vào Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 572/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8Quyết định 512/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 2822/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- Số hiệu: 2822/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/09/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Lê Thế Bắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra