Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2644/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 10 tháng 12 năm 2015 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Kế hoạch số 2723/KH-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2015 của UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 80/TTr-VHTTDL, ngày 29 tháng 10 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Thủ trưởng các Hội: Nông dân tỉnh, Sinh vật cảnh tỉnh, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Hoa Đà Lạt; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ sở tham gia Đề án có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
I. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án
Căn cứ Kế hoạch số 2723/KH-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2015 của UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.
II. Tính cấp thiết xây dựng đề án
1. Tổng quan
Lâm Đồng là một tỉnh Tây Nguyên với dân số khoảng 1,25 triệu người, diện tích tự nhiên 977.354 ha1. Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là những loại nông, đặc sản có ưu thế như rau, hoa có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê...), chăn nuôi bò sữa, nuôi cá nước lạnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà Blao, Cà phê Di Linh, Dứa Cayenne Đơn Dương, Lúa gạo Cát Tiên, Chuối La Ba, Nấm Đơn Dương, Cá nước lạnh Đà Lạt...
Lâm Đồng còn là vùng đất có nhiều di sản văn hóa đặc sắc và là quê hương lâu đời của các dân tộc anh em Mạ, Cơ Ho, Chu Ru... Lâm Đồng hiện đang sở hữu 02 di sản văn hóa quý giá được UNESCO công nhận gồm: Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản tư liệu thế giới - Bộ Mộc bản triều Nguyễn, và mới đây nhất UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đà Lạt - Lâm Đồng là trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước; thành phố Đà Lạt có khí hậu mát mẻ trong lành, nhiều thắng cảnh hấp dẫn. Lâm Đồng hiện có 930 cơ sở lưu trú du lịch, 42 doanh nghiệp lữ hành, 100 khu điểm tham quan du lịch, trong đó có 32 di tích đã được xếp hạng. Hàng năm, Lâm Đồng thu hút khoảng 5 triệu lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng.
2. Hiện trạng du lịch nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng
Hiện nay, khái niệm du lịch nông nghiệp còn khá mới mẻ và chưa phổ biến. Chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch này chưa được chú trọng; các giải pháp phát triển vẫn còn hạn chế.
Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp và gần đây trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện một số mô hình nông nghiệp phục vụ du lịch, thu hút được sự quan tâm của du khách. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn mang tính chất tự phát và chưa có chiến lược phát triển lâu dài, chưa thu hút sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương. Kỹ năng giao tiếp, chuyên môn nghiệp vụ về du lịch của người dân tham gia du lịch nông nghiệp còn hạn chế; sản phẩm chưa rõ tính đặc trưng và chưa thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia. Bên cạnh đó, việc quảng bá, xúc tiến hầu như chưa được thực hiện; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; các điểm đến còn rời rạc, chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ.
3. Tính cấp thiết xây dựng đề án thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp:
Du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay mang tính tự phát, chưa có chiến lược phát triển lâu dài, thiếu sự đồng bộ, liên kết giữa các hộ nông dân và các đơn vị kinh doanh du lịch; còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực du lịch và các dịch vụ phục vụ du khách. Sự phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đã và đang tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng như tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, hội nghị hội thảo..., việc khai thác tiềm năng nông nghiệp để phát triển du lịch là định hướng của tỉnh trong thời gian tới.
Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường du lịch trong và ngoài nước, ngành du lịch của Lâm Đồng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sản phẩm du lịch. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi phải có những sản phẩm đặc thù tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn. Vì vậy, đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của chương trình du lịch, nâng cao đời sống của nhân dân và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách.
III. Mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, giải pháp, phạm vi Đề án
1. Mục tiêu
- Phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, du lịch của tỉnh Lâm Đồng nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành;
- Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu được trải nghiệm và tham quan của du khách; tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Hình thành mô hình mẫu về sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch, hướng tới nhân rộng, phát triển trong toàn tỉnh;
- Thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
2. Nhiệm vụ
- Khảo sát, đánh giá thực trạng các đơn vị có tiềm năng khai thác du lịch nông nghiệp. Xây dựng và vận hành các mô hình thí điểm.
- Nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện của các mô hình du lịch nông nghiệp thành công để áp dụng tại Lâm Đồng.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
- Tổng kết, đánh giá và phổ biến nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp.
3. Yêu cầu
- Có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; sự hưởng ứng tích cực của tổ chức, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, các cơ sở canh tác nông nghiệp và cộng đồng dân cư;
- Xây dựng và hình thành một số mô hình nông nghiệp có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ và một số tiêu chí cơ bản để hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp; triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình được lựa chọn;
- Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp phải đảm bảo giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình phải được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp.
4. Giải pháp thực hiện Đề án
4.1. Cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước:
- Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và các cơ chế chính sách đối với thành phố đặc thù để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và tạo điều kiện cho cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác giới thiệu, quảng bá mô hình đến du khách.
- Tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi.
4.2. Về thông tin, truyền thông và giáo dục:
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu về mô hình du lịch nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các thị trường khách trọng điểm trong và ngoài nước.
- Tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn và chia sẻ thông tin trong việc xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp.
5. Phạm vi của Đề án
Phạm vi của Đề án tập trung chủ yếu vào việc thực hiện thí điểm một số mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.
IV. Xây dựng các mô hình thí điểm
Dựa trên các điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng; liên kết các nhà vườn và đơn vị liên quan để xây dựng và hình thành 02 mô hình du lịch nông nghiệp thí điểm sau:
1. Mô hình du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt
1.1. Khái quát khu phố Hồ Xuân Hương:
Khu phố Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt là khu dân cư có truyền thống làm nông nghiệp; cộng đồng dân cư cần cù chịu khó, gắn bó và am hiểu với phong tục tập quán và văn hóa của địa phương; đặc biệt là Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Xuân Hương với đội ngũ xã viên chuyên trồng và cung cấp các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, Hợp tác xã đã vinh dự được đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao về thăm và làm việc. Trong khu phố có Di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nơi lưu giữ, tái hiện hình ảnh, hiện vật thể hiện truyền thống, ý chí chiến đấu kiên cường của thế hệ thiếu nhi anh dũng trong kháng chiến.
1.2. Thuận lợi và khó khăn:
1.2.1. Thuận lợi:
- Sản phẩm du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương bước đầu nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền; các nhà vườn đồng lòng tham gia và quyết tâm sẵn sàng đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp; đã có kinh nghiệm đón tiếp nhiều đoàn khách đến nghiên cứu và tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp.
- Nhà Văn hóa của khu phố đang được đầu tư hoàn thiện và dự kiến sẽ trở thành khu vực trưng bày sản phẩm và đón tiếp du khách; có khu vực đỗ xe dành cho du khách (bãi xe của khu phố và di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt).
- Các cơ sở nông nghiệp bố trí tập trung với đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp như: hoa lan, rau sạch, hồng, dâu tây...
- Môi trường, cảnh quan đẹp; giao thông đối ngoại thuận lợi; có thể mở rộng liên kết với các mô hình du lịch nông nghiệp trong khu vực lân cận như: Làng hoa Thái Phiên, Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Công ty trà Atiso Ngọc Duy; kết hợp với các điểm tham quan du lịch kế cận như hồ Than Thở, Di tích Nhà lao Thiếu Nhi Đà Lạt, Dinh I, làng SOS, tuyến xe lửa Trại Mát... để hình thành nên các tour du lịch đặc sắc và đáp ứng nhu cầu tham quan đa dạng của du khách.
1.2.2. Khó khăn:
- Hệ thống giao thông nông thôn, nội vùng còn hẹp và xuống cấp, chưa đảm bảo cảnh quan, môi trường, đặc biệt là tuyến đường 02 bên suối hạ lưu hồ Than Thở; thiếu bãi đậu xe quy mô lớn.
- Hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn chưa đồng bộ, cần được đầu tư hoàn thiện hơn để đáp ứng các điều kiện để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan cho khách du lịch. Nguồn nhân lực còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ khách du lịch.
- Chưa có cơ chế để khai thác kinh doanh du lịch. Công tác quảng bá, xúc tiến còn hạn chế, chưa được chú trọng.
1.3. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương:
Hiện tại đã có một số nhà vườn cho khách tham quan (Vườn lan Ysa-Orchid; vườn dâu Thanh Trung, vườn rau an toàn Hợp tác xã Xuân Hương...), cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp đối với các sản phẩm về hoa lan, sen đá, xương rồng, dâu tây, rau sạch VietGap... Tuy nhiên các mô hình này vẫn còn mang tính tự phát. Thời gian tới, định hướng hình thành các sản phẩm du lịch tại mô hình du lịch nông nghiệp của khu phố Hồ Xuân Hương như sau:
1.3.1. Các điểm khai thác:
* Các điểm khai thác chính thuộc mô hình du lịch nông nghiệp khu phố Hồ Xuân Hương:
- Di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng (nơi đã diễn ra những cuộc đấu tranh chống đàn áp, những cuộc vượt ngục thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi từ năm 1971 - 1975).
- Nhà Văn hóa khu phố Hồ Xuân Hương: nơi trưng bày và giới thiệu tổng quan về tour du lịch nông nghiệp.
- Vườn dâu Bà Vai (số 12 Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác dâu tây theo công nghệ cao; tham quan vườn hồng và hoa lan; mua sắm nông sản.
- Vườn lan Ysa-orchid (16 Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt): tham quan các khu vực ươm, trồng hoa lan, sen đá và xương rồng, tham gia trải nghiệm trồng, ghép các giống hoa, cây cảnh vào chậu hoa để trở thành những sản phẩm lưu niệm (có thể mua sản phẩm tự mình hoàn thành), mua sắm nông sản, đặc sản địa phương.
- Vườn rau Ông Liên (18 Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác rau sạch theo công nghệ cao; mua sắm nông sản.
- Vườn dâu Thanh Trung (35 Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác dâu tây theo công nghệ thủy canh; tham quan khu chế biến và thưởng thức, mua sắm các sản phẩm chế biến từ dâu tây.
- Vườn ươm Ông Phan (50 Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về ươm giống và canh tác rau, củ, quả theo công nghệ cao với nhiều giống nhập ngoại mới lạ; đặc biệt là tham quan khu vườn trồng bí ngô khổng lồ (trọng lượng mỗi trái lên đến 100kg), mua sắm các loại giống rau và được hướng dẫn cách trồng rau sạch tại nhà.
- Hợp tác xã Xuân Hương (46A Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác rau sạch VietGap theo công nghệ nhà kính với nhiều giống rau, củ, quả đa dạng của địa phương và ngoại nhập; mua sắm nông sản.
* Các điểm khai thác mở rộng, gắn kết với mô hình du lịch nông nghiệp khu phố Hồ Xuân Hương:
- Làng hoa Thái Phiên (phường 12 - thành phố Đà Lạt, cách Khu phố Hồ Xuân Hương 01km): được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là “Làng nghề truyền thống” vào năm 2009. Dịch vụ cung cấp: tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác rau, hoa và truyền thống văn hóa lâu đời của Làng hoa Thái Phiên; trải nghiệm làm nông dân, tham gia khóa học cắm hoa, bảo quản hoa...; thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sắm nông sản.
- Trang trại Công ty TNHH Trà Atiso Ngọc Duy (Quốc lộ 27C, cách Làng hoa Thái Phiên 03km): tham quan khu trồng Atiso, trải nghiệm các hoạt động tại nhà vườn, tham gia chế biến và thưởng thức các món ăn được làm từ Atiso; mua sắm đặc sản Đà Lạt do Công ty chế biến, sản xuất.
- Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (45/31 Bế Văn Đàn, Phường 12, Tp. Đà Lạt, cách Công ty TNHH Trà Atiso Ngọc Duy 200m): diện tích sản xuất 40 ha (diện tích tổ chức du lịch nông nghiệp là 5ha). Dịch vụ cung cấp: tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác rau, hoa với trên 30 loại rau, củ, quả các loại theo tiêu chuẩn an toàn của VietGap; trải nghiệm làm nông dân, được hướng dẫn thu hoạch và chế biến các món ăn từ rau sạch, thưởng thức ẩm thực địa phương; nghỉ đêm tại nhà dân (homestay) và giao lưu với người dân.
1.3.2. Các tour du lịch chính:
a. Tour tham quan nhà vườn (thời gian 1/2 ngày): Khởi hành tại Nhà Văn hóa khu phố, lần lượt tham quan 03 cơ sở thuộc mô hình du lịch nông nghiệp khu phố Hồ Xuân Hương.
b. Tour tham quan và trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” (thời gian 01 ngày): Khởi hành tại Di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Nhà Văn hóa khu phố; lần lượt tham quan theo lộ trình bằng hình thức đi bộ, xe đạp với một số điểm dừng tại một số nhà vườn tiêu biểu để tham quan các khu vườn, giao lưu với chủ vườn, nghe giới thiệu về qui trình và cách thức canh tác rau, hoa, dâu tây... và cảm nhận về không gian, lối sống của cư dân địa phương tại 03 cơ sở thuộc mô hình du lịch nông nghiệp khu phố Hồ Xuân Hương.
c. Tour du lịch “Homestay tại nhà vườn” (thời gian 02 ngày 01 đêm): Ngày thứ nhất: Khởi hành tại Di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Nhà Văn hóa khu phố; lần lượt tham quan như tour “Một ngày làm nông dân”; tiếp theo, du khách sẽ tham quan và nghỉ tại nhà dân tại các nhà vườn thuộc Hợp tác xã Tân Tiến. Ngày thứ hai: tham quan, trải nghiệm tại các nhà vườn thuộc Hợp tác xã Tân Tiến, tham quan Làng hoa Thái Phiên, Trang trại Công ty Trà Atiso Ngọc Duy.
2. Mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát
2.1. Khái quát du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát:
Khu vực Trại Mát (còn gọi là Tự Phước) thuộc phường 11, thành phố Đà Lạt cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 20B, là một vùng trồng rau, hoa, củ, quả chủ yếu của Đà Lạt; có địa hình đồi núi thoai thoải, tạo thành những thửa ruộng bậc thang trồng rau, hoa, những con dốc lên xuống, những căn nhà cổ kính có kiểu kiến trúc đặc trưng... đã thu hút khá đông du khách đến tham quan.
2.2. Thuận lợi và khó khăn:
2.2.1. Thuận lợi:
Các đơn vị được chọn tham gia vào mô hình du lịch nông nghiệp rất quan tâm đến phát triển loại hình du lịch này; đã và đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát triển mô hình du lịch nhà vườn tại đơn vị như: khu vực đón tiếp, khu vực dành cho khách tham quan, nhà vệ sinh công cộng... Thời gian qua, đã có kinh nghiệm tổ chức cho nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu.
- Môi trường, cảnh quan đẹp; có thể kết hợp với các điểm tham quan du lịch trong vùng như: Chùa Linh Phước, Thánh thất Cao đài Trại Mát, thác Hang Cọp, Tuyến xe lửa Trại Mát, đồi chè Cầu Đất,... để hình thành nên các tour du lịch đặc sắc và đáp ứng nhu cầu tham quan đa dạng của du khách.
2.2.2. Khó khăn:
- Chưa liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan. Nguồn nhân lực còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ khách du lịch.
- Chưa có cơ chế để khai thác kinh doanh du lịch. Công tác quảng bá, xúc tiến còn hạn chế, chưa được chú trọng.
2.3. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát:
Hiện tại, một số doanh nghiệp, cơ sở nông nghiệp đã được đầu tư về cơ bản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đã có khu vực đón tiếp và trưng bày sản phẩm, du khách có thể tham quan và trải nghiệm các hoạt động tại nhà vườn. Thời gian tới, định hướng hình thành các sản phẩm du lịch tại mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát như sau:
2.3.1. Các điểm khai thác:
* Các điểm khai thác chính thuộc mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát:
- Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (tổ 1, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác các giống rau, hoa công nghệ cao trong nhà kính với những thiết bị hiện đại như hệ thống tưới tự động, hệ thống điều hòa nhiệt độ...; trình diễn, chuyển giao tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
- Công ty TNHH Linh Ngọc (xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, cách Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời khoảng 1km): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác hoa lan và các giống hoa cao cấp theo công nghệ cao trong nhà kính; tham gia học cắm hoa; tham quan hoa viên, khu trưng bày với những tiểu cảnh, cây cảnh đặc sắc; mua sắm hoa, nông sản và quà lưu niệm.
- Khu trưng bày và bán sản phẩm đặc sản địa phương của Công ty ĐL Natural (phường 11, Tp. Đà Lạt): tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác dâu tây theo công nghệ cao trong nhà kính, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm chế biến từ dâu tây, đặc sản của địa phương.
* Các điểm khai thác mở rộng, gắn kết với mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát:
- Chùa Linh Phước (còn được gọi là chùa Ve Chai, chùa Miểng Sành), một công trình kiến trúc tôn giáo khảm sành đặc sắc với hàng chục kỷ lục Việt Nam được công nhận cho các hạng mục độc đáo của chùa.
- Thác Hang Cọp: Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, là khu du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Lâm Đồng.
- Đồi trà Cầu Đất: có cảnh quan đẹp và thơ mộng, là vùng canh tác trà có truyền thống hàng trăm năm, nổi tiếng với các trang trại và nhà máy chế biến trà Oolong; các vườn cà phê chè (Arabica) nổi tiếng về cung cấp nguyên liệu cao cấp cho thương hiệu cà phê Starbuck.
- Tuyến xe lửa Đà Lạt - Trại Mát: tuyến xe lửa du lịch kết nối trung tâm thành phố Đà Lạt với vùng Trại Mát.
2.3.2. Các tour du lịch chính:
a. Tour tham quan mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao (thời gian 1/2 ngày): Khởi hành từ trung tâm thành phố Đà Lạt đến tham quan Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao của Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; ghé thăm Công ty ĐL Natural và Chùa Linh Phước trên đường trở về trung tâm Đà Lạt.
b. Tour du lịch “Một ngày với nông nghiệp công nghệ cao” (thời gian 01 ngày): Khởi hành từ trung tâm thành phố Đà Lạt đến tham quan Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao của Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (tham gia các hoạt động trải nghiệm canh tác theo mô hình công nghệ cao, thu hoạch rau, chế biến các món ăn đặc trưng từ rau, củ, quả của địa phương); tiếp tục tham quan, trải nghiệm tại trang trại hoa của Công ty TNHH Linh Ngọc; ghé thăm Công ty ĐL Natural và Chùa Linh Phước trên đường trở về trung tâm Đà Lạt (tùy chương trình, có thể bổ sung thêm một số điểm tham quan như thác Hang Cọp, Đồi trà Cầu Đất để tạo sự phong phú cho tour du lịch).
V. Tổ chức triển khai thực hiện:
1. Thời gian thực hiện:
- Giai đoạn thí điểm: 2015-2016.
- Giai đoạn phát triển và nhân rộng: 2017-2020.
2. Địa điểm triển khai:
- Giai đoạn thí điểm: trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
- Giai đoạn phát triển và nhân rộng: trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, tập trung ở thành phố Đà Lạt, các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.
3. Phân công trách nhiệm:
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Đề án;
- Đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp;
- Xây dựng bộ tiêu chí về mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình điểm về du lịch nông nghiệp;
- Giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp đến các đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh. Chỉ đạo và tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch trong tỉnh có kế hoạch khai thác kinh doanh, phục vụ du khách tham quan các mô hình du lịch nông nghiệp.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch.
- Đề xuất các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp để khuyến khích phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, quy trình hoạt động nông nghiệp tại các mô hình du lịch nông nghiệp; đa dạng hóa các sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi tại các mô hình du lịch nông nghiệp.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đến các mô hình du lịch nông nghiệp.
- Đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với loại hình du lịch nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.
d) Sở Xây dựng:
Đề xuất đối với việc xây dựng cổng chào, bảng chỉ đường tại mô hình du lịch nông nghiệp Hồ Xuân Hương, Trại Mát và hướng dẫn triển khai một số công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng tại các cơ sở tham gia mô hình du lịch nông nghiệp.
đ) Sở Tài chính:
Đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí và tăng khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi cho các mô hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho các đơn vị được chọn trong mô hình thí điểm.
e) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch:
Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức xúc tiến quảng bá sản phẩm, mô hình du lịch nông nghiệp đến các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước.
g) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch để đầu tư nâng cấp hạ tầng, giao thông đến các mô hình điểm về du lịch nông nghiệp.
- Phối hợp trong công tác đào tạo, quảng bá và xây dựng bộ tiêu chí về mô hình du lịch nông nghiệp.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường, xã tạo điều kiện hỗ trợ các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn về đảm bảo an ninh trật tự, đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh.
h) Hiệp hội Du lịch tỉnh:
Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các mô hình du lịch nông nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối với doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Vận động kết nạp hội viên hoạt động trên lĩnh vực du lịch nông nghiệp và tổ chức hoạt động theo mô hình thích hợp (Chi hội, câu lạc bộ... trực thuộc Hiệp hội).
i) Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Hội Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng, Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng triển khai thực hiện các mô hình điểm về du lịch nông nghiệp;
- Vận động các thành viên, hội viên tham gia mô hình du lịch nông nghiệp.
k) Các đơn vị được chọn làm mô hình du lịch nông nghiệp điển hình:
- Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành hoạt động du lịch tại đơn vị; hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thí điểm trong mô hình. Bố trí nguồn lực và quan tâm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ và du lịch cho đội ngũ quản lý, nhân viên.
- Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách. Xây dựng giá cả dịch vụ hợp lý và cam kết thực hiện đúng giá niêm yết, giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh, thân thiện.
- Đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường cho du khách tham quan tại đơn vị. Xây dựng kế hoạch về quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu thu hút du khách.
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện.
- Thời gian: Năm 2015, 2016.
2. Phương án hỗ trợ đầu tư và định hướng đầu tư thí điểm cho các hộ gia đình được chọn.
- Vận hành thử sản phẩm và chuẩn bị các điều kiện để giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp đến du khách trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI năm 2015 (Chọn một số nhà vườn có tính khả thi trong 02 mô hình để thí điểm). Thời gian: Tháng 12/2015.
- Đưa vào khai thác kinh doanh tất cả các nhà vườn thuộc Đề án. Thời gian: Năm 2016.
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND Tp. Đà Lạt và các ngành liên quan thực hiện.
- Kinh phí: Ngân sách Nhà nước; Hộ gia đình được chọn có vốn đối ứng: đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
3. Tổ chức hội thảo, tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị tham gia mô hình.
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện.
- Thời gian: Giai đoạn 2015 - 2020.
- Kinh phí: Ngân sách Nhà nước và nguồn hỗ trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
4. Giới thiệu sản phẩm mới đến các công ty lữ hành (tổ chức đoàn khảo sát).
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các Công ty lữ hành thực hiện.
- Thời gian: Giai đoạn 2015 - 2020.
5. Quảng bá, xúc tiến và cung cấp thông tin về mô hình du lịch nông nghiệp.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cơ quan thông tấn báo chí...
- Thời gian: Giai đoạn 2015 - 2020.
6. Đánh giá hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, sơ kết rút kinh nghiệm và định hướng nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp trong thời gian tới.
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện.
- Thời gian: Giai đoạn năm 2015 - 2020.
UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chương trình, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, nhằm phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời góp phần tạo chuyển biến tích cực phát triển ngành du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp chung, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét./.
1 Trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 316.169 ha, đất lâm nghiệp có rừng 581.992 ha, đất nuôi trồng thủy sản 2.144 ha, đất nông nghiệp khác 140 ha; đất phi nông nghiệp 53.198 ha; đất chưa sử dụng 23.711 ha.
- 1Quyết định 35/2015/QĐ-UBND điều chỉnh mức thu phí và đơn vị thu phí vào cổng tham quan tại Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
- 2Quyết định 47/2015/QĐ-UBND điều chỉnh mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân golf, casino, nhà hàng) theo Quyết định 03/2014/QĐ-UBND quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần phí dịch vụ lấy nước của tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 3Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường nhánh phải Khu du lịch hồ Tuyền Lâm do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 4Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2016 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 5Quyết định 2614/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt kế hoạch tổng thể Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng (VnSAT) giai đoạn 2015-2020
- 6Quyết định 4143/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020
- 1Luật du lịch 2005
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 35/2015/QĐ-UBND điều chỉnh mức thu phí và đơn vị thu phí vào cổng tham quan tại Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
- 4Quyết định 47/2015/QĐ-UBND điều chỉnh mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân golf, casino, nhà hàng) theo Quyết định 03/2014/QĐ-UBND quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần phí dịch vụ lấy nước của tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 5Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường nhánh phải Khu du lịch hồ Tuyền Lâm do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 6Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2016 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 7Quyết định 2614/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt kế hoạch tổng thể Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng (VnSAT) giai đoạn 2015-2020
- 8Quyết định 4143/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020
Quyết định 2644/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu: 2644/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/12/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Phạm S
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra