Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2704/QĐ-CT/UBND | Quảng Bình, ngày 31 tháng 10 năm 2012 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Quyết định số 1125/QĐ-CT ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012 - 2015”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 57/TTr-SLĐTBXH ngày 19 tháng 10 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012 - 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(ban hành kèm theo Quyết định số 2704/QĐ-CT ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
Ngày 21 tháng 5 năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 1125/QĐ-CT về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012 - 2015” (sau đây gọi tắt là Đề án).
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu
- Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề (GVDN) trong các cơ sở dạy nghề (CSDN) trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, tay nghề. Thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và phát huy có hiệu quả công tác dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển dạy nghề trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Đảm bảo nhu cầu về GVDN theo các trình độ đào tạo nghề cho các CSDN, đủ về số lượng và cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy mô đào tạo và đảm bảo tỷ lệ bình quân quy đổi giữa giáo viên/học sinh là 1/20; 100% GVDN đạt chuẩn trình độ theo quy định; khoảng 60% giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên hàng năm về phương pháp dạy học, công nghệ mới, nâng cao kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ tương ứng để có thể áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học; 16% GVDN đạt trình độ sau đại học. Đến năm 2015 các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phải tuyển dụng bổ sung 200 giáo viên (công lập 133 giáo viên, ngoài công lập 67 giáo viên); đưa đi đào tạo sau đại học 49 giáo viên (công lập 36 giáo viên, ngoài công lập 13 giáo viên); đào tạo hoàn chỉnh đại học 10 giáo viên công lập hiện có; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 185 giáo viên (công lập 137 giáo viên, ngoài công lập 48 giáo viên).
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện Đề án cần xác định những công việc trước mắt và những công việc có tính lâu dài. Thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động của tỉnh;
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được giao trách nhiệm chủ trì hoặc tham gia phối hợp phải đảm bảo thực hiện tốt nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch này.
1. Đào tạo, tuyển dụng
Từ nay đến năm 2015 đào tạo, tuyển dụng được 200 giáo viên dạy nghề, cụ thể:
- Tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học để làm giáo viên dạy nghề 80 người (công lập 53 giáo viên, ngoài công lập 27 giáo viên).
- Tuyển dụng sinh viên đang học ở các trường đại học để làm giáo viên dạy nghề 100 người (công lập 66 giáo viên, ngoài công lập 34 giáo viên).
- Tuyển dụng những giáo viên dạy nghề đặc thù để đào tạo mới làm giáo viên dạy nghề 20 người (công lập 14 GV, ngoài công lập 06 GV)
2. Đào tạo sau đại học
Giai đoạn 2012 - 2015, đào tạo được 49 giáo viên có trình độ đại học (công lập 36 giáo viên, ngoài công lập 13 giáo viên) đi học sau đại học.
3. Bồi dưỡng
- Bồi dưỡng hoàn chỉnh đại học, thời gian đào tạo 2 năm đối với GVDN có trình độ cao đẳng, số lượng 10 giáo viên thuộc các CSDN công lập.
- Số lượng giáo viên bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề là 185 giáo viên (trong đó các CSDN công lập là 137 giáo viên, CSDN ngoài công lập là 48 giáo viên).
4. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho các cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung của kế hoạch.
- Kinh phí thực hiện Đề án: 13.988.300.000 đồng, trong đó:
+ Đào tạo, tuyển dụng: 11.106.000.000 đồng.
+ Đào tạo sau đại học: 1.470.000.000 đồng.
- Bồi dưỡng (hoàn chỉnh ĐH và NVSP dạy nghề): 1.412.300.000 đồng.
- Nguồn kinh phí thực hiện:
* Đối với các CSDN công lập: Kinh phí tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng GVDN chi từ nguồn ngân sách Nhà nước, chia ra như sau:
+ Ngân sách tỉnh thuộc nguồn kinh phí Chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
+ Ngân sách Trung ương từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về dạy nghề (chủ yếu chi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề).
* Đối với các CSDN ngoài công lập: Kinh phí tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề do cơ sở ngoài công lập chi trả và đóng góp của người học.
- Lộ trình thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các CSDN công lập trên địa bàn tỉnh
- Dự kiến từ năm 2012 đến năm 2015 sẽ tiến hành tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cho các GVDN của các CSDN công lập để đảm bảo mục tiêu của Đề án theo lộ trình sau:
Năm | Tuyển dụng (người) | Đào tạo sau ĐH (người) | Bồi dưỡng | Kinh phí (triệu đồng) |
| |||||
SV mới ra trường | SV đang học | Đào tạo mới | Tổng cộng | Ngân sách TW | Ngân sách tỉnh |
| ||||
Hoàn chỉnh ĐH | Nghiệp vụ SP |
| ||||||||
2012 | 8 | 10 |
|
|
| 20 | 1.125,54 | 126 | 999,54 |
|
2013 | 10 | 16 | 7 | 10 | 5 | 50 | 2.570,89 | 315 | 2.255,89 |
|
2014 | 15 | 20 | 7 | 16 | 5 | 50 | 3.250,66 | 315 | 2.935,66 |
|
2015 | 20 | 20 |
| 10 |
| 17 | 2.628,3 | 107,1 | 2.521,2 |
|
Tổng | 53 | 66 | 14 | 36 | 10 | 137 | 9.575,39 | 863,1 | 8.712,29 |
|
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả, chịu trách nhiệm chính các hoạt động của Đề án; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định về Tổng cục Dạy nghề và Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chỉ đạo các CSDN thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình thực hiện của Đề án. Thường xuyên hướng dẫn, có kế hoạch tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ GVDN.
2. Sở Nội vụ
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc giao chỉ tiêu biên chế giáo viên hàng năm cho các CSDN công lập theo tiến trình thực hiện Đề án;
- Hướng dẫn, theo dõi, giám sát công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong các CSDN công lập theo quy định hiện hành;
3. Sở Tài chính
- Lập dự toán, kế hoạch ngân sách hàng năm để phân bổ kinh phí thực hiện các nội dung của Đề án; bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, định mức tài chính (nếu có) để đảm bảo thực hiện Đề án đạt hiệu quả;
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc tổng hợp chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng GVDN hàng năm để đưa vào kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện đạt hiệu quả các nội dung của Đề án.
5. Các cơ sở dạy nghề
- Căn cứ vào yêu cầu phát triển của đơn vị và nhu cầu thực tế về đội ngũ giáo viên từ nay đến năm 2015 để xây dựng kế hoạch cụ thể và đề xuất việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho từng năm và giai đoạn;
- Bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ GVDN, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí trong khả năng có được để giáo viên tham gia học tập và bồi dưỡng.
6. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này và trong phạm vi quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa phương tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện Kế hoạch này.
Trên đây là Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012 - 2015”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện và đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp tỉnh phối hợp thực hiện bảo đảm theo yêu cầu và tiến độ Kế hoạch đề ra./.
PHỤ LỤC
PHÂN CÔNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(ban hành kèm theo Quyết định số 2704/QĐ-CT ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
TT | Hoạt động chính | Thời gian thực hiện | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp |
1 | Sắp xếp, kiện toàn; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ GVDN |
|
|
|
1.1 | Sắp xếp, kiện toàn, rà soát lại các cơ sở dạy nghề và việc đăng ký hoạt động dạy nghề | Năm 2012 | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Các cơ sở dạy nghề |
1.2 | Rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ GVDN làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng và phát triển đội ngũ GVDN toàn tỉnh đến năm 2015 | Năm 2012 | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Sở Nội vụ và các cơ sở dạy nghề |
1.3 | Bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ GVDN trong các CSDN phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực của các cơ sở dạy nghề | Bắt đầu từ năm 2013
| Sở Nội vụ | Sở Lao động - TBXH và các cơ sở dạy nghề |
1.4 | Hướng dẫn các CSDN tự đánh giá theo chuẩn GVDN đã được quy định và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ GVDN của các cơ sở dạy nghề | Hàng năm | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Sở Nội vụ và các cơ sở dạy nghề |
2 | Xây dựng, hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ GVDN |
|
|
|
2.1 | Quy định các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá đội ngũ GVDN | Bắt đầu từ năm 2012 | Sở Nội vụ | Sở Lao động - TBXH, Sở Tài chính |
2.2 | Xây dựng tiêu chuẩn, nghiệp vụ các tiêu chuẩn về công chức, viên chức làm công tác quản lý dạy nghề | Bắt đầu từ năm 2012 | Sở Nội vụ | Sở Lao động - TBXH và các cơ sở dạy nghề |
2.3 | Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các trí thức, cán bộ khoa học có trình độ cao trong nước, ngoài nước, nghệ nhân có tay nghề giỏi, những người có tay nghề cao trong các doanh nghiệp làm GVDN ở các CSDN | Bắt đầu từ năm 2013 | Sở Nội vụ | Sở Lao động - TBXH; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ sở dạy nghề |
2.4 | Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý cho giáo viên dạy nghề kiêm nhiệm, hợp đồng | Bắt đầu từ năm 2012 | Sở Nội vụ | Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Lao động - TBXH |
3. | Đổi mới công tác quản lý |
|
|
|
3.1 | Thực hiện các chính sách về xây dựng, cơ chế quản lý đội ngũ GVDN và kiện toàn công tác quản lý dạy nghề theo hướng phân công, phân cấp, quy định rõ tránh nhiệm, quyền hạn hợp lý giữa các cấp, các ngành, các cơ quan về quản lý GVDN | Bắt đầu từ năm 2012 | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Sở Nội vụ; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ sở dạy nghề |
3.2 | Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn và quản lý chất lượng dạy nghề | Bắt đầu từ năm 2012 | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Sở: Nội vụ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và PTNT |
4 | Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng CSVC, thiết bị dạy nghề và hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề |
|
|
|
4.1 | Bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án | Hàng năm | Sở Tài chính | Sở: Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư |
4.2 | Lập dự toán, kế hoạch ngân sách hàng năm để phân bổ kinh phí thực hiện Đề án. | Hàng năm | Sở Tài chính | Sở Lao động - TBXH; Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ sở dạy nghề |
4.3 | Xây dựng kế hoạch đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề | Hàng năm | Lao động - TBXH | Sở: Nội vụ; KH và Đầu tư; Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ sở dạy nghề |
- 1Quyết định 29/2007/QĐ-UBND quy định mức phụ cấp cho cán bộ thú y, khuyến nông, cán bộ Bảo vệ dân phố và điều chỉnh mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách, Giáo viên mầm non ngoài biên chế ở các xã, phường, thị trấn do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 2Công văn 927/SXD-KTXD năm 2014 áp dụng định mức chi phí thiết kế phần thân công trình có nguồn vốn không thuộc Chương trình Kiên cố hóa trường học nhưng sử dụng thiết kế mẫu nhà lớp học, trường học, nhà công vụ giáo viên của Chương trình do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình ban hành
- 3Quyết định 1378/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đề án Bố trí, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020,
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Luật Dạy nghề 2006
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 29/2007/QĐ-UBND quy định mức phụ cấp cho cán bộ thú y, khuyến nông, cán bộ Bảo vệ dân phố và điều chỉnh mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách, Giáo viên mầm non ngoài biên chế ở các xã, phường, thị trấn do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 5Công văn 927/SXD-KTXD năm 2014 áp dụng định mức chi phí thiết kế phần thân công trình có nguồn vốn không thuộc Chương trình Kiên cố hóa trường học nhưng sử dụng thiết kế mẫu nhà lớp học, trường học, nhà công vụ giáo viên của Chương trình do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình ban hành
- 6Quyết định 1378/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đề án Bố trí, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020,
- 7Quyết định 1125/QĐ-CT/UBND năm 2012 phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012-2015"
Quyết định 2704/QĐ-CT/UBND năm 2012 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012-2015
- Số hiệu: 2704/QĐ-CT/UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/10/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Trần Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra