Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2662/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 17 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CHẾ BIẾN GỖ TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2008 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 22/7/2008 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 1808/SNN-CB ngày 03/9/2009 về việc đề nghị phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: “Quy hoạch phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến 2020”:

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Đến năm 2020 ngành chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Đồng Nai; phát triển bền vững; chủ động nguồn nguyên liệu; sử dụng công nghệ tiên tiến; sản phẩm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường trong nước và Quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế; góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp; đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 1,8 tỷ USD.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Xuất khẩu ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai đạt 1,5 tỷ USD.

- Ít nhất có 50% các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư dây chuyền tinh chế với công nghệ và thiết bị hiện đại có thể sản xuất hàng xuất khẩu. Đến năm 2020 có 70% các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư dây chuyền tinh chế với công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại. Số doanh nghiệp còn lại làm vệ tinh chế biến cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

- Hoàn thành việc đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ. Tập trung chế biến các sản phẩm như: Đồ gỗ tinh chế; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Đồ giả cổ, tranh tượng, khắc chạm trổ; ván ép, ván dăm, ván ghép thanh; các loại sản phẩm gỗ kết hợp vật liệu khác.

- Các doanh nghiệp chế biến gỗ được bố trí trong các cụm, khu công nghiệp, không sản xuất trong các khu dân cư.

3. Định hướng phát triển ngành chế biến gỗ:

a) Định hướng sản phẩm, sản lượng sản xuất

Sản phẩm

Đơn vị tính

Sản lượng (m3)

Năm 2008 - 2010

Năm 2011 - 2020

Gỗ xẻ XDCB, xẻ phôi

m3/năm

100.000

50.000

Gỗ ván nhân tạo

m3/năm

500.000

700.000

Hàng mọc tinh chế

m3/năm

400.000

600.000

Hàng mộc dân dụng

m3/năm

100.000

150.000

Hàng thủ công mỹ nghệ

m3/năm

50.000

100.000

Dăm mảnh

BDMT/năm

100.000

100.000

b) Định hướng phát triển nguồn nguyên liệu gỗ

Nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ

Năm 2008 - 2010

Năm 2011 - 2020

1. Nguồn cung cấp nguyên liệu trong tỉnh

 

 

- Khai thác từ rừng trồng

200.000 m3/năm

300.000 m3/năm

- Khai thác từ gỗ vườn

60.000 m3/năm

50.000 m3/năm

- Khai thác từ gỗ cao su thanh lý

120.000 m3/năm

150.000 m3/năm

2. Nguồn cung cấp nguyên liệu ngoài tỉnh

600.000 m3/năm

600.000 m3/năm

3. Nguồn nhập khẩu

720.000 m3/năm

900.000 m3/năm

Tổng cộng

1.700.000 m3/năm

2.000.000 m3/năm

4. Giải pháp thực hiện:

a) Giải pháp về vốn đầu tư: Vốn của các doanh nghiệp, vốn vay tín dụng phát triển ngành chế biến gỗ, gọi vốn đầu tư trong nước và tranh thủ tối đa các nguồn vốn bên ngoài thực hiện.

b) Giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ:

Thực hiện tốt biện pháp kích cầu trong tiêu dùng và sản xuất nhằm mở rộng thị trường trong nước. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực tiếp cận thị trường Quốc tế như giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, tham gia hội chợ Quốc tế… nhằm từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua đa dạng hóa mặt hàng.

c) Giải pháp về khoa học công nghệ:

Từng bước đổi mới kỹ thuật và công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân nghiên cứu các đề tài khoa học phục vụ phát triển ngành chế biến gỗ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng ISO, chứng chỉ FSC, CoC… để từng bước hòa nhập vào thị trường khu vực và thế giới.

d) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:

Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để đào tạo tại chỗ, gắn đào tạo với sử dụng lao động để nâng cao tay nghề cho công nhân và cán bộ kỹ thuật. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp định hướng phát triển ngành chế biến gỗ.

e) Giải pháp về môi trường:

Doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí các cơ sở chế biến gỗ vào các khu, cụm, điểm công nghiệp nhằm có điều kiện xử lý các vấn đề liên quan môi trường. Tăng cường bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

g) Giải pháp về nguồn nguyên liệu gỗ:

Trước mắt tăng cường việc nhập khẩu gỗ tròn phục vụ chế biến; về lâu dài có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng nguyên liệu, xác định cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thị hiếu tiêu dùng sản phẩm gỗ, sử dụng gỗ tiết kiệm.

h) Về quản lý Nhà nước:

Nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động chế biến gỗ, thực hiện đồng thời các chức năng định hướng, giám sát, kiểm tra và hướng dẫn tạo điều kiện, tạo môi trường để các doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển. Đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội Chế biến lâm sản tỉnh Đồng Nai nhằm giúp doanh nghiệp chế biến gỗ trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên doanh liên kết trong sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh tham gia vào thị trường đồ gỗ thế giới.

i) Đề xuất các chương trình dự án giai đoạn 2010 - 2015.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan, trên cơ sở đề án quy hoạch được duyệt, xây dựng kế hoạch, giải pháp và chương trình cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện trong từng giai đoạn, đồng thời vận dụng các hình thức thích hợp để gọi vốn đầu tư trong nước và tranh thủ tối đa các nguồn vốn bên ngoài thực hiện đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2662/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến 2020

  • Số hiệu: 2662/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/09/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Ao Văn Thinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản