Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2772/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH TRONG LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về Kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực giám định tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp (theo Phụ lục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực giám định tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Văn phòng Chính phủ (để biết);
- Cục Kiểm soát TTHC (để biết);
- Cổng thông tin điện tử (để công khai);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để công bố);
- Lưu: VT, BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thúy Hiền

 

PHỤ LỤC

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH TRONG LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ TƯ PHÁP

I. DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

STT

Số hồ sơ TTHC(1)

Tên thủ tục hành chính

Tên VBQPPL quy định nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế(2)

Lĩnh vực

Cơ quan thực hiện

A. Thủ tục hành chính cấp tỉnh

1.

 

Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp

Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp

Giám định tư pháp

Sở Tư pháp

2.

 

Thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp

Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp

Giám định tư pháp

Sở Tư pháp

3.

 

Chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp

Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp

Giám định tư pháp

Sở Tư pháp

4.

 

Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp

Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp

Giám định tư pháp

Sở Tư pháp

5.

 

Chấm dứt hoạt động Văn phòng giám định tư pháp

Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

Giám định tư pháp

Sở Tư pháp

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ TƯ PHÁP

1. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp

- Trình tự thực hiện:

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật của Văn phòng, danh sách thành viên hợp danh, Văn phòng giám định tư pháp phải gửi đơn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký hoạt động kèm theo Giấy đăng ký hoạt động cũ đến Sở Tư pháp, nơi đã đăng ký hoạt động.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của Văn phòng giám định tư pháp xin thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật, danh sách thành viên hợp danh, Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định tư pháp. Trường hợp không cấp lại Giấy đăng ký hoạt động thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối cấp lại Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Cách thức thực hiện: Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp, nơi đã đăng ký hoạt động.

- Thành phần hồ sơ: Đơn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký hoạt động..

- Số lượng hồ sơ: Không có quy định.

- Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

- Lệ phí (nếu có): Không có quy định

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không có quy định.

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không có.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

2. Xin phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp

- Trình tự thực hiện: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Văn phòng giám định tư pháp xin thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, thẩm định, thống nhất ý kiến với người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định. Trường hợp không cho phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, Văn phòng giám định tư pháp thực hiện đăng ký nội dung thay đổi, bổ sung tại Sở Tư pháp; quá thời hạn nêu trên, Văn phòng giám định tư pháp không thực hiện đăng ký thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định thì quyết định cho phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định hết hiệu lực.

- Cách thức thực hiện: Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

- Thành phần hồ sơ:

+ Đơn xin phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định;

+ Đề án về việc thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, trong đó nêu rõ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với việc thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định;

+ Bản sao quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp phù hợp với việc thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định;

+ Quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp đã được cấp.

- Số lượng hồ sơ: Không có quy định.

- Thời hạn giải quyết: 45 ngày.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp được bổ sung thêm lĩnh vực giám định tư pháp.

- Lệ phí (nếu có): Không có quy định.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không có quy định.

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không có.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

+ Luật giám định tư pháp năm 2012;

+ Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

3. Chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp

- Trình tự thực hiện:

+ Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Văn phòng giám định tư pháp, Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép chuyển đổi, Văn phòng giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Khi đăng ký, Văn phòng phải có đơn đăng ký hoạt động, bản sao quyết định cho phép chuyển đổi loại hình Văn phòng và giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện bảo đảm hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp theo Đề án chuyển đổi loại hình hoạt động.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

+ Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi loại hình được hoạt động kể từ ngày được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động, kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Văn phòng giám định tư pháp trước đó.

- Cách thức thực hiện: Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

- Thành phần: Hồ sơ đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp gồm có:

+ Đơn đề nghị chuyển đổi;

+ Đề án chuyển đổi loại hình hoạt động, trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi, tình hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp tính đến ngày đề nghị chuyển, đổi, dự kiến về tổ chức, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở, nhân sự, điều kiện vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định;

+ Bản sao quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp là thành viên hợp danh của Văn phòng;

+ Quyết định cho phép thành lập Văn phòng;

+ Dự thảo Quy chế mới về tổ chức, hoạt động của Văn phòng.

- Số lượng hồ sơ: Không có quy định.

- Thời hạn giải quyết: 17 ngày.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp có nhu cầu chuyển đổi hình thức hoạt động từ loại hình doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp đã chuyển đổi xong loại hình.

- Lệ phí (nếu có): Không có quy định.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai : Không có quy định

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không có.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

4. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp

- Trình tự thực hiện:

Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện Văn phòng giám định tư pháp vi phạm một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan công an cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Văn phòng giám định tư pháp đặt trụ sở về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

- Thời hạn giải quyết: 7 ngày làm việc.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp bị thu hồi giấy phép.

- Lệ phí (nếu có): Không có quy định.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai : Không có quy định.

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Văn phòng giám định tư pháp vi phạm một trong các thủ tục sau đây thì bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động:

+ Không còn đủ giám định viên tư pháp theo quy định;

+ Thực hiện giám định tư pháp không đúng lĩnh vực đã đăng ký;

+ Vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai mà còn tái phạm;

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

5. Chấm dứt hoạt động Văn phòng giám định tư pháp

5.1. Trường hợp Văn phòng giám định tư pháp tự chấm dứt hoạt động:

- Trình tự thực hiện:

+ Trong trường hợp Văn phòng giám định tư pháp tự chấm dứt hoạt động thì chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

Văn phòng giám định tư pháp phải hoàn thành việc thực hiện giám định đối với các trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đã tiếp nhận, thanh toán các khoản nợ, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động.

Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp với Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan công an cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Văn phòng giám định tư pháp đặt trụ sở về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

- Cách thức thực hiện: Báo cáo của Văn phòng giám định tư pháp được gửi trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

- Số lượng hồ sơ: Không có quy định

- Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp bị chấm dứt hoạt động.

- Lệ phí (nếu có): Không có quy định.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai : Không có quy định.

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không có.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

5.2. Trường hợp Văn phòng giám định tư pháp chấm dứt hoạt động do bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động

- Trình tự thực hiện:

+ Trường hợp Văn phòng giám định tư pháp chấm dứt hoạt động do bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan công an cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Văn phòng giám định tư pháp đặt trụ sở .

Văn phòng giám định tư pháp có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động và đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động; chuyển hồ sơ lưu trữ về việc thực hiện giám định tư pháp cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

Đối với yêu cầu giám định đã tiếp nhận mà chưa thực hiện thì Văn phòng giám định tư pháp phải trả lại hồ sơ, đối tượng giám định và khoản chi phí giám định đã thu của người trưng cầu, yêu cầu giám định.

- Thời hạn giải quyết: 7 ngày làm việc

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn phòng giám định tư pháp bị chấm dứt hoạt động.

- Lệ phí (nếu có): Không có quy định.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không có quy định.

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không có.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2772/QĐ-BTP năm 2014 công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực giám định tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp

  • Số hiệu: 2772/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/10/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Thúy Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản