Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2002/QĐ-BVHTT | Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 26/2002/QĐ-BVHTT NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỎNG VẤN TRÊN BÁO CHÍ
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Văn hoá - Thông tin;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phỏng vấn trên báo chí.
Điều 2. Các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động báo chí chịu trách nhiệm chấp hành Quy chế này.
Điều 3. Quy chế phỏng vấn trên báo chí có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
| Phạm Quang Nghị (Đã ký) |
QUY CHẾ
PHỎNG VẤN TRÊN BÁO CHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2002/QĐ-BVHTT ngày 26 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - thông tin)
Phỏng vấn là thể loại báo chí nhằm cung cấp thông tin cho công chúng thông qua việc đặt câu hỏi của nhà báo và trả lời của người được phỏng vấn.
Để các cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Báo chí, Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành quy định về phỏng vấn trên báo chí như sau:
1. Người phỏng vấn phải là người có đủ tư cách đại diện cho cơ quan báo chí thực hiện việc phỏng vấn.
2. Người phỏng vấn cần thông báo cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và nội dung phỏng vấn. Khi có yêu cầu của người được phỏng vấn, người phỏng vấn phải gửi trước câu hỏi hoặc nói rõ yêu cầu để người được phỏng vấn chuẩn bị. Trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý.
3. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bài viết bằng các thể loại phù hợp. Trường hợp phỏng vấn chỉ nhằm thu thập thông tin, người phỏng vấn có thể viết bài theo yêu cầu của cơ quan báo chí; người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn và chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình.
Đối với những bài phỏng vấn ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ người trả lời phỏng vấn, nếu người được phỏng vấn yêu cầu xem lại nội dung trước khi đăng, phát, cơ quan báo chí và người phỏng vấn không được từ chối yêu cầu đó.
Trường hợp do yêu cầu cần thông tin nhanh, nếu người phỏng vấn, cơ quan báo chí thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời và người được phỏng vấn không có yêu cầu thì không nhất thiết phải gửi bài phỏng vấn cho người được phỏng vấn xem lại.
4. Khi nhận được đề nghị phỏng vấn của cơ quan báo chí hoặc của nhà báo, người được phỏng vấn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện nhiệm vụ phỏng vấn. Người được đề nghị phỏng vấn có thể từ chối trả lời phỏng vấn khi chưa chuẩn bị hoặc không có trách nhiệm và thẩm quyền trả lời.
5. Người được phỏng vấn có thể trả lời bằng văn bản theo câu hỏi đã gửi trước hoặc trả lời trực tiếp cho nhà báo ghi chép, thu nhanh, thu hình để đăng, phát trên báo chí.
6. Khi thực hiện việc biên tập bài trả lời phỏng vấn, cơ quan báo chí và nhà báo không được tự ý thêm bớt, cắt xén nội dung các câu hỏi và trả lời làm sai lệch nội dung của người trả lời phỏng vấn.
Những ý kiến phát biểu không nhằm mục đích trả lời phỏng vấn báo chí tại các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, các cuộc trao đổi, nói chuyện... có nhà báo tham dự thì nhà báo có thể ghi chép, tường thuật, lược thuật để đăng, phát trên báo chí phù hợp với mục đích, yêu cầu thông tin, nhưng không được dùng những ý kiến đó để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.
7. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn đều phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.
Trường hợp nội dung bài phỏng vấn vi phạm Luật Báo chí hoặc các quy định khác của pháp luật thì căn cứ tính chất, mức độ sai phạm và trách nhiệm gây nên sai phạm để xử lý cơ quan báo chí, người phỏng vấn hoặc người trả lời phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Quyết định 26/2002/QĐ-BVHTT về Quy chế phỏng vấn trên báo chí do do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin ban hành
- Số hiệu: 26/2002/QĐ-BVHTT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/09/2002
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
- Người ký: Phạm Quang Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 55
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra