Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2608/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 28 tháng 7 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ “ĐÁNH GIÁ KHÍ HẬU THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Công văn số 180/BTNMT-KHTC ngày 12/01/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn sự nghiệp);
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 430/TTr-STNMT ngày 08/7/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Báo cáo đánh giá khí hậu thành phố Đà Nẵng.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện sử dụng các nội dung đánh giá khí hậu thành phố Đà Nẵng phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quản lý.
2. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, sử dụng kết quả Đánh giá khí hậu thành phố Đà Nẵng trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ KHÍ HẬU THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Kèm theo Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng)
I. TÊN NHIỆM VỤ, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
- Tên nhiệm vụ: Đánh giá khí hậu thành phố Đà Nẵng;
- Phạm vi về không gian: trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
- Thời kỳ đánh giá: 2008 - 2020;
- Đối tượng: các yếu tố khí hậu;
- Đơn vị tổ chức lập: Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Đơn vị tư vấn, lập báo cáo: Trung tâm Ứng phó biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đánh giá khí hậu thành phố Đà Nẵng dựa trên các tiêu chí về khí tượng, thủy văn và nguồn lực thực tế của thành phố nhằm phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Đà Nẵng.
a) Đánh giá hiện trạng khí hậu Đà Nẵng đến năm cuối của thời kỳ đánh giá;
b) Đánh giá dao động khí hậu và biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng;
c) Đánh giá các tác động của khí hậu, biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính;
d) Đưa ra một số giải pháp thích ứng với các điều kiện khí hậu cực đoan phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố Đà Nẵng nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội cho thành phố.
III. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Đặc điểm của khí hậu thành phố Đà Nẵng
a) Nhiệt độ
Nhiệt độ trung bình ở thành phố Đà Nẵng thấp nhất vào tháng 1 với giá trị 21,5°C tiếp đến là tháng 12 với giá trị 22,2°C; cao nhất vào tháng 6 và tháng 7 với giá trị 29,3°C, tiếp đến là tháng 8 với giá trị 29,0°C. Thời kỳ có nền nhiệt độ thấp kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, với giá trị từ 21,5°C đến 22,4°C. Ngược lại, thời kỳ có nhiệt độ cao nhất kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, với giá trị dao động từ 28,4°C đến 29,4°C. Trung bình năm, nền nhiệt độ ở khu vực thành phố Đà Nẵng đạt giá trị khoảng 25,9°C.
Nhiệt độ tối cao trung bình tháng ở khu vực thành phố Đà Nẵng dao động từ 27,4°C đến 36,3°C. Trong giai đoạn nóng nhất năm (tháng 5 đến tháng 9), nhiệt độ tối cao trung bình tháng ở thành phố Đà Nẵng dao động từ 33,6°C đến 36,3°C. Trong giai đoạn mát mẻ nhất, nhiệt độ tối cao trung bình tháng ở thành phố Đà Nẵng dao động từ 27,4°C đến 28,8°C. Nhiệt độ tối cao trung bình năm ở khu vực Đà Nẵng đạt giá trị 32,1°C.
Nhiệt độ tối thấp trung bình tháng ở khu vực thành phố Đà Nẵng dao động từ 21,4°C (tháng 1) đến 27,7°C (tháng 6 - tháng 7). Nhiệt độ tối thấp trung bình năm đạt giá trị 24,9°C.
Kỷ lục nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp: Theo số liệu quan trắc thời kỳ 1961-2018, nhiệt độ cao nhất từng xảy ra tại Đà Nẵng quan trắc được là 40,6°C quan trắc được vào ngày 15 tháng 5 năm 1983. Kết quả quan trắc cũng cho thấy, xu thế xuất hiện các giá trị cao của nhiệt độ chủ yếu xảy ra trong những năm gần đây. Tháng xuất hiện nhiệt độ cao nhất chủ yếu xảy ra vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Cũng theo số liệu quan trắc thời kỳ 1961 - 2018, nhiệt độ thấp trong lịch sử đã quan trắc được tại trạm thành phố Đà Nẵng là 9,2°C vào ngày 25 tháng 12 năm 1999. Các giá trị thấp của nhiệt độ chủ yếu xảy ra trước năm 2000. Thời kỳ xuất hiện nhiệt độ thấp chủ yếu xảy ra từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau.
b) Lượng mưa
Mùa mưa ở khu vực thành phố Đà Nẵng kéo dài trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, cao điểm vào tháng 9 đến tháng 11, đặc biệt là vào tháng 10. Tổng lượng mưa trong các tháng mùa mưa bằng khoảng 75 - 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa thấp nhất xảy ra vào các tháng 2, 3 và 4 với lượng đạt khoảng dưới 50mm/tháng, sau đó tăng dần đến tháng 8 và tăng cực nhanh từ tháng 9, đạt đỉnh vào tháng 10, sau đó giảm dần đến tháng 1, 2 của năm tiếp theo. Ngược lại, mùa khô ở khu vực thành phố Đà Nẵng kéo dài trong nhiều tháng, từ tháng 1 đến tháng 8. Lượng mưa cao nhất ở thành phố Đà Nẵng là vào tháng 10, với tổng lượng mưa tháng đạt giá trị 611,1mm, tiếp đến là tháng 11 với giá trị khoảng 437,6mm. Trong thời kỳ cao điểm mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, lượng mưa quan trắc được là rất thấp, vào khoảng từ 23mm (tháng 2) đến 36,7mm (tháng 4).
Tổng lượng mưa năm ở khu vực thành phố Đà Nẵng đạt giá trị vào khoảng 2.212,0mm. Lượng mưa lớn tập trung vào các tháng 9, 10, 11 là các tháng trong mùa bão, lượng mưa tháng lớn nhất có thể đạt từ 500 - 600mm. Tổng lượng mưa trong các tháng này bằng khoảng 75 - 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa thấp nhất xảy ra vào các tháng 2, 3 và 4 với lượng đạt khoảng dưới 50mm/tháng, sau đó tăng dần đến tháng 8 và tăng cực nhanh từ tháng 9, đạt đỉnh vào tháng 10, sau đó giảm dần đến tháng 1, 2 của năm tiếp theo.
c) Các hiện tượng thời tiết cực đoan
- Nắng nóng: số ngày nắng nóng trung bình năm là 46,8 ngày, trong đó có một số năm nắng nóng đạt trên 60 ngày/năm như các năm 1988, 1998, 2012, 2014 - 2016; số ngày nắng nóng gay gắt trung bình năm là 11,4 ngày và số ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt trung bình năm là 1,3 ngày.
- Hạn hán: khô hạn thường bắt đầu xuất hiện từ tháng 1, cao điểm vào tháng 2 đến tháng 4 và kết thúc vào tháng 8. Như vậy, trung bình mỗi năm có 7-8 tháng khô hạn.
- Dông lốc: trung bình mỗi năm có 55 đến 70 ngày dông xảy ra ở thành phố Đà Nẵng, tập trung vào các tháng 4 đến tháng 10; các tháng 12 - tháng 2 không có dông xảy ra.
- Lũ lụt: mực nước trung bình các tháng mùa lũ (tháng 9-12) trên hầu hết các sông đều ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; riêng tháng 12, mực nước trung bình tháng trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy, Câu Lâu thấp hơn trung bình nhiều năm.
- Bão, áp thấp nhiệt đới: trung bình mỗi năm có khoảng 12 - 13 xoáy thuận nhiệt đới (bao gồm cả bão và áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên Biển Đông, trong đó trung bình từ 7 - 8 xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trên khu vực Trung bộ, mùa bão chính từ tháng 9 đến tháng 11.
2. Dao động khí hậu và biến đổi khí hậu của so với trung bình khí hậu thành phố Đà Nẵng
a) Về mức dao động khí hậu
- Nhiệt độ trung bình: Nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng dao động hàng năm từ khoảng 25,2°C đến 26,9°C. Nhiệt độ trung bình năm ở khu vực thành phố Đà Nẵng ít biến động, với độ lệch tiêu chuẩn đạt giá trị 0,4°C. Mức độ dao động của nhiệt độ trung bình tháng: nhiệt độ trung bình các tháng dao động lớn hơn so với nhiệt độ trung bình năm.
- Nhiệt độ tối cao năm tại Đà Nẵng dao động hàng năm từ khoảng 29,0°C đến 30,9°C. Nhiệt độ tối cao năm ở khu vực thành phố Đà Nẵng ít biến động, với độ lệch tiêu chuẩn đạt giá trị 0,4°C. Mức độ dao động của nhiệt độ tối cao tháng: Nhiệt độ tối cao các tháng dao động lớn hơn so với nhiệt độ tối cao năm.
- Nhiệt độ tối thấp năm tại Đà Nẵng dao động hàng năm từ khoảng 22,2°C đến 24,1°C. Nhìn chung, nhiệt độ tối thấp năm ở khu vực TP. Đà Nẵng ít biến động, với độ lệch tiêu chuẩn đạt giá trị 0,5°C (tương đương với dao động của nhiệt độ trung bình năm). Mức độ dao động của nhiệt độ tối thấp tháng: Nhiệt độ tối thấp các tháng dao động lớn hơn so với nhiệt độ tối thấp năm.
- Lượng mưa năm: Lượng mưa năm dao động từ 1.347,8mm đến 3.904,5mm, với độ lệch tiêu chuẩn đạt giá trị 542.7mm. Như vậy có thể thấy, lượng mưa năm ở khu vực Đà Nẵng có tính biến động rất lớn.
- Lượng mưa 1 ngày lớn nhất: Mức độ dao động của Rx1day năm dao động từ 112,5 mm đến 240,8 mm.
- Lượng mưa 5 ngày lớn nhất: Dao động từ 141,3 mm đến 1.009,0 mm.
b) Về mức độ biến đổi khí hậu
- Nhiệt độ trung bình năm: ở khu vực thành phố Đà Nẵng có xu thế tăng trong suốt thời kỳ 1961-2018. So với mức tăng của nhiệt độ trung bình cả nước (tăng 0,62°C theo số liệu cập nhật đến năm 2014), mức tăng của nhiệt độ ở khu vực thành phố Đà Nẵng là cao hơn. Những năm nóng nhất trong thời kỳ 1961-2018 ở thành phố Đà Nẵng chủ yếu được ghi nhận trong khoảng từ năm 1997 trở lại đây. Trong đó, năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất, với nhiệt độ trung bình năm cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,7°C.
- Lượng mưa năm: Lượng mưa năm ở khu vực thành phố Đà Nẵng có xu thế tăng, với tốc độ tăng khoảng 0,0849%/năm. Trong 58 năm gần đây, tổng lượng mưa năm đã tăng khoảng 5,2%, lượng mưa mùa khô tăng 3,7% và lượng mưa mùa mưa tăng khoảng 10,7%.
- Nhiệt độ tối cao trung bình năm có xu thế tăng, với mức tăng khoảng 0,0243°C/năm.
- Nhiệt độ tối thấp trung bình năm có xu thế tăng, với mức tăng khoảng 0,0188°C/năm.
- Xu thế biến đổi số ngày mưa lớn: Số ngày mưa lớn có xu thế tăng nhẹ, với tốc độ tăng khoảng 0,0089%/năm.
- Xu thế biến đổi lượng mưa một ngày lớn nhất (Rx1day): Rx1day có xu thế tăng nhẹ, với tốc độ tăng khoảng 0,1928%/năm.
- Xu thế biến đổi lượng mưa năm ngày lớn nhất (Rx5day): Rx5day có xu thế tăng nhẹ, với tốc độ tăng khoảng 0,2413%/năm.
- Số ngày rét đậm rét hại có xu thế giảm trong giai đoạn 1961-2018, với tốc độ giảm khoảng 0,3369 ngày/năm.
3. Tác động của biến đổi khí hậu đến các loại hình thiên tai của thành phố Đà Nẵng
a) Tác động của sự thay đổi lượng mưa
- Phân bố lượng mưa thay đổi sẽ ảnh hưởng đến lượng nước có thể thu giữ được. Cường độ mưa nhìn chung đang tăng, điều này dẫn đến tăng dòng chảy mặt và gây ra lũ lớn, tuy nhiên lại làm giảm khả năng thẩm thấu của nước vào trong đất, làm giảm tài nguyên nước, ảnh hưởng đến sự phân bố của nước mặt và nước ngầm;
- Thay đổi lượng mưa làm thay đổi độ ẩm trên mặt đất, thay đổi tình trạng bức xạ, ảnh hưởng đến các loài thực vật;
- Lượng chất dinh dưỡng trong đất bị mất cao hơn trong suốt các đợt mưa kéo dài do tình trạng xói mòn và ngập úng;
- Nguy cơ hạn hán trong mùa khô và ngập lụt trong mùa mưa bão sẽ diễn ra trầm trọng hơn.
b) Tác động do thiên tai, lụt bão
Bão có khả năng xuất hiện sớm, trái mùa, diễn biến bất thường hơn, tần suất xuất hiện các cơn bão lớn sẽ tăng lên đáng kể. Là thành phố ven biển với bờ biển dài 70km, trên 3% lao động trong ngành ngư nghiệp, Đà Nẵng có nguy cơ gánh chịu các tác động do bão như chết người, đổ nhà cửa, mất/hư hỏng tài sản, tàu bè đánh cá; hư hỏng đường xá, công trình giao thông, thông tin liên lạc,... Các khu vực ven sông, ven biển thường xuyên chịu tác động của bão, đặc biệt là quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn.
Tương tự như bão, lũ lụt cũng là một dạng thiên tai rất phổ biến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian tới, tình trạng lũ lụt càng trầm trọng hơn, bao gồm lũ quét, xói lở và ngập lụt dân dân. Bên cạnh đó, sự dâng lên của mực nước biển toàn cầu nói chung và khu vực biển Đông nói riêng cũng dẫn đến tình trạng ngập lụt, mất đất trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng.
c) Tác động do nước biển dâng
Thành phố Đà Nẵng đã, đang và sẽ hứng chịu các hậu quả do mực nước biển gia tăng. Những tác động như các vấn đề mất đất, tình trạng ngập lụt ngày càng tăng đối với các khu vực đất thấp, tăng tốc độ xói mòn dọc theo bờ biển, làm tăng độ mặn tại các cửa sông và nguồn nước ngầm và mặc khác làm giảm chất lượng nước, làm suy thoái hệ sinh thái ven biển.
Hiện nay toàn bộ vùng ven biển chủ yếu khai thác phục vụ cho du lịch và dịch vụ thương mại, nguy cơ tàn phá khu vực này khi nước biển dâng là rất lớn nếu không có biện pháp tích cực về quản lý hiệu quả vùng bờ. Nước biển dâng kết hợp với thiên tai bão lũ cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng: hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước,...
Hiện tượng sạt lở đất và xói mòn tại lưu vực sông có độ dốc cao cũng như tại các cửa sông cũng là một tác động cần lưu ý của hiện tượng nước biển dâng kết hợp với mưa lớn và lũ quét. Sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều đoạn dọc các tuyến sông chính gồm cửa sông Hàn và sông Cu Đê. Các cửa sông này đang bị thu hẹp và nông hóa rất nhanh. Ngập lụt là nguyên nhân gây nên việc xói mòn bờ sông. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên dọc bờ các con sông lớn không có đê bảo vệ.
Nhiễm mặn vùng bờ cũng là một tác động nghiêm trọng khác của sự gia tăng mực nước biển. Nước biển dâng làm cho lưỡi mặn ăn sâu vào đất liền, tác động trực tiếp đến hệ thống sông ngòi và nước ngầm của thành phố, nguy cơ thiếu nước ngọt sẽ rất trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trong kịch bản biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 1,13% diện tích của thành phố Đà Nẵng có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Liên Chiểu (4,92% diện tích), Ngũ Hành Sơn (4,6% diện tích) có nguy cơ cao nhất.
4. Sự phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu đối với diễn biến thực tế tại Đà Nẵng
- Nhiệt độ trung bình năm được mô phỏng theo các mô hình kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 là tương tự nhau, cùng phản ánh xu thế tăng của nhiệt độ trong giai đoạn 2008 - 2018, nhưng tốc độ vẫn chậm hơn so với thực tế. Trong kịch bản RCP8.5, nhiệt độ được mô phỏng có trị số cao hơn quan trắc trong hầu hết các năm.
- Lượng mưa năm theo kịch bản RCP4.5 đều cho xu thế tăng lên của lượng mưa trong giai đoạn 2008 - 2018, trong đó mức tăng của lượng mưa mô phỏng là thấp hơn thực tế, nhưng về trị số mô phỏng cho kết quả cao hơn quan trắc trong phần lớn các năm. Theo kịch bản RCP8.5, lượng mưa mô phỏng tốt hơn so với trong kịch bản RCP4.5, với xu thế đều tăng lên và tốc độ tăng thấp hơn so với thực tế.
- Kịch bản nước biển dâng trong thời kỳ đánh giá có xu thế tăng, đáp ứng xu thế thực tế tăng ở trạm quan trắc. Mức tăng mực nước biển qua các năm ở thành phố Đà Nẵng là 3,69mm/năm.
5. Đánh giá các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
a) Công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức
Trong khuôn khổ Chương trình ACCCRN (Asian Cities Climate Change Resilience Network), Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các Sở, ngành, hội đoàn thể đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng thuộc Ban chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng có liên quan biến đổi khí hậu. Nội dung biến đổi khí hậu đã được tuyên truyền đến nhiều đối tượng như: giáo viên, học sinh, cán bộ công chức, nông dân, cán bộ Hội các cấp... Thông qua nhiều kênh tác động, đã hình thành đội ngũ tuyên truyền viên về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố. Nội dung biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào các sự kiện truyền thông lớn, có sự tham gia của hàng ngàn người.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đạt hơn 500 lớp tập huấn, 100 sự kiện, 50 tài liệu truyền thông và trên 20.000 lượt người được truyền thông trực tiếp về các nội dung liên quan.
b) Công tác lập kế hoạch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tiến hành lồng ghép biến đổi khí hậu trong hoạt động của các ngành, địa phương
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng Phương án Phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Bão và Bão mạnh, Bão rất mạnh và siêu bão, lũ, lũ quét, sóng thần, vỡ hồ chứa) có tính đến tác động của biến đổi khí hậu; biên soạn 02 loại sổ tay (sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai cho chính quyền và sổ tay phòng chống lụt bão cho cộng đồng); xây dựng mới 2.600m kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngành đã chỉ đạo thực hiện nhắn tin cảnh báo thiên tai đến cán bộ và nhân dân qua hệ thống tổng đài SMS và điện thoại.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Lồng ghép các nội dung liên quan với biến đổi khí hậu trong Kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường; tham mưu ban hành Kế hoạch Ứng phó sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và thiết lập Ban chỉ đạo nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng cứu kịp thời, hiệu quả sau khi sự cố môi trường do bão, lũ xảy ra nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với môi trường và cộng đồng.
- Sở Y tế: Xây dựng và thành lập Ban chỉ huy phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế số 1674/PA-SYT ngày 28/5/2014, chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, hóa chất, thuốc,...cho công tác phòng chống.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp cận lồng ghép biến đổi khí hậu vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm đã đề xuất danh mục các đề xuất ưu tiên về ứng phó với biến đổi khí hậu cho 04 ngành (Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố: Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ và Trung tâm Phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức nghiên cứu khả năng thực hiện cảnh báo lũ sớm tại 03 địa phương (Hòa Tiến, Hòa Châu và Hòa Phước). Trong thời gian tới, Văn phòng tiếp tục phối hợp để lập bộ bản đồ dự báo ngập lụt phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão tại 02 xã thí điểm thuộc phạm vi nghiên cứu.
c) Công tác huy động nguồn lực để triển khai các dự án: Trong những năm gần đây thành phố đã huy động nguồn lực để triển khai các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.
d) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Thành phố đang nghiên cứu triển khai Trung tâm Tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh ENSURE (Dự án KOICA tài trợ) để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, cảnh báo bão lũ với các giải pháp cụ thể: quản lý thông tin bão lũ, ngập lụt trên nền bản đồ GIS; cung cấp thông tin thiên tai kịp thời, chính xác cho người dân, cộng đồng; liên kết với các cơ quan để cung cấp các dịch vụ cứu nạn, cứu hộ khi có thiên tai.
Ngành Khoa học và Công nghệ triển khai nghiên cứu ứng dụng 03 mô hình ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng vào các hộ sản xuất và doanh nghiệp. Ngành đã triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn tại 05 doanh nghiệp ngành thủy sản; tư vấn, áp dụng tiêu chuẩn ISO 50.000 cho 03 doanh nghiệp; nhân rộng mô hình ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận chính sách về hỗ trợ đổi mới công nghệ; áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất bún; triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, trong đó liên quan xử lý mùi khu vực Âu thuyền.
e) Hoàn thiện, đổi mới chính sách, pháp luật, kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và các văn bản hướng dẫn liên quan, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản nhằm kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Cấp quận, huyện cũng cơ cấu lại Phòng Tài nguyên và Môi trường với chức năng về: quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, mỗi đơn vị trung bình từ 5-7 cán bộ chuyên trách về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu. Ở cấp xã, vẫn chưa có chuyên trách về môi trường, mỗi xã, phường có 01 - 02 cán bộ kiêm nhiệm về địa chính - xây dựng - môi trường tham mưu công tác về đất đai, tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.
