Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 282/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 26 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư số 14/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 01 năm 2009 về việc hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 180/TTr- TNMT, ngày 08 tháng 02 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Diễn

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2010 của UBND tỉnh Đăk Nông)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03 tháng 12 năm 2007 về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”.

Thông tư số 14/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22 tháng 01 năm 2009 về việc hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2020.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Đề án sông Đồng Nai).

- Phòng ngừa suy thoái chất lượng, trữ lượng nước, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Đăk Nông.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cụ thể năm 2010

a) Thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai tỉnh Đăk Nông để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án sông Đồng Nai;

b) Tiếp tục triển khai xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, cụ thể như sau:

- 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

- Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng hóa chất bảo đảm độ an toàn cao, đặc biệt là các hóa chất nguy hại; hạn chế tối đa việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường; sử dụng rộng rãi các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp;

c) Cải thiện có hiệu quả chất lượng môi trường và chất lượng nước của hệ thống sông Đồng Nai. Phấn đấu 80% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 40% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt; 90% chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện, đồng thời xây dựng và triển khai, thực hiện các dự án mới về xử lý nước thải tại khu đô thị và khu dân cư thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

d) Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường nhằm chia sẻ thông tin kịp thời giữa các tỉnh, thành phố trên lưu vực;

đ) Hạn chế và khắc phục tình trạng khai thác cát bừa bãi trong hệ thống sông Đồng Nai; triển khai các hoạt động nhằm chống xói lở bờ sông, suối;

e) Bảo vệ môi trường nước hệ thống sông Đồng Nai đạt tiêu chuẩn loại A nhằm bảo đảm mục đích phục vụ việc cấp nước sinh hoạt;

g) Xây dựng và thực hiện quy hoạch môi trường trên toàn hệ thống thuộc tỉnh Đăk Nông làm căn cứ để triển khai đồng bộ và thống nhất kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai;

h) Bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và bảo tồn đa dạng sinh học.

2.2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011 - 2015

a) Ít nhất 60% khu đô thị và 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn môi trường;

c) Thu gom trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại;

d) Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tự nhiên của từng huyện trên địa bàn tỉnh Đăk Nông;

đ) Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

2.3. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016 - 2020

a) Hoàn thành xử lý triệt để trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm tại địa bàn các huyện của tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

b) Tăng cường nguồn nước, cân bằng nước trên toàn lưu vực;

c) Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn môi trường;

d) Thu gom trên 95% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại;

đ) Hoàn chỉnh mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường của các huyện trên địa bàn tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

e) Nâng tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Các nhiệm vụ chủ yếu

a) Điều tra, phân tích và đánh giá đầy đủ hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường để có đủ cơ sở tiến hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý, khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường;

b) Tổng kết và đánh giá các đề tài, dự án đã và đang thực hiện; điều tra bổ sung thực trạng ô nhiễm các thành phần môi trường do sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và hoạt động sinh hoạt của dân cư đô thị gây ra;

c) Theo dõi, giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trước và sau khi đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Xây dựng sách ''đen'', sách ''xanh'' đối với các cơ sở sản xuất;

d) Thực hiện thường xuyên công tác quan trắc chất lượng nước;

đ) Xử lý triệt để ô nhiễm, khắc phục và cải tạo môi trường những khu vực, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng, những điểm nóng về môi trường:

- Hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường;

- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, đồng thời tích cực cải thiện chất lượng môi trường, phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đã bị suy thoái; tăng cường bồi phụ nguồn nước, xây dựng các công trình giữ nước chống cạn kiệt, cân bằng nguồn nước, bảo đảm số lượng và chất lượng nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong lưu vực;

- Bảo vệ tốt cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đặc trưng của tỉnh Đăk Nông.

e) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án mang tính liên ngành, liên vùng cụ thể sau đây:

- Thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án sông Đồng Nai;

- Xây dựng Quy chế bảo vệ nguồn nước;

- Xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường;

- Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát ô nhiễm bảo vệ môi trường nước;

- Xây dựng và triển khai vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, khu dân cư;

- Thống kê và phân loại các nguồn thải;

- Khắc phục tình trạng khai thác cát và chống xói lở bờ sông, bờ suối;

- Bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng;

- Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm bảo tồn đa dạng sinh học;

- Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường;

Tổng kinh phí để triển khai, thực hiện các dự án ước tính vào khoảng 100 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn: ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, vốn đầu tư của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn lưu vực và sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và ngoài nước.

2. Các giải pháp chủ yếu

a) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên toàn lưu vực:

- Sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ban chỉ đạo Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh với tiêu chí gọn, nhẹ, hiệu lực và hiệu quả;

- Đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai, thực hiện các quy định của hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững;

- Xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát, dự báo diễn biến môi trường tự nhiên lưu vực sông và xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường;

- Tăng cường công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường;

- Đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế trong khai thác hợp lý, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên - môi trường. Khuyến khích việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ tư vấn công tác bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

b) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng dân cư vào việc bảo vệ môi trường:

- Đẩy mạnh và khuyến khích công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm và khắc phục suy thoái môi trường;

- Tăng cường hoạt động truyền thông để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực; tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ môi trường.

c) Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương), doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích để huy động, thu hút đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó:

- Các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động phải tự bỏ vốn để thực hiện các công trình xử lý chất thải trước khi xả, thải vào môi trường hoặc xử lý ô nhiễm do cơ sở mình gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Nhà nước sẽ xem xét để hỗ trợ một phần kinh phí đối với từng dự án cụ thể;

- Ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương) sẽ đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường thuộc khu vực công ích;

d) Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương với các nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí tuệ, tài chính, công nghệ và thu hút đầu tư để bảo vệ có hiệu quả môi trường của tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Điều tra, phân tích và đánh giá hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học; các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý, khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước và sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Triển khai và thực hiện thường xuyên công tác quan trắc chất lượng nước, chất lượng môi trường tỉnh Đăk Nông.

d) Thường xuyên rà soát, phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời có biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm.

e) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các dự án:

+ Xây dựng quy chế bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai tại địa bàn tỉnh Đăk Nông.

+ Thành lập Trung tâm quan trắc môi trường và xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ công tác quan trắc môi trường của tỉnh, mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn của tỉnh quản lý.

+ Điều tra, phân tích và đánh giá hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường tỉnh Đăk Nông.

+ Lập quy hoạch quản lý và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông do tỉnh quản lý.

f) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, triển khai các nhiệm vụ để đạt các chỉ tiêu đến năm 2015: 100% các cơ sở sản xuất thải chất thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tự nhiên của tỉnh; Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Xây dựng hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu Tài nguyên - Môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Triển khai dự án xử lý chất thải nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

g) Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo lưu vực sông Đồng Nai tại tỉnh Đăk Nông trước 30 tháng 6 năm 2010;

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên lưu vực.

b) Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng, rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; xây dựng các công trình giữ nước chống cạn kiệt, cân bằng nguồn nước, bảo đảm số lượng và chất lượng nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

c) Xây dựng chương trình thu gom và xử lý chất thải nguy hại trong nông nghiệp tỉnh Đăk Nông.

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, triển khai các nhiệm vụ để đạt các chỉ tiêu đến năm 2015: tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 80%.

e) Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường công trình thủy lợi, phòng chống và khắc phục thiên tai lũ, lụt, hạn hán, …..

3. Sở Xây dựng

a) Chủ trì đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại đô thị và khu dân cư.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, triển khai các nhiệm vụ để đạt các chỉ tiêu đến năm 2015 là: 33% các đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường theo quy định; thu gom, xử lý 85% chất thải rắn sinh hoạt; 90% chất thải rắn công nghiệp.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý ISO 14000 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

b) Thường xuyên thẩm định, giám định về công nghệ đối với các dự án đầu tư mới theo phân cấp để đảm bảo các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, triển khai các nhiệm vụ để đạt chỉ tiêu đến năm 2015 có 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới áp dụng công nghệ sạch.

5. Sở Công thương

a) Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo đảm độ an toàn.

b) Rà soát quy hoạch phát triển các dự án thủy điện, xem xét tổng thể sự liên quan của các dự án thủy điện đến sự biến đổi môi trường sinh thái, cân bằng sử dụng nước giữa thủy điện và các ngành kinh tế khác.

c) Quản lý chặt chẽ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt nhằm hạn chế các tác động từ khai thác chế biến khoáng sản đến chất lượng môi trường; hạn chế việc khai thác cát bừa bãi nhằm chống xói lở bờ sông...

d) Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở ngành công thương thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải theo quy định.

e) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ để đạt các chỉ tiêu đến năm 2015 là 90% chất thải rắn công nghiệp; 70% chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở ngành công thương được thu gom và xử lý theo quy định.

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ để đạt các chỉ tiêu đến năm 2015 là: 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường.

6. Sở Y tế

a) Đôn đốc hướng dẫn các cơ sở y tế tại tỉnh Đăk Nông thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải y tế theo quy định.

b) Xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Đăk Nông

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, triển khai các nhiệm vụ để đạt các chỉ tiêu xử lý chất thải y tế.

7. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp

a) Thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các Khu Công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và thu gom, xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, triển khai nhiệm vụ đạt chỉ tiêu đến năm 2015 là 100 % các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp phù hợp với tiến độ lấp đầy các dự án đầu tư, có thu gom xử lý chất thải rắn theo quy định.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa nằm trong lưu vực sông Đồng Nai thuộc tỉnh Đăk Nông

a) Thường xuyên đôn đốc, yêu cầu Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn môi trường theo quy định;

b) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước và sau khi bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền xác nhận.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, triển khai nhiệm vụ đạt các chỉ tiêu đến năm 2015 là 100% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thuộc địa bàn đơn vị mình quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp phù hợp với tiến độ lấp đầy các dự án đầu tư, có thu gom xử lý chất thải rắn theo quy định.

9. Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đăk Nông

- Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan, đo đạc, tính toán, đánh giá cân bằng nước trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

- Dự báo xu thế biến động nguồn nước mặt của lưu vực thuộc địa bàn tỉnh Đăk Nông và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

10. Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh có trách nhiệm

- Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện không đầy đủ các quy định của luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật gây hủy hoại và ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai tại tỉnh Đăk Nông.

- Đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo quy định.

11. Trách nhiệm của đơn vị có liên quan

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Sở Tài chính cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác nhau hàng năm và 5 năm để thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Đề án sông Đồng Nai bảo đảm đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

12. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo Lưu vực sông Đồng Nai tại tỉnh Đăk Nông

- Chỉ đạo, đôn đốc các Sở, Ban, ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện triển khai Đề án sông Đồng Nai.

- Phối hợp liên vùng, liên ngành chặt chẽ để chỉ đạo thực hiện thống nhất và có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án sông Đồng Nai.

13. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường sông Đồng Nai tại tỉnh Đăk Nông

Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai tại tỉnh Đăk Nông được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2009/TT-BTC ngày 22 tháng 01 năm 2009.

14. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ, Công thương; Y tế; Ban quản lý Các Khu Công nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã nằm trong lưu vực Sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Đăk Nông: Đăk Song; Đăk Glong, Đăk R’Lấp, Tuy Đức, thị xã Gia Nghĩa; Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, đề án theo sự phân công của Kế hoạch này.

Định kỳ trước 30 tháng 6 hàng năm báo cáo Ban Chỉ đạo Lưu vực sông Đồng Nai tỉnh Đăk Nông về kết quả thực hiện; căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; kế hoạch của đơn vị mình từ năm 2010 đến 2020 xây dựng triển khai đề án sông Đồng Nai cụ thể tại đơn vị mình cho năm tiếp theo. Trong quá trình triển khai nếu có gì vướng mắc, phải kịp thời báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình UBND tỉnh hướng giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 282/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Kế hoạch triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 282/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/02/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Lê Diễn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản