Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2718/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2014 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH Y TẾ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/2009/NĐ-CP, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy định quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và KHHGĐ, Thanh tra Bộ; Các Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước và các cơ quan, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH Y TẾ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2718/QĐ-BYT ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Quy định quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước được xây dựng nhằm hướng dẫn các Chủ đầu tư trực thuộc Bộ Y tế và các Chủ đầu tư trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương có dự án đầu tư xây dựng công trình y tế thực hiện đúng các quy định của nhà nước về Quản lý đầu tư xây dựng công trình. Quy định này hướng dẫn từ việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, thực hiện dự án, bàn giao đưa công trình vào sử dụng đến bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư không có xây dựng công trình, thực hiện theo quy định tại Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính Phủ và tại mục II.1,2; V.1,2,3,11,15 của Quy định này.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/04/2013 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và các quy định này.
I. ĐIỀU KIỆN ĐỂ LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ:
Các cơ sở y tế phải có Quy hoạch tổng thể phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh còn hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành mới đủ điều kiện để xin phép đầu tư. Quy hoạch phát triển tổng thể là tài liệu làm căn cứ để lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư của từng đơn vị, địa phương.
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cho Đơn vị, Hệ thống y tế địa phương mình trên cơ sở định hướng trong Quy hoạch phát triển ngành, địa phương, Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch phát triển được thể hiện bằng định hướng phát triển các chuyên ngành đặc thù, các hoạt động trọng tâm của đơn vị, địa phương.
Đối với dự án xây dựng trên cơ sở mới, phải được chính quyền địa phương thông báo giới thiệu địa điểm khu đất dự kiến xây dựng công trình.
1. Xin phép chuẩn bị đầu tư:
Thủ trưởng đơn vị gửi Hồ sơ trình cấp quyết định đầu tư để xin phép được chuẩn bị đầu tư trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển đã được duyệt và báo cáo đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng - trang thiết bị kỹ thuật của đơn vị, thông báo giới thiệu địa điểm khu đất dự kiến xây dựng công trình đối với dự án xây dựng trên cơ sở mới.
Đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chủ trương đầu tư: Vụ Kế hoạch-Tài chính là đầu mối phối hợp với Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thẩm định đề xuất của đơn vị trình Bộ trưởng quyết định.
2. Chủ đầu tư:
a) Chủ đầu tư dự án do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư, chủ đầu tư là các đơn vị trực thuộc được đầu tư.
c) Các dự án khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư chưa xác định được chủ đầu tư, dự án có quy mô lớn hoặc đơn vị thụ hưởng chưa đủ năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ trưởng sẽ giao Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm trực thuộc Bộ để triển khai thực hiện dự án.
3. Lập Dự án đầu tư và lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình:
3.1. Đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư:
3.1.1. Chủ đầu tư được phép chỉ định thầu cơ quan tư vấn đầu tư xây dựng có đủ tư cách pháp nhân và đủ năng lực chuyên môn để lập Dự án đầu tư, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trình Bộ Y tế thẩm định/phê duyệt.
3.1.2. Thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng trước khi lập dự án:
a) Các dự án đầu tư có công trình xây dựng cấp I và cấp đặc biệt theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, phải được tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình trước khi lập dự án.
b) Việc tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
c) Sau khi có kết quả thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, việc lựa chọn cơ quan tư vấn lập dự án và thiết kế được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 12/2009/NĐ-CP và quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 101 của Luật Xây dựng và điểm d, khoản 1, điều 2.2 của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13.
3.1.3. Các dự án dùng chi phí tư vấn từ nguồn vốn nước ngoài, chủ đầu tư ngoài việc tuân thủ các quy định tại mục 3.1.1 còn phải tuân thủ quy định cụ thể của Tổ chức tài trợ.
3.1.4. Nội dung Dự án đầu tư thực hiện theo đúng quy định tại Điều 7 và 8 Nghị định 12/2009/NĐ-CP.
3.1.5. Quy mô đầu tư phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 và Quy hoạch tổng thể phát triển của đơn vị được Bộ Y tế phê duyệt.
3.1.6. Nội dung Thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 12/2009/NĐ-CP và phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn thiết kế - thiết kế mẫu công trình y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công Nghệ ban hành.
3.1.7. Khi đầu tư xây dựng các công trình sau đây, chủ đầu tư không phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình để trình Bộ Y tế phê duyệt (Vụ Kế hoạch - Tài chính là đơn vị đầu mối thẩm định): Các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (đối với công trình xây dựng mới); trừ trường hợp Bộ Y tế thấy cần thiết và yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 35 của Luật Xây dựng.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để trình Bộ Y tế thẩm định/phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
- Đối với công trình từ cấp III trở lên, trước khi thẩm định thiết kế, Chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở địa phương (Sở Xây dựng) để thẩm tra theo quy định tại Điều 21-NĐ15/2013/NĐ-CP. Nội dung hồ sơ gửi Sở Xây dựng địa phương được thực hiện theo Điều 7- Thông tư 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.
3.1.8. Chủ đầu tư phải đề xuất hình thức Quản lý dự án trong nội dung Dự án đầu tư để Bộ Y tế xem xét quyết định.
3.2. Đối với các dự án xây dựng công trình y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư:
3.2.1. Quy mô đầu tư phải phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế và quy hoạch phát triển đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.2.2. Thiết kế cơ sở phù hợp với Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế, Thiết kế mẫu công trình y tế do cấp có thẩm quyền ban hành, đối với dự án nhóm A trước khi phê duyệt dự án phải được Bộ Y tế thỏa thuận bằng văn bản.
3.2.3. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 6 Điều 10-Nghị định 12/2009/NĐ-CP trước khi phê duyệt dự án.
3.2.4. Chủ đầu tư đề xuất hình thức Quản lý dự án trong nội dung Dự án đầu tư để Ủy ban nhân dân tỉnh (cấp Quyết định đầu tư) xem xét quyết định.
3.3. Về việc thuê tư vấn nước ngoài:
Việc thuê tư vấn nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 131/2007/QĐ-TTg ngày 09/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam, Thông tư số 07/2012/TT-BXD ngày 26/10/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam và các quy định hiện hành khác của Nhà nước.
Ban Quán lý dự án được ký hợp đồng thuê cá nhân, tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để phối hợp với Ban quản lý dự án để quản lý các công việc ứng dụng công nghệ xây dựng mới mà tư vấn trong nước chưa đủ năng lực thực hiện hoặc có yêu cầu đặc biệt khác. Việc thuê tư vấn nước ngoài đối với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép. Chủ đầu tư phải gửi Hồ sơ xin phép thuê tư vấn nước ngoài với các nội dung sau:
- Sự cần thiết phải thuê tư vấn nước ngoài;
- Mục tiêu của việc thuê tư vấn nước ngoài;
- Khối lượng công việc cần thuê tư vấn nước ngoài;
- Phương thức lựa chọn Tổ chức Tư vấn nước ngoài;
- Dự kiến Tổ chức Tư vấn nước ngoài sẽ thuê (nếu có), hồ sơ năng lực của họ;
- Giá trị, tổng giá trị các công việc cần thuê tư vấn nước ngoài;
- Nguồn vốn để chi trả cho tổ chức tư vấn nước ngoài;
- Kế hoạch thực hiện công tác thuê tư vấn nước ngoài.
4. Thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư:
Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình đến cấp quyết định đầu tư để thẩm định, phê duyệt.
Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm: (a) Tờ trình thẩm định dự án theo mẫu tại Phụ lục số II NĐ12/2009/NĐ-CP; (b) Dự án bao gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở của dự án (theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của NĐ12/2009/NĐ-CP); (c) các văn bản tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan có thẩm quyền.
4.1. Đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư:
4.1.1. Trước khi trình Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư; Dự án phải được Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế - Bộ Y tế làm đầu mối tổ chức thẩm định.
4.1.2. Thẩm định dự án:
- Chủ đầu tư gửi 10 bộ Hồ sơ dự án đã được thông qua Hội đồng cơ sở của Chủ đầu tư về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế) để tổ chức thẩm định. Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế - Bộ Y tế có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng (với dự án nhóm A), Sở Xây dựng địa phương (với dự án nhóm B, C) và lấy ý kiến các cơ quan liên quan để thẩm định dự án.
- Sau khi thẩm định, Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế sẽ trình lên “Hội đồng tư vấn về quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản” Bộ Y tế (Đối với các dự án khi Bộ trưởng yêu cầu) để tổ chức thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
4.1.3. Nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo Điều 11-NĐ 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
4.1.4. Phê duyệt dự án đầu tư: Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt các dự án đầu tư khi Hồ sơ trình duyệt đã được hoàn chỉnh theo kết quả thẩm định của Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế và Hội đồng tư vấn về quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản Bộ Y tế (nếu có).
4.2. Đối với các dự án xây dựng công trình y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư:
Các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế thuộc nhóm A, trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải gửi về Bộ Y tế để tổ chức thẩm tra về sự phù hợp với quy hoạch phát triển Hệ thống y tế, quy chế bệnh viện, phân tuyến kỹ thuật và dây chuyền công nghệ của công trình.
5. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình:
5.1. Dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, địch họa hoặc các sự kiện bất khả kháng khác;
b) Xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;
c) Khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, tính chất, mục tiêu của dự án;
Khi việc điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án, vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định; trường hợp điều chỉnh dự án không làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án, không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư được tự quyết định. Những nội dung điều chỉnh dự án phải được thẩm định trước khi quyết định.
Khi điều chỉnh dự án đầu tư chủ đầu tư phải thực hiện Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư (trừ các dự án không phải thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư).
Trường hợp điều chỉnh dự án không phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì phải lấy ý kiến của cơ quan này.
5.2. Hồ sơ điều chỉnh dự án, điều chỉnh Tổng mức đầu tư:
Nội dung Hồ sơ điều chỉnh dự án bao gồm 3 phần:
a) Đánh giá tình hình thực hiện dự án và kết quả đạt được, hiệu quả đầu tư.
b) Sự cần thiết phải điều chỉnh dự án.
c) Những Nội dung điều chỉnh.
III. KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH:
1. Định hướng đầu tư phát triển:
Trên cơ sở Quy hoạch và Chiến lược phát triển ngành, công tác đầu tư phát triển phải được xây dựng theo kế hoạch dài hạn và hàng năm của Bộ Y tế đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư và theo chỉ đạo của người quyết định đầu tư với các dự án khác.
2. Lập Kế hoạch đầu tư xây dựng công trình:
Hàng năm, vào trước ngày 30 tháng 7, Chủ đầu tư phải báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng công trình 6 tháng đầu năm, dự kiến thực hiện kế hoạch cả năm, đồng thời căn cứ tiến độ và mục tiêu thực hiện dự án đã quy định trong Quyết định đầu tư, gửi Bộ Y tế để đăng ký “Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng” của dự án năm sau theo đúng quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC, ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN và các quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Điều kiện để đăng ký kế hoạch đầu tư và xây dựng hàng năm:
Các dự án đầu tư và xây dựng chỉ được ghi kế hoạch vốn đầu tư hàng năm khi có đủ các điều kiện sau:
3.1. Dự án chuẩn bị đầu tư:
Phải có Quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và Quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm trước năm kế hoạch.
3.2. Dự án khởi công mới:
Phải có Quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 25 tháng 10 và Quyết định phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán hạng mục khởi công trong năm sau, được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm trước năm kế hoạch.
3.3. Dự án chuyển tiếp:
Phải có Quyết định phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán hạng mục khởi công tiếp theo của dự án trước ngày 31 tháng 12 năm trước, hoặc khối lượng công trình dở dang gối đầu sang năm kế hoạch.
3.4. Thời gian vốn bố trí để thực hiện dự án: Không quá 3 năm với dự án nhóm C, không quá 5 năm với dự án nhóm B kể từ ngày khởi công công trình.
4. Giao kế hoạch đầu tư và xây dựng hàng năm:
Sau khi được các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án, Bộ Y tế (Vụ KH-TC) căn cứ kế hoạch vốn đầu tư và quyết định phê duyệt của các dự án để thông báo vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ cấp phát thanh toán. Các chủ đầu tư trên cơ sở thông báo kế hoạch vốn được giao để đăng ký khối lượng XDCB gửi Bộ Y tế để làm thủ tục xin cấp phát thanh toán vốn tại kho bạc nhà nước theo quy định.
5. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư và xây dựng hàng năm:
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu có nhu cầu điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư so với kế hoạch, chủ đầu tư lập báo cáo gửi Bộ Y tế về tình hình thực hiện vốn đầu tư để xác định số vốn thuộc kế hoạch năm đã thanh toán cho dự án, số vốn dự kiến thừa hoặc thiếu để có phương án điều chỉnh. Báo cáo gửi trước ngày 30/11 năm kế hoạch theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC, ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.
IV. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ THỰC HIỆN DỰ ÁN:
1. Tổ chức Quản lý dự án:
1.1. Đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư:
1.1.1. Bộ Y tế quyết định hình thức quản lý dự án theo quy định tại Điều 33 của NĐ 12/2009/NĐ-CP.
- Trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư, dự án có quy mô lớn hoặc đơn vị thụ hưởng chưa đủ năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Y tế sẽ giao Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm trực thuộc Bộ để triển khai thực hiện dự án.
- Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư thành lập Ban Quản lý dự án để giúp chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự án. Ban Quản lý dự án phải có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án theo yêu cầu của chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án có thể thuê tư vấn quản lý, giám sát một số phần việc mà Ban Quản lý dự án không đủ điều kiện, năng lực để thực hiện nhưng phải được sự đồng ý của chủ đầu tư.
- Trường hợp chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn quản lý điều hành dự án thì tổ chức tư vấn đó phải có đủ điều kiện năng lực tổ chức quản lý phù hợp với quy mô, tính chất của dự án. Trách nhiệm, quyền hạn của tư vấn quản lý dự án được thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên và theo quy định hiện hành. Tư vấn quản lý dự án được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn tham gia quản lý nhưng phải được chủ đầu tư chấp thuận và phù hợp với hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
- Khi áp dụng hình thức thuê tư vấn quản lý dự án, chủ đầu tư vẫn phải sử dụng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của mình hoặc chỉ định đầu mối để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tư vấn quản lý dự án.
- Đối với dự án có quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng thì chủ đầu tư có thể không lập Ban Quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý thực hiện dự án.
1.1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án trong trường hợp chủ đầu tư thành lập Ban Quản lý dự án được thực hiện theo Điều 34 NĐ 12/2009/NĐ-CP.
1.1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư và tư vấn Quản lý dự án trong trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn Quản lý dự án được thực hiện theo Điều 35 NĐ 12/2009/NĐ-CP. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi làm tư vấn quản lý dự án được quy định tại Điều 44 NĐ 12/2009/NĐ-CP.
1.1.4. Trong trường hợp thuê tư vấn quản lý dự án Chủ đầu tư phải có bộ phận giúp việc để giám sát công việc của tổ chức tư vấn Quản lý dự án để kịp thời giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
1.1.5. Việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014 của Bộ Tài chính.
1.2. Đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân quyết định hình thức quản lý dự án theo quy định tại Điều 33 của NĐ 12/2009/NĐ-CP. Với các Sở Y tế có đủ năng lực quản lý, có thành lập ban quản lý dự án trọng điểm, nên giao Sở Y tế làm chủ đầu tư dự án.
2. Tuyển chọn Tư vấn lập Thiết kế - dự toán công trình:
Đối với các dự án tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo quy định tại mục 3.1.2-mục II của Quy định này, sau khi có kết quả thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án kiến trúc, Chủ đầu tư và tác giả của phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng để thực hiện việc lập dự án và thiết kế xây dựng khi tác giả của phương án thiết kế kiến trúc có đủ điều kiện năng lực theo quy định; trường hợp tác giả phương án kiến trúc không đủ điều kiện năng lực thì có thể liên danh với tổ chức tư vấn thiết kế có đủ điều kiện năng lực để ký hợp đồng với chủ đầu tư. Việc chỉ định thầu công tác tư vấn lập dự án và thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo điểm d, khoản 1, điều 22 của Luật đấu thầu 43/2013/QH13. Nếu tác giả của phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn từ chối thực hiện lập dự án và thiết kế xây dựng thì chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu khác theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án không tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc, chủ đầu tư căn cứ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền, tổ chức đấu thầu để tuyển chọn cơ quan Tư vấn đầu tư xây dựng có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực chuyên môn lập Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán theo quy định hiện hành.
3. Lập, thẩm định và phê duyệt Thiết kế - dự toán công trình:
3.1. Lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế - dự toán công trình:
Hồ sơ Thiết kế - dự toán được lập cho từng công trình phải phù hợp với Thiết kế cơ sở đã được phê duyệt kèm theo Dự án đầu tư; nội dung Thiết kế - dự toán công trình phải theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt và công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng giao, Chủ đầu tư gửi Hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đến Bộ Xây dựng để thẩm tra, Vụ Trang thiết bị-công trình y tế - Bộ Y tế kiểm tra (đối với dự án Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư) trước khi tổ chức thẩm định/phê duyệt.
- Đối với các công trình cấp II, cấp III và các công trình xử lý chất thải rắn độc hại không phân biệt cấp; Chủ đầu tư gửi Hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đến Sở Xây dựng địa phương thẩm tra, Vụ Trang thiết bị-công trình y tế - Bộ Y tế (đối với dự án Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư) kiểm tra trước khi tổ chức thẩm định/phê duyệt.
- Các công trình khác không thuộc các cấp công trình nêu trên, Chủ đầu tư tự thẩm tra, hoặc thuê tổ chức, tư vấn cá nhân thẩm tra trước khi tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành.
3.2. Phê duyệt thiết kế - dự toán công trình:
Sau khi được Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng địa phương thẩm tra thiết kế theo quy định nêu trên; Chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thẩm tra thiết kế-dự toán công trình nêu trên để thẩm định/phê duyệt. Hồ sơ Thiết kế - dự toán công trình là tài liệu cơ bản để phân bổ vốn đầu tư cho dự án.
3.3. Hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của từng hạng mục công trình phải được thẩm định, phê duyệt trước khi lập kế hoạch đấu thầu xây dựng hạng mục đó.
3.4. Chủ đầu tư các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư được phép phê duyệt các bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, phê duyệt dự toán công trình.
3.5. Thay đổi thiết kế xây dựng công trình: Việc thay đổi thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo Điều 22-NĐ15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ và Điều 6-TT13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng, cụ thể như sau:
3.5.1. Thiết kế xây dựng công trình đó phê duyệt được thay đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Khi dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh có yêu cầu phải thay đổi thiết kế;
b) Trong quá trình thi công xây dựng công trình phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ thi công xây dựng, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án.
3.5.2. Đối với công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước, khi điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy hoạch xây dựng, mục tiêu, quy mô hoặc làm vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt của công trình thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt lại nội dung điều chỉnh. Trường hợp còn lại, chủ đầu tư được quyền quyết định thay đổi thiết kế. Những nội dung điều chỉnh thiết kế phải được thẩm định, thẩm tra, phê duyệt lại theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Thông tư 13/2014/TT-BXD.
3.5.3. Nhà thầu thiết kế có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi các thiết kế bất hợp lý do lỗi của mình gây ra và có quyền từ chối những yêu cầu điều chỉnh thiết kế bất hợp lý của chủ đầu tư.
3.5.4. Chủ đầu tư có quyền thuê nhà thầu thiết kế khác thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế trong trường hợp nhà thầu thiết kế ban đầu không thực hiện các việc này. Nhà thầu thiết kế thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế phải chịu trách nhiệm về những nội dung do mình thực hiện.
3.6. Chủ đầu tư được phép điều chỉnh cơ cấu vốn (xây dựng, thiết bị, tư vấn, quản lý dự án, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí khác và chi phí dự phòng) trong Tổng dự toán nhưng không được vượt Tổng mức đầu tư của dự án, không được thay đổi quy mô, nội dung, mục tiêu của dự án. Sau khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu vốn trong Tổng dự toán, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Y tế kết quả điều chỉnh của mình.
4. Lập và quản lý đơn giá, dự toán công trình:
Việc lập dự toán công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Việc thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự toán công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.
Việc lập và quản lý đơn giá xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 16-NĐ 112/2009/NĐ-CP.
4.1. Lập đơn giá xây dựng công trình
4.1.1. Đơn giá xây dựng công trình được lập trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và các yếu tố chi phí sau đây:
- Giá vật liệu xây dựng được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình xây dựng cụ thể. Giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự. Giá vật liệu đến chân công trình được tính theo phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình;
- Giá nhân công xây dựng được xác định theo mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh, theo từng ngành nghề sử dụng. Giá nhân công xây dựng được tính toán căn cứ theo mức tiền lương tối vùng được Chính phủ.
- Giá ca máy và thiết bị thi công được xác định theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn.
4.1.2. Đối với những công trình xây dựng sử dụng vốn ODA có yêu cầu sử dụng lao động nước ngoài, vật tư, vật liệu nhập khẩu, thiết bị thi công nhập khẩu và các yêu cầu đặc thù khác thì đơn giá xây dựng được lập bổ sung các chi phí theo điều kiện thực tế và đặc thù của công trình.
4.2. Quản lý giá xây dựng công trình
4.2.1. Chủ đầu tư căn cứ phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình, trên cơ sở định mức, đơn giá xây dựng của UBND tỉnh/TP ban hành, yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công cụ thể của công trình tổ chức lập đơn giá xây dựng công trình, giá xây dựng tổng hợp làm cơ sở cho việc xác định tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng công trình để quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
4.2.2. Chủ đầu tư xây dựng công trình được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm thực hiện các công việc hoặc phần công việc liên quan tới việc lập giá xây dựng công trình. Tổ chức, cá nhân tư vấn phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp lý, chính xác của giá xây dựng công trình do mình lập.
5. Sử dụng Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế, Thiết kế mẫu, Hướng dẫn thiết kế công trình y tế:
Các Tổ chức tư vấn xây dựng, Chủ đầu tư, Sở Y tế, Sở Xây dựng các địa phương phải sử dụng Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế, Thiết kế mẫu, Hướng dẫn thiết kế do các cấp có thẩm quyền ban hành làm căn cứ cho việc lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình y tế.
Trong quá trình sử dụng Tiêu chuẩn thiết kế, nếu phát hiện những vấn đề bất cập các tổ chức trên cần phản ánh về Bộ Y tế để nghiên cứu điều chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan ban hành điều chỉnh kịp thời.
6. Giấy phép xây dựng công trình:
Các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2013 của Chính phủ và Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng.
6.1. Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Bộ trưởng Bộ Y tế Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư thì được miễn giấy phép xây dựng.
6.2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng: theo quy định từ điều 3 đến điều 10 Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng.
6.3. Những công trình xây dựng thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, trước khi khởi công xây dựng chủ đầu tư phải gửi văn bản thông báo ngày khởi công kèm theo các bản vẽ mặt bằng xây dựng, mặt bằng móng, mặt đứng chính công trình cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo phân cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã biết, để theo dõi và quản lý theo quy định.
7. Công tác thanh lý công sản để tạo mặt bằng xây dựng:
Trong khi lập dự án đầu tư Chủ đầu tư phải tiến hành kiểm định chất lượng các hạng mục công trình trong diện giải phóng mặt bằng, làm công tác thanh lý công sản để phục vụ giải phóng mặt bằng và đền bù. Việc thanh lý công sản phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các hạng mục công trình cần phá dỡ để giải phóng mặt bằng phải được quy định cụ thể trong quyết định đầu tư.
Việc phá dỡ các công trình xây dựng phải được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ.
V. CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN:
1. Công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng:
1.1. Chủ đầu tư phải lập Kế hoạch đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước.
1.2. Các dữ liệu đấu thầu như: Phân chia gói thầu, tên gói thầu, giá gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, phương thức đấu thầu, hình thức hợp đồng, thời gian lựa chọn nhà thầu, thời gian thực hiện hợp đồng từng gói thầu phải được Bộ Y tế (hoặc cấp có thẩm quyền) thẩm định và phê duyệt trong nội dung phê duyệt Kế hoạch đấu thầu.
1.3. Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
2. Thời hạn thực hiện đấu thầu trong năm:
2.1. Kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp được ghi kế hoạch trong năm phải được phê duyệt và triển khai thực hiện trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.
2.2. Kế hoạch đấu thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị phải được phê duyệt và triển khai thực hiện trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.
2.3. Kế hoạch đấu thầu với nguồn vốn bổ sung phải được phê duyệt và triển khai thực hiện không quá 30 ngày kể từ ngày Chủ đầu tư nhận được thông báo vốn bổ sung.
3. Ký kết và thực hiện hợp đồng:
Chủ đầu tư căn cứ kết quả đấu thầu để: (1) Ký kết hợp đồng theo mẫu hợp đồng đã phát hành trong nội dung Hồ sơ mời thầu và các quy định ghi trong Quyết định chỉ định thầu hoặc Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu; (2) Khởi công công trình; (3) Giám sát thực hiện hợp đồng xây dựng, lắp đặt, vận hành thử trang thiết bị và tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Mẫu hợp đồng tư vấn thực hiện theo Thông tư số 08/2011/TT-BXD ngày 28/6/2011 của Bộ Xây dựng. Mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình thực hiện theo Thông tư số 09/2011/TT-BXD ngày 28/6/2011 của Bộ Xây dựng.
Chủ đầu tư tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng theo quy định tại Quyết định số 226/2006/QĐ-TTg ngày 10/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Giám sát thi công xây dựng công trình:
Ban Quản lý dự án do Chủ đầu tư thành lập và Tổ chức tư vấn được chủ đầu tư thuê quản lý dự án (nếu có) phải có Văn phòng và phải thường xuyên có mặt tại hiện trường để giám sát thi công công trình. Cán bộ giám sát kỹ thuật, tổ chức tư vấn, nhà thầu và chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng, các sai sót (nếu có) trong quá trình thi công xây dựng.
Ban Quản lý dự án phải có Văn phòng, có cán bộ thường xuyên có mặt tại hiện trường với đầy đủ Hồ sơ dự án để sẵn sàng xử lý các sự vụ xảy ra trong quá trình thi công công trình.
Trách nhiệm của Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình được thực hiện theo Điều 27 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Trách nhiệm giám sát tác giả của Nhà thầu thiết kế được thực hiện theo Điều 28 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
5. Quản lý thi công xây dựng công trình:
Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm quản lý chất lượng xây dựng, quản lý tiến độ xây dựng, quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình, quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng, quản lý môi trường xây dựng. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng được thực hiện theo quy định từ Điều 23 đến Điều 33 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng.
6. Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình:
6.1. Công trình xây dựng trước khi triển khai phải được lập tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
6.2. Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình phải được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.
6.3. Nhà thầu thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ lập tiến độ thi công xây dựng chi tiết, bố trí xen kẽ kết hợp các công việc cần thực hiện nhưng phải bảo đảm phù hợp với tổng tiến độ của dự án.
6.4. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhung không được làm ảnh hưởng đến tổng tiến độ của dự án. Trường hợp xét thấy tổng tiến độ của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để đưa ra quyết định việc điều chỉnh tổng tiến độ của dự án.
6.5. Khuyến khích việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên cơ sở bảo đảm chất lượng công trình. Trường hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án thì nhà thầu xây dựng được xét thưởng theo hợp đồng. Trường hợp kéo dài tiến độ xây dựng gây thiệt hại thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại và bị phạt vi phạm hợp đồng.
7. Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình:
7.1. Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo khối lượng của thiết kế được duyệt.
7.2. Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.
7.3. Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý. Riêng đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình làm vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định. Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình.
7.4. Nghiêm cấm việc khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán.
8. Quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng:
Việc quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình được thực hiện theo quy định từ Điều 29 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng cụ thể như sau:
1. Trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng, phải lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công theo quy định, trong đó phải thể hiện được các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, thiết bị thi công, công trình chính, công trình tạm, công trình phụ trợ, công trình lân cận, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
2. Biện pháp thi công phải được nhà thầu thi công xây dựng rà soát định kỳ và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của công trường.
3. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn lao động phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải có cảnh báo đề phòng tai nạn.
4. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được quy định theo pháp luật về an toàn lao động phải được huấn luyện về an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.
5. Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.
6. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn đó được phê duyệt.
7. Người lao động khi tham gia thi công xây dựng trên công trường phải có đủ sức khỏe, được huấn luyện về an toàn và được cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
8. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công theo quy định.
9. Khi có sự cố mất an toàn trong thi công xây dựng thì việc giải quyết sự cố tuân theo quy định tại Chương 6 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP.
9. Quản lý môi trường xây dựng:
1. Nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh, bao gồm có biện pháp chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải và thu dọn hiện trường. Đối với những công trình xây dựng trong khu vực đô thị, phải thực hiện các biện pháp bao che, thu dọn phế thải đưa đến đúng nơi quy định.
2. Trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
3. Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trường hợp nhà thầu thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có quyền đình chỉ thi công xây dựng và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường.
4. Người để xảy ra các hành vi làm tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
10. Công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng
Trong quá trình giám sát thi công Chủ đầu tư cùng các nhà thầu, cán bộ giám sát kỹ thuật hoặc tổ chức tư vấn giám sát và tổ chức tư vấn thiết kế phải lập đầy đủ các biên bản nghiệm thu, các chứng chỉ chất lượng vật liệu, kết cấu theo đúng các quy định hiện hành. Trước khi phá dỡ các công trình cũ thuộc diện giải phóng mặt bằng và khi nghiệm thu các phần khuất, Chủ đầu tư phải ghi lại hiện trạng bằng hình ảnh. Sau khi hoàn thành từng hạng mục công trình phải tổ chức tổng nghiệm thu kỹ thuật, đợt nghiệm thu này nhằm rà soát lại toàn bộ các văn bản chứng từ, chứng chỉ, các bổ sung, sửa đổi thiết kế trong quá trình thi công, kiểm tra sự chính xác của Hồ sơ hoàn công. Khi tổ chức tổng nghiệm thu cần mời đủ thành phần và có Biên bản tổng nghiệm thu theo đúng quy định của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Việc triển khai thực hiện công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được thực hiện theo Điều 32 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình, hạng mục công trình quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP gồm:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Vụ Trang thiết bị công trình Y tế - Bộ Y tế (đối với dự án Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư) kiểm tra các công trình từ cấp I trở lên quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP;
b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Vụ Trang thiết bị công trình Y tế - Bộ Y tế (đối với dự án Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư) kiểm tra các công trình còn lại (từ cấp II trở xuống) quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP;
2. Trước 10 ngày làm việc (đối với công trình cấp II, III và cấp IV) hoặc trước 20 ngày làm việc (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I) so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều này báo cáo hoàn thành hạng mục công trình hoặc hoàn thành công trình cùng danh mục hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP có trách nhiệm:
a) Kiểm tra công trình, hạng mục công trình hoàn thành, kiểm tra sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng khi nhận được báo cáo của chủ đầu tư; kiểm tra công tác nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công xây dựng quan trọng của công trình khi cần thiết;
b) Yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan giải trình và khắc phục các tồn tại (nếu có);
c) Yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan kiểm định chất lượng bộ phận, hạng mụgc hoặc toàn bộ công trình khi cần thiết;
d) Kết luận bằng văn bản về các nội dung kiểm tra trong thời hạn 15 ngày làm việc (đối với công trình cấp III và cấp IV) hoặc 30 ngày làm việc (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II) kể từ khi nhận được hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà chủ đầu tư chưa nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 32 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu thì chủ đầu tư được quyền tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Cơ quan quản lý nhà nước nêu trên chịu trách nhiệm về việc không có kết luận kiểm tra của mình.
Công trình, hạng mục công trình sau khi được hoàn thành, có kết luận ghi trong Biên bản Tổng nghiệm thu được phép đưa vào sử dụng sẽ được tổ chức bàn giao cho Bộ phận quản lý sử dụng. Trong khi bàn giao phải có Hồ sơ hoàn công với đầy đủ thuyết minh hướng dẫn vận hành, chuyển giao công nghệ (nếu có).
11. Hồ sơ hoàn công:
Tất cả các công trình, hạng mục công trình được đầu tư xây dựng hoàn thành, trước khi tổng nghiệm thu kỹ thuật phải có hồ sơ hoàn công. Hồ sơ hoàn công do nhà thầu lập, trên cơ sở Hồ sơ thiết kế được cập nhật các sửa đổi bổ sung trong quá trình thi công ghi trong nhật ký công trình. Bản vẽ trong Hồ sơ hoàn công phải rõ ràng, có thuyết minh đầy đủ những thay đổi so với Hồ sơ thiết kế để phục vụ việc quyết toán chính xác khối lượng xây lắp. Hồ sơ hoàn công cần được bàn giao đầy đủ cho Bộ phận quản lý tài sản của đơn vị để theo dõi các biến cố trong quá trình sử dụng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy tu, sửa chữa công trình sau này.
12. Công tác thanh toán vốn đầu tư:
Trong quá trình thực hiện đầu tư, Chủ đầu tư phải thực hiện việc thanh toán vốn đầu tư trong các khâu tạm ứng, thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành, các chi phí khác theo hợp đồng đã ký kết theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước, không được thanh toán khối lượng khống và không để nợ đọng trong khi còn vốn đã được cấp.
Công tác thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 29 NĐ112/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 86/2011/TT-BTC, ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN và các quy định hiện hành của Nhà nước.
13. Quản lý, lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hạng mục, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đầu tư):
13.1. Công tác kế toán:
- Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức công tác kế toán, hạch toán kế toán vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước theo chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị chủ đầu tư quy định tại Thông tư 195/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho đơn vị chủ đầu tư.
- Các báo cáo tài chính của đơn vị chủ đầu tư được lập và gửi cuối mỗi quý, cuối năm tài chính. Các đơn vị chủ đầu tư có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động dự án đầu tư.
- Báo cáo tài chính quý được gửi Bộ Y tế, Kho bạc Nhà nước, Cơ quan thống kê chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý; Báo cáo tài chính năm được gửi chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
13.2. Báo cáo tài chính:
- Lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư (báo cáo tài chính cuối quý, năm). Kết thúc kỳ kế toán (tháng, quý, năm), Chủ đầu tư thực hiện khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính vốn đầu tư quý, năm gửi các cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, cơ quan thanh toán, cho vay, tài trợ vốn chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
- Chủ đầu tư lập báo cáo theo quy định tại Thông tư 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2012 của Bộ Tài chính, báo cáo được gửi về Bộ Y tế trước ngày 01 tháng 6 năm sau đối với báo cáo bổ sung thanh toán hết 31 tháng 01 năm sau và sau thời điểm chỉnh lý quyết toán ngân sách 01 tháng đối với báo cáo bổ sung thanh toán trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách.
- Sau 06 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản của dự án tại cơ quan thanh toán, cho vay vốn và báo cáo Bộ Y tế kết quả thực hiện.
- Định kỳ trước ngày 01/6 năm sau, chủ đầu tư lập báo cáo theo biểu mẫu tại Thông tư 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm;
- Định kỳ vào ngày 10 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và ngày 15 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm, Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo tình hình quyết toán dự án hoàn thành thuộc phạm vi quản lý 6 tháng, hàng năm gửi Bộ Y tế theo mẫu số 01/THQT và mẫu số 02/THQT quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn NSNN.
1.3.3. Quyết toán dự án hoàn thành:
- Việc Quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 30 NĐ112/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
- Đối với các dự án có nhiều hạng mục công trình, tùy theo quy mô, tính chất và thời hạn xây dựng công trình, chủ đầu tư có thể thực hiện quyết toán, thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng cho từng hạng mục công trình hoặc từng gói thầu độc lập ngay sau khi hạng mục công trình, gói thầu độc lập hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng và thực hiện kiểm toán hạng mục công trình hoàn thành (đối với dự án nhóm A,B), gửi về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thẩm tra, phê duyệt trước khi gửi kho bạc nhà nước thanh toán lần cuối. Giá trị đề nghị quyết toán của hạng mục công trình bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí mua sắm và lắp đặt thiết bị, các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hạng mục đó. Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành, chủ đầu tư tổng quyết toán toàn bộ dự án và xác định mức phân bổ chi phí chung của dự án cho từng hạng mục công trình thuộc dự án trình người có thẩm quyền phê duyệt; không thẩm tra lại đối với các hạng mục công trình, gói thầu độc lập đã được thẩm tra và phê duyệt theo quy định.
- Quyết toán dự án hoàn thành: Chậm nhất sau 12 tháng (đối với dự án nhóm A); 9 tháng (đối với dự án nhóm B), 6 tháng (đối với dự án nhóm C) kể từ ngày công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng; chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán dự án đầu tư hoàn thành theo hệ thống biểu mẫu quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn NSNN, thực hiện kiểm toán dự án hoàn thành gửi Bộ Y tế (hoặc cấp quyết định đầu tư) để tổ chức thẩm tra phê duyệt.
VI. BẢO HÀNH, BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG:
1. Bảo hành:
Bảo hành là trách nhiệm của nhà thầu thi công, trách nhiệm công tác bảo hành thực hiện theo quy định của pháp luật. Thời hạn bảo hành được ghi trong hợp đồng thi công xây lắp. Việc triển khai thực hiện công tác bảo hành công trình xây dựng được thực hiện theo Điều 34, Điều 35 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Bảo trì công trình xây dựng:
Các công trình xây dựng thuộc mọi nguồn vốn, khi kết thúc bảo hành theo quy định đều phải thực hiện công tác bảo trì, nhằm duy trì những đặc trưng kiến trúc, công năng công trình, đảm bảo công trình được vận hành và khai thác phù hợp với yêu cầu của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng.
Việc bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính Phủ, Thông tư số 02/2012/TT-BXD ngày 12/6/2012 của Bộ Xây dựng.
Chi phí bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BXD ngày 25/12/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng.
VII. CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ:
1. Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Chủ đầu tư các dự án và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế về kết quả triển khai, thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư thuộc phạm vi mình quản lý; chịu trách nhiệm về các hậu quả do không tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư hoặc không báo cáo theo quy định.
Vụ Kế hoạch-Tài chính làm đầu mối phối hợp với Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư các dự án thuộc Bộ Y tế theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 15 của Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ.
VIII. GIÁM SÁT CỘNG ĐỒNG, KIỂM TRA, THANH TRA:
1. Giám sát cộng đồng:
Chủ đầu tư phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan theo quy định của pháp luật tiến hành các hoạt động hợp pháp trong công tác Giám sát cộng đồng các dự án đầu tư.
2. Kiểm tra, thanh tra:
Trong quá trình thực hiện đầu tư, Chủ đầu tư phải lưu trữ đầy đủ mọi hồ sơ, tài liệu có liên quan và xuất trình đầy đủ cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hàng năm, Bộ Y tế sẽ thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác Quản lý đầu tư xây dựng của tất cả các dự án đã hoặc đang thực hiện. Đoàn thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm rà soát việc thực hiện các quy định nêu trên, đôn đốc về tiến độ, uốn nắn kịp thời những sai phạm (nếu có) và báo cáo tình hình thực hiện đầu tư để Bộ trưởng Bộ Y tế có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc các Sở Y tế, Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; các quy định của Nhà nước về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ban hành kèm theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện và “Quy định” này./.
- 1Quyết định 37/2007/QĐ-BYT về Quy trình quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Thông tư 49/2010/TT-BYT bãi bỏ Quyết định 37/2007/QĐ-BYT về Quy trình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Quyết định 6226/QĐ-BYT năm 2018 quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết bị y tế thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt
- 1Luật Đấu thầu 2005
- 2Quyết định 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 226/2006/QĐ-TTg quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 5Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 6Nghị định 07/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Nghị định 12/2000/NĐ-CP
- 7Luật xây dựng 2003
- 8Quyết định 131/2007/QĐ-TTg Về Quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 37/2007/QĐ-BYT về Quy trình quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 10Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 11Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009
- 12Thông tư 23/2009/TT-BXD hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 13Nghị định 83/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 14Nghị định 112/2009/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình
- 15Nghị định 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư
- 16Thông tư 13/2010/TT-BKH quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 17Nghị định 114/2010/NĐ-CP về bảo trì công trình xây dựng
- 18Thông tư 210/2010/TT-BTC quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm do Bộ Tài chính ban hành
- 19Thông tư 49/2010/TT-BYT bãi bỏ Quyết định 37/2007/QĐ-BYT về Quy trình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 20Thông tư 19/2011/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 21Thông tư 86/2011/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 22Thông tư 09/2011/TT-BXD hướng dẫn mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
- 23Thông tư 08/2011/TT-BXD hướng dẫn mẫu hợp đồng một số công việc tư vấn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 24Thông tư 02/2012/TT-BXD hướng dẫn bảo trì công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị do Bộ Xây dựng ban hành
- 25Nghị định 63/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 26Thông tư 07/2012/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 27Thông tư 10/2012/TT-BXD hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành ban hành
- 28Thông tư 195/2012/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho đơn vị chủ đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 29Thông tư 11/2012/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 30Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- 31Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
- 32Thông tư 10/2013/TT-BXD hướng dẫn quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 33Thông tư 13/2013/TT-BXD quy định về thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 34Luật đấu thầu 2013
- 35Thông tư 05/2014/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 36Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 37Quyết định 6226/QĐ-BYT năm 2018 quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết bị y tế thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt
Quyết định 2718/QĐ-BYT năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 2718/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/07/2014
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/07/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra