Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2668/QĐ-UB

Quy Nhơn, ngày 14 tháng 08 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP KHOÁNG SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Thông tư số 05/1999/TT-BKH ngày 11/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý các dự án quy hoạch; Thông tư số 09/2000/TT-BKH ngày 2/8/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 05/1999/TT-BKH ngày 11/11/1999;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 299/TT-CN ngày 09/6/2000 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 594/TT-KH ngày 04/8/2000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2010.

2. Địa điểm thực hiện dự án: Địa bàn tỉnh Bình Định.

3. Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp khoáng sản Bình Định có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ và là một bộ phận để phát triển công nghiệp Bình Định.

- Phát triển và phân bố các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản phải đạt được mục tiêu sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển công nghiệp với nhiệm vụ quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Phát triển sản xuất đa dạng các chủng loại sản phẩm trên cơ sở tận dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản có tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận, hướng mạnh xuất khẩu.

4. Mục tiêu phát triển:

- Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng khoáng sản thế mạnh của tỉnh và nguồn lao động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tăng thu ngân sách và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Góp phần cùng ngành công nghiệp Bình Định phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 25% (giai đoạn 2001 – 2005) và 28% (giai đoạn 2006 - 2010).

5. Phương án quy hoạch phát triển:

5.1. Phát triển theo địa bàn:

+ Khu vực phía Bắc

+ Khu vực phía Đông

+ Khu vực phía Tây và Tây - Bắc

+ Khu vực phía Nam

5.2. Phát triển theo công nghệ hợp lý.

5.3. Phát triển theo nhóm khoáng sản.

6. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010:

- Khai thác và chế biến sa khoáng titan: Đạt 80.000 tấn sản phẩm/năm;

- Khai thác nước khoáng: Đạt 50 triệu lít/năm;

- Khai thác và chế biến đá ốp lát: Đạt 250.000 m2/năm;

- Khai thác đá xay nghiền: Đạt 300.000 m3/năm.

- Gạch ngói nung: 310 triệu viên/năm.

- Gạch men: 304.000 m2/năm.

7. Các giải pháp chủ yếu:

- Tạo lập chính sách ưu tiên cho ngành khai khoáng tỉnh;

- Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Lập thứ tự ưu tiên đầu tư;

- Đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển bền vững;

- Tạo sự gắn kết giữa công nghiệp khoáng sản với thương mại;

- Chính sách phát triển khu công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.

- Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản, tổ chức quản lý, sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường.

8. Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 182 tỷ đồng

Nguồn vốn đầu tư:

+ Vốn vay: 151,3 tỷ đồng

+ Vốn tự đầu tư của các DN: 15,0 tỷ đồng

+ Vốn khác: 14,5 tỷ đồng

+ Vốn hỗ trợ của ngân sách NN: 1,2 tỷ đồng

(Chủ yếu cho điều tra cơ bản)

Điều 2. Phân công tổ chức thực hiện:

- Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ.

- Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp Sở Công nghiệp trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản, quy hoạch công nghiệp với chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật – xã hội, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Lãnh đạo VP
- Lưu: VP, K1, K2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Bá