ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2679/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 22 tháng 10 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ VÀ QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH THUỘC UBND TỈNH; UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ; CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ; UBND CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030”;
Căn cứ Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai tại Tờ trình số 753/TTr-SNV ngày 15 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiêu chí và quy trình xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2930/QĐ-UBND ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về tiêu chí và quy trình xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHÍ VÀ QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH THUỘC UBND TỈNH; UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ; CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ; UBND CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2679/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về tiêu chí và quy trình xác định Chỉ số cải cách hành chính (sau đây viết tắt là Chỉ số CCHC) hàng năm của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (sau đây viết tắt là các cơ quan, đơn vị).
Điều 2. Nguyên tắc xác định Chỉ số CCHC
1. Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước; Đề án cải cách hành chính của Tỉnh ủy, Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh giai đoạn 2021-2025.
2. Việc xác định Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị được tổ chức định kỳ hàng năm, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị.
3. Đảm bảo tính trung thực, công khai, khách quan, công bằng, phản ánh kịp thời, đúng tình hình thực tế kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị. Quá trình đối chiếu, so sánh, đánh giá đo lường Chỉ số CCHC phải được thực hiện nghiêm túc, khoa học, toàn diện, đầy đủ việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị thông qua Bộ chỉ số và tài liệu kiểm chứng.
4. Các phương pháp tính toán đảm bảo tính khoa học, số liệu thống kê rõ ràng, nguồn thông tin có độ tin cậy và chính xác cao.
5. Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai CCHC của các cơ quan, đơn vị.
6. Báo cáo kết quả xác định, công bố, công khai Chỉ số CCHC sau đánh giá.
Chương II
NỘI DUNG CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Điều 3. Tiêu chí xác định Chỉ số CCHC
1. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh:
a) Cấu trúc của Bộ tiêu chí:
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh được cấu trúc thành 08 lĩnh vực, 43 tiêu chí và 102 tiêu chí thành phần, cụ thể:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 08 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thể chế: 04 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thủ tục hành chính: 06 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 04 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
- Cải cách chế độ công vụ: 09 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tài chính công: 06 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
- Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: 04 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;
- Biện pháp cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số PAPI: 02 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần.
b) Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh: Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo.
2. Bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Cấu trúc của Bộ tiêu chí:
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố được cấu trúc thành 08 lĩnh vực, 50 tiêu chí và 116 tiêu chí thành phần, cụ thể:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 10 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thể chế: 05 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thủ tục hành chính: 05 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 04 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
- Cải cách chế độ công vụ: 09 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tài chính công: 09 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần;
- Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: 04 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;
- Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị: 04 tiêu chí và 06 tiêu chí thành phần.
b) Bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo.
3. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố:
a) Cấu trúc của Bộ tiêu chí:
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các cơ bản chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố được cấu trúc thành 07 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 66 tiêu chí thành phần, cụ thể:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 08 tiêu chí và 20 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thể chế: 03 tiêu chí và 03 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thủ tục hành chính: 05 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 05 tiêu chí và 04 tiêu chí thành phần;
- Cải cách chế độ công vụ: 05 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tài chính công: 04 tiêu chí và 05 tiêu chí thành phần;
- Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: 04 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần.
b) Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố: Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo.
4. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND xã, phường, thị trấn:
a) Cấu trúc của Bộ tiêu chí:
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC đối với UBND xã, phường, thị trấn được cấu trúc thành 07 lĩnh vực, 41 tiêu chí và 69 tiêu chí thành phần, cụ thể:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 10 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thể chế: 04 tiêu chí và 02 tiêu chí thành phần;
- Cải cách thủ tục hành chính: 07 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 05 tiêu chí và 05 tiêu chí thành phần;
- Cải cách chế độ công vụ: 05 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
- Cải cách tài chính công: 06 tiêu chí và 10 tiêu chí thành phần;
- Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: 04 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần.
b) Bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND xã, phường, thị trấn: Chi tiết tại Phụ lục IV ban hành kèm theo.
Điều 4. Thang điểm đánh giá
1. Thang điểm đánh giá tối đa là 100 điểm, trong đó:
a) Đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh:
- Điểm tự đánh giá, thẩm định tối đa là: 80/100 điểm.
- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học tối đa là: 20/100 điểm.
b) Đối với UBND cấp huyện; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã:
- Điểm tự đánh giá, thẩm định tối đa là: 70/100 điểm.
- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học tối đa là: 30/100 điểm.
2. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định chi tiết tại các Phụ lục ban hành kèm theo.
Điều 5. Phương pháp đánh giá
1. Điểm số của mỗi tiêu chí CCHC được căn cứ vào kết quả, mức độ thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng cơ quan, đơn vị. Điểm tối đa của tiêu chí được tính trong trường hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ ở mức cao nhất, các nhiệm vụ thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện chưa đầy đủ tùy theo mức độ để tính điểm theo quy định trong tổng số điểm. Trường hợp không thực hiện thì không được tính điểm (trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này).
2. Trường hợp đối với từng cơ quan, đơn vị trong thực tế có thực hiện nhiệm vụ CCHC, nhưng thiếu tài liệu kiểm chứng thì phải có báo cáo giải trình và viện dẫn những tài liệu có nội dung tương tự phù hợp, để vận dụng tính điểm xác định kết quả của nhiệm vụ tương tự cho tiêu chí đó.
3. Những nội dung công việc đã thực hiện nhưng không có tài liệu của cơ quan, đơn vị chứng minh việc đã thực hiện thì không được tính điểm.
4. Phương pháp chấm điểm dựa trên tiêu chí tại Quy định này và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thường trực CCHC.
5. Đối với các cơ quan, đơn vị đặc thù không có một số nội dung công việc phải thực hiện theo các tiêu chí trong Quy định này (do không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao) thì những nội dung công việc đó vẫn được xem xét tính 80% số điểm tối đa của tiêu chí tại Quy định này.
Chương III
QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ CCHC
Điều 6. Tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị
1. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị căn cứ Bộ tiêu chí tại Quy định này và hướng dẫn của Sở Nội vụ để tự đánh giá, chấm điểm từng tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị và cập nhật kết quả vào phần mềm chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh.
2. Điểm các cơ quan, đơn vị tự đánh giá được thể hiện ở cột “Tự đánh giá” của các Phụ lục ban hành kèm theo.
Điều 7. Điều tra xã hội học
1. Giao Sở Nội vụ chủ trì, tiến hành điều tra xã hội học để lấy ý kiến đánh giá của nhóm đối tượng khác nhau đối với từng cơ quan, đơn vị.
2. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị.
3. Điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học được thể hiện ở cột “Điều tra XHH” của các Phụ lục ban hành kèm theo.
Điều 8. Thẩm định, đánh giá
1. Đối với cấp tỉnh:
a) Thành lập Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp tỉnh:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp tỉnh.
- Thành phần:
+ Lãnh đạo UBND tỉnh: Chủ tịch Hội đồng.
+ Giám đốc Sở Nội vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng.
+ Thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các cơ quan: Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp.
+ Trưởng phòng Cải cách hành chính - Quản lý văn thư, lưu trữ của Sở Nội vụ: Thư ký Hội đồng.
- Nhiệm vụ của Hội đồng: Thẩm định, đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
b) Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp tỉnh:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp tỉnh.
- Thành phần Tổ giúp việc: Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc sở, ban, ngành có liên quan đến nội dung, chương trình CCHC.
- Nhiệm vụ của Tổ giúp việc: Giúp Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC trong việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
c) Các bước tiến hành thẩm định, đánh giá, xác định Chỉ số CCHC:
- Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã được cập nhật vào phần mềm chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh và điểm điều tra xã hội học, Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện thẩm định, đối chiếu, xác định kết quả đánh giá Chỉ số CCHC của từng cơ quan, đơn vị.
- Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC họp, xem xét thông qua kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố.
2. Đối với cấp huyện:
a) Thành lập Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp huyện:
Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp huyện
- Thành phần Hội đồng:
+ Lãnh đạo UBND cấp huyện: Chủ tịch Hội đồng.
+ Trưởng Phòng Nội vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng.
+ Thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các phòng chuyên môn: Tài chính - Kế hoạch, Tư pháp, Văn hóa và Thông tin, Văn phòng HĐND và UBND huyện, Thanh tra huyện.
+ Chuyên viên theo dõi công tác CCHC của Phòng Nội vụ: Thư ký Hội đồng.
- Nhiệm vụ của Hội đồng:
+ Tự đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC huyện trước khi báo cáo kết quả gửi UBND tỉnh;
+ Thẩm định, đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã trực thuộc.
b) Thành lập Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp huyện:
Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp huyện.
- Thành phần Tổ giúp việc: Chuyên viên các phòng chuyên môn có liên quan đến nội dung, chương trình CCHC.
- Nhiệm vụ của Tổ giúp việc: Giúp Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp huyện trong việc đôn đốc, kiểm tra; tự đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của huyện; đánh giá, xác định Chỉ số CCHC các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã trực thuộc.
c) Các bước tiến hành thẩm định, đánh giá, xác định Chỉ số CCHC:
- Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã được cập nhật vào phần mềm chấm điểm Chỉ số CCHC, Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện thẩm định, đối chiếu, xác định kết quả đánh giá Chỉ số CCHC của từng cơ quan, đơn vị và điểm điều tra xã hội học.
- Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC họp, xem xét thông qua kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã.
Điều 9. Phê duyệt, công bố kết quả Chỉ số CCHC
1. Đối với cấp tỉnh: Căn cứ kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC đã được Hội đồng thông qua, Sở Nội vụ (cơ quan thường trực của Hội đồng) tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, công bố kết quả Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
2. Đối với cấp huyện: Trên cơ sở kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC đã được Hội đồng thông qua, Phòng Nội vụ (cơ quan thường trực của Hội đồng) tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt, công bố kết quả Chỉ số CCHC đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã thuộc thẩm quyền và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ).
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp tỉnh, chịu trách nhiệm trước Hội đồng và Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung xác định Chỉ số CCHC theo quy định tại Quy định này.
2. Chủ trì tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch và triển khai xác định Chỉ số CCHC; cấp tài khoản phần mềm đánh giá, chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC và tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị sử dụng.
3. Căn cứ vào Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC theo Quy định này để cập nhật nội dung vào phần mềm đánh giá chấm điểm xác định chỉ số CCHC; chủ trì công tác điều tra xã hội học phục vụ cho việc xác định Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền về Chỉ số CCHC trong kế hoạch tuyên truyền CCHC hàng năm.
5. Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC cấp tỉnh.
6. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã hàng năm theo Quy định.
7. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tự đánh giá Chỉ số CCHC theo quy định tại Quy định này. Tổng hợp kết quả xác định Chỉ số CCHC và xây dựng báo cáo kết quả Chỉ số CCHC.
8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức công bố Chỉ số CCHC hàng năm.
9. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, hàng năm xây dựng dự toán chi tiết kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC hàng năm theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Hàng năm trên cơ sở dự toán của Sở Nội vụ, Sở Tài chính báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện đánh giá xác định Chỉ số CCHC. Hướng dẫn Sở Nội vụ xây dựng dự toán chi tiết để thực hiện đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tuyên truyền Chỉ số CCHC áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh:
a) Tổng hợp số liệu, tài liệu kiểm chứng, cập nhật kết quả trên hệ thống phần mềm và xây dựng báo cáo kết quả tự chấm điểm xác định Chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và đính kết quả trên phần mềm trước ngày 20/12 để Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC của tỉnh thẩm định, đánh giá.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh hàng năm;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nội dung, kết quả Chỉ số CCHC hàng năm dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị.
2. Trách nhiệm của UBND cấp huyện:
a) Hàng năm xây dựng Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số CCHC đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã trên địa bàn và gửi UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ để tổng hợp, theo dõi) trong Quý I của năm đánh giá.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổng hợp số liệu, tài liệu kiểm chứng, cập nhật kết quả vào phần mềm để đánh giá, xác định Chỉ số CCHC theo Quy định này và Báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ để tổng hợp) trước ngày 20/12 của năm đánh giá.
c) Tổ chức công bố kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã trên địa bàn.
d) Phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh hàng năm.
đ) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nội dung, kết quả Chỉ số CCHC hàng năm dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức trên địa bàn quản lý.
Điều 14. Điều khoản thi hành
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Quyết định 2679/QĐ-UBND năm 2024 quy định về tiêu chí và quy trình xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- Số hiệu: 2679/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Hoàng Quốc Khánh
- Ngày công báo: Không có
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/10/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực