Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2534/QĐ-BNN-TCCB | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2011 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 23/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Công văn số 5080/BKHĐT-CLPT ngày 02/8/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn hoàn thiện, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành và địa phương giai đoạn 2011 - 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
a) Phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Ngành.
b) Phát triển nhân lực Ngành phải có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn.
c) Phát triển nhân lực Ngành phải đảm bảo tính hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo từng lĩnh vực thuộc Ngành, từng vùng, miền, lãnh thổ.
d) Phát triển nhân lực Ngành phải gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Ngành về mặt nhân lực, nhằm xác định quan điểm, phương hướng và các giải pháp phát triển nhân lực của Ngành đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và trình độ, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hóa Ngành và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời làm căn cứ để các cấp lãnh đạo thuộc Ngành xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của đơn vị mình và kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm và hàng năm.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong toàn Ngành bằng các hình thức và trình độ đào tạo khác nhau từ 15,5 % năm 2010 lên 50 % vào năm 2020.
- Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực của Ngành ở mọi lĩnh vực, vùng, miền, đảm bảo đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý về trình độ đào tạo và chuyên môn, có chất lượng cơ bản ngang tầm các nước trung bình trong khu vực, từng bước đáp ứng các yêu cầu của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; đồng thời ưu tiên phát triển những lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh, hoặc các lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia, các lĩnh vực có sức thu hút nhân lực thấp.
- Phát triển hợp lý mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực cho Ngành và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên đủ điều kiện đào tạo nhân lực các trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020
1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo và lĩnh vực kinh tế thuộc Ngành
Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong toàn Ngành với cơ cấu hợp lý. Tổng số nhân lực qua đào tạo vào năm 2015 đạt khoảng 7 triệu người (bằng 28% trong tổng số 25 triệu người làm việc trong toàn Ngành) và đạt khoảng 12 triệu người vào năm 2020 (bằng 50% trong tổng số 24 triệu người làm việc trong toàn Ngành). Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo các trình độ so với tổng nhân lực làm việc trong lĩnh vực thủy sản tăng từ mức 28,4% năm 2010 lên khoảng 45% vào năm 2015 và khoảng 68% vào năm 2020.
Đẩy mạnh đào tạo nghề các cấp trình độ, đặc biệt coi trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu hàng năm đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên trung bình cho 300.000 lao động nông thôn, đảm bảo trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề vào năm 2015 đạt khoảng 6,5 triệu người (chiếm gần 93%), năm 2020 đạt khoảng 11,2 triệu người (chiếm gần 93%); số nhân lực đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo năm 2015 đạt khoảng 0,5 triệu người (chiếm trên 7%), năm 2020 đạt khoảng 0,8 triệu người (chiếm gần 7%).
Về cơ cấu trình độ đào tạo, năm 2015, số nhân lực đã qua đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên đạt khoảng 5,1 triệu người, chiếm khoảng 73% tổng số nhân lực qua đào tạo trong toàn Ngành; con số tương ứng của bậc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là khoảng 1,33 triệu người (chiếm khoảng 19%); bậc cao đẳng, cao đẳng nghề: 0,45 triệu người (chiếm 6,4%); bậc đại học: khoảng 0,1 triệu người (chiếm 1,4%); và bậc trên đại học khoảng 17 nghìn người (khoảng 0,24%). Năm 2020: số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên khoảng 8,34 triệu người, chiếm khoảng 69,5% tổng số nhân lực qua đào tạo của toàn Ngành; con số tương ứng của bậc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là khoảng 2,7 triệu người (chiếm khoảng 22,5%); bậc cao đẳng, cao đẳng nghề: 720 nghìn người (khoảng 10,3%); bậc đại học: 200 nghìn người (khoảng 2,86%); và bậc trên đại học 40 nghìn người (khoảng 0,57%).
Về cơ cấu nhân lực toàn Ngành, năm 2010 tổng số nhân lực toàn Ngành có khoảng 24,9 triệu người (chiếm khoảng 51% tổng nhân lực trong nền kinh tế cả nước), năm 2015 có khoảng 25 triệu người (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực trong nền kinh tế cả nước) và năm 2020 có khoảng 24 triệu người (chiếm khoảng 38% tổng số nhân lực trong nền kinh tế cả nước), trong đó:
- Tổng số nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2010 có khoảng 20,32 triệu người (chiếm khoảng 81,6% trong tổng số 24,9 triệu nhân lực toàn Ngành), năm 2015 có khoảng 19,94 triệu người (chiếm khoảng 79,8% trong tổng số 25 triệu nhân lực toàn Ngành) và năm 2020 có khoảng 18,65 triệu người (chiếm khoảng 77,7% trong tổng số 24 triệu nhân lực toàn Ngành).
- Tổng số nhân lực làm việc trong lĩnh vực kinh tế phát triển nông thôn (gồm kinh tế nông hộ, quản lý trang trại, thị trường nông sản) năm 2010 có khoảng 500 nghìn người (khoảng 2% tổng số nhân lực toàn Ngành), năm 2015 có khoảng 500 nghìn người (khoảng 2% tổng số nhân lực toàn Ngành) và tới năm 2020 có khoảng 550 nghìn người (khoảng 2,3% tổng nhân lực toàn Ngành).
- Tổng nhân lực làm việc trong lĩnh vực thủy lợi năm 2010 có khoảng 1,25 triệu người (chiếm khoảng 5% tổng số nhân lực toàn Ngành), năm 2015 có khoảng 1,30 triệu người (khoảng 5,2% tổng số nhân lực toàn Ngành) và năm 2020 có khoảng 1,40 triệu người (khoảng 5,8% tổng số nhân lực toàn Ngành).
- Tổng nhân lực làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp năm 2010 có khoảng 1,0 triệu người (chiếm khoảng 4% tổng số nhân lực toàn Ngành), năm 2015 có khoảng 1,06 triệu người (khoảng 4,2% tổng số nhân lực toàn Ngành) và năm 2020 có khoảng 1,10 triệu người (khoảng 4,6% tổng nhân lực toàn Ngành).
- Tổng nhân lực làm việc trong lĩnh vực thủy sản năm 2010 có khoảng 1,83 triệu người (chiếm khoảng 7,4% tổng số nhân lực toàn Ngành), năm 2015 có khoảng 2,20 triệu người (khoảng 8,8% tổng số nhân lực toàn Ngành) và năm 2020 có khoảng 2,30 triệu người (khoảng 9,6% tổng số nhân lực toàn Ngành).
Quy hoạch đào tạo nhân lực cụ thể như sau:
a) Giai đoạn 2011 - 2015
Trong 5 năm, từ 2011 - 2015, thực hiện đào tạo cho Ngành tổng số 682.750 người các cấp trình độ từ sơ cấp đến tiến sỹ, trong đó: lĩnh vực lâm nghiệp: 68.000 người, nông nghiệp: 412.750 người, thủy lợi: 123.000 người, thủy sản: 79.000 người. Bình quân hàng năm đào tạo 136.550 người, cụ thể như sau:
Bình quân mỗi năm đào tạo 300 tiến sỹ (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 40 tiến sỹ/năm, nông nghiệp: 130 tiến sỹ/năm, thủy sản: 50 tiến sỹ/năm, thủy lợi: 80 tiến sỹ/năm); đào tạo 2.720 thạc sỹ/năm (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 260 thạc sỹ/năm, nông nghiệp: 1.680 thạc sỹ/năm, thủy lợi: 480 thạc sỹ/năm, thủy sản: 300 thạc sỹ/năm); đào tạo 14.480 kỹ sư/năm (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 1.780 kỹ sư/năm, nông nghiệp: 11.390 kỹ sư/năm, thủy lợi: 3.250 kỹ sư/năm, thủy sản:
2.060 kỹ sư/năm); đào tạo 26.500 người trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề/năm (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 2.540 người/năm, nông nghiệp: 16.270 người/năm, thủy lợi: 4.650 người/năm, thủy sản: 2.950 người/năm); đào tạo 35.350 người trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề/năm (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 3.390 người/năm, nông nghiệp: 21.840 người/năm, thủy lợi: 6.200 người/năm, thủy sản: 3.920 người/năm); đào tạo 57.200 nhân viên kỹ thuật trình độ sơ cấp/năm (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 5.500 người/năm, nông nghiệp: 35.250 người/năm, thủy lợi: 10.070 người/năm, thủy sản: 6.380 người/năm).
b) Giai đoạn 2016 - 2020
Trong 5 năm, từ 2016 - 2020, thực hiện đào tạo cho Ngành tổng số 556.800 người các cấp trình độ từ sơ cấp đến tiến sỹ, trong đó: lĩnh vực lâm nghiệp: 65.300 người, nông nghiệp: 320.200 người, thủy lợi: 70.300 người, thủy sản: 101.000 người. Bình quân hàng năm thực hiện đào tạo 111.355 người, cụ thể như sau:
Bình quân mỗi năm đào tạo 185 tiến sỹ (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 35 tiến sỹ/năm, nông nghiệp: 60 tiến sỹ/năm, thủy lợi: 50 tiến sỹ/năm, thủy sản: 40 tiến sỹ/năm); đào tạo 2.520 thạc sỹ (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 260 thạc sỹ/năm, nông nghiệp: 1.500 thạc sỹ/năm, thủy lợi: 410 thạc sỹ/năm, thủy sản 350 thạc sỹ/năm); đào tạo 18.000 kỹ sư (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 1.940 kỹ sư/năm, nông nghiệp: 10.330 kỹ sư/năm, thủy lợi: 3.080 kỹ sư/năm, thủy sản: 2.650 kỹ sư/năm); đào tạo 25.125 cử nhân trình độ cao đẳng (trong đó lĩnh vực lâm nghiệp: 2.595, nông nghiệp: 14.900, thủy lợi: 4.100, thủy sản: 3.530); đào tạo 28.550 kỹ thuật viên trình độ trung cấp (trong đó: lĩnh vực lâm nghiệp: 3.240, nông nghiệp: 15.760, thủy lợi: 5.130, thủy sản: 4.420); đào tạo 36.975 nhân viên kỹ thuật viên trình độ sơ cấp (trong đó: lâm nghiệp: 4.210, nông nghiệp: 20.355, thủy lợi: 6.670, thủy sản: 5.740).
c) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ:
Ngoài số lượng và cơ cấu nhân lực được đào tạo theo quy hoạch ở trên (tại điểm a và b), trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, đào tạo nghề nông nghiệp (bao gồm các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản) cho 1.600.000 triệu lao động nông thôn (trung bình đào tạo 330.000 người/năm). Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.400.000 lao động nông thôn (trung bình đào tạo 280.000 nghìn người/năm).
2. Phát triển nhân lực theo một số chủ thể tham gia phát triển
a) Đội ngũ công chức, viên chức của Ngành
- Khối Trung ương
Đội ngũ công chức, viên chức khối Trung ương của Ngành đến năm 2015 có khoảng 25 nghìn người, trong đó, tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 85%; đến năm 2020 có khoảng 28,6 nghìn người trong đó, tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 90%.
Tỷ lệ công chức, viên chức khối Trung ương cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015: khoảng 50%, thời kỳ 2016 - 2020: khoảng 65%.
- Khối địa phương
Đội ngũ công chức, viên chức khối địa phương của Ngành đến năm 2015 có khoảng 99 nghìn người, trong đó, tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 65%; đến năm 2020, có khoảng 113 nghìn người, trong đó, tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 70%.
Tỷ lệ công chức, viên chức khối địa phương cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015: khoảng 35%, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 45%.
b) Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ
Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ của Ngành đến năm 2015 có khoảng 5,5 nghìn người, trong đó, tỷ lệ người có trình độ trên đại học chiếm khoảng 35%; đến năm 2020 có khoảng 6,5 nghìn người, trong đó, tỷ lệ người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chiếm khoảng 45%.
c) Đội ngũ giáo viên, giảng viên của Ngành
- Đội ngũ giáo viên, giảng viên hệ giáo dục - đào tạo (trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và trên đại học)
Đội ngũ giảng viên, giáo viên hệ giáo dục - đào tạo của Ngành đến năm 2015 có khoảng 2,8 nghìn người, trong đó tỷ lệ người có trình độ trên đại học chiếm khoảng 45%; đến năm 2020 có khoảng 3,4 nghìn người, trong đó người có trình độ trên đại học chiếm khoảng 60%.
Tỷ lệ giảng viên, giáo viên hệ giáo dục - đào tạo cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 15% (trong đó giảng viên bậc đại học chiếm khoảng 5%), thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 10% (trong đó giảng viên bậc đại học chiếm khoảng 6%).
- Đội ngũ giảng viên, giáo viên hệ dạy nghề (cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề)
Đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề của Ngành đến năm 2015 có khoảng 2,2 nghìn người, trong đó 100% giảng viên, giáo viên dạy được theo phương pháp tích hợp lý thuyết và thực hành, 35% người có trình độ thạc sỹ trở lên; đến năm 2020 có khoảng 2,7 nghìn người, 50% người có trình độ thạc sỹ trở lên.
Tỷ lệ giáo viên, giảng viên dạy nghề cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015: khoảng 30%, thời kỳ 2016 - 2020: khoảng 25%.
d) Đội ngũ lao động làm việc tại các doanh nghiệp của Ngành (gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty, nông, lâm trường trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn)
Lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp của Ngành đến năm 2015 có khoảng 340 nghìn người, trong đó tỷ lệ người qua đào tạo cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trở lên khoảng 80%; đến năm 2020 có khoảng 380 nghìn người, trong đó tỷ lệ người qua đào tạo cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trở lên khoảng 85%.
Tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015: khoảng 35%, thời kỳ 2016 - 2020: khoảng 30%.
e) Đội ngũ lao động trực tiếp làm nông nghiệp ở nông thôn (tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ nông dân)
Lực lượng lao động đang làm nông nghiệp ở nông thôn có khoảng 24,50 triệu người (chiếm khoảng 98,4% tổng nhân lực toàn Ngành); đến năm 2015 có khoảng 24,54 triệu người (khoảng 98,1% tổng nhân lực toàn Ngành), trong đó tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên trở lên khoảng 25 - 26%; đến năm 2020 còn khoảng 23,48 triệu người (khoảng 97,8% tổng nhân lực toàn Ngành), trong đó tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên trở lên chiếm khoảng 47 - 48%.
Tỷ lệ người lao động làm nông nghiệp ở nông thôn cần đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên trở lên thời kỳ từ năm 2011 - 2015 khoảng 8 - 10%, thời kỳ từ năm 2016 - 2020 khoảng 7 - 8% tổng số người lao động nông nghiệp ở nông thôn.
3. Phát triển nhân lực theo các vùng kinh tế - xã hội
a) Vùng Trung du và Miền Núi phía Bắc
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 5,13 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng trên 7 - 8%/năm, đạt khoảng 1,3 triệu người (tăng 0,37 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 25,2% tổng số nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 5,197 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng gần 8%/năm, đạt khoảng 1,9 triệu người (tăng 0,6 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 37% tổng nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực của vùng là: Sản xuất, chế biến các loại nông - lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao (chè, hồi, quế, nguyên liệu giấy, các loại dược liệu quý, sữa bò...), trồng, bảo tồn, khai thác và bảo vệ rừng…
b) Vùng Đồng bằng Sông Hồng
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 4,936 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 8%/năm, đạt khoảng gần 2 triệu người (tăng 0,572 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 40,5% tổng số nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 4,812 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 8 - 9%/năm, đạt khoảng 3,8 triệu người (tăng 1,8 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 79% tổng nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các lĩnh vực mũi nhọn của vùng như: Sản xuất, chế biến nông, lâm sản; sinh vật cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, thủy lợi…
c) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 6,103 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 7%/năm, đạt khoảng 2 triệu người (tăng 0,62 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 32,8% tổng số nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 6,262 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 8%/năm, đạt khoảng 3 triệu người (tăng 1 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 47,9% tổng nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực của Ngành trong vùng là: Sản xuất, chế biến nông, lâm sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản; cơ khí nông lâm nghiệp, thủy sản (đóng và sửa chữa tàu, thuyền, sửa chữa máy nông nghiệp...), công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, thủy lợi...
d) Vùng Tây Nguyên
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 2,207 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 5%/năm, đạt khoảng 580 nghìn người (tăng 180 nghìn người so với năm 2010) và chiếm khoảng 22,8% tổng số nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 2,233 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 7%/năm, đạt khoảng 780 nghìn người (tăng 200 nghìn người so với năm 2015) và chiếm khoảng 35% tổng nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng là: chế biến nông, lâm sản; trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều; trồng, bảo tồn, khai thác và bảo vệ rừng...
e) Vùng Đông Nam Bộ
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 1,397 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 6%/năm, đạt khoảng 500 nghìn người (tăng hơn 115 người so với năm 2010) và chiếm khoảng 35,8% tổng số nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 1,362 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 7%/năm, đạt khoảng 1 triệu người (tăng 500 người so với năm 2015) và chiếm khoảng 73,4% tổng nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Giai đoạn 2011 - 2020, tập trung đào tạo đủ nhân lực có chất lượng cho các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phục vụ công nghiệp, xuất khẩu, như trồng, chế biến cao su, điều, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc giá trị kinh tế cao; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản…
g) Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 5,620 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 6%/năm, đạt khoảng 1 triệu người (tăng 0,286 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 17,8% tổng số nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng có khoảng 5,905 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 7%/năm, đạt khoảng 2,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 42,3% tổng nhân lực của Ngành làm việc trong vùng.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, tập trung đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng như: công nghiệp đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản xuất khẩu; chế biến lâm sản xuất khẩu; trồng, chế biến rau quả; chăn nuôi, chế biến thịt gia súc, gia cầm; cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy hải sản và đào tạo nhân lực vùng ven biển trong biến đổi khí hậu...
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực đối với phát triển bền vững Ngành và đất nước
- Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực (số lượng đông, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp...) thành lợi thế (chủ yếu qua đào tạo), là nhiệm vụ của toàn Ngành và toàn xã hội, mang tính xã hội (của các cấp lãnh đạo, của nhà trường, của doanh nghiệp và của gia đình cũng như bản thân mỗi người lao động trong Ngành). Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn…; vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.
2. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực
- Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý về phát triển nhân lực của Ngành.
- Có bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi, thu thập thông tin về cung - cầu nhân lực nông nghiệp trên địa bàn cả nước, góp phần cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.
- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ sở đào tạo và các chủ thể tham gia phát triển nhân lực.
- Thực hiện chính sách của Nhà nước và có các chính sách, cơ chế riêng phù hợp để phát triển nhân lực nông nghiệp, trong đó, bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, cơ chế thị trường, chính sách việc làm, thu nhập và các điều kiện sinh sống… đồng thời có chính sách ưu tiên đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài.
- Đổi mới cơ chế tổ chức sử dụng cán bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo cơ hội tuyển dụng cán bộ một cách công bằng, minh bạch và chi phí thấp cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là những người xuất thân từ khu vực nông thôn để họ có cơ hội được tham gia bộ máy quản lý, hoạt động sự nghiệp, cơ quan đoàn thể... của Nhà nước ở tất cả các cấp.
- Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với cán bộ nhà nước làm việc tại khu vực nông thôn tạo điều kiện ăn ở ổn định cho cán bộ.
- Mở rộng thị trường lao động kỹ thuật ở nông thôn thông qua các chính sách đối với cán bộ làm dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn như: miễn thuế kinh doanh, cho vay vốn, ưu đãi cho thuê đất...; đối với cán bộ làm công tác kỹ thuật cho hợp tác xã, trang trại... được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến nông tại địa phương; đối với những ngành sản xuất có điều kiện thì gắn cán bộ khuyến nông với hoạt động cụ thể của các cơ sở (trả lương, đánh giá cán bộ và các quyền lợi khác... cho cán bộ); đối với các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn nông thôn sử dụng cán bộ kỹ thuật được tính khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và được tham gia sử dụng kinh phí của hoạt động khuyến nông.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ kỹ thuật ngoài công lập (trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm tư vấn...) bằng cách áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt như: giảm hoặc miễn thuế, cho thuê đất ưu đãi, cho vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật... nhằm thu hút sử dụng được nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý.
- Hoàn thiện, đổi mới hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong toàn Ngành; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực thu hút nhân lực, nhân tài cho Ngành.
3. Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngành, đất nước và hội nhập quốc tế
a) Đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề
- Khuyến khích các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở lấy đào tạo các ngành nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn làm trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa nguồn nhân lực cho Ngành và nhu cầu học tập của nhân dân.
- Thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề trong toàn Ngành, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các lĩnh vực kinh tế của Ngành, các vùng, các địa phương; đề nghị Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư thành lập, nâng cấp các trường đại học, học viện, cao đẳng, dạy nghề nông nghiệp trên các địa bàn có nhu cầu nhân lực cao hoặc còn thiếu cơ sở đào tạo, như: các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, các vùng và trong cả nước.
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ đề nghị thành lập mới ít nhất 01 trường đại học thủy sản thuộc Bộ đặt tại đồng bằng sông Cửu Long theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và một số trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề theo yêu cầu phát triển nhân lực của từng vùng, từng địa phương; đề nghị để chuyển Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về trực thuộc Bộ, chuyển đổi hai trường cán bộ quản lý thuộc Bộ thành hai học viện đào tạo phát triển nông thôn. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề còn lại sẽ được đề nghị nâng cấp toàn diện nhằm nâng cao năng lực, quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo, đảm bảo 100% trường đạt chuẩn quốc gia có thể đào tạo được một số ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
- Giao nhiệm vụ, động viên các trường, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ, doanh nghiệp, nông lâm trường, làng nghề trong toàn Ngành tích cực thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp có hiệu quả giữa công tác đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
- Từng bước thực hiện chính sách cấp phát ngân sách căn cứ theo quy mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo, tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ trong đào tạo phát triển nhân lực đối với các cơ sở đào tạo trong toàn Ngành.
- Tăng cường kết hợp hoạt động giữa các viện nghiên cứu với các trường đại học, cao đẳng nhằm gắn kết công tác nghiên cứu - đào tạo - khuyến nông cả về đội ngũ cán bộ, trang thiết bị và kinh phí.
b) Thực hiện chính sách ưu tiên đối với người học nhằm thu hút học sinh, sinh viên học các ngành, nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên hiện có của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên, thời gian tới, cần nghiên cứu để đề nghị Nhà nước ban hành các chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh, sinh viên nông nghiệp và phát triển nông thôn sau:
- Hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên từ các vùng nông thôn khó khăn tham gia các lớp học dự bị để có thể vượt qua các kỳ thi tuyển đảm bảo chất lượng tương đương với học sinh từ các vùng khác.
- Có chính sách về học phí, học bổng hợp lý cho học sinh, sinh viên nghèo ở những vùng khó khăn;
- Có chính sách ưu tiên về học phí, học bổng và ưu tiên trong tuyển sinh đối với học sinh, sinh viên học các ngành, nghề nông nghiệp mà xã hội có nhu cầu cao, nhưng thị trường lao động không thuận lợi, sức thu hút học sinh thấp như: khai thác thủy hải sản, nuôi trồng thủy hải sản trên biển, quản lý tài nguyên rừng và môi trường, lâm sinh, sản xuất muối.
- Mở rộng quỹ cho vay tín dụng và nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay đối với học sinh, sinh viên nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhu cầu vay vốn.
c) Thực hiện chính sách đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên và các cơ sở đào tạo nông nghiệp và phát triển nông thôn Thực hiện có hiệu quả chính sách hiện có của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo thuộc Ngành, ngoài ra để nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn, sẽ đề nghị Nhà nước cho thực hiện:
- Áp dụng chế độ ưu đãi ở mức cao nhất đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản lý, như giảm hoặc miễn thuế kinh doanh, cho thuê đất ưu đãi, cho vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo giáo viên và xây dựng giáo trình. Cho các cơ sở này được hưởng các chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo (ví dụ được cấp bù học phí cho các đối tượng được Nhà nước ưu tiên) để thu hút học viên.
- Chuyển việc cấp kinh phí của Nhà nước hỗ trợ cho đào tạo từ cơ chế phân bổ trực tiếp ngân sách cho các cơ sở đào tạo sang cấp kinh phí cho học viên (ví dụ: học bổng, thẻ đào tạo…) để tạo quan hệ tích cực chủ động và cạnh tranh giữa khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ.
- Thực hiện chính sách ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên:
+ Xét tuyển trực tiếp các giảng viên, giáo viên có trình độ cao (đào tạo từ các trường có uy tín, có bằng cấp có chất lượng, đã có công trình nghiên cứu có giá trị…) và giao trách nhiệm quản lý, đào tạo xứng đáng với trình độ của giáo viên không theo các cơ chế ràng buộc thông thường về thời gian công tác, ngạch bậc...;
+ Lựa chọn các học sinh thực sự xuất sắc (đỗ thủ khoa, đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế...) để cấp học bổng đào tạo sau đại học ở các trường đại học quốc tế có danh tiếng nhằm bổ sung lực lượng cho đội ngũ giảng viên, giáo viên.
+ Với các giảng viên, giáo viên có thành tích nổi bật trong công tác đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ (có nhiều công trình được công bố, nhiều học viên, sinh viên xuất sắc, ra trường được xã hội đánh giá cao, có nhiều thành tích trong nghiên cứu và sản xuất…) thì được ưu tiên nâng lương, học tập nâng cao trình độ, đề bạt lên các vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn và được ưu tiên cấp vốn/hỗ trợ kinh phí nghiên cứu.
+ Có chính sách khuyến khích giảng viên, giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa và chính sách ưu tiên bố trí công tác sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
- Nâng cao chất lượng giáo trình: thành lập Hội đồng xây dựng giáo trình cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp & PTNT) nhằm xác định tiêu chí, tiêu chuẩn và nội dung định hướng của giáo trình các môn học chính. Các trường có trách nhiệm và được quyền chủ động xây dựng giáo trình đảm bảo sát với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tiễn; giáo viên giảng dạy chịu trách nhiệm xây dựng giáo trình cho môn học của mình dưới sự giám sát của Hội đồng này và cơ quan chủ quản.
- Ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển các đơn vị đào tạo theo chương trình đào tạo suốt đời cho giáo viên và cán bộ ngành nông nghiệp nông thôn trong các trường và học viện. Ngoài chương trình đào tạo cấp bằng trong các cơ sở đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao thường xuyên cho giáo viên và học viên.
Chương trình này sẽ hợp tác thường xuyên với các doanh nghiệp, trang trại, khu công nghệ cao, viện nghiên cứu... để cập nhật, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và quản lý mới nhất, chuyển thành nội dung giảng dạy.
- Dành kinh phí thực hiện các nghiên cứu hàng năm để dự báo về thị trường đào tạo, cung cấp thông tin rộng rãi cho các cơ sở đào tạo. Nội dung gồm tình hình cung cầu các ngành học, xu thế phát triển của KHCN trong và ngoài nước để học viên vào cơ sở đo tạo có thể chủ động lựa chọn hướng đào tạo.
- Ưu tiên cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển đầu tư cho các cơ sở đào tạo nông nghiệp phát triển nông thôn để xây dựng giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, trạm trại thực hành, ký túc xá sinh viên...
d) Đổi mới tiếp cận xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội
- Thực hiện đúng yêu cầu học để làm việc, không phải học chỉ để biết.
- Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội tại mỗi cơ sở đào tạo.
- Xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc đào tạo nhân lực để sử dụng.
- Đổi mới nội dung và phương thức giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
e) Thực hiện kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo tại 100% cơ sở đào tạo thuộc Bộ.
5. Đảm bảo vốn cho phát triển nhân lực a) Dự báo nhu cầu vốn
Căn cứ vào nhu cầu phát triển nhân lực nói chung, quy mô đào tạo và dạy nghề nói riêng, sơ bộ dự báo nhu cầu vốn cho phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020 như sau:
- Tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực (bao gồm cả giáo dục - đào tạo, dạy nghề và các chi phí khác dành cho phát triển nhân lực) cả giai đoạn 2011 - 2020 ước tính khoảng 53 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thời kỳ 2011 - 2015 là 21 nghìn tỷ đồng, và thời kỳ 2016 - 2020 là 32 nghìn tỷ đồng.
b) Huy động các nguồn vốn đảm bảo cho yêu cầu phát triển nhân lực
- Tăng ngân sách nhà nước cho phát triển nhân lực
Về cơ bản, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào công cuộc phát triển nhân lực Ngành đến năm 2020 bên cạnh một số nguồn lực khác.
+ Tăng đầu tư phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm hệ thống đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
+ Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo nhân lực theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện bình đẳng xã hội (hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương).
- Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực.
+ Đối với việc huy động vốn từ người dân: Thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước để tăng cường huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phát triển đào tạo nhân lực, góp vốn...
+ Đối với việc huy động vốn từ các doanh nghiệp và tổ chức: Thực hiện theo quy định chung của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo trong doanh nghiệp nhằm trực tiếp đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hoặc tăng nguồn kinh phí của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực. Mở rộng hình thức đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
+ Đối với việc huy động các nguồn vốn nước ngoài: Tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, FDI, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát triển nhân lực. Tập trung các nguồn vốn ODA, FDI để xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế.
6. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một số trường đạt chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế.
- Ủng hộ việc các cơ sở đào tạo nhân lực cho Ngành phối hợp với các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế đào tạo nhân lực cho Ngành.
- Ủng hộ hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên của Ngành (bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo ở trong và ngoài nước).
- Khuyến khích việc các cơ sở đào tạo hợp tác với các nước có nền giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiên tiến để từng bước tiếp nhận, chuyển giao công nghệ đào tạo, dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế cho Ngành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm và hàng năm để thực hiện Quy hoạch này; hướng dẫn các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của Ngành.
2. Các đơn vị thuộc Bộ thực hiện xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm, kế hoạch phát triển nhân lực hàng năm của đơn vị mình phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực của Ngành và yêu cầu phát triển của đơn vị.
3. Các đơn vị trong Ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm, kế hoạch phát triển nhân lực hàng năm của đơn vị mình phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và có lồng ghép các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Quy hoạch phát triển nhân lực của Ngành.
4. Quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng để cán bộ, nhân viên, lao động trong toàn Ngành và trong cả nước biết, kiểm tra, giám sát và theo dõi trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
5. Các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành định kỳ đánh giá và tổng kết hàng năm tình hình thực hiện Quy hoạch và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời thường xuyên xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, các Tổng cục trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Luật Dạy nghề 2006
- 3Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4Nghị định 75/2009/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 5Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật giáo dục sửa đổi năm 2009
- 7Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Công văn 5080/BKHĐT-CLPT hướng dẫn hoàn thiện, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành và địa phương giai đoạn 2011-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Quyết định 2534/QĐ-BNN-TCCB năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 2534/QĐ-BNN-TCCB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/10/2011
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 575 đến số 576
- Ngày hiệu lực: 26/10/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra