Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2684/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 13 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐƯA NGƯỜI LANG THANG, XIN ĂN VÀO CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 77/2021/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ công tác xử lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 3267/TTr-SLĐTBXH ngày 26 tháng 9 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc đưa người lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế; Giám đốc Công an thành phố; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT Thành ủy, TT HĐND thành phố;
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- UBMTTQVN thành phố;
- Công an thành phố;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- UBND các phường, xã;
- Trung tâm THVN tại Đà Nẵng;
- Đài PH-TH Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Tổng đài 1022;
- Lưu: VT, SLĐTBXH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Kim Yến

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐƯA NGƯỜI LANG THANG, XIN ĂN VÀO CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về đối tượng áp dụng, trình tự thủ tục hồ sơ, thẩm quyền, biện pháp xử lý đưa người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập do nhà nước quản lý (sau đây viết tắt là cơ sở TGXH).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố (sau đây viết tắt là đối tượng), quy định tại Điều 1 bao gồm:

1. Người lang thang; xin ăn, người kết hợp công việc khác với việc xin ăn (xin ăn biến tướng).

2. Người bị bệnh tâm thần lang thang trên đường phố.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lang thang: Là những người già yếu, trẻ em, người khuyết tật, người ốm yếu không còn khả năng lao động sống lang thang trên đường phố, không xác định được nơi cư trú, tối ngủ ở những nơi công cộng như: vỉa hè, chợ, bến xe, nhà ga, gầm cầu, công viên....

2. Người xin ăn, người kết hợp công việc khác với việc xin ăn: Là những người trực tiếp xin ăn; người vừa làm một công việc khác kết hợp với việc xin ăn (như bán hàng rong, bán sách báo, vé số dạo...); người mang theo trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật để bán hàng rong kết hợp xin ăn.

3. Người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố: Là những người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần đi lang thang trên địa bàn thành phố và có hành vi gây mất trật tự xã hội, gây nguy hiểm cho người khác hoặc có các hành vi thiếu văn hóa làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội

1. Biên bản đưa đối tượng vào cơ sở TGXH hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

2. Biên bản tiếp nhận đối tượng.

3. Bản sao các giấy tờ khác có liên quan (nếu có) như: CMND, CCCD hoặc giấy tờ tùy thân....

4. Tờ khai đề nghị tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội.

5. Văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND phường, xã nơi phát hiện đối tượng.

6. Văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND quận, huyện gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Văn bản chuyển hồ sơ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến cơ sở trợ giúp xã hội

8. Quyết định tiếp nhận đối tượng của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.

Điều 5. Thẩm quyền tiếp nhận đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội

Thẩm quyền tiếp nhận đối tượng vào cơ sở TGXH thực hiện theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 13/5/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Điều 6. Trình tự, thủ tục

1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định này

Khi người dân điện thoại đến đường dây nóng phản ánh hoặc trong quá trình kiểm tra và phát hiện đối tượng có dấu hiệu lang thang, xin ăn; Trung tâm Công tác xã hội chủ trì, phối hợp Công an phường, xã theo dõi và tiến hành đưa đối tượng về trụ sở công an lập biên bản và tiến hành đưa đối tượng đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng để bàn giao cho Trung tâm quản lý.

a) Đối với trường hợp người khỏe mạnh mang theo trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật bán hàng rong, xin ăn để trục lợi và các đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì Công an địa phương nơi phát hiện đối tượng tiến hành xử lý theo quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em và các văn bản có liên quan.

b) Đối với các đối tượng được tập trung vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đối tượng; Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội, công an phường, xã và cán bộ phụ trách công tác bảo trợ xã hội của UBND phường, xã nơi phát hiện đối tượng tiến hành ghi tờ khai của đối tượng đề nghị tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội và phân loại đối tượng. Đồng thời, trong vòng 07 ngày làm việc tiếp theo, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng phối hợp với UBND phường, xã nơi phát hiện đối tượng hoàn tất các hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Quy định này.

2. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy định này

a) Khi người dân điện thoại đến đường dây nóng phản ánh hoặc trong quá trình kiểm tra và phát hiện đối tượng có dấu hiệu tâm thần lang thang trên đường phố; Trung tâm Công tác xã hội chủ trì, phối hợp với Công an phường, xã theo dõi và tiến hành đưa đối tượng về trụ sở công an lập biên bản và đưa đối tượng bàn giao cho Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận quản lý, điều trị. Trường hợp đối tượng đang lên cơn kích động thì ngoài lực lượng Công an, nhân viên của Trung tâm công tác xã hội, đề nghị cán bộ y tế phường, xã hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phối hợp đưa đối tượng đến Bệnh viện.

b) Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có trách nhiệm tiếp nhận ngay đối tượng từ cơ quan chức năng bàn giao để quản lý, điều trị bệnh ổn định cho đối tượng.

- Trong quá trình điều trị bệnh nhân, đối với các trường hợp không có thân nhân, không có nơi cư trú thì sau thời gian điều trị bệnh ổn định, Bệnh viện có văn bản thông báo gửi Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần để tiếp nhận về nuôi dưỡng tạm thời.

- Đối với các trường hợp có thân nhân đến tiếp nhận, Bệnh viện Tâm thần có trách nhiệm giải quyết cho đối tượng về hòa nhập cộng đồng

- Đối với trường hợp Bệnh viện Tâm thần liên hệ được thân nhân nhưng không đến tiếp nhận hoặc có thân nhân đến nhưng không tiếp nhận về hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần có văn bản nêu rõ lý do gửi Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần.

c) Sau khi nhận văn bản thông báo của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, tiếp nhận đối tượng về Trung tâm để nuôi dưỡng, quản lý.

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đối tượng từ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần chủ trì, phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội, công an phường, xã và cán bộ phụ trách công tác bảo trợ xã hội của UBND phường, xã nơi phát hiện đối tượng tiến hành ghi tờ khai của đối tượng đề nghị tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội và phân loại đối tượng. Đồng thời, trong vòng 07 ngày làm việc tiếp theo, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần phối hợp với UBND phường, xã nơi phát hiện đối tượng hoàn tất các hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Quy định này.

Điều 7. Thời gian nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội

Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Điều 8. Thẩm quyền, điều kiện, thủ tục dừng trợ giúp xã hội

Thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này; hướng dẫn biểu mẫu, thủ tục hồ sơ đưa người lang thang, xin ăn vào cơ sở TGXH chăm sóc, nuôi dưỡng; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo việc triển khai thực hiện quyết định này theo quy định.

2. Chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội phối hợp với UBND các quận, huyện, xã, phường và Công an các địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện và lập các hồ sơ liên quan đưa người lang thang, xin ăn vào cơ sở TGXH và Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

3. Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng và Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có trách nhiệm tiếp nhận người lang thang, xin ăn do cơ quan chức năng bàn giao và hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng; đồng thời, thực hiện quản lý đối tượng theo đúng quy định.

Điều 10. Công an thành phố

1. Chỉ đạo Công an các phường, xã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội trong việc lập hồ sơ và tập trung đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng và Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

2. Chỉ đạo Công an các phường, xã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần; Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và các địa phương trong việc thực hiện các thủ tục tiếp nhận người lang thang, xin ăn.

3. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra tạm trú, lưu trú trên địa bàn; tổ chức phát hiện, điều tra, xử lý các đối tượng mang theo trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật để bán hàng rong xin ăn để trục lợi theo quy định và các đối tượng có dấu hiệu phạm tội.

Điều 11. Sở Y tế

1. Chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, các Trung tâm y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan trong việc tiếp nhận điều trị, chăm sóc và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng... cho người tâm thần và người lang thang, xin ăn đang nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH; triển khai kế hoạch quản lý chữa trị cho người tâm thần có hành vi nguy hiểm tại cộng đồng.

2. Chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm y tế kịp thời phát hiện đối tượng trong các khu vực bệnh viện, Trung tâm y tế hoặc tụ tập trước cổng bệnh viện để xin ăn, xin ăn biến tướng và thông báo cho các cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Đồng thời, tiếp nhận, khám và điều trị cho người lang thang ốm yếu, suy kiệt và người tâm thần lang thang được cơ quan chức năng chuyển đến.

3. Chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần phối hợp giải quyết cho bệnh nhân tâm thần lang thang theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Quy định này.

Điều 12. UBND các quận, huyện

1. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường:

a) Tuyên truyền, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn, đơn vị quản lý.

b) Phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần thực hiện các hồ sơ, thủ tục đề nghị tiếp nhận đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định và tiếp nhận đối tượng là người của địa phương về quản lý tại gia đình và cộng đồng;

3. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.