6. Đánh giá các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
a) Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng
Ngành Công thương phối hợp với các nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu địa điểm xây dựng nhà máy điện mặt trời; đôn đốc việc tiết kiệm năng lượng điện các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; tập huấn 58 lượt cán bộ kỹ thuật của các đơn vị thực hiện kiểm toán năng lượng, hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 10 doanh nghiệp khu vực miền Trung; xây dựng chuyển giao báo cáo kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho các ngành: Nhựa, giấy, vật liệu xây dựng (2016) và gỗ, thực phẩm đóng hộp và hóa chất năm 2017. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Trên cơ sở Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch số 7007/KH-UBND ngày 06/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về Truyền thông, tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình, tòa nhà, năm 2017 - 2018. Ngành Khoa học và Công nghệ đã kiểm toán năng lượng 15 cơ sở lưu trú, thí điểm áp dụng giải pháp tại 01 cơ sở, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, giám sát sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tại thành phố Đà Nẵng, tòa nhà FPT Complex đã được IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới) trao chứng chỉ EDGE đầu tiên tại Việt Nam là công trình xanh vào năm 2014.
Đối với điện mặt trời lắp mái thì các tổ chức, cá nhân tự đầu tư theo nhu cầu, khả năng. Sở Công thương hiện đang lập đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Thống kê đến tháng 9/2019, toàn địa bàn thành phố có 801 hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 5.255MWp.
b) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp và xây dựng
Về cây xanh đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016, ngành Xây dựng đã tăng cường xã hội hóa phát triển cây xanh với nhiều hình thức như thông qua kêu gọi cá nhân, tổ chức các phong trào, cụ thể như: trồng cây phi lao ven biển Võ Nguyên Giáp, mô hình cà phê sách, phong trào Tết trồng cây, đầu tư vườn dạo tại Khu dân cư An Hòa, quận Cẩm Lệ, đã kêu gọi 02 đơn vị đề xuất phương án triển khai phát triển không gian xanh tại vỉa hè tại một số công trình công cộng.
c) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Giao thông vận tải
UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông thành phố đến năm 2020, có chiến lược sử dụng phương tiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính, Quy hoạch mạng lưới giao thông phi cơ giới như đề xuất các trục đường ưu tiên cho tổ chức giao thông thô sơ (Cải tạo vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng khu phố đi bộ, xây dựng làn đường xe đạp, xây dựng tuyến phố đi xe đạp và đi bộ,...) và xây dựng mạng lưới đường giao thông ưu tiên cho phương tiện thô sơ và người đi bộ, tập trung vào khu đô thị trung tâm và khu du lịch.
Đã đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt đô thị với 175 xe, thực hiện 14 tuyến trong khu vực đô thị, bước đầu tạo thói quen cho người dân trong việc sử dụng xe buýt công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm; sử dụng xăng E5 gần như toàn thành phố cho 100% xe taxi. Đến nay, một số doanh nghiệp đã áp dụng năng lượng tái tạo hoặc phương tiện giao thông xanh, như: Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đưa mô hình thí điểm Trạm sạc điện cho xe ô tô chạy bằng điện kết hợp Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới tòa nhà với tổng công suất 50 kWp, sản lượng năng lượng mặt trời sinh ra trung bình 108 kWh/ngày, đáp ứng được trên 10% sản lượng tiêu thụ cho tòa nhà; Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, nối lưới cục bộ tại cơ sở 2 của Sở Tài nguyên và Môi trường...Đây là những mô hình trình diễn về tiết kiệm năng lượng cũng như phát triển thành phố xanh.
d) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Nông nghiệp
Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, sử dụng nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi phù hợp, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu, hạn chế và loại bỏ dần các máy nông nghiệp lạc hậu tiêu thụ năng lượng.
Tăng cường bố trí cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Tiếp tục chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao và hiệu quả hơn.
Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGap), quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), tăng cường che phủ bằng thảm thực vật.../.
- 1Báo cáo 73/BC-UBND năm 2015 về tổng kết, đánh giá công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2015 và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2Quyết định 5602/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt đề cương đề án Điều tra, đánh giá Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 và cập nhật kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030
- 3Quyết định 187/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Kon Tum
- 1Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
- 2Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do Ban chấp hành Trung ương ban hành
- 3Nghị quyết 08/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành
- 4Luật bảo vệ môi trường 2014
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Quyết định 06/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 7Báo cáo 73/BC-UBND năm 2015 về tổng kết, đánh giá công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2015 và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 8Nghị quyết 73/NQ-CP năm 2016 phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2017 về tăng cường thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 11Quyết định 5602/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt đề cương đề án Điều tra, đánh giá Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 và cập nhật kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030
- 12Công văn 180/BTNMT-KHTC năm 2018 về hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn sự nghiệp) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 13Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 14Quyết định 187/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Kon Tum
Quyết định 2608/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt kết quả "Đánh giá khí hậu thành phố Đà Nẵng"
- Số hiệu: 2608/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/07/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Lê Quang Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra