Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2629/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MÓNG CÁI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi quy hoạch:

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gồm toàn bộ thành phố Móng Cái (bao gồm 17 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Trà Cổ, Trần Phú, Ka Long, Ninh Dương, Hải Yên, Hải Hòa, Bình Ngọc, Hòa Lạc và các xã: Hải Tiến, Vạn Ninh, Hải Đông, Quảng Nghĩa, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Hải Sơn, Hải Xuân, Bắc Sơn); Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà (bao gồm 3 đơn vị hành chính là các xã: Quảng Điền, Quảng Phong và Phú Hải); thị trấn Quảng Hà và các xã Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Trung, Cái Chiên (huyện Hải Hà). Toàn bộ diện tích tự nhiên khu kinh tế khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất liền là 66.197 ha và diện tích mặt biển là 55.000 ha. Ranh giới địa lý được xác định như sau:

a) Phía Bắc: Giáp thành phố Đông Hưng (Trung Quốc).

b) Phía Tây: Giáp một số xã của huyện Đầm Hà và huyện Vân Đồn.

c) Phía Đông và Nam: Giáp biển Đông (vịnh Bắc Bộ).

2. Tính chất:

Là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mối của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) và Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

3. Quy mô:

a) Quy mô dân số:

- Dự kiến đến năm 2020 khoảng 177.000 người - 200.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 124.000 người, dân số nông thôn khoảng 53.000 người.

- Dự kiến đến năm 2030 khoảng 340.000 người - 350.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 293.000 người, dân số nông thôn khoảng 47.000 người.

b) Quy mô đất đai:

- Dự kiến đến năm 2020 đất xây dựng Khu kinh tế khoảng 7.500 - 8.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 3.500 - 4.000 ha.

- Dự kiến đến năm 2030 đất xây dựng Khu kinh tế khoảng 13.000 - 14.500 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 9.000 - 11.000 ha.

4. Phân khu chức năng:

a) Khu cửa khẩu quốc tế:

Khu cửa khẩu quốc tế được bố trí tại các vị trí quan trọng, đầu mối giao thông với bên kia biên giới bao gồm các cơ quan quản lý cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, dịch vụ xuất nhập khẩu như tài chính, ngân hàng, bưu điện, kho ngoại quan, bãi đỗ xe, trạm gác...

b) Các khu công nghiệp:

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, các ngành công nghiệp gắn với khai thác lợi thế về vị trí chiến lược như: Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và đóng mới tàu, công nghiệp luyện thép, công nghiệp lọc - hóa dầu, nhiệt điện, công nghiệp phục vụ du lịch,... Đặc biệt thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tập trung hai khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Hải Hà và khu công nghiệp Hải Yên.

Bố trí các cụm, điểm công nghiệp, rải rác gắn với chuyển đổi mô hình cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, lâm nghiệp chuyên canh chất lượng cao, thủy hải sản dự kiến tại huyện Hải Hà và một phần của thành phố Móng Cái.

c) Trung tâm tài chính:

Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, nhằm thúc đẩy và đưa Móng Cái trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng lớn của cả nước, tổ chức hoạt động theo phương thức quốc tế. Dự kiến bố trí tại vùng có quỹ đất bằng phẳng, thuận lợi giao thương đến cửa khẩu và về nội địa tại Khu kinh tế song phương Móng Cái.

d) Khu đô thị:

- Các khu tái định cư cho xây dựng, giải phóng mặt bằng; các công trình tái định cư, nhà ở cho người lao động và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phù hợp với tiến độ hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

- Khu đô thị tập trung với định hướng hoàn thiện, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu, xây dựng mới tại thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà.

- Khu dân cư hiện trạng, chỉnh trang cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

- Khu vực dân cư dịch vụ và công trình phụ trợ: Gồm các khu cụm dân cư, công trình nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa...

đ) Khu Trung tâm hành chính:

Khu đô thị trung tâm hành chính, dịch vụ tổng hợp mới: Xác định vị trí khu đô thị trung tâm hành chính dịch vụ tổng hợp mới của khu kinh tế với yêu cầu đảm bảo thuận lợi trong giao thông đô thị và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Trung tâm hành chính mới với quy mô và diện tích phù hợp cho việc phát triển của thành phố sau này, với định hướng năm 2020 thành phố Móng Cái sẽ là đô thị loại II.

e) Khu dân cư:

Khu dân cư nông thôn: Khu dân cư biên giới dọc tuyến đường vành đai biên giới và các khu dân cư nông thôn phân bố chủ yếu theo phân bố dân cư hiện hữu và được phát triển theo mô hình điểm dân cư nông thôn mới đã được Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà, Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái phê duyệt trên cơ sở cập nhật các định hướng phát triển mới.

g) Các khu chức năng xây dựng khác:

Các khu du lịch, an ninh - quốc phòng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nghĩa trang, nghĩa địa, bãi xử lý chất thải v.v...

h) Các khu chức năng khác:

Các khu chuyên canh, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy hải sản, đất kinh tế - an ninh, quốc phòng thuộc khu vành đai biên giới; các khu vực cấm, hạn chế phát triển. Khu vực dự trữ phát triển tiếp giáp với các khu chức năng chính như khu cửa khẩu, điểm công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị. Quỹ đất cho loại hình du lịch kết hợp mua sắm, các điểm dịch vụ du lịch văn hóa, ngành nghề truyền thống, du lịch sinh thái rừng, sinh thái vùng núi, sông suối mặt nước chuyên dụng v.v...

5. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được quy hoạch và xây dựng hiện đại đáp ứng mục tiêu và quan điểm phát triển khu kinh tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng; bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ quan, an toàn, vệ sinh môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

a) Giao thông:

- Xác định hệ thống giao thông đối ngoại đường sắt, đường bộ và đường thủy, các kết nối liên vùng; các đầu mối giao thông quan trọng; kết cấu hạ tầng thương mại; nghiên cứu đánh giá và kiến nghị điều chỉnh nếu cần các dự án nâng cấp Quốc lộ 18A, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đường du lịch ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc.

- Đề xuất các giải pháp thiết kế mạng lưới giao thông nội bộ khu kinh tế cửa khẩu trong đó làm rõ quy hoạch mạng lưới giao thông của thành phố Móng Cái, khu cảng biển Hải Hà, và các khu chức năng khác của khu kinh tế cửa khẩu.

- Xác định vị trí quy mô, số lượng các công trình đầu mối giao thông như hệ thống cảng, bến đỗ, ga tàu, bãi đỗ xe chính và phụ, cầu cửa khẩu, cống và ngầm đường bộ. Thiết kế mặt cắt ngang các loại đường cải tạo, xây dựng mới.

b) Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

- Rà soát, xác định cao độ khống chế hợp lí cho các khu chức năng, các khu vực xây dựng dưới ảnh hưởng của chế độ mưa lũ và thủy văn của sông Ka Long, sông Hà Cối và các hồ, suối lớn, các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

- Đề xuất các giải pháp kè chắn chống xói lở, đặc biệt là các vị trí giáp biên giới và gần hệ thống cột mốc quốc gia. Khoanh vùng các khu vực cấm hoặc hạn chế xây dựng do cấu tạo về địa chất, địa hình, do nguy cơ lũ quét.

- Chọn mô hình hệ thống thoát nước mưa, xác định các lưu vực thoát nước chính, kết cấu mạng lưới cống và mương trong khu vực xây dựng tập trung của khu kinh tế.

- Nghiên cứu yếu tố biến đổi khí hậu đối với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và vùng phụ cận trong việc khai thác phát triển các khu vực ven biển để có yêu cầu về giải pháp quy hoạch.

c) Cấp nước:

- Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu dùng nước cho các khu vực đặc trưng như khu trung tâm cửa khẩu, khu công nghiệp, khu đô thị và điểm dân cư nông thôn. Kiến nghị các khu vực cần khoanh vùng bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

- Nghiên cứu và đề xuất xây dựng công trình cấp nước tập trung theo nguồn nước tại các hồ, đập đã có như hồ Tràng Vinh, Quất Đông. Nguồn nước mặt sông Ka Long chỉ phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

d) Cấp điện, chiếu sáng:

- Xem xét các giải pháp nguồn điện với công trình đầu mối chính là trạm 110 KV tại thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà, cân đối nguồn điện và đề xuất bổ sung công trình đầu mối cấp điện riêng nếu cần thiết. Thiết kế mạng lưới cấp điện cao áp, trung áp và xác định cấu trúc lưới điện hạ thế.

- Tính toán nhu cầu và đề xuất giải pháp cho chiếu sáng giao thông, công cộng, xây dựng thiết kế điển hình cho mặt cắt đường chính khu kinh tế.

đ) Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị:

- Xác định chỉ tiêu và dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn.

- Đề xuất thiết kế mạng lưới thoát nước thải cho khu vực dân cư hiện trạng cải tạo, khu vực dân cư xây mới, khu công nghiệp, công cộng dịch vụ. Bố trí hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về nghĩa trang, mai táng.

e) Hệ thống hạ tầng bưu chính viễn thông:

Đảm bảo đồng bộ, hiện đại và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

6. Sản phẩm quy hoạch

Hồ sơ đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.

7. Tiến độ thực hiện

12 tháng kể từ ngày nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Cơ quan quản lý dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái.

- Cơ quan thẩm định và trình phê duyệt: Bộ Xây dựng.

- Tư vấn lập quy hoạch: Tư vấn trong nước phối hợp với tư vấn nước ngoài.

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh:

- Tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

- Ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch được duyệt.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh;
- UBND thành phố Móng Cái;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, V.III;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2629/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2629/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản