Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 259/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2010
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông Quốc gia đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu
a) Nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông;
b) Tăng cường công tác quản lý chất lượng phương tiện vận tải; nâng cao năng lực cho lực lượng thực hiện thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xử lý các yếu tố gây mất an toàn trong kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện công tác tổ chức giao thông;
c) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tổ chức bộ máy quản lý an toàn giao thông từ trung ương đến địa phương;
d) Phấn đấu hàng năm giảm số người chết do tai nạn giao thông từ 5-7%, số người chết trên 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ giảm từ 6,5 xuống 4,5 vào năm 2010.
2. Nguyên tắc chỉ đạo
a) Công tác tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động giao thông của các ngành, các địa phương;
b) Công tác bảo đảm an toàn giao thông phải được thực hiện đồng bộ, thực hiện từng bước, liên tục, kiên quyết, kiên trì và lâu dài, hướng vào con người để sự nghiệp bảo đảm trật tự an toàn giao thông mang tính bền vững;
c) Công tác bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan chức năng nhà nước và của người tham gia giao thông.
3. Nhiệm vụ
a) Các nhiệm vụ của Đề án được chia thành các nhóm, bao gồm:
- Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông;
- Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông;
- Quản lý phương tiện giao thông;
- Đào tạo, quản lý người điều khiển phương tiện;
- Khai thác và tổ chức giao thông vận tải;
- Biện pháp cưỡng chế thi hành luật về an toàn giao thông;
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông;
- Giáo dục an toàn giao thông trong trường học;
- Các biện pháp giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông.
b) Danh mục các dự án, cơ quan chủ trì, dự kiến kinh phí, thời gian thực hiện, thứ tự ưu tiên của từng dự án được ghi trong Danh mục các nhiệm vụ của “Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến năm 2010” ban hành theo Quyết định này;
c) Tổng kinh phí dự kiến thực hiện “Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến năm 2010” là 6.952.985 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác. Kinh phí thực hiện của từng dự án sẽ được xác định trên cơ sở phê duyệt từng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
4. Các giải pháp chính để thực hiện Đề án
a) Nâng cao nhận thức về trật tự an toàn giao thông; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn giao thông; huy động các lực lượng chuyên ở các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu để xây dựng kế hoạch cụ thể; đúng tiến độ, triển khai thực hiện đề án;
b) Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông của Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính; kiện toàn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông ở địa phương theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức phối hợp và tính chuyên nghiệp của tổ chức này;
c) Bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước, vốn vay nước ngoài đang thực hiện và đóng góp khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế;
d) Bảo đảm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đánh giá định kỳ mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là cơ quan chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra thực hiện Đề án này. Các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Cụ thể những nhiệm vụ chính như sau:
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án kiện toàn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và ban An toàn giao thông ở địa phương theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức phối hợp và tính chuyên nghiệp của tổ chức này, thực hiện quý II năm 2008.
2. Bộ Nội vụ
Chủ trì, Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình Chính phủ phê duyệt phương án kiện toàn Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông ở địa phương, thực hiện quý III năm 2008.
3 Bộ Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng mới, bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ phê duyệt từ năm 2008;
b) Xây dựng và trình Chính phủ phương án kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông của Bộ và Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính trong năm 2008;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Bộ Công an nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, Chứng chỉ chuyên môn;
d) Xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải”. Trình Chính phủ trong quý I năm 2008.
đ) Thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn hàng hải; thực hiện các vấn đề về trợ giúp hàng hải, đảm bảo an toàn giao thông hàng hải; tiến hành thường xuyên hàng năm.
e) Thực hiện 03 đề án về tăng cường quản lý công tác đăng kiểm để nâng cao chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy và đường sắt từ năm 2008 đến 2010.
4. Bộ Công an
a) Xây dựng và trình Chính phủ Đề án tăng cường và hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong quý I năm 2008;
b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp quy định việc đăng ký, cấp biển số cho phương tiện cơ giới đường bộ của thương binh và người khuyết tật; thu hồi biển số đăng ký của phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an nghiên cứu việc tăng thời lượng và đa dạng hóa hình thức giảng dạy pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở tất cả các cấp học;
b) Cung cấp trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy: Thực hiện năm 2008;
c) Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy an toàn giao thông tại các trường: Thực hiện từ năm 2008;
d) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tài liệu giảng dạy: Thực hiện từ năm 2008.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, xây dựng và thực hiện đề án “Tuyên truyền về an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thiết chế thông tin cơ sở đến năm 2010;
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông: Thực hiện từ năm 2008.
7. Bộ Y tế
a) Xây dựng quy định hệ thống các trạm cứu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ: thực hiện năm 2008.
b) Tổ chức đào tạo về cấp cứu ban đầu cho các cán bộ y tế tại các trạm cấp cứu tai nạn giao thông: thực hiện từ năm 2008;
c) Nâng cao năng lực cho hệ thống các trạm cấp cứu: thực hiện từ năm 2008;
d) Bổ sung, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện cơ giới: thực hiện năm 2008;
đ) Phổ biến, tuyên truyền về những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, di chứng do tai nạn giao thông trong cộng đồng: Thực hiện từ năm 2008.
8. Bộ Tài chính
a) Bảo đảm kinh phí cho thực hiện các giải pháp của đề án;
b) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hướng dẫn kinh phí thẩm định an toàn giao thông.
9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, trình duyệt và triển khai các dự án của Đề án này.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện các nội dung của đề án có liên quan: Từ năm 2008.
11. Các Tổ chức Chính trị - Xã hội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, … tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục hội viên, đoàn viên việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC
CÁC DỰ ÁN
(ban hành kèm theo Quyết định số 259/2008/QĐ-TTg ngày 04 tháng 03 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)
Đơn vị tính: triệu đồng
TT | Các danh mục | Cơ quan chủ trì | Dự kiến nhu cầu kinh phí |
I | Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT |
|
|
1 | Tuyên truyền về an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010. | Bộ TT-TT | 7.000 |
2 | Tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ điều khiển phương tiện, trước hết là đội ngũ lái xe khách đường bộ. | Bộ GTVT | 5.000 |
3 | Phổ biến tuyên truyền pháp luật trong ngành GTVT | Bộ GTVT | 2.500 |
4 | Phổ biến, tuyên truyền về những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, di chứng do tai nạn giao thông trong cộng đồng | Bộ Y tế | (Có dự án trình riêng) |
5 | Tăng cường công tác giáo dục ATGT trong nhà trường. | Bộ GD&ĐT | 62.185 |
II | Cưỡng chế thi hành pháp luật bảo đảm TTATGT và nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông |
|
|
1 | Trang bị phương tiện giao thông, thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông đường thủy. | Bộ Công an | 1.500.000 |
2 | Xây dựng các trụ sở tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông công cộng cho Cảnh sát đường thủy. | Bộ Công an | 150.000 |
3 | Bổ sung phương tiện giao thông, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ – giai đoạn 2 | Bộ Công an | 800.000 |
4 | Cải tạo, xây dựng trụ sở tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng CSGT đường bộ | Bộ Công an | 250.000 |
5 | Tăng cường và hiện đại hóa trung tâm thông tin chỉ huy CSGT đường bộ ở Cục CSGT ĐB-ĐS và ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. | Bộ Công an | 100.000 |
6 | Trang bị Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. | Bộ Công an | 500.000 |
7 | Tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn Hà Nội – Lạng Sơn. | Bộ Công an | 10.000 |
8 | Trang bị phương tiện giao thông, thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát trật tự làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông công cộng | Bộ Công an | 550.000 |
9 | Xây dựng các trụ sở tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông công cộng cho Cảnh sát trật tự. | Bộ Công an | 140.000 |
11 | Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải | Bộ GTVT | 1.000.000 |
12 | Xây dựng trường Trung học chuyên ngành Cảnh sát giao thông (cho cả đường bộ và đường thủy). | Bộ Công an | 350.000 |
III | Nâng cao hiệu quả an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải |
|
|
1 | Dự án nâng cao an toàn bến khách ngang sông | Bộ GTVT | 900.000 |
2 | Dự án lập lại trật tự hành lang ATGT đường thủy nội địa | Bộ GTVT | 500.000 |
3 | Tăng cường an toàn KCHT hàng hải; Thông tin hàng hải | Bộ GTVT | 5.000 |
IV | Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện GTVT |
|
|
1 | Một số giải pháp tăng cường quản lý công tác đăng kiểm để nâng cao chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy | Bộ GTVT | 12.100 |
2 | Một số giải pháp tăng cường quản lý công tác kiểm định nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ tham gia giao thông | Bộ GTVT | 80.000 |
3 | Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý kiểm định nâng cao chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông | Bộ GTVT | 2.200 |
V | Người điều khiển phương tiện |
|
|
1 | Dự án nâng cao năng lực cơ sở đào tạo Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ | Bộ GTVT | 20.000 |
VI | Quản lý khai thác và tổ chức giao thông vận tải |
|
|
1 | Nâng cao an toàn hoạt động phương tiện hỗ trợ lai dắt hàng hải | Bộ GTVT | 500 |
2 | Nâng cao an toàn hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản | Bộ GTVT & Bộ NNPTNT | 5.000 |
VII | Giảm thiệt hại do TNGT xảy ra |
|
|
1 | Xây dựng quy định hệ thống các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ | Bộ Y tế | (Có dự án trình riêng) |
2 | Nâng cao năng lực cho hệ thống các trạm cấp cứu tai nạn giao thông | Bộ Y tế | (Có dự án trình riêng) |
3 | Đào tạo về cấp cứu ban đầu cho các cán bộ y tế tại các trạm cấp cứu tai nạn giao thông | Bộ Y tế | (Có dự án trình riêng) |
4 | Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải | Bộ GTVT | 1.500 |
| Tổng cộng |
| 6.952.985 |
Quyết định 259/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quốc gia đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 259/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/03/2008
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 167 đến số 168
- Ngày hiệu lực: 04/03/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra