Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2789/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 22 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ SÓC TRĂNG, TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Công văn số 2400/BXD-QHKT ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Bộ Xây dựng về việc góp ý Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,

Căn cứ Quyết định số 378/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sóc Trăng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 3203/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung như sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Vị trí, phạm vi và ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch:

Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch với diện tích 18.424,68 ha, trong đó bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Sóc Trăng, với diện tích 7.600,86 ha và phần diện tích khu vực mở rộng là 10.823,82 ha, với tứ cận như sau:

- Phía Bắc giáp các xã: Trường Khánh (huyện Long Phú), Phú Tân (huyện Châu Thành).

- Phía Nam giáp các xã: Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên); xã Tài Văn, xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề).

- Phía Đông giáp xã Tân Hưng, xã Châu Khánh (huyện Long Phú).

- Phía Tây giáp các xã: An Ninh, An Hiệp (huyện Châu Thành), Thuận Hưng, Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú).

3. Tính chất, chức năng của đô thị:

- Định hướng đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, dịch vụ, giáo dục, thể dục thể thao, y tế, khoa học kỹ thuật, công nghiệp của tỉnh. Là đô thị tỉnh lỵ, đô thị trọng điểm (đô thị cấp 1) mang tính đầu tàu của hệ thống đô thị trong tỉnh.

- Có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.

- Là đô thị trung tâm, cửa ngõ của tỉnh và là một cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

4. Dự báo quy mô dân số:

- Dân số hiện trạng của khu vực quy hoạch năm 2017 là khoảng 191,596 người.

- Đến năm 2035, quy mô dân số dự báo khu vực quy hoạch vào khoảng 350.000 người.

5. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu:

Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thành phố thực hiện theo tiêu chí đô thị loại II, cấp áp dụng là cấp Huyện (thành phố thuộc tỉnh), cụ thể:

- Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị bình quân/người: 180-230 m2/người;

- Chỉ tiêu đất dân dụng bình quân/người: 150-170 m2/người;

- Chỉ tiêu cấp nước đô thị: từ 150 lít/người.ngày-đêm.

- Chỉ tiêu cấp điện theo phụ tải: 500w/người;

- Chỉ tiêu thoát nước thải sinh hoạt bằng 80% lượng nước cấp sinh hoạt;

- Chỉ tiêu rác thải sinh hoạt 1 kg/người-ngày.

6. Hướng phát triển đô thị:

- Cấu trúc không gian đô thị theo mô hình cấu trúc hướng tâm kết hợp các trục đường vành đai để phát triển thành phố Sóc Trăng, qua đó tạo ra mối liên kết giữa vùng thành thị và nông thôn, đảm bảo duy trì các chức năng của Thành phố.

- Mô hình phát triển đa cực hình thành theo 04 hướng: Hướng phát triển lên phía Bắc (huyện Châu Thành, huyện Long Phú); phía Nam (huyện Mỹ Xuyên); phía Đông (huyện Long Phú); phía Tây (huyện Mỹ Tú, huyện Châu Thành); tạo thành các cực phát triển, được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông hình tia và các đường Vành đai của đô thị.

- Cơ cấu tổ chức không gian và hướng phát triển đô thị, về cơ bản vẫn tuân thủ định hướng phát triển không gian theo quy hoạch được duyệt năm 2011. Tuy nhiên có sự phân vùng phát triển đô thị hợp lý, bám sát địa hình tự nhiên, đảm bảo quy mô, đáp ứng nhu cầu sử dụng, quản lý hiệu quả sử dụng đất đai, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng phát triển.

7. Định hướng quy hoạch:

7.1. Phân khu chức năng:

- Hệ thống trung tâm gồm: Trung tâm hỗn hợp và các trung tâm chuyên ngành (trung tâm hành chính; trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại; trung tâm văn hóa, tín ngưỡng; trung tâm thể dục thể thao; trung tâm giáo dục và đào tạo; trung tâm y tế...);

- Các khu ở, gồm có các khu ở đô thị cũ được cải tạo chỉnh trang; các khu ở đô thị mới và các khu dân cư nông thôn đô thị hóa;

- Các khu công cộng, cơ quan khác thuộc quản lý của đô thị;

- Các khu cây xanh, thể dục thể thao, công viên, quảng trường;

- Các khu - cụm công nghiệp, khu dịch vụ cảng và kho tàng;

- Các khu vực an ninh quốc phòng;

- Các khu dự trữ phát triển đô thị;

- Các khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch sinh thái.

7.2. Định hướng tổ chức không gian đô thị:

Khu vực quy hoạch được định hướng thành 05 phân vùng phát triển đô thị, cụ thể:

- Phân vùng trung tâm: Đây là khu vực đô thị cũ, là trung tâm lịch sử truyền thống, tập trung chủ yếu các cơ quan ban, ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố Sóc Trăng, các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung. Định hướng xây dựng, cải tạo khu vực này theo hướng phát huy vai trò, vị trí, chức năng là trung tâm giao lưu của tỉnh về thương mại dịch vụ, văn hóa du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo.

- Phân vùng phía Bắc: Hình thành và phát triển các khu đô thị du lịch sinh thái, các khu nhà vườn, homestay gắn kết với khu Đô thị Văn hóa Hồ Nước Ngọt. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư mở rộng khu công nghiệp An Nghiệp; đầu tư cụm công nghiệp thành phố; phát triển khu dịch vụ cảng sông, các khu bến bãi phục vụ phát triển kinh tế.

- Phân vùng phía Đông: Hình thành các trung tâm làm động lực phát triển như: Trung tâm hành chính, trung tâm thể dục thể thao, quảng trường trung tâm thành phố, các trung tâm dịch vụ thương mại mới, khu Lâm viên, ... Tập trung kêu gọi đầu tư các khu đô thị mới, hiện đại theo đường vào khu hành chính; phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái phía Đông và chỉnh trang các khu bến bãi, kho tàng phía Tây kênh Phú Hữu - Bãi Xàu.

- Phân vùng phía Tây: Có vị trí thuận lợi về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghỉ dưỡng; giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố và của vùng; là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải của thành phố theo tuyến tránh Quốc lộ 1.

- Phân vùng phía Nam: Lấy trung tâm thị trấn Mỹ Xuyên cũ làm trọng tâm phát triển cho cực phía Nam; định hướng phát triển các khu dân cư, trung tâm giáo dục đào tạo kết hợp trung tâm thương mại, khu bảo tồn Chùa Mahatup và công viên cây xanh của thành phố.

7.3. Cơ cấu sử dụng đất:

STT

Loại đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

A

ĐẤT XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

7.921,25

100,00

I

ĐẤT DÂN DỤNG

5.751,25

72,61

1

Đất đơn vị ở

4.463,28

56,35

2

Đất công trình công cộng cấp đô thị

358,00

4,52

3

Đất thương mại - dịch vụ

93,58

1,18

4

Đất cây xanh, công viên

216,62

2,74

5

Đất giao thông

619,77

7,82

II

ĐẤT NGOÀI DÂN DỤNG

2.170,00

27,39

1

Đất trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh

502,51

6,34

2

Đất công nghiệp, kho tàng

777,56

9,82

3

Đất an ninh quốc phòng

145,06

1,83

4

Đất tôn giáo

33,53

0,42

5

Đất cây xanh cách ly

304,50

3,84

6

Đất hạ tầng kỹ thuật đô thị

50,11

0,63

7

Đất ngoài dân dụng khác

70,04

0,89

8

Đất giao thông ngoài dân dụng

286,69

3,62

B

ĐẤT KHÁC

10.503,43

 

1

Đất mặt nước chuyên dụng

2.132,09

 

2

Đất dự trữ phát triển

2.589,10

 

3

Đất nông nghiệp

5.269,26

 

4

Đất nuôi trồng thủy sản

512,98

 

TỔNG CỘNG

18.424,68

 

7.4. Tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị:

a) Các vùng kiến trúc cảnh quan đô thị

- Dọc theo hai tuyến sông chính tổ chức các vùng cảnh quan đô thị. Khu Dân cư phía Đông thành phố và khu Trung tâm hành chính là điểm nhấn đô thị.

- Các tuyến vành đai ưu tiên phát triển nhà cao tầng, tại các nút giao thông chính giao nhau giữa các đường vành đai và các đường tia chú trọng phát triển cảnh quan đô thị kết hợp công trình công cộng làm điểm nhấn khác biệt để nhận diện đô thị.

- Xây dựng chuỗi hồ điều hòa kết hợp với hồ cảnh quan để tăng thêm diện tích cây xanh mặt nước cho đô thị, đồng thời điều tiết lượng nước mùa khô và mùa lũ tránh ngập úng cục bộ hoặc thiếu nước cung cấp cho đô thị.

b) Tổ chức cảnh quan các trục không gian chính, quảng trường thành phố:

- Xác định các trục không gian chính đô thị là các trục đường hình tia đi các đô thị vệ tinh, các trục đường vành đai làm trục cảnh quan đô thị. Tại đó, xây dựng trên các trục cảnh quan với các loại hình cây xanh đô thị, các điểm nhận dạng khác biệt với các hình thái kiến trúc công trình công cộng khác nhau làm điểm nhận dạng khác biệt, phong phú và sinh động.

- Đối với quảng trường thành phố, kết hợp với khu hành chính tỉnh và quảng trường làm không gian sinh hoạt công cộng cho cả thành phố với các hoạt động vui chơi giải trí, tạo tầm nhìn cho cảnh quan đô thị; đồng thời có không gian tổ chức các lễ hội của địa phương cũng như các ngày lễ lớn của đất nước.

c) Xác định các cửa ngõ, điểm nhấn đô thị

- Tại các tuyến cửa ngõ đô thị ở các hướng Đông, Nam, Tây, Bắc đi các tỉnh trong vùng là các nút giao nhau giữa các trục giao thông đối ngoại như đường tránh Quốc lộ 1, các đường tia đi các đô thị vệ tinh với các tuyến đường vành đai tổ chức các điểm nút giao thông làm điểm nhận diện đô thị cho thành phố. Mỗi nút giao thông là một hình thái kiến trúc, cảnh quan khác nhau mang bản sắc của địa phương.

- Tại các trung tâm khu vực đô thị kết hợp với các công trình công cộng, khu vực cây xanh cảnh quan bố trí các công trình cao tầng với hình thức kiến trúc hiện đại tạo điểm nhấn cho đô thị.

8. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

8.1. Quy hoạch hệ thống giao thông:

a) Giao thông đối ngoại:

* Đường bộ:

- Tuyến Quốc lộ 1: Đóng vai trò quan trọng kết nối với tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ (về phía Bắc), tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (về phía Nam). Lộ giới được quản lý theo quy hoạch chuyên ngành giao thông tỉnh, đối với đoạn đi qua địa bàn thành phố Sóc Trăng có lộ giới là 55m (bao gồm cả đoạn tuyến tránh thành phố Sóc Trăng). Riêng đối với đoạn đi qua khu vực trung tâm thành phố (đã có tuyến tránh) được định hướng quy hoạch là đường cấp đô thị, loại đường trục chính đô thị với lộ giới quy hoạch là 34m.

- Tuyến Quốc lộ 60: Đóng vai trò kết nối với tỉnh Trà Vinh, Bến Tre (về phía Bắc). Lộ giới được quản lý theo quy hoạch chuyên ngành giao thông tỉnh, đối với đoạn đi qua địa bàn thành phố Sóc Trăng có lộ giới là 40m (bao gồm cả đoạn tuyến tránh thành phố Sóc Trăng).

- Các tuyến Đường tỉnh (932, 933, 934, 935, 938): Đóng vai trò liên kết giữa thành phố Sóc Trăng và các đô thị còn lại trong tỉnh. Lộ giới được quản lý theo quy hoạch chuyên ngành giao thông là 44m; đối với đoạn đi qua thành phố Sóc Trăng được định hướng là đường cấp khu vực, loại đường chính khu vực có lộ giới từ 22m đến 35m.

- Các tuyến đường huyện được rà soát hướng tuyến phù hợp với định hướng đô thị hóa của khu vực, lộ giới được quy hoạch từ 16m đến 25m.

- Đường Vành đai 1: Được quy hoạch hoàn thiện kết nối, bao gồm các tuyến đường Quốc lộ 1 cắt qua đường Phú Lợi, đường Lê Duẩn, đoạn tuyến mới cắt qua đường Tôn Đức Thắng chạy dọc ranh giới khu văn hóa Hồ Nước Ngọt có lộ giới trong từng đoạn từ 26m đến 30m.

- Đường Vành đai 2: Được hình thành trên cơ sở định hướng tuyến đường tránh Quốc lộ 60 và tuyến đường tránh Quốc lộ 1, các tuyến còn lại mở mới với quy mô mặt cắt là 40m, giữ vai trò là đường chính đô thị qua khu hành chính mới của tỉnh khớp nối với tuyến tránh Quốc lộ 1.

* Đường thủy:

- Sông Saintard - kênh Phú Hữu Bãi Xàu là tuyến giao thông thủy thuộc tuyến sông, kênh quốc gia (Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau), đây là tuyến đạt cấp III đường thủy quốc gia. Tuyến này có chuẩn tắc luồng không hạn chế đối với các phương tiện sông, cho phép tàu tự hành và ghe máy các loại có trọng tải đến 100 DWT lưu thông thuận lợi. Đối với xà lan, cho phép loại xà lan có trọng tải 250 DWT lưu thông. Được định hướng đóng vai trò vận tải thủy kết nối với cảng Đại Ngãi, cảng Trần Đề. Dọc theo sông bố trí xây dựng hệ thống bến thủy nội địa, nhằm phục vụ cho việc trung chuyển hàng hóa trong khu vực.

- Sông Maspero, đây là tuyến sông tỉnh quản lý, hiện trạng đạt sông cấp V với chiều sâu trung bình 2.50 m, chiều rộng trung bình 50 m, duy trì luồng lạch đủ độ sâu để phương tiện thủy hoạt động bình thường. Bên cạnh vai trò giao thông thủy, tuyến sông này còn là tuyến cảnh quan chính của thành phố, do đó định hướng quy hoạch và phát triển các bến tàu khách du lịch dọc theo sông.

- Khơi thông, nạo vét, mở rộng các tuyến kênh, sông trong Thành phố và vùng lân cận đảm bảo cho các phương tiện đi lại phục vụ du lịch, giải trí và sản xuất. Đề xuất giải pháp xây dựng chuỗi hồ điều hòa nhằm điều tiết nước cho thành phố Sóc Trăng vào mùa khô và mùa mưa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Giao thông đối nội:

Mạng lưới đường đô thị được hình thành trên cơ sở khung chính là đường hình tia hướng về khu vực trung tâm thành phố, các tuyến đường vành đai và các tuyến nhánh tạo thành mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, thông suốt, đảm bảo kết nối thuận tiện các khu vực chức năng của đô thị với nhau.

- Đường cấp đô thị: Là các tuyến đường tia hướng về trung tâm thành phố, được tổ chức là cấp đường đô thị, loại đường chính đô thị hoặc đường liên khu vực đóng vai trò là khung giao thông chính đô thị, quy hoạch mạng lưới đường này có lộ giới từ 24m đến 34m.

- Đường cấp khu vực: Là các tuyến đường nối kết các phân vùng phát triển, liên kết các khu chức năng của đô thị. Mạng lưới đường này được tổ chức theo các loại đường chính khu vực và đường khu vực với lộ giới quy hoạch 16m đến 30m

- Đường cấp nội bộ: Được định hướng quy hoạch cho một số khu chức năng chính của đô thị đến loại đường phân khu vực (sẽ được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch phân khu), lộ giới các tuyến đường này được quy hoạch 13m đến 20m.

c) Công trình giao thông:

- Cầu: Định hướng quy hoạch 02 cây cầu mới bắc qua sông Maspero và 01 cây cầu bắc qua kênh Phú Hữu Bãi Xàu, đồng thời thực hiện một số cầu trong đô thị theo các dự án phát triển đô thị nhằm đảm bảo yêu cầu về giao thông bộ cho các khu chức năng theo quy hoạch.

- Bến xe: Quy hoạch mới bến xe liên tỉnh của đô thị về phía Tây thành phố (thuận lợi kết nối giao thông giữa tuyến tránh Quốc lộ 1 và các đường chính đô thị); đồng thời, quy hoạch mới 02 tổ hợp bến xe đối ngoại kết hợp với các dịch vụ vận tải khác tại các cửa ngõ Tây Nam và Đông Bắc thành phố.

- Bến cảng, bến hàng hóa: Quy hoạch hệ thống bến cảng, bến hàng hóa nằm về phía Đông thành phố (tiếp giáp với sông Saintard và kênh Phú Hữu Bãi Xàu).

- Bến khách du lịch: Bố trí một số vị trí bến khách du lịch trên tuyến sông Maspero và tại một số khu chức năng có kết hợp phát triển du lịch sinh thái sông nước.

8.2. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

a) San nền:

Xác định cao độ nền hợp lý cho từng khu vực, đảm bảo thoát nước tốt, bám sát địa hình tự nhiên và hiệu quả đầu tư, lựa chọn cao độ san nền khống chế ≥ 1,8m (sẽ được tính toán cụ thể ở cấp độ đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị); hướng dốc cục bộ của các khu vực là về phía các kênh, sông nội thành; các khu vực san nền cụ thể như sau:

Khu vực trung tâm thành phố hiện nay, cao độ khống chế ≥ 2,4m, khu vực này chiếm khoảng 12% diện tích thành phố;

Khu vực cận trung tâm thành phố có cự ly từ 2-3 km, cao độ khống chế ≥ 2,0m, khu vực này chiếm khoảng 35% diện tích thành phố

Khu vực ngoại vi (các khu vực còn lại), cao độ khống chế ≥ 1,8m.

b) Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa:

Khu trung tâm hiện hữu của thành phố quy hoạch hệ thống cống bao để thu gom nước thải tại các vị trí xả ra nguồn của hệ thống thoát nước hiện trạng. Khu đô thị mới, khu công nghiệp quy hoạch hệ thống thoát nước riêng. Các lưu vực thoát nước chính như sau:

- Lưu vực 1: Được giới hạn bởi Quốc lộ 1, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Duẩn (lưu vực này thuộc nội thị cũ). Nước mưa của lưu vực này được thoát ra sông Maspero.

- Lưu vực 2: Được giới hạn bởi Quốc lộ 1, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Quốc lộ 60 về phía Bắc. Nước mưa của lưu vực này được thoát ra sông Maspero và kênh 30/4.

- Lưu vực 3: Được giới hạn bởi Quốc lộ 1 (hướng về tuyến tránh Quốc lộ 1) về phía Tây thành phố. Nước mưa của lưu vực này được thoát ra kênh Phụng Hiệp - Sóc Trăng, kênh Sóc Đồ, kênh Tám Thước, kênh Tam Sóc.

- Lưu vực 4: Được giới hạn bởi Quốc lộ 1, đường Lê Duẩn và đường Lý Thường Kiệt, đường huyện 28 về phía Đông Nam thành phố. Nước mưa của lưu vực này được thoát ra sông Maspero, kênh Bắc Kỳ, kênh Phú Hữu Bãi Xàu.

- Lưu vực 5: Được giới hạn bởi Quốc lộ 60, đường Lê Duẩn, đường Điện Biên Phủ (nối dài) và đường huyện 28 về phía Đông Bắc thành phố. Nước mưa của lưu vực này được thoát ra sông Maspero, sông Saintard, kênh Chông Chác.

8.3. Quy hoạch hệ thống cấp nước:

- Dự báo nhu cầu dùng nước của đô thị đến năm 2035 là 100.000 m3/ngày-đêm.

- Nguồn nước: Khai thác kết hợp hai nguồn nước là nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt.

- Công trình đầu mối cấp nước: Nâng cấp 08 nhà máy cấp nước hiện hữu và xây dựng mới 01 trạm cấp nước ở phía Đông Bắc thành phố, trong đó có 06 trạm lấy nước ngầm để xử lý và 03 trạm dùng nước ngầm kết hợp nước mặt.

- Mạng lưới đường ống: Cải tạo mạng lưới ống cấp hiện trạng, đồng thời đấu nối với mạng lưới ống quy hoạch mới. Quy hoạch mạng lưới đường ống cấp nước mới dọc theo đường Vành đai 2, tạo thành vòng khép kín liên thông giữa các nhà máy cấp nước với nhau. Mạng lưới đường ống phân phối trong khu vực nội thành được sử dụng chủ yếu là mạng lưới kín. Mạng lưới đường ống trong khu vực ngoại thành sử dụng mạng kín kết hợp lưới hở.

8.4. Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

a) Thoát nước thải:

- Dự báo tổng lượng nước thải của đô thị đến năm 2035 là 57.400 m3/ngày-đêm.

- Cải tạo, phát triển đồng bộ hệ thống thoát nước thải của thành phố trên cơ sở hòa mạng thoát nước mới và cũ, trong đó có giải pháp cơ bản là xây dựng hệ thống cống bao tách nước thải cho khu vực trung tâm hiện hữu, với các khu quy hoạch xây dựng mới được quy hoạch thoát nước riêng.

Nâng công suất trạm xử lý nước thải hiện hữu từ 13.180 m3/ngày-đêm lên 24.000 m3/ngày-đêm; xây dựng mới 04 trạm xử lý mới (ưu tiên xử lý theo mô hình phân tán), với tổng công suất khoảng 33.500 m3/ngày-đêm.

b) Vệ sinh môi trường:

- Chất thải rắn:

Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của đô thị đến năm 2035 là 340 tấn rác/ngày. Rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý rác thải thành phố Sóc Trăng và vùng phụ cận nằm trên tuyến Quốc lộ 1, cách thành phố khoảng 7km về phía Nam.

Chất thải rắn công nghiệp và chất thải y tế được thu gom và xử lý bằng các dự án riêng.

- Nghĩa trang:

Tiếp tục đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân tập trung ở phía Tây thành phố nằm trên Đường tỉnh 938. Đối với các nghĩa trang nhân dân tự phát hiện trạng được định hướng ổn định về diện tích, đồng thời có dự án cải tạo để đảm bảo về cảnh quan và môi trường đô thị.

Định hướng quy hoạch mới Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh trên Đường tỉnh 934.

8.5. Quy hoạch hệ thống cấp điện:

- Tổng công suất cấp điện dự kiến của đô thị đến năm 2035 khoảng 360.660kW.

- Nguồn điện: Giai đoạn ngắn hạn, nguồn cung cấp điện cho thành phố được cung cấp từ lưới điện quốc gia, thông qua đường dây 110kV, trực tiếp là trạm 110kV thành phố Sóc Trăng đặt tại phường 2. Về lâu dài, theo tốc độ phát triển đô thị và nhu cầu về điện năng dự kiến đầu tư mới 03 trạm hạ thế 110kV tại các phân vùng phát triển đô thị.

- Mạng lưới đường dây:

Nâng cấp và xây dựng mới đường dây 110kV đi nổi theo các tuyến vành đai để cấp điện đến các trạm nguồn.

Quy hoạch ngầm hóa lưới điện trung thế 22kV dẫn đến các trạm cắt theo quy hoạch để cung cấp điện cho các khu chức năng trong đô thị.

9. Các dự án ưu tiên đầu tư:

* Về hệ thống giao thông:

- Đầu tư xây dựng và khép nối đường Vành đai 1 trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đầu tư xây dựng và khép nối đường Vành đai 2 trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Xây dựng các cầu bắc qua sông Maspero, kênh Phú Hữu Bãi Xàu.

- Đầu tư xây dựng mạng lưới đường chính đô thị theo quy hoạch;

* Về các khu chức năng:

- Khu hành chính và Công an tỉnh;

- Khu văn hóa tín ngưỡng;

- Khu Đô thị Văn hóa Hồ Nước Ngọt và các khu vực cảnh quan của thành phố (như: khu quảng trường, Lâm viên, các trục cảnh quan, các khu vực điểm nhấn cảnh quan đô thị...);

- Khu thể dục thể thao tỉnh;

- Mở rộng khu công nghiệp An Nghiệp; xây dựng cụm công nghiệp và các khu dịch vụ cảng của thành phố;

- Các dự án tại các trung tâm y tế, trung tâm giáo dục và đào tạo;

- Các dự án nâng cấp và cải tạo hạ tầng đô thị và các khu dân cư hiện hữu;

- Các dự án khu đô thị, khu dân cư mới.

* Các dự án về hạ tầng kỹ thuật đô thị: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nghĩa trang nhân dân thành phố; nâng cấp các trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải, trạm cấp điện, mạng lưới đường dây, đường ống truyền tải theo quy hoạch;...

Điều 2.

1. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch theo Biên bản thẩm định (Biên bản số 31/BBTĐQH-SXD ngày 17/10/2018 của Sở Xây dựng); đồng thời gửi Hồ sơ đồ án về Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng, bàn giao đầy đủ bản vẽ, thuyết minh và file quy hoạch cho địa phương và các đơn vị liên quan lưu trữ, quản lý theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: XD,VX, KT, TH, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Chuyện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2789/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 2789/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Trần Văn Chuyện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản