Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 258/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ PHÁP CHẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ,

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Pháp chế là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và tổ chức thực hiện công tác pháp chế theo quy định của pháp luật.

Vụ Pháp chế có tên giao dịch quốc tế là: Department of Legal Affairs, viết tắt là DoLA.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về công tác xây dựng pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật dài hạn, hàng năm của Bộ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo phân công của Bộ trưởng; hướng dẫn phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động cho các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;

c) Chủ trì thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành;

d) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý và đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất để Bộ trưởng tham gia ý kiến với tư cách thành viên Chính phủ hoặc góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xin ý kiến theo phân công của Bộ trưởng;

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị ý kiến của Bộ về tác động xã hội đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

g) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị theo dõi, tổng kết và trình Bộ việc sửa đổi, bổ sung bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch; thực hiện kế hoạch ra soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

3. Về công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch; thực hiện kế hoạch hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng; xây dựng chế độ báo cáo kết quả hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ;

c) Cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành hoặc chủ trì soạn thảo, văn bản hợp nhất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và phối hợp với các đơn vị liên quan đăng tải trên công báo của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định.

4. Về công tác pháp luật quốc tế:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng trong việc nghiên cứu, đề xuất gia nhập, phê chuẩn điều ước quốc tế;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng trong việc nội luật hóa nội dung điều ước quốc tế vào pháp luật Việt Nam;

c) Báo cáo việc thực hiện công ước quốc tế định kỳ hoặc theo yêu cầu; d) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến pháp luật quốc tế theo phân công của Bộ.

5. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Chủ trì lập chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm trình Bộ trưởng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

6. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

7. Về công tác tham mưu các vấn đề pháp lý, tham gia tố tụng và bồi thường nhà nước:

a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, có ý kiến về mặt pháp lý đối với quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Bộ trưởng, các chương trình, dự án của Bộ theo quy định của pháp luật khi được Lãnh đạo Bộ yêu cầu và phân cấp quản lý của Bộ;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Bộ trưởng về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Bộ theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Bộ trưởng;

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

8. Về pháp luật xử lý vi phạm hành chính:

a) Chủ trì giúp Bộ trưởng theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ;

b) Chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm của Bộ theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng giao.

9. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ theo quy định của pháp luật:

10. Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế đối với các Cục, Tổng cục thuộc Bộ và cơ quan chuyên môn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

11. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ.

12. Thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác quốc tế về pháp luật theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.

13. Tham gia nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng công chức theo phân công của Bộ.

14. Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về đánh giá tình hình công tác pháp chế trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

15. Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất với Bộ trưởng khen thưởng hoặc trình Bộ trưởng đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.

16. Quản lý công chức, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

17. Thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức pháp chế bộ, ngành và các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Vụ Pháp chế có Vụ trưởng, không quá 03 Phó Vụ trưởng và một số công chức.

2. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của Vụ; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với công chức trong Vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1676/QĐ-LĐTBXH ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế.

Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng; (đã ký)
- Cổng TTĐT của Bộ; 
- Lưu VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 258/QĐ-LĐTBXH năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 258/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/03/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đào Ngọc Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản