Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2657/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẾN THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông Đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông Đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

Căn cứ Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa;

Căn cứ Quyết định số 3294/QĐ-UBND ngày 20/10/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ công văn số 2134/CĐTNĐ-KHĐT ngày 29/9/2017 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc góp ý Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải (tờ trình số 1665/TTr-SGTVT ngày 04/10/2017),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. Quan điểm Quy hoạch:

- Phát triển hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam, Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể hóa Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trong từng giai đoạn.

- Quy hoạch bến thủy nội địa theo hướng sắp xếp lại hệ thống bến thủy nội địa hiện có, đồng thời xây dựng các bến mới nhằm phát huy tiềm năng lợi thế vận tải đường thủy đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và các nhu cầu cần thiết khác.

- Phát triển hệ thống bến thủy nội địa bảo đảm vai trò kết nối với các phương thức vận tải khác. Từng bước xây dựng hệ thống bến hiện đại, phát triển bền vững, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường.

II. Mục tiêu Quy hoạch:

- Là cơ sở để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống bến thủy nội địa hợp lý, đồng bộ, có quy mô phù hợp, tạo kết nối giữa vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác tạo thành mạng lưới vận tải thông suốt, hiệu quả, thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

- Khắc phục những vấn đề không hợp lý còn tồn tại của hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện nay (như việc: Có nhiều bến bốc xếp hàng hóa nhỏ lẻ năng lực bốc xếp hạn chế; bến bãi xây dựng tạm không phù hợp với Quy hoạch, xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đê điều, hành lang thoát lũ; các tổ chức, cá nhân hoạt động bến bãi không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước,...).

III. Tiêu chí Quy hoạch:

1. Tiêu chí chung:

- Vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật, không nằm trong hành lang bảo vệ an toàn của cầu, kè, đê điều, công trình thủy lợi, …, có địa hình, thủy văn ổn định, bảo đảm không chồng lấn vùng nước giữa các bến thủy nội địa; phương tiện ra, vào cập bến thuận lợi, an toàn.

- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác, bảo đảm quy định về đê điều, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai.

- Kết cấu bến thủy nội địa phải bảo đảm an toàn, luồng vào bến phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật luồng tuyến đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

- Đường ra vào bến xây dựng trên bãi sông không được gây ảnh hưởng đối với công tác phòng chống lũ theo quy định; đường dẫn từ bến đấu nối với các tuyến đường bộ phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, kết nối giao thông an toàn, hợp lý, thuận lợi.

- Ưu tiên vị trí thuận lợi về luồng tuyến đường thủy nội địa, thuận lợi về kết nối với các phương thức vận tải khác, có quỹ đất hợp lý,... để phát triển đầu tư xây dựng cảng đường thủy nội địa và các bến vận chuyển hàng hóa có quy mô đầu tư lớn để tăng năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa.

2. Tiêu chí cụ thể:

a) Đối với bến hàng hóa: Bến hàng hóa phải có chiều dài vùng nước khoảng 50,0 m, chiều rộng vùng nước khoảng 20,0 m và có diện tích đất hợp lý để bảo đảm hoạt động của bến. Vị trí bến hàng hóa được xây dựng mới phục vụ hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị hoặc những khu vực có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn thì khoảng cách giữa các bến được tính toán xác định hợp lý, phù hợp với mạng lưới giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ trong khu vực.

b) Đối với bến hành khách: Vị trí bến hành khách được xây dựng mới phục vụ các khu du lịch có số lượng khách thăm quan lớn trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu thăm quan du lịch bằng đường thủy phải có diện tích đất hợp lý để làm nhà chờ, khu dịch vụ, sinh hoạt tạm thời cho hành khách.

c) Đối với bến khách ngang sông: Vị trí mở mới bến khách ngang sông tại khu vực có nhu cầu đi lại của người dân 2 bên bờ sông chưa có cầu đường bộ phải có diện tích đất hợp lý để làm nhà chờ cho hành khách.

IV. Quy hoạch bến thủy nội địa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030:

1. Quy hoạch bến thủy nội địa đến năm 2020, gồm:

- 143 đoạn vị trí xây dựng bến hàng hóa, cụm bến hàng hóa.

- 52 bến khách ngang sông.

- 10 bến hành khách.

2. Quy hoạch bến thủy nội địa đến năm 2030, gồm:

- 163 đoạn vị trí xây dựng bến hàng hóa, cụm bến hàng hóa.

- Bến khách ngang sông, bến hành khách duy trì như giai đoạn đến năm 2020.

3. Khu vực dự kiến bổ sung đầu tư xây dựng cảng đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, gồm các cảng: Dữu Lâu 2, Kim Đức, Chí Đám, Hùng Long 1, Hùng Long 2, Vĩnh Lại.

V. Giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện Quy hoạch:

1. Giải pháp, chính sách quản lý Quy hoạch:

- Sau khi Quy hoạch được phê duyệt sẽ công khai Quy hoạch để tổ chức triển khai thực hiện.

- Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các bến thủy nội địa, công trình phục vụ hoạt động của các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch được duyệt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

- Các cấp chính quyền có kế hoạch dành quỹ đất hợp lý để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các bến thủy nội địa theo Quy hoạch nhằm giảm thiểu chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải đường thủy.

2. Giải pháp, chính sách về vốn đầu tư:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung thực hiện công tác xác định công bố luồng tuyến, cải tạo luồng tuyến đối với các tuyến đường thủy nội địa.

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các bến thủy nội địa được đầu tư từ nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nguồn vốn xã hội hóa.

VI. Trình tự, thủ tục thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cấp giấy phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động các bến thủy nội địa:

1. Các bến thủy nội địa đề nghị đầu tư xây dựng, cấp giấy phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động phải bảo đảm là những bến thủy nội địa đã có trong Quy hoạch. Trường hợp chưa có trong Quy hoạch phải được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận cho bổ sung vào Quy hoạch trước khi đề nghị đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp phép hoạt động.

2. Quy định trình tự, thủ tục thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cấp giấy phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động các bến thủy nội địa:

a) Đối với các bến khách ngang sông: Sở Giao thông vận tải thực hiện cấp phép, gia hạn thời gian cấp phép hoạt động với thời gian tối đa không quá 02 năm.

b) Đối với các loại bến thủy nội địa khác: Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cấp giấy phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động các bến thủy nội địa của các tổ chức, doanh nghiệp gửi đến Sở Giao thông vận tải hoặc UBND tỉnh, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương đầu tư xây dựng, cấp giấy phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động. Sau khi được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng, cấp giấy phép hoạt động và gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải thực hiện chấp thuận chủ trương xây dựng, cấp giấy phép hoạt động, gia hạn thời gian cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Việc đầu tư xây dựng bến thủy nội địa thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan.

(chi tiết cụ thể trong hồ sơ, tài liệu của Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

- Sở Nông nghiệp và PTNT: Tăng cường công tác quản lý hành lang bảo vệ đê điều, không gian thoát lũ, bảo đảm thực hiện Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tháo dỡ, di dời các bến bãi xây dựng trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

- Cục Thuế tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, hằng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả nghĩa vụ thuế của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

- UBND các huyện, thành, thị: Kiểm tra rà soát việc giao đất, cho thuê đất xây dựng các bến bãi dọc các tuyến sông trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo thực hiện hạn chế việc giao đất, cho thuê đất xây dựng bãi tập kết vật liệu ở các bãi ven sông; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn; cụ thể hóa Quy hoạch để tổ chức thực hiện trên địa bàn quản lý; chỉ đạo, thực hiện tháo dỡ, di dời các bến bãi xây dựng trái phép.

- Các sở, ngành, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động bến thủy nội địa và hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh; các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thực hiện, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT;
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
- CVP, các PCVP;
- Chuyên viên NCTH;
- Lưu: VT, KTN1 (L-36b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2657/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2657/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản