Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2015/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 30 tháng 12 năm 2015 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 425/TTr-STNMT ngày 17 tháng 12 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này; đồng thời, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và các đối tượng có liên quan được biết và thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| TM. UBND TỈNH |
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Quy định này quy định các nội dung bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản (không phân biệt đối tượng và hình thức nuôi trồng) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu (gọi tắt là cấp huyện) và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã).
Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích trong nuôi trồng thủy sản
1. Nguyên tắc bảo vệ môi trường:
- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
- Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.
- Hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và trong nuôi trồng thủy sản nói riêng phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.
- Đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; việc phát triển các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
2. Các hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích:
- Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước dưới đất.
- Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng trong hoạt động thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản sạch; đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư để phục vụ có hiệu quả hoạt động thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản
1. Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với môi trường sống của các loài thủy sản.
2. Vi phạm các quy định về quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản.
3. Nuôi trồng giống thủy sản mới khi chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép và các loài thủy sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng.
4. Nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch làm cản trở dòng chảy, cản trở hoạt động khai thác thủy sản, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của các ngành, nghề khác.
5. Sử dụng thuốc, phụ gia, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng nuôi trồng thủy sản.
6. Thả giống thủy sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh vào nơi nuôi trồng hoặc vào nguồn nước tự nhiên.
7. Xả nước thải, chất thải hoặc nước thải, chất thải mang mầm bệnh từ các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản mà chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định vào môi trường xung quanh.
8. Xả thải trực tiếp đất, bùn khi sên, vét cải tạo ao, đầm ra sông, kênh, rạch.
9. Xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông, ven biển.
10. Phá rừng ngập mặn, rừng phòng hộ để nuôi trồng thủy sản.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 5. Điều kiện nuôi trồng thủy sản
Tổ chức, cá nhân trong nuôi trồng thủy sản phải có các điều kiện sau đây:
- Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch;
- Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về thú y.
Điều 6. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các cơ sở, dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
a) Đối với các dự án nuôi trồng thủy sản thâm canh hoặc bán thâm canh:
- Đối với dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản thâm canh hoặc bán thâm canh có diện tích mặt nước từ 10ha trở lên, dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản quảng canh từ 50ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng thẩm định; chỉ được phép triển khai thực hiện các hoạt động nuôi trồng thủy sản khi báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt.
- Đối với các cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh phải đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như sau: Phải có ao chứa (lắng), hệ thống xử lý nước thải, khu chứa bùn, hệ thống kênh cấp và thoát nước.
- Chất lượng nguồn nước của cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh phải đảm bảo yêu cầu tại Phụ lục 1 của Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gồm các chỉ tiêu cụ thể như sau: Nhiệt độ, pH, độ muối, độ trong, độ kiềm, o xy hòa tan (DO), BOD5, NH3, H2S, NO2.
b) đối với dự án, cơ sở nuôi còn lại:
- Đối với các dự án nuôi trồng thủy sản thâm canh hoặc bán thâm canh có diện tích mặt nước nhỏ hơn 10ha, các dự án nuôi quảng canh có diện tích nhỏ hơn 50ha thì phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cấp có thẩm quyền xác nhận; các cơ sở nuôi còn lại khuyến khích lập kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cấp có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.
- Khuyến khích các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản theo dõi các chỉ tiêu về chất lượng nguồn nước được nêu tại Mục a, Điều này để đảm bảo chất lượng nguồn nước đạt yêu cầu phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
3. Điều kiện để được sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm: Có bố trí khu chứa bùn thải và các chất thải khác phù hợp, đảm bảo chứa đủ lượng bùn thải, chất thải khác của quá trình sên, vét và giữ nước được lắng trong trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; có công cụ sên, vét phù hợp với phương pháp sên, vét.
4. Hoạt động thả giống phải đảm bảo đúng lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo, việc lấy nước vào ao nuôi và xả nước thải phải phù hợp với lịch điều tiết nước của khu vực và quy định của pháp luật về xả nước thải.
5. Các chất thải trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
6. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác, sản xuất để phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.
Điều 7. Điều kiện bảo vệ môi trường đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản
1. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản:
a) Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống kênh, mương cấp nước và thoát nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành thủy sản cũng như điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan.
b) Tùy theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng nuôi và hình thức nuôi hợp lý nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành thủy sản, cụ thể phải thực hiện đúng: Các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi; quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) và các quy định khác có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Đối với các mô hình nuôi thủy sản kết hợp (tôm - lúa, lúa - tôm, tôm - rừng) và các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường phải bố trí đúng tỷ lệ diện tích đất, mặt nước, vật nuôi và cây trồng theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành chức năng.
d) Hoạt động sên, vét bùn cải tạo ao nuôi phải tiến hành đúng kỹ thuật của ngành chức năng hướng dẫn, đúng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của tỉnh; phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 của Quy định này.
2. Xử lý nước thải và chất thải rắn:
Tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y.
a) Xử lý nước thải:
- Hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên đảm bảo không để bồi lắng, tồn động gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực.
- Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp, công nghệ hợp lý không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường; hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
b) Xử lý chất thải rắn: Chất thải phát sinh trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp; đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, canh tác trong khu vực.
3. Quy định đối với hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản:
- Hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao nuôi được thực hiện quanh năm (hay theo lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của khu vực).
- Đối với các địa bàn giáp ranh với tỉnh khác: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu quyết định thời gian cụ thể, đảm bảo việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản không tác động xấu đến môi trường vùng nuôi của các khu vực lân cận và cả vùng nuôi.
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố Bạc Liêu, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu thống nhất với Ủy ban nhân dân các địa bàn của tỉnh giáp ranh về thời gian sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản cho phù hợp.
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản bằng cơ giới phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có ao, đầm cần sên, vét cải tạo để được xem xét, hướng dẫn bảo vệ môi trường trong quá trình sên, vét; trường hợp sên, vét bằng phương pháp thủ công, không phải báo cáo nhưng khi thực hiện phải đảm bảo không để bùn, đất, chất thải khác trong ao, đầm chưa được xử lý thoát ra môi trường bên ngoài.
Điều 8. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nuôi trồng thủy sản
1. Tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thủy sản và các quy định tại Điều 3, Điều 4, Chương I, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Chương II của Quy định này.
2. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản cho nhân viên, người lao động tại cơ sở, đơn vị mình và nhân dân trong khu vực; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và quản lý tốt chất lượng môi trường nước trong khu vực.
3. Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, giải pháp bảo vệ môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường được xác nhận.
4. Khi có nhu cầu thay đổi về vị trí, quy mô, công suất hoạt động của cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc những nội dung khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đã thẩm định, xác nhận trước đó và chỉ được triển khai thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
5. Chấp thuận chế độ thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; cung cấp đầy đủ thông tin và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi đến làm việc; chấp hành và thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định của đoàn thanh, kiểm tra.
6. Trước khi thực hiện việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm phải thông báo cho các hộ xung quanh khu vực có khả năng ảnh hưởng để chủ động trong sản xuất và phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
7. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu có hành vi vi phạm các quy định này gây thiệt hại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 9. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện chức năng tham mưu về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản và chịu trách nhiệm:
1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
2. Tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
4. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.
5. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu triển khai thực hiện các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 7, Chương II của Quy định này.
6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
7. Tiếp nhận, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.
8. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thanh tra chuyên ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.
Điều 10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm:
1. Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.
2. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, xây dựng và quản lý vùng nuôi thủy sản an toàn.
3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nâng cao nhận thức pháp luật về thủy sản, giống vật nuôi, cây trồng, tiêu chuẩn ngành và các quy định khác có liên quan; đặc biệt là tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện đúng quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm trong nuôi trồng thủy sản và các quy định khác có liên quan đến bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
4. Hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bố trí khu chứa bùn thải và các chất thải đảm bảo yêu cầu không cho chất thải thoát ra môi trường bên ngoài theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công bố lịch thời vụ sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm cho từng vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên và diễn biến thời tiết để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn thời điểm sên, vét, cải tại ao, đầm.
5. Phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và các nội dung khác có liên quan.
6. Phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền.
Điều 11. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh chịu trách nhiệm:
Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong nuôi trồng tủy sản.
Điều 12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên phạm vi địa phương mình quản lý.
2. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường và quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản.
3. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dung khác có liên quan.
4. Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về thủy sản trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền.
6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản liên huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 143 của Luật Bảo vệ môi trường.
7. Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Quy định này.
8. Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng nội dung của Quy định này và các quy định khác có liên quan.
Điều 13. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên phạm vi địa bàn mình quản lý.
2. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, khu vực thuộc phạm vi quản lý và các nội dung khác có liên quan.
3. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm Quy định này.
4. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên.
5. Tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định có liên quan.
- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định này.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy định này; định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Quy định này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 16/2007/QĐ-UBND Quy định Bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 2Quy định 72/STS-VP năm 2007 về trình tự thủ tục tổ chức hội thảo liên quan đến lĩnh vực thủy sản do Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 3Nghị quyết 18/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4Quyết định 22/2014/QĐ-UBND về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 5Quyết định 32/2016/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 6Quyết định 16/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 7Quyết định 54/2016/QĐ-UBND Quy định về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 8Quyết định 209/2017/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều, mặt nước biển trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 9Quyết định 14/2018/QĐ-UBND quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 10Quyết định 281/QĐ-UBND năm 2019 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của tỉnh Bạc Liêu đến hết ngày 31/12/2018
- 11Quyết định 348/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 16/2007/QĐ-UBND Quy định Bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 2Quyết định 14/2018/QĐ-UBND quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 3Quyết định 281/QĐ-UBND năm 2019 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của tỉnh Bạc Liêu đến hết ngày 31/12/2018
- 4Quyết định 348/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu kỳ 2014-2018
- 1Luật Thủy sản 2003
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quy định 72/STS-VP năm 2007 về trình tự thủ tục tổ chức hội thảo liên quan đến lĩnh vực thủy sản do Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 5Nghị quyết 18/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 6Luật bảo vệ môi trường 2014
- 7Quyết định 22/2014/QĐ-UBND về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 8Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 9Quyết định 32/2016/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 10Quyết định 16/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 11Quyết định 54/2016/QĐ-UBND Quy định về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 12Quyết định 209/2017/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều, mặt nước biển trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Quyết định 28/2015/QĐ-UBND quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- Số hiệu: 28/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Lê Minh Chiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra