Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2674/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ BỘ MÁY TỔ CHỨC CỦA VỤ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông là tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Hội đồng các Tổng cục, Cục quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức thực hiện khi đã được phê duyệt.

2. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng:

a) Trình Chính phủ quy định việc đóng, mở cảng hàng không, sân bay, cảng biển và thiết lập đường hàng không; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở cảng hàng không, sân bay;

c) Quyết định việc tạm thời đóng, mở lại cảng hàng không, sân bay và đóng, mở cảng biển; quy định việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; kiểm tra việc tổ chức thực hiện;

d) Quy định việc đóng, mở ga đường sắt, tuyến đường sắt, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải, tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa có phương tiện thủy nước ngoài ra, vào;

đ) Đề nghị Chính phủ quy định hoặc quy định theo thẩm quyền về phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường sắt, bề mặt giới hạn chướng ngại vật trong khu vực sân bay;

e) Đề nghị Chính phủ quy định hoặc quy định theo thẩm quyền về việc phân loại, đặt tên số hiệu đường và tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông.

3. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng:

a) Ban hành quy chuẩn xây dựng và quy định việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền; quy định việc bảo trì, quản lý sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (trừ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị) trong phạm vi cả nước; chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đang khai thác do Bộ chịu trách nhiệm quản lý;

b) Quy định chế độ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác.

4. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng:

a) Quy định phạm vi quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của các Tổng cục, Cục và tổ chức có liên quan;

b) Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, ngừng khai thác các công trình giao thông bị xuống cấp có nguy cơ dẫn đến sự cố nguy hiểm hoặc vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn chất lượng công trình đang khai thác;

c) Quyết định việc đấu nối đường ngang giữa đường bộ với đường sắt, giữa các đường khác với quốc lộ và việc xây dựng đường gom;

d) Quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ theo quy định của pháp luật.

5. Tham mưu cho Bộ trưởng trong công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

6. Tổng hợp, theo dõi tình hình, số liệu về hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

7. Là đầu mối của Bộ để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ngành liên quan tuyên truyền phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác.

8. Chủ trì hoặc tham gia, phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông theo phân công, phân cấp quản lý của Bộ.

9. Tham gia trong việc phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

10. Chủ trì hoặc tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền của Bộ.

11. Tham gia hướng dẫn việc tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

12. Xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng giao thông và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

13. Quản lý đội ngũ công chức thuộc Vụ theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Bộ máy tổ chức

1. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông không có phòng trực thuộc, được sử dụng con dấu của Bộ khi lãnh đạo Vụ ký văn bản thừa lệnh Bộ trưởng.

2. Biên chế của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông gồm có Vụ trưởng, một số Phó Vụ trưởng và các chuyên viên do Bộ trưởng quyết định trong tổng số biên chế hành chính của Bộ được giao.

3. Vụ trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, Phó Vụ trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Vụ trưởng.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động

1. Bộ trưởng điều hành của Vụ chủ yếu thông qua Vụ trưởng.

2. Vụ trưởng điều hành hoạt động của Vụ theo chế độ chuyên viên; Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về những công việc được phân công.

3. Các Phó Vụ trưởng giúp việc Vụ trưởng, trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ được Vụ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về phần việc đó

4. Công chức trong Vụ chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Vụ trưởng và sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các Phó Vụ trưởng; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng về phần việc được giao. Trong trường hợp lãnh đạo Bộ làm việc trực tiếp với Phó Vụ trưởng và chuyên viên thì Phó Vụ trưởng và chuyên viên có trách nhiệm thực hiện, sau đó báo cáo lại với Vụ trưởng.

5. Vụ có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức giúp việc Bộ trưởng, các tổ chức trong và ngoài ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 5;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Nội vụ;
- Công đoàn GTVT Việt Nam;
- Đảng ủy Cơ quan Bộ;
- Công đoàn Cơ quan Bộ
- Các Sở Giao thông vận tải;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (3)

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng