Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI KHU VỰC CỬA KHẨU QUỐC TẾ PHỤC VỤ NHIỆM VỤ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

a) Hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế là thành Phần quan trọng của hệ thống thông tin nhằm cung cấp thông tin chính thống, tuyên truyền, cổ vũ, động viên người dân ở khu vực cửa khẩu quốc tế; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, giá trị vật chất, tinh thần của Việt Nam cho khách quốc tế; giúp người dân hiểu và thực hiện đúng các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Việc đầu tư hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế phải đồng bộ với các cơ sở hạ tầng khác có liên quan để phát huy hết năng lực và khai thác có hiệu quả, tránh lãng phí; xây dựng nội dung tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn;

c) Tận dụng và nâng cao hiệu quả các cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế hiện có, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, hoạt động;

d) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, nâng cao sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan và các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong việc xây dựng, phát triển hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

a) Hình thành được hệ thống thông tin đối ngoại tại các khu vực cửa khẩu quốc tế (bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đồng bộ, liên tục, thường xuyên, phát huy được những thành tựu và khắc phục được những hạn chế yếu kém để phục vụ tốt hoạt động thông tin đối ngoại;

b) Xây dựng, nâng cao chất lượng các nội dung, nhiệm vụ cho hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế phù hợp với yêu cầu thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhu cầu của các đối tượng theo từng khu vực cửa khẩu;

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, phối hợp về công tác thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế thông qua hệ thống thông tin đối ngoại;

d) Đề xuất các tiêu chí, cơ chế, giải pháp phù hợp để hỗ trợ các địa phương xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế đồng bộ, hiện đại, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Tất cả các cửa khẩu quốc tế hàng không, đường bộ, đường sắt có hệ thống thông tin đối ngoại, đầy đủ màn hình điện tử, quầy thông tin, điểm tra cứu điện tử, trang thông tin điện tử có nội dung thông tin phong phú, đa dạng với các ngôn ngữ phù hợp với từng khu vực, địa bàn;

b) Có ít nhất 30% các cửa khẩu quốc tế đường thủy có hệ thống thông tin đối ngoại;

c) Tất cả hệ thống thông tin đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế có quy chế hoạt động và có nội dung hoạt động phù hợp với đối tượng, địa bàn.

3. Mục tiêu đến năm 2030

Tất cả các cửa khẩu quốc tế hiện có và mở mới có hệ thống thông tin đối ngoại, hoạt động hiệu quả với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế

Hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế bảo đảm đầy đủ các thành Phần với các ngôn ngữ phù hợp, cụ thể như sau:

- Màn hình điện tử (tivi);

- Quầy cung cấp thông tin;

- Điểm tra cứu điện tử;

- Trang thông tin điện tử;

- Các xuất bản phẩm bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài và ngôn ngữ quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam.

2. Định hướng phát triển về nội dung thông tin của hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khấu quốc tế

Nội dung thông tin của hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế được sử dụng từ các nguồn thông tin của các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan báo chí trung ương và địa phương, từ cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước các cấp để phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, cụ thể:

a) Giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất, tinh thần của Việt Nam. Tuyên truyền những thành tựu quan trọng về quá trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và khách du lịch nước ngoài;

b) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; công tác quản lý biên giới, kết quả công tác phân giới cắm mốc, công tác tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên các tuyến biên giới trên đất liền, thông tin về tình hình biển, đảo; quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực;

c) Truyền đạt, phổ biến, thông tin kịp thời các thông báo, chỉ đạo, Điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; Cung cấp các thông tin thiết yếu cho các du khách, người dân ở khu vực cửa khẩu quốc tế;

d) Thông tin liên quan đến quan hệ hợp tác hữu nghị, giao lưu nhân dân, các địa phương... giữa Việt Nam với các nước chung đường biên giới, góp Phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác;

đ) Thông tin, tuyên truyền các sự kiện, các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất khác trên địa bàn theo yêu cầu của các cơ quan Đảng và Nhà nước;

e) Phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các thế lực thù địch nhằm phá hoại sự nghiệp đổi mới, độc lập, thống nhất, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước;

g) Cung cấp thông tin các hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam với quốc gia có chung đường biên giới; các hoạt động hợp tác hữu nghị, giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch,... giữa Việt Nam với quốc gia có chung đường biên giới.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dựng các hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế;

b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý hoạt động hệ thống thông tin đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế theo hướng thống nhất quản lý, phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng nhiều đầu mối, phân tán nguồn lực.

2. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế

a) Xây dựng, tổ chức quản lý hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao;

b) Bảo đảm xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế theo định hướng Quy hoạch này phù hợp với tình hình địa phương;

c) Tập huấn nâng cao và cập nhật các kiến thức về quản lý và kỹ năng tổ chức các hoạt động, xây dựng nội dung cho hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế;

d) Tăng cường cung cấp thông tin chính thống, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho các hoạt động thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế;

đ) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ đối với hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế;

e) Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế;

g) Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng thông tin đối ngoại cho cán bộ, người dân và các lực lượng khu vực biên giới hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề biên giới, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, qua đó thực hiện hiệu quả công tác biên giới tại địa phương;

h) Tăng cường quản lý và nâng cao năng lực về an ninh mạng, an toàn thông tin. Đối với các nội dung nhạy cảm trong quan hệ song phương với các nước, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo cũng như phản ứng, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực, quốc tế, đề nghị các cơ quan, địa phương cần trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao.

3. Giải pháp về tài chính

a) Về kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu quốc tế:

- Đối với các cửa khẩu hàng không, đường thủy, đường sắt: Sử dụng kinh phí của các đơn vị quản lý cửa khẩu, nguồn xã hội hóa;

- Đối với các cửa khẩu đất liền: Sử dụng nguồn kinh phí địa phương, kinh phí của các đơn vị quản lý cửa khẩu, nguồn xã hội.

b) Vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền hằng năm trên hệ thống thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế;

c) Vốn từ ngân sách địa phương do địa phương bố trí để đầu tư xây dựng, vận hành, hoạt động, đào tạo cán bộ cho hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế;

d) Lồng ghép các Chương trình Mục tiêu có liên quan, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

đ) Từng bước chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình thông tin;

e) Đối với nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế, sử dụng vốn lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ và hàng không, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một Phần để thực hiện tại một số cửa khẩu quốc tế tại khu vực khó khăn; đối với các khu vực còn lại ngoài việc ngân sách địa phương bố trí thực hiện, thì cần có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện (nhất là tại các khu vực cửa khẩu quốc tế hàng không và cửa khẩu quốc tế đường thủy);

g) Đối với nhiệm vụ xây dựng nội dung thông tin và vận hành hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, sau khi đầu tư sẽ do địa phương quản lý (đối với hệ thống doanh nghiệp đầu tư do doanh nghiệp quản lý); các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương không quản lý, vận hành hệ thống này. Nhiệm vụ này sẽ do ngân sách địa phương hoặc doanh nghiệp đảm bảo (tùy thuộc vào đơn vị đầu tư hệ thống này), ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một Phần để xây dựng nội dung thông tin quan trọng có tính phổ biến chung trên toàn quốc.

4. Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thông tin đối ngoại

a) Tăng cường ngôn ngữ, đổi mới nội dung, phương thức thông tin và truyền thông gắn với thực tiễn và nhu cầu của du khách, người dân; đưa các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ vào nền nếp, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và đưa các hoạt động từ Trung ương về cửa khẩu;

b) Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin phù hợp với đặc điểm các nhóm đối tượng người dân, du khách theo địa bàn cửa khẩu; Tiến hành khảo sát, xác định các nội dung thông tin cần cung cấp và tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin phù hợp...

c) Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế; về trách nhiệm của các địa phương trong Quy hoạch;

5. Giải pháp hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các địa phương nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu quốc tế để có các nội dung thông tin phong phú, phù hợp với đối tượng tại địa bàn;

6. Giải pháp về đổi mới, tăng cường xây dựng nội dung

a) Tích cực, chủ động kịp thời thông tin tuyên truyền về thành tựu của công cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc;

b) Tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam;

c) Tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng bài viết, chuyên Mục có sức thuyết phục về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề tồn tại và nảy sinh trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các vấn đề môi trường phát triển bền vững;

d) Tăng cường định hướng, quản lý, tránh đưa các nội dung nhạy cảm về công việc nội bộ, phê phán lãnh đạo cấp cao các nước gây ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các nước;

đ) Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động phát tán thông tin, tài liệu xuyên tạc về chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia;

e) Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho công tác xây dựng nội dung trên hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, Điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí phát triển hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế theo Mục tiêu, kế hoạch;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, có liên quan định hướng, xây dựng, cung cấp nội dung thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài và ngôn ngữ quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam để cung cấp thông tin phục vụ công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn;

đ) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cấp hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế bị xuống cấp, đầu tư mới tại các khu vực chưa có hệ thống thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế;

e) Phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan tổ chức các sự kiện giao lưu, quảng bá văn hóa, du lịch, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tỉnh Việt Nam với quốc gia có chung đường biên giới.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính trong việc huy động các nguồn vốn cho việc phát triển hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí đầu tư hàng năm từ ngân sách nhà nước để thực hiện các đề án, dự án phát triển hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế.

3. Bộ Ngoại giao

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc định hướng, xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền liên quan đến lĩnh vực chủ quyền lãnh thổ, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, bảo đảm các thông tin đăng tải được chính xác, đặc biệt là các thông tin liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ, biển, hải đảo.

4. Bộ Công an

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin liên quan đến âm mưu, ý đồ, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động;

5. Các Bộ, cơ quan liên quan

a) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng, vận hành, bảo vệ các cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế;

b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế.

c) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch theo định kỳ hàng năm.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chủ động, phối hợp với các bộ, ban, ngành chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp phát triển hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế của địa phương theo định hướng của Quy hoạch này;

b) Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế tại địa phương, đồng bộ với các hạ tầng hiện có;

c) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các hoạt động đưa nội dung thông tin về hệ thống thông tin đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại theo định kỳ, theo các Chương trình, đề án hằng năm;

d) Xây dựng, cung cấp nội dung thông tin cung cấp cho hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế phù hợp với đối tượng và tình hình địa phương;

đ) Xây dựng quy chế hoạt động của hệ thống thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (3).TA

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Vũ Đức Đam