Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2581/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG TRỌNG TÂM TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIAI ĐOẠN 2022-2026 CỦA BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2022-2026 của Bộ Tư pháp như sau:

1. Nghiên cứu giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

- Đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện hệ thống pháp luật được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhằm xây dựng được hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả,

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế theo dõi và đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm sự gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, tính nghiêm minh và nhất quán trong thực hiện pháp luật; Giải pháp, lộ trình thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW đến năm 2030 thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; Giải pháp, kế hoạch gắn kết chương trình truyền thông chính sách, pháp luật và tuyên truyền, phổ biến về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Đề xuất định hướng và các giải pháp phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, nhất là việc thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Thi hành án dân sự,... Hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật.

- Đề xuất giải pháp đổi mới công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp và các nhiệm vụ được Chính phủ phân công, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

2. Nghiên cứu đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy và kiện toàn nhân lực, hiện đại hóa ngành Tư pháp phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm tính thông suốt, thống nhất trong quản lý, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp từ Trung ương tới cơ sở, theo đúng tinh thần “Đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”.

- Nghiên cứu, đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (lý lịch tư pháp, giao dịch bảo đảm, quốc tịch, hộ tịch,...), nhất là trong bối cảnh triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

- Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý (luật sư, công chứng, chứng thực, đấu giá tài sản,...) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Đề xuất các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật.

3. Nghiên cứu tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội svà Chính phủ số đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tchức thực thi pháp luật

- Nghiên cứu, nhận diện phạm vi, mức độ và những khía cạnh tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới những thành tố và lĩnh vực cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh pháp luật đối với những vấn đề phát sinh từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó rút ra những bài học Việt Nam, kịp thời cung cấp thông tin có liên quan tới các cơ quan có thẩm quyền.

- Đề xuất các định hướng, giải pháp cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và Chính phủ số.

4. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp

- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, kịp thời đề xuất giải pháp điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tìm phương án thực thi hiệu quả nhất đối với Việt Nam.

- Đề xuất giải pháp hiện thực hóa chủ trương thúc đẩy sự tham gia và hiện diện của chuyên gia pháp luật Việt Nam trong các thiết chế pháp luật quốc tế.

- Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác tư pháp và pháp luật với các nước trong khu vực và thế giới, phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập, nhất là các vấn đề pháp lý phát sinh trong Cộng đồng ASEAN, WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu về tư pháp quốc tế.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng luật so sánh trong xây dựng và thi hành pháp luật ở Việt Nam, cập nhật kịp thời các xu hướng cải cách trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của các nước trên thế giới.

- Tăng cường nghiên cứu hệ thống pháp luật, mô hình tổ chức của các cơ quan tư pháp trên thế giới và khu vực để có các sáng kiến, nội dung, giải pháp thúc đẩy hợp tác hiệu quả, thực chất, bền vững, đồng thời tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Bộ, ngành Tư pháp.

5. Chú trọng các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, góp phần phát triển nền khoa học pháp lý của Việt Nam

- Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; tiếp thu chọn lọc thành tựu khoa học pháp lý trên thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

- Nghiên cứu các giải pháp góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, của Hiến pháp và pháp luật, hoàn thiện cơ chế phân công rành mạnh, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chú trọng nghiên cứu khoa học cơ bản về những vấn đề đòi hỏi có sự thay đổi trong nhận thức khi sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật.

Điều 2. Căn cứ vào định hướng trọng tâm trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2022-2026 của Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp cơ sở hàng năm để triển khai thực hiện phù hợp với định mức bố trí kinh phí của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời kịp thời tham mưu bổ sung, điều chỉnh định hướng nghiên cứu theo yêu cầu công tác của Bộ, ngành Tư pháp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các Thứ trưởng (để biết, chỉ đạo);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để b/c);
- Cổng thông tin điện tử BTP (để đăng tin);
- Lưu: VT, VKHPL.

BỘ TRƯỞNG




L
ê Thành Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2581/QĐ-BTP năm 2022 phê duyệt định hướng trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2022-2026 của Bộ Tư pháp

  • Số hiệu: 2581/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Lê Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản