Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2679/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 6 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ

VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và công văn số 757 BNN/CBNLS ngày 23/3/2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch triển khai thực hiện khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;

- Xét Tờ trình số 502 TT/NN/NT ngày 10/6/2002 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010” (kèm theo tóm tắt quy hoạch).

Điều 2.- Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở-ngành, quận-huyện liên quan có sản xuất nông nghiệp và ngành nghề để tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố đến năm 2010.

Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Giao thông công chánh, Giám đốc Sở Tài chánh-Vật giá, Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Quốc Bình

 

TÓM TẮT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2679/QĐ-UB ngày 28 tháng 6 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

PHẦN A : ĐẶT VẤN ĐỀ

I.- Về các căn cứ pháp lý để quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2010:

1- Thực hiện Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và công văn số 757 BNN/CBNLS ngày 23 tháng 3 năm 2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch triển khai thực hiện khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;

2- Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến 2010 và tham gia góp ý của các Sở, Ban, Ngành, quận-huyện liên quan sau đó hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn để trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

3- Trên cơ sở tham khảo các tài liệu gồm có:

3.1- Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010;

3.2- Báo cáo quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010 của Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh;

3.3- Báo cáo quy hoạch kinh tế - xã hội, các Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2001-2005 của 5 quận mới và 5 huyện ngoại thành;

3.4- Báo cáo đánh giá thực trạng và định hướng phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II.- Về phạm vi của quy hoạch ngành nghề nông thôn:

1- Căn cứ tình hình nông thôn ngoại thành hiện nay giới hạn về không gian của quy hoạch gồm 5 huyện ngoại thành : Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 5 quận gồm có : quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức có sản xuất nông nghiệp để kết hợp phát huy làng nghề (phường nghề) truyền thống.

2- Phát triển ngành nghề nông thôn ở các huyện phải gắn với sản xuất nông nghiệp với người nông dân, và người lao động ở nông thôn. Định hướng phát triển ngành nghề ở 5 quận chủ yếu phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ có quy mô và tùy theo từng ngành nghề gắn với các quận-huyện để khảo sát tính toán quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn.

PHẦN B: NỘI DUNG VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010

I. Bối cảnh của quy hoạch:

1- Sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp:

- Giai đoạn 1998-2000:

+ Về sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 0,71%/năm (kế hoạch 5%), diêm nghiệp tăng 8,1%/năm. Trong đó: trồng trọt giảm 2%/năm (kế hoạch tăng 1 - 1,5%); chăn nuôi tăng 4,97%/năm (kế hoạch tăng 10-12%); thủy sản tăng 1,1%/năm (kế hoạch tăng 4-5%). Các hoạt động dịch vụ nông nghiệp tăng 4,26% (kế hoạch tăng 3-4%) và cơ cấu kinh tế nông nghiệp ngoại thành tiếp tục chuyển đổi phù hợp với chiến lược phát triển chung của thành phố.

+ Kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng 4,6% giá trị sản xuất của thành phố năm 1991, giảm còn 3,3% năm 1995 và 2,2% năm 2000.

+ Năm 2000 trồng trọt chiếm tỉ trọng 39,9% trong giá trị sản xuất nông- lâm-ngư nghiệp, giảm 5,4% so năm 1995; chăn nuôi 34,15% (tăng 5,05%); thủy sản 12,4% (tăng 0,5%); dịch vụ chiếm 9,7% (tăng 0,3% so năm 1995).

2- Thực trạng ngành nghề nông thôn:

2.1- Phát triển ngành nghề nông thôn:

2.1.1- Các ngành nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

- Ngành nghề sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp do quận-huyện quản lý chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố (3,2 - 4,5%) nhưng có tốc độ phát triển tương đối nhanh (bình quân 15 - 17%/năm).

- Các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn ngoại thành thu hút từ 31-90% lao động trong làng: một số làng nghề thu hút nhiều lao động như may nón ở Đông Hưng Thuận, quận 12; làm bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi; đan lát ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi; làm giỏ trạc ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn…

2.1.2- Các ngành nghề trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ:

- Hoạt động các dịch vụ trong nông-lâm-ngư nghiệp chủ yếu là dịch vụ công, không có mục đích kinh doanh, hoạt động kết hợp với công tác quản lý nhà nước và pháp chế ngành, trực tiếp tham gia sản xuất hoặc bảo vệ sản xuất; tập trung vào các mặt bảo vệ cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học- công nghệ, giống mới.

2.1.3- Cơ cấu kinh tế ở ngoại thành: năm 2000 cơ cấu kinh tế ngoại thành (5 quận và 5 huyện) : nông nghiệp chiếm 30,9%; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 49,1%; thương mại-dịch vụ 20% (tỉ lệ tương ứng năm 1995: 39,1%-30%-31%). Riêng các huyện có sản xuất nông nghiệp 49,2%; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 37,5%; thương mại-dịch vụ 13,3%.

2.2- Số lượng, tổ chức hoạt động:

- Ở vùng ngoại thành có 21,2% hộ và 18,7% cơ sở thuộc nhóm chế biến nông lâm thủy sản; 38,8% hộ và 52,1% cơ sở thuộc nhóm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; 40,1% hộ và 28,2% cơ sở thuộc nhóm dịch vụ.

- Số cơ sở tham gia vào hình thức hợp tác xã là 2,5%, thành lập Doanh nghiệp tư nhân là 31,3%, thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn là 65,2% và Công ty cổ phần là 1%.

2.3- Kết quả sản xuất:

Tổng giá trị sản phẩm các ngành trên địa bàn thành phố

(theo giá so sánh 1994, tỷ đồng)

Ngành

1998

1999

2000

2001

Tốc độ Tăng trưởng (%)

Nông-lâm-thủy sản

1.459,0

1.428,0

1.487,0

1.520,0

1,7

Công nghiệp-TTCN-XD

26.180,0

30.250,0

34.446,0

39.053,0

12,6

Dịch vụ

33.749,0

37.324,0

39.511,0

43.152,0

7,2

Ngành nghề ngoại thành

1793

1992

2194,3

2473,6

8,4

Nghề truyền thống (19 làng)

.

.

.

293,0

.

(nguồn: niên giám thống kê của Cục Thống kê, năm 2001)

2.4- Lao động:

Trong số lao động ngành nghề có tới 68,2% hoạt động trong các hộ gia đình với 21,2% thuộc các nhóm ngành chế biến nông lâm thủy sản, 38,8% thuộc nhóm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp xây dựng và 40,1% thuộc nhóm dịch vụ.

Ở các hộ bình quân có từ 3 đến 4 lao động thường xuyên và từ 1 đến 3 lao động thời vụ. Tỷ lệ số hộ có sử dụng nhiều lao động rất thấp, tỷ lệ số hộ có trên 20 lao động chỉ chiếm 9,7% trong khi đó tỷ lệ số cơ sở trên 20 lao động tương đối cao đạt 81,7%.

2.5- Nhà xưởng, thiết bị và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật:

- Khoảng 89% số cơ sở có nhà xưởng kiên cố với diện tích bình quân cho một lao động là 6,3m2, 100% số cơ sở có sử dụng điện và nước phục vụ cho việc sản xuất.

- Đa số hộ gia đình có trình độ công nghệ chưa cao, trình độ cơ khí hóa còn thấp, cơ khí mới được sử dụng 37,5% hộ, 45,7% cơ sở và tự động ở hộ là 1,2%, cơ sở 14,2%.

2.6- Vốn và quan hệ tín dụng:

- Về vốn:

Tính chung cho các địa bàn điều tra vốn sản xuất bình quân của một hộ là 22,2 triệu đồng trong đó vốn cố định chiếm 48,7%. Vốn bình quân của một cơ sở là 7.948,5 triệu đồng, trong đó vốn cố định chiếm 56,4%.

- Về tín dụng:

Có 64,3% số cơ sở đi vay vốn với mức vay vốn bình quân 542,3 triệu đồng trong khi ở các hộ các số liệu tương ứng này là 33,6% và 9,7 triệu đồng. Vay từ Ngân hàng chỉ có 63,9% hộ và 79,0% cơ sở; vay từ các tổ chức xã hội ở hộ 6,8% hộ và cơ sở là 1,5%; vay trong dân ở hộ là 11,9% và cơ sở là 1,7%.

2.7- Nguyên liệu, sản phẩm và thị trường:

Nguyên liệu cung cấp chủ yếu cho ngành nghề nông thôn từ các tỉnh lân cận và phần lớn do thương lái cung cấp ở hộ là 95,8% và ở cơ sở là 100%.

2.8- Vai trò của ngành nghề nông thôn đối với quá trình phát triển kinh tế ngoại thành thành phố:

- Giải quyết việc làm: bình quân một hộ ngành nghề tạo việc làm ổn định cho 4,2 người, một cơ sở tạo việc làm ổn định cho 186,1 người.

- Tạo thu nhập cho người lao động cao hơn lao động nông nghiệp thuần là 1,4 lần.

- Đóng góp cho sự phát triển của địa phương: giá trị sản xuất năm 2001 là 2.473,6 tỷ đồng, sản xuất một khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường thành phố và một phần cho xuất khẩu.

II.- Về định hướng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2010:

1- Mục tiêu đến năm 2010:

+ Tạo mức tăng trưởng bình quân hàng năm 15% năm

+ Nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 29,2 triệu USD năm 2000 (tương đương 20% GTSX) lên 118 triệu USD năm 2010.

2- Nội dung quy hoạch:

2.1- Quy hoạch tốc độ phát triển sản xuất:

2.1.1- Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy, hải sản:

Nhóm ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm:

Mục tiêu:

+ Giai đoạn từ năm 2002-2005: các quận từ 14-20%; các huyện từ 11-18%. Giai đoạn từ năm 2006-2010: các quận từ 16-22%; các huyện từ 14-20%.

+ Giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng 20-25%

+ Thu hút thêm khoảng trên 100.000 lao động từ nay đến năm 2010.

2.1.2- Nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp:

2.1.2.1- Ngành dệt da may mặc: dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân/năm 20%.

2.1.2.2- Thủ công mỹ nghệ: dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân/năm 9%

2.1.2.3- Ngành cơ khí: dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân/năm 12%

2.1.2.4- Ngành nhựa-cao su: dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân/năm 18%

2.1.2.5- Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân/năm 15%

2.1.2.6- Dự kiến phát triển sản xuất của nhóm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp:

Chỉ tiêu

Từ năm 2001 đến 2005

Từ năm 2006 đến 2010

Giá trị sản xuất (triệu đồng)

1.912.321

4.423.123

Tốc độ tăng bình quân %

15,1

18,2

Tỷ trọng xuất khẩu %

20

35

Lao động (người)

59.825

117.266

2.1.3- Phát triển thương mại-dịch vụ ngoại thành hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

Dự kiến một số chỉ tiêu của thương mại-dịch vụ như sau:

Chỉ tiêu

Từ năm 2001 đến 2005

Từ năm 2006 đến 2010

Giá trị sản xuất (triệu đồng)

1.212.111

2.845.654

Tốc độ tăng bình quân %

15,2

18,6

Lao động (người)

15.166

31.233

2.2- Mục tiêu quy hoạch phát triển các làng nghề nông thôn:

2.2.1- Đối với các làng nghề đang phát triển

+ Giữ vững và tăng đốc độ phát triển cả về giá trị và thu nhập của người lao động, đầu tư chiều sâu, giữ vững và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

2.2.2- Đối với các làng nghề đang sản xuất ổn định

+ Tháo gỡ những khó khăn, củng cố tổ chức sản xuất đưa lên thành các làng nghề phát triển ổn định. Giữ vững nhịp độ tăng trưởng ở mức phù hợp từ 5% đến 8% năm.

2.2.3- Làng nghề đang hoạt động cầm chừng

+ Trong 9 làng trên, ngoại trừ làng lò đường Bình Lợi còn các làng khác cố gắng duy trì ở mức độ sản xuất ổn định nhằm tăng thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho nông nhàn.

+ Phục hồi làng nghề sơn mài ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, tìm thị trường để giữ sản xuất ổn định. Các làng nghề còn lại lựa chọn những hộ có điều kiện phục hồi phát triển để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho họ nhằm duy trì sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập.

2.2.4- Mục tiêu quy hoạch phát triển làng nghề mới

2.2.4.1- Làng nghề muối:

+ Đến năm 2005 sản lượng muối đạt 60.000 tấn - 70.000 tấn muối và sản phẩm sau muối. Năm 2010 sản lượng sẽ đạt 84.000 tấn - 90.000 tấn và sản phẩm sau muối.

2.2.4.2- Làng nghề nuôi và chế biến sản phẩm từ da cá sấu hoa cà:

+ Năm 2005 đạt giá trị sản xuất hàng hóa 4,4 tỷ đồng trong đó giá trị xuất khẩu 3,4 tỷ đồng. Năm 2010 đạt 14,4 tỷ đồng trong đó xuất khẩu 13,4 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho 220 lao động của 100 hộ gia đình tham gia làng nghề với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/lao động/tháng.

III.- Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến 2005:

1- Mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2005:

1.1- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở ngoại thành bình quân trên 15%/năm (bình quân toàn thành phố trên 13%/năm).

1.2- Về thương mại-dịch vụ: đáp ứng yêu cầu của nhân dân ngoại thành, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% (bình quân toàn thành phố trên 9,5%).

1.3- Giảm 8.000 lao động nông nghiệp/năm, giải quyết việc làm từ 35.000 đến 40.000 lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo khoảng 1%/năm; nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên khoảng 80% vào năm 2005.

2- Định hướng tốc độ tăng trưởng các ngành nghề chủ yếu

2.1- Chế biến nông lâm thủy hải sản

2.1.1- Chế biến nông sản-thực phẩm: 12-15%/năm.

2.1.2- Chế biến gỗ, lâm sản khác: 5-6%/năm.

2.1.3- Chế biến thủy hải sản: 6,1%/năm, trong đó khai thác 2,5%/năm, nuôi trồng 10%/năm, chế biến 4-5%/năm, sản phẩm thủy sản khô 8-9%/năm.

2.2- Sản xuất chế biến muối: 60.000 tấn muối; 200 tấn thạch cao.

2.3- Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: 8-10%/năm.

2.4- Các ngành nghề trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ: 10%/năm.

IV.- Các giải pháp chủ yếu:

1- Chú trọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn.

2- Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, giải quyết các vấn đề về môi trường, đổi mới công nghệ, thiết bị, bồi dưỡng nghệ nhân, đào tạo thợ trẻ…; Xác định sản phẩm truyền thống, sản phẩm chính của làng nghề. Kết hợp với các ngành công nghiệp hình thành sự phân công theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa.

3- Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại để cung cấp các thông tin về thị trường, tổ chức hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao, tinh xảo, đa dạng để tiến tới xuất khẩu các mặt hàng nhằm từng bước xâm nhập thị trường sâu rộng ở nước ngoài ; Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh lành mạnh của sản phẩm ; Tiếp tục đầu tư để xây dựng và sớm hoàn thành chợ đầu mối về nông sản.

4- Chính sách tài chính và tín dụng : Tăng vốn tín dụng ưu đãi, vốn chương trình kích cầu của Nhà nước, vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất; Tăng cường nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ…; Phát triển các quỹ tín dụng trong nông thôn; Thành lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

5- Về chính sách thuế: áp dụng chính sách thuế khoán hàng năm với thời hạn 3-5 năm, kịp thời điều chỉnh để khuyến khích chủ cơ sở tiểu thủ công nghiệp mở rộng sản xuất trong thời hạn được khoán thuế.

6- Về chính sách đất đai: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn được thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh. Miễn giảm tiền thuê đất cho các cơ sở mới thành lập.

7- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn : Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và triển khai xây dựng các dự án về các công trình thủy lợi, giao thông, cấp nước, tiêu thoát nước, bảo vệ môi trường; triển khai các chương trình về nhà ở, y tế, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn…

8- Về khoa học công nghệ và môi trường: khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước; chuyển giao công nghệ, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, môi giới để xuất khẩu các mặt hàng truyền thống nhất là sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ.

9- Về đào tạo: Các cơ sở ngành nghề nông thôn được hỗ trợ kinh phí để gởi người lao động đi đào tạo tại các trường quản lý, trường công nhân kỹ thuật của nhà nước; khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm.

V.- Đề xuất một số dự án cần ưu tiên:

1- Nhóm dự án xây dựng 5 mô hình làng nghề: đan lát, mành trúc, bánh tráng, sơn mài, chế biến da cá sấu hoa cà để xuất khẩu ra nước ngoài.

2- Nhóm Dự án cải tạo và nâng cấp làng muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

3- Nhóm dự án xây dựng Hợp tác xã nuôi bò sữa và trạm vắt, bảo quản trung chuyển sữa ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

4- Nhóm Dự án tạo vùng nguyên liệu do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu, đề xuất trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

5- Dự án về đào tạo nghề do Trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp thành phố thực hiện.

VII.- Về các kiến nghị:

1- Phát triển ngành nghề nông thôn trong tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực ở vùng ven và ngoại thành thành phố.

2- Thành phố bù lãi suất vốn vay cho những dự án phát triển ngành nghề nông thôn theo Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

3- Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển giao thông nhằm giảm phí vận chuyển trợ giá đầu vào sản phẩm làng nghề.

4- Thành phố dành kinh phí xây dựng các Mô hình điểm về phát triển ngành nghề nông thôn. Khôi phục làng nghề truyền thống để xuất khẩu thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước gắn với khu du lịch sinh thái; đồng thời xây dựng mô hình một số làng nghề mới.

5- Ưu tiên dành quỹ đất phát triển ngành nghề (không đưa vào khu công nghiệp tập trung) và giảm tiền thuê đất.

6- Sử dụng quỹ khen thưởng của thành phố nhằm ưu đãi và tôn vinh các sản phẩm xuất sắc của các “Nghệ nhân, Thợ giỏi”, có sản phẩm đặc sắc.

7- Khuyến khích và hỗ trợ các Hiệp hội ngành nghề nông thôn, các tổ chức, đoàn thể tích cực tham gia phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ đào tạo tay nghề, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của hội viên…

8- Giảm giá thuê đất của các cơ sở ngành nghề nông thôn và của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

9- Miễn giảm thuế sản xuất cho các cơ sở làng nghề, xí nghiệp mới xây dựng.

10- Giảm thuế giá trị gia tăng cho các đơn vị sản xuất mặt hàng xuất khẩu theo quy định.

11- Các đơn vị sản xuất được vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư công nghệ mới và trồng rừng nguyên liệu.

12- Các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn thu hút lao động địa phương được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản theo quy định.-

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2679/QĐ-UB năm 2002 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010

  • Số hiệu: 2679/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/06/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Mai Quốc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/06/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản