Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2806/QĐ-UBND

Huế, ngày 12 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỐ ĐÔ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;

Xét đề nghị của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

QUY CHẾ

XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỐ ĐÔ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2806/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế (Giải thưởng VHNT Cố đô).

Điều 2. Giải thưởng VHNT Cố đô là Giải thưởng Nhà nước cấp tỉnh, được xét tặng 05 (năm) năm một lần cho những công trình, tác phẩm sáng tạo văn học nghệ thuật xuất sắc, có giá trị (bao gồm các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, phê bình, lý luận…) nhằm biểu dương những hoạt động văn học nghệ thuật, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”; đồng thời, động viên, thúc đẩy hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, góp phần định hướng hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Điều 3. Nguyên tắc xét Giải

Việc xét tặng Giải thưởng VHNT Cố đô theo nguyên tắc công khai, công bằng và chính xác.

Điều 4. Đối tượng tham dự

Cá nhân, tập thể, tổ chức đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế được quyền đăng ký tham gia Giải thưởng VHNT Cố đô.

Điều 5. Cơ quan Thường trực của Ban tổ chức Giải thưởng VHNT Cố đô đặt tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Điều 6. Các tác giả có tác phẩm, công trình đạt Giải thưởng được nhận bằng khen, giấy chứng nhận (kèm tiền thưởng) của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Số lượng và mức tiền thưởng của mỗi loại giải thưởng do Ban tổ chức đề xuất, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 7. Kinh phí tổ chức

1. Ngân sách địa phương (cấp qua tài khoản của Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh).

2. Tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

3. Các nguồn hợp pháp khác.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 8. Ban Tổ chức, Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo

1. Ban Tổ chức Giải thưởng VHNT Cố đô do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Thành phần, số lượng do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh thống nhất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất.

2. Hội đồng Sơ khảo do Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh ra quyết định thành lập. Thành phần, số lượng do Chủ tịch các Hội chuyên ngành đề xuất nhưng không quá 5 người.

3. Hội đồng Chung khảo do Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng VHNT Cố đô quyết định thành lập. Thành phần, số lượng do Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh đề xuất nhưng không quá 9 người và phải có đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.

Hội đồng Chung khảo có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên.

4. Thành viên Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo là những người không có tác phẩm, công trình đăng ký tham dự Giải thưởng; không có người thân là cha, mẹ, vợ, con, anh chị em ruột…có tác phẩm, công trình đăng ký tham gia Giải thưởng.

Điều 9. Chức năng của Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo

Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo có trách nhiệm thẩm định chất lượng các tác phẩm, công trình đăng ký tham gia Giải thưởng Cố đô theo nguyên tắc khách quan, công bằng và chính xác.

Điều 10. Phương thức xét tặng Giải

1. Định kỳ 5 năm một lần, Ban tổ chức công bố Thể lệ xét tặng Giải thưởng VHNT Cố đô gồm: tác phẩm, công trình, đối tượng tham gia; giới hạn thời gian, thời hạn nhận tác phẩm; số lượng, thời điểm công bố và trao giải...

2. Đối với tác phẩm, công trình đăng ký thuộc loại hình diễn xướng, các Hội đồng sẽ tổ chức họp để trực tiếp xem, nghe, thẩm định và đánh giá (bằng phiếu kín).

Đối với tác phẩm, công trình thuộc loại hình ấn phẩm, Ban Tổ chức sẽ cung cấp bản photocopy cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, sau đó tổ chức phiên họp để thảo luận, nhận xét công khai và đánh giá (bằng phiếu kín).

3. Sau khi nhận hồ sơ (đã được niêm phong) từ các Hội đồng Sơ khảo, cơ quan thường trực của Ban tổ chức Giải chịu trách nhiệm lập hồ sơ các tác phẩm, công trình đăng ký tham gia, báo cáo Trưởng Ban tổ chức Giải cho ý kiến trước khi chuyển cho các thành viên Hội đồng Chung khảo chấm.

4. Trên cơ sở điểm trung bình cộng do Hội đồng Sơ khảo chấm, Ban Tổ chức sẽ thống nhất kết quả để chuyển cho các thành viên Hội đồng Chung khảo chấm. Không xét tác phẩm, công trình không qua vòng Sơ khảo.

5. Điểm chấm của vòng Chung khảo là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng.

Điểm của thành viên Hội đồng Chung khảo nào nếu cao hoặc thấp hơn 1,5 (thang điểm 5) hoặc 3 điểm (thang điểm 10) so với điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng khác thì sẽ không có giá trị tính điểm. Ban Tổ chức sẽ thống nhất cho điểm đối với những trường hợp này.

6. Ngay sau mỗi đợt chấm, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm ký vào phiếu nhận xét, chấm điểm, xếp loại… và gửi cho cơ quan thường trực của Ban Tổ chức Giải.

7. Ban tổ chức Giải sẽ công bố rộng rãi các tác phẩm, công trình đạt giải tại cơ quan thường trực Ban tổ chức và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau 15 ngày kể từ ngày công bố, Ban tổ chức hoàn chỉnh thủ tục để báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

8. Phương pháp chấm điểm và xếp Giải do Ban tổ chức quy định nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và của từng kỳ Giải thưởng.

Điều 11. Quy định về tác phẩm tham gia xét tặng Giải thưởng

1. Không xét trao Giải cho những tác phẩm, công trình đã đạt các giải thưởng cấp Nhà nước.

2. Những tác phẩm, công trình phải được chính tác giả, nhóm tác giả đăng ký tham gia hoặc được các Hội chuyên ngành và các tổ chức, đơn vị…công bố tác phẩm, công trình đó giới thiệu.

3. Các tác phẩm, công trình đăng ký tham gia gửi về cơ quan thường trực Ban tổ chức Giải, cụ thể:

a) Văn học, văn nghệ dân gian, nghiên cứu, sưu tầm và lý luận phê bình: một tập hoàn chỉnh thuộc các loại hình: thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, ký, truyện dịch, lý luận phê bình (văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc)…

b) Mỹ thuật: 03 tranh hoặc 01 tượng.

Đối với điêu khắc, tranh hoành tráng, tượng đài…các tác giả nộp 05 ảnh chụp tác phẩm (cỡ 20 x 25cm).

c) Nhiếp ảnh: từ 05 ảnh (cỡ 20 x 25cm) trở lên.

d) Kiến trúc: đối với công trình dân dụng, công nghiệp: bản thiết kế công trình và ảnh chụp toàn bộ công trình đã xây dựng xong, ảnh nội và ngoại thất tiêu biểu (cỡ 20 x 25cm). Đối với tác phẩm về quy hoạch xây dựng: các bản thiết kế chính, ảnh chụp phối cảnh tổng thể và các tiểu cảnh.

đ) Âm nhạc: từ 01 tác phẩm trở lên đối với nhạc giao hưởng và 03 tác phẩm trở lên đối với ca khúc (kèm theo bản ký âm gốc và đĩa ghi âm tác phẩm).

e) Sân khấu:

- Nếu là kịch bản: phải là kịch bản đã xuất bản thành sách hoặc kịch bản đã được dàn dựng.

- Nếu là vở diễn: phải có kịch bản kèm theo đĩa ghi hình buổi công diễn.

- Nếu là đạo diễn, diễn viên phải có đĩa ghi hình hoặc ghi âm những nội dung mình tham gia dàn dựng, diễn xuất.

f) Múa: Biên đạo và nghệ sĩ thực hiện gửi đĩa ghi hình.

g) Tác phẩm đã in thành sách: mỗi tác phẩm gửi 05 bản, gồm 01 bản chính và 04 bản photocopy.

h) Không hoàn trả tác phẩm đăng ký tham gia (trừ bản gốc tác phẩm mỹ thuật).

Điều 12. Quy định về Giải thưởng

Giải thưởng cho các tác phẩm, công trình được xếp theo hạng Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích.

Ngoài ra, để động viên, khuyến khích tinh thần sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ, Ban tổ chức sẽ xét tặng giải giành cho Người cao tuổi hoặc Tác giả trẻ có tác phẩm đạt chất lượng nhưng không đạt giải chính thức.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Ban Tổ chức, Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng VHNT Cố đô và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề chưa phù hợp, các cá nhân, tổ chức có liên quan phản ánh về cơ quan Thường trực của Ban tổ chức Giải thưởng để tổng hợp, đề xuất Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2806/QĐ-UBND năm 2008 ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 2806/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Ngô Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản