Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
*******

Số : 253/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH MIỀN TÂY TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 3287/TTr-UB ngày 16 tháng 8 năm 2005 về việc xin phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh miền Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010; đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6914 BKH/KTĐP< ngày 07 tháng 10 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh miền Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu phát triển đến năm 2010.

Đưa miền Tây tỉnh Thanh Hóa thoát khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng biên giới; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh biên giới và đảm bảo môi trường bền vững.

2. Phương hướng phát triển đến năm 2010.

- Tăng tốc độ phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng lợi thế so sánh của vùng để tạo ra đột phá về sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp, công nghiệp, mở rộng các hoạt động dịch vụ.

- Vừa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân vùng cao, biên giới với vùng núi thấp, giữa miền núi với miền xuôi. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

- Tập trung các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, bệnh viện, các công trình văn hoá, thể dục thể thao và hạ tầng đô thị miền núi, trong đó ưu tiên phát triển giao thông, thuỷ lợi, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường hơn nữa công tác củng cố quốc phòng, an ninh, phát huy tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, hợp tác xây dựng tuyến biên giới với nước bạn Lào ổn định và phát triển toàn diện.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010.

a) Về kinh tế:

- Nhịp độ phát triển kinh tế hàng năm tăng từ 15% trở lên, trong đó: nông, lâm, thuỷ sản tăng 9,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 26,3%; dịch vụ tăng 15,1%.

- Cơ cấu các ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong GDP năm 2010 là 37,7% - 31,5% - 30,8%.

- Thu nhập bình quân đầu người: 9,3 triệu đồng.

- Lương thực bình quân đầu người: 348 kg/năm (cả tỉnh: 420kg/năm).

- Giá trị hàng hóa xuất khẩu: 50 triệu USD.

b) Về văn hoá - xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1%/năm. Quy mô dân số đến năm 2010 khoảng 1.105.000 người.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 25%.

- 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- 100% số xã có trạm y tế, 60% số trạm y tế có bác sĩ.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn khoảng 28%.

- Hạ tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 23%.

- Tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 95% dân số và phủ sóng phát thanh đạt 100% dân số.

- 70% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo 25%.

c) Về kết cấu hạ tầng:

- 100% các xã có đường ô tô vào đến trung tâm xã, 90% đường giao thông nông thôn đi lại được quanh năm.

- 100% kênh mương nội đồng và kênh liên huyện, liên xã được kiên cố hóa.

- 100% số xã có điện, 90% số hộ được dùng điện.

- 100% số xã có điện thoại, đạt tỷ lệ 5,6 máy điện thoại/100 dân.

- Xóa phòng học tranh tre tạm bợ, 80% số phòng học được kiên cố hoá.

- 80% dân số được dùng nước hợp vệ sinh.

4. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực.

a) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Giao thông:

Tập trung các nguồn lực để phát triển các tuyến giao thông kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng:

+ Nâng cấp các quốc lộ 45, 47, 217 với tổng chiều dài là 192 km.

+ Xây dựng tuyến đường nối các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa: tuyến chính dài 183 km đi qua các huyện Quan Hoá, Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân và 8 tuyến đường ngang dài 227 km, gồm:

. Mường Lát - Chiềng Nưa,

. Vạn Mai - Tà Bục,

. Tén Tằn - Cửa khẩu Cang,

. Lang Chánh - Yên Khương,

. Yên Khương - Cửa khẩu Méng,

. Thường Xuân - Bát Mọt,

. Bát Mọt - cửa khẩu Khẹo,

. Yên Cát - Thanh Quân - Bù Cẩm.

+ Đầu tư nâng cấp quốc lộ 15A đoạn Ngọc Lặc - Vạn Mai (86 km) để phát triển giao lưu kinh tế với các tỉnh Tây Bắc và nối với cảng nước sâu Nghi Sơn.

+ Xây dựng tuyến hành lang giao thông Đông Tây: Thanh Hóa - Hủa Phăn - Miến Điện (đi qua cửa khẩu Tén Tần, huyện Mường Lát).

+ Nâng cấp, hoàn chỉnh các tuyến tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V, cấp VI, đoạn qua các thị trấn, thị tứ mở rộng theo quy hoạch; nâng cấp 8 tuyến tỉnh lộ dài 520 km.

+ Đầu tư xây dựng các tuyến đường vào 14 xã chưa có đường ô tô, tổng chiều dài 306 km. Đảm bảo 100% đường giao thông nông thôn có mặt đường từ rải cấp phối đá trở lên, 90% đi lại được quanh năm.

+ Đầu tư xây dựng đường hành lang biên giới, tuần tra biên giới kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội dài khoảng 650 km trên địa bàn 5 huyện có đường biên giới là Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh.

+ Từng bước đầu tư hệ thống bến xe thuộc các huyện miền núi.

- Thuỷ lợi:

+ Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình thuỷ lợi - thuỷ điện hồ Cửa Đạt (bao gồm cả hệ thống kênh tưới).

+ Đầu tư mới và nâng cấp một số công trình thủy lợi trọng điểm như:

. Đầu tư cải tạo, nâng cấp 600 hồ, đập cung cấp nước tưới cho các vùng khó khăn.

. Hệ thống tưới 3 huyện Quan Sơn, Quan Hoá và Bá Thước.

. Công trình phân lũ, chậm lũ và sống chung với lũ vùng sông Bưởi huyện Thạch Thành.

. Công trình đầu mối hồ sông Mực.

. Đầu tư các công trình thủy lợi tưới mía huyện Thạch Thành, Như Thanh.

+ Kiên cố 605 km kênh mương nội đồng và kênh liên huyện, liên xã.

- Cấp nước sạch, cấp điện và viễn thông:

+ Đầu tư 8 hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 8 thị trấn huyện lỵ và 590 công trình cấp nước sạch cho các bản làng. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% dân cư trong vùng được sử dụng nước hợp vệ sinh.

+ Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển lưới điện trên địa bàn miền núi, nâng công suất các trạm biến thế; phát triển lưới điện 35KV, 22KV sau trạm 110 KV đến các xã có điều kiện; đẩy nhanh đầu tư lưới điện theo phương châm “đường đến đâu, lưới điện quốc gia đến đó”. Phấn đấu đến năm 2010 có 100% số xã có điện phục vụ đời sống và sản xuất.

+ Xây dựng xong nhà máy thuỷ điện bản Uôn (huyện Quan Hóa), sông Lò (huyện Quan Sơn), thủy điện sông Chàng (Như Xuân) và các dự án thủy điện vừa và nhỏ khác.

+ Đầu tư tuyến cáp quang lên huyện vùng cao Mường Lát, phủ sóng điện thoại di động ở tất cả các thị trấn huyện lỵ, các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, các khu, cụm công nghiệp - thương mại, dịch vụ.

- Phát triển hệ thống đô thị và các khu công nghiệp:

+ Xây dựng đô thị Ngọc Lặc để sớm trở thành Trung tâm của miền Tây Thanh Hóa đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các tỉnh bạn (thông qua đường Hồ Chí Minh). Đầu tư hệ thống giao thông và hệ thống thoát nước khu vực trung tâm đô thị Ngọc Lặc.

+ Đến năm 2010 hình thành thêm 01 đô thị trung tâm của khu vực miền núi cao tại Đồng Tâm (Bá Thước) và phát triển thêm một số đô thị mới dọc đường Hồ Chí Minh như:

. Đô thị Bãi Trành (Như Xuân) là đô thị đầu mối giao lưu kinh tế nối cảng Nghi Sơn với vùng Tây Bắc và tiểu vùng sông Mê Kông.

. Đô thị Thạch Quảng (Thạch Thành) là đô thị công nghiệp - du lịch.

+ Phát triển thêm một số thị trấn như: Vân Du (Thạch Thành); Cẩm Thành (Cẩm Thủy); Tén Tằn (Mường Lát); Na Mèo (Quan Sơn); Hiền Kiệt (Quan Hóa); Phố Đoàn, Điền Lư (Bá Thước); Yên Khương (Lang Chánh); Phố Châu (Ngọc Lặc); Khe Hạ, Cửa Đạt (Thường Xuân); Xuân Quỳ (Như Xuân); Cán Khê, Bến En (Như Thanh)… Phát triển các thị tứ dọc đường Hồ Chí Minh và các điểm dân cư gắn với chợ nông thôn tại các huyện miền núi.

+ Tập trung các điều kiện cho phát triển các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị tại Thạch Quảng - Thạch Thành, Bãi Trành - Như Xuân, Phố Cống - Ngọc Lặc.

+ Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở các huyện Như Thanh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân và một số cụm công nghiệp nhỏ ở các huyện để thu hút lao động trong nông thôn, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

b) Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.

- Nông nghiệp: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất các loại cây công nghiệp và phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2010 đạt 3.630 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng bình quân hàng năm 9,2%.

+ Sản xuất lương thực: thực hiện thâm canh, áp dụng giống lúa tiến bộ kỹ thuật ở những nơi có điều kiện tưới tiêu chủ động để nâng cao năng suất lúa đối với các huyện vùng núi thấp. Đối với các huyện vùng núi cao: chỉ tăng diện tích cây lương thực ở những nơi đủ điều kiện xây dựng hồ chứa nước nhỏ, chuyển dần diện tích thiếu nước, đất lúa nương rẫy sang trồng ngô, đậu tương, cây ăn quả, giảm tối đa việc phá rừng làm nương rẫy. Đến năm 2010, phấn đấu năng suất lúa cả năm đạt 45 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt trên 380.000 tấn.

+ Cây công nghiệp: ổn định diện tích các vùng cây nguyên liệu, tập trung thâm canh, tăng năng suất, đáp ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Cụ thể là:

. Cây mía: 26.150 ha, tập trung thâm canh, áp dụng giống mới, tăng năng suất cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy đường, trong đó:

 . Vùng mía Lam Sơn (tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân): 10.800 ha, sản lượng 724.000 tấn.

 . Vùng mía phía Bắc (tập trung ở các huyện Thạch Thành, Cẩm Thuỷ): 10.600 ha, sản lượng 682.000 tấn.

 . Vùng mía Tây - Nam (tập trung ở các huyện Như Xuân, Như Thanh): 4.750 ha, sản lượng 295.000 tấn.

. Cây sắn (tập trung ở các huyện Bá Thước, Như Xuân): 7.000 ha, sản lượng 175.000 tấn.

. Cây dứa (tập trung ở huyện Như Thanh): diện tích dứa đứng hàng năm là 1.000 ha, sản lượng 25.000 - 30.000 tấn.

. Cây lạc: tăng diện tích từ 3.250 ha lên 4.000 ha, sản lượng 6.600 tấn.

. Cây đậu tương: phát triển đến năm 2010 đạt 3.400 ha, sản lượng 5.220 tấn.

. Cây công nghiệp dài ngày: tập trung phát triển cây cao su, diện tích cao su đến năm 2010 là 10.000 ha trở lên, trong đó diện tích cao su trồng mới là 2.600 ha trở lên, tập trung ở các huyện Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Sản lượng mủ khô đạt 5.000 - 6.000 tấn.

+ Chăn nuôi:

Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, tập trung các giải pháp tăng nhanh đàn trâu, đàn bò, tạo ra bước đột phá cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, có sản phẩm hàng hoá, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 35% trở lên.

Đến năm 2010, đàn bò đạt: 170.000 con, tăng bình quân 14,8%/năm, trong đó bò lai 68.000 con, chiếm 40% tổng đàn; đàn trâu: 200.000 con, tăng bình quân 4,5%/năm; đàn lợn: 490.000 con, tăng bình quân 6%/năm. Phát triển mạnh đàn bò sữa trong nhân dân.

- Lâm nghiệp:

. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý lâm nghiệp, khuyến khích phát triển các loại rừng, đặc biệt là rừng sản xuất, vùng nguyên liệu giấy và các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản khác. Thực hiện tốt việc khoán rừng phù hợp với từng địa bàn dân cư, bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng hiện có, tạo việc làm và từng bước ổn định đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

. Rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng, trong đó xác định diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với quy mô phù hợp, bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ xung yếu; mở rộng và tăng diện tích rừng sản xuất. Đến năm 2010 diện tích rừng đạt 527.856 ha, trong đó: rừng phòng hộ: 201.718 ha; rừng đặc dụng: 72.157 ha; rừng sản xuất: 253.963 ha, độ che phủ rừng đạt 61,5% (toàn tỉnh là 53%). Sản phẩm khai thác từ rừng dự kiến khoảng 45.000 - 50.000 m3 gỗ, 18 - 20 triệu cây luồng, nguyên liệu giấy 250.000 tấn.

. Quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu giấy với quy mô 173.000 ha trên địa bàn 7 huyện (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc và Cẩm Thủy) phục vụ nhà máy giấy Châu Lộc công suất 6 vạn tấn bột giấy/năm.

. Xây dựng Đề án phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn sông Mã với cơ chế nhà nước đảm bảo lương thực cho người dân để người dân bảo vệ và phát triển rừng.

- Thủy sản: tận dụng ao, hồ nuôi cá truyền thống, nuôi lồng bè và chuyển đổi một số diện tích lúa năng suất thấp sang nuôi cá kết hợp; phấn đấu diện tích nuôi trồng đạt 3.500 ha, sản lượng 7.770 tấn cá các loại.

c) Phát triển công nghiệp - xây dựng.

Phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 5.870 tỷ đồng, tăng bình quân 27%/năm. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu; phát triển các cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị dọc đường Hồ Chí Minh tại Thạch Quảng (Thạch Thành), Bãi Trành (Như Xuân) và Phố Cống (Ngọc Lặc). Cụ thể là:

- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản:

+ Củng cố các cơ sở sản xuất hiện có, đầu tư dây chuyền nước dứa cô đặc nhà máy chế biến dứa Như Thanh và phát huy công suất của nhà máy đường Việt Đài đạt 90.000 tấn sản phẩm/năm, các nhà máy chế biến sắn.

+ Xây dựng mới nhà máy chế biến mủ cao su công suất 3.000 tấn mủ khô/năm.

+ Xây dựng nhà máy ván sàn từ luồng ở Thường Xuân 100.000 m2/năm.

+ Phát triển các cơ sở chế biến nông sản phục vụ trực tiếp cho đồng bào các dân tộc như xay xát gạo, ngô, chế biến đậu phụ, chế biến thức ăn gia súc...

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:

+ Xây dựng mới nhà máy xi măng Ngọc Lặc công suất 1,4 triệu tấn/năm.

+ Xây dựng nhà máy gạch tuy nen Ngọc Lặc công suất 25 triệu viên/năm; nhà máy gạch không nung 20 triệu viên/năm tại Bá Thước, nhà máy tấm lợp fibroximăng 1 triệu m2/năm tại Ngọc Lặc (lưu ý: thực hiện theo Quyết định số 133/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ); nhà máy đá ốp lát xuất khẩu 500.000 m2/năm tại Lang Chánh, Ngọc Lặc.

- Công nghiệp điện - thủy điện: tiến hành nghiên cứu quy hoạch phát triển thủy điện bậc thang các sông thuộc hệ thống sông Mã, sông Chu và các sông khác.

 

+ Hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện Cửa Đặt công suất 97 MW.

 

+ Xây dựng nhà máy thuỷ điện Bản Uôn công suất 280 MW.

 

+ Xây dựng nhà máy thủy điện Sông Lò công suất 92 MW.

 

+ Xây dựng một số nhà máy thủy điện nhỏ như Suối Bom (4,5 MW), Sao Luông (3,5 MW), Sông Chàng (3 MW), Tam Lư (7 MW)….

- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản:

+ Xây dựng nhà máy khai thác và chế biến quặng sắt tại Như Xuân - Như Thanh 72.000 tấn/năm; nhà máy tuyển cao lanh Lang Chánh 200.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất bột nhẹ Cẩm Thủy 40.000 tấn/năm, nhà máy phân bón vi sinh tại Ngọc Lặc, Thạch Thành 20.000 tấn/năm.

- Xây dựng xí nghiệp may xuất khẩu Vân Du (Thạch Thành) công suất 500.000 sản phẩm/năm; xí nghiệp may xuất khẩu Ngọc Lặc công suất 1 triệu sản phẩm/năm.

- Phát triển mạnh ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp ở nông thôn như dệt thổ cẩm, các tổ hợp cơ khí nhỏ sản xuất công cụ, nông cụ, cơ khí sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế cho các phương tiện giao thông vận tải; đồng thời du nhập một số ngành nghề khác.

d) Phát triển các ngành dịch vụ.

Đến năm 2010 giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt 2.410 tỷ đồng, tăng bình quân 15,7%/năm.

- Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50 triệu USD. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là:

+ Nông - lâm sản: đạt 27 triệu USD (đường, tinh bột sắn, cao su, chè, ván sàn, các sản phẩm từ gỗ, đũa tre, lâm đặc sản khác, thịt gia súc…).

+ Khoáng sản và vật liệu xây dựng: đạt 13 triệu USD (đá ốp lát, xi măng, quặng các loại…).

+ Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: đạt 10 triệu USD (may mặc, hàng mây tre đan, thủ công mỹ nghệ…).

- Thương mại: tổ chức khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ nông thôn, xây dựng mới và kiên cố hoá một số chợ theo quy hoạch của các chương trình, dự án. Khuyến khích phát triển và tăng cường quản lý thương mại tư nhân, hình thành mạng lưới tiêu thụ tại các cửa hàng, điểm mua bán, đảm bảo các mặt hàng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước tạo ra sự chuyển biến trong lưu thông, đáp ứng yêu cầu giao dịch hàng hoá trên địa bàn miền núi.

+ Tiếp tục chuyển đổi và nâng cao hiệu quả các hợp tác xã dịch vụ, đảm bảo cung ứng đầu vào có chất lượng và tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông dân.

- Du lịch: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch với các danh thắng như vườn quốc gia Bến En, suối cá Cẩm Lương, hồ Cửa Đặt, các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông kết hợp với bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa, lễ hội mang nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.

- Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn) tương xứng với cửa khẩu quốc tế. Nâng cấp cửa khẩu Tén Tằn (huyện Mường Lát) thành cửa khẩu chính quốc gia, mở tuyến giao lưu kinh tế - văn hóa với vùng Bắc Lào.

- Đẩy mạnh các dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa, dịch vụ thông tin liên lạc và tín dụng ngân hàng; phát triển mạnh các tổ chức tín dụng nhân dân, tạo điều kiện đưa vốn tín dụng đến tận địa bàn dân cư, giúp các thành phần kinh tế và nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

đ) Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

- Giáo dục - đào tạo:

+ Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các huyện miền núi, phấn đấu đến năm 2010 có 100% số xã miền núi đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

+ Đảm bảo đủ về số lượng và cơ cấu giáo viên các cấp học, ngành học; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 20% trên chuẩn, 80% giáo viên là người các huyện miền núi.

+ Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các trường mầm non và phổ thông theo hướng trường chuẩn quốc gia, đến năm 2010 trên địa bàn 11 huyện miền núi có 30% số trường đạt chuẩn quốc gia, 80% số phòng học được kiên cố hóa. Đầu tư nhà ở giáo viên tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn.

+ Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường dân tộc nội trú huyện, tỉnh để đáp ứng yêu cầu vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc.

+ Tập trung xây dựng hoàn thành trường kỹ thuật Ngọc Lặc.

+ Đầu tư nâng cấp trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện miền núi; mở rộng mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, xây dựng một số trường/trung tâm dạy nghề cấp huyện.

- Y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân:

+ Hoàn thành việc đầu tư Bệnh viện đa khoa khu vực tại Ngọc Lặc với quy mô 400 giường.

+ Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm y tế tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện các huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Quan Sơn và 10 phòng khám đa khoa khu vực, 157 trạm y tế xã.

. Đảm bảo 100% số xã có trạm y tế, có 60% trạm y tế có bác sĩ hoạt động; 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Xây dựng các trung tâm y tế dự phòng cấp huyện.

. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế để giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 28%; tỷ lệ mắc bệnh sốt rét giảm 10%/năm, tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ giảm 1,5%/năm, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ của nhân dân.

- Lao động - việc làm và các vấn đề xã hội:

+ Đẩy mạnh việc nhân cấy nghề ở nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85%; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng lao động tham gia các ngành công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 25%.

+ Tiếp tục đầu tư tăng cường các công trình hạ tầng thiết yếu cho các xã, phát triển sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao mức sống dân cư, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 25% (theo tiêu chí mới).

+ Xây dựng trung tâm giáo dục - lao động xã hội (5 - 6) tại khu vực miền núi.

- Văn hóa - thông tin, phát thanh truyền hình:

+ Đảm bảo chất lượng và thời lượng phát sóng phát thanh và truyền hình, mở rộng vùng phủ sóng đến các vùng cao, vùng biên giới; tăng cường phát thanh bằng tiếng dân tộc; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 95% dân số và phủ sóng phát thanh 100% dân số.

. Xây dựng đài phát sóng phát thanh, truyền hình tại Kỳ Tân - Bá Thước để mở rộng vùng phủ sóng ở khu vực miền núi và xây dựng một số trạm phát sóng phát thanh, truyền hình ở các huyện Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn phục vụ đồng bào vùng núi cao.

+ Hàng năm khai trương xây dựng mới 100 làng văn hoá.

+ Đến năm 2010 có 70% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 100% số xã đều có tủ sách pháp luật, sách phổ biến kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản. 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa.

. Xây dựng mới 6 trung tâm văn hoá thể thao cấp huyện, nâng cấp 5 trung tâm thể thao hiện có, đưa hoạt động thể thao vào nền nếp sinh hoạt thường xuyên trong các công sở, trường học.

5. Đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh nhất là an ninh biên giới. Triển khai xây dựng khu kinh tế - quốc phòng Mường Lát, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số khu kinh tế - quốc phòng ở các huyện giáp biên khác để đảm bảo giữ vững biên giới quốc gia.

- Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo thành cửa khẩu giao lưu kinh tế với tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào) và đầu tư nâng cấp cửa khẩu Tén Tằn.

- Xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới đảm bảo cơ động khi có tình huống xảy ra và kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

- Nâng cấp cơ sở vật chất cho các đồn biên phòng hiện có và tăng cường thêm các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới, xây dựng thêm các cột mốc biên giới nhằm giữ vững an ninh vùng biên giới.

- Làm tốt công tác định canh, định cư, ổn định dân di cư tự do, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống lâu dài; quy hoạch và lập dự án sắp xếp lại dân cư 15 xã giáp biên, thực hiện việc di dời một số bản, làng ra vùng biên giới nhằm giữ vững đường biên, phát triển kinh tế và xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị.

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, vận động nhân dân đấu tranh ngăn chặn mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch và truyền đạo trái phép trong đồng bào dân tộc ít người.

6. Xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Chú trọng công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhân tố quyết định việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn khu vực miền núi.

- Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ tại chỗ, đến năm 2010 đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt các huyện miền núi được chuẩn hóa, 100% cán bộ chuyên môn có trình độ từ trung cấp trở lên.

- Đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cơ sở khu vực miền núi, đảm bảo các chức danh cán bộ chuyên trách (Bí thư, Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã, thị trấn) có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trung cấp trở lên, được đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trung cấp trở lên.

+ Đào tạo đạt trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông cho 1.149 cán bộ.

+ Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn:

Trình độ trung cấp: 2.396 cán bộ.

Trình độ đại học: 100 cán bộ.

+ Đào tạo về lý luận chính trị:

Trình độ trung cấp: 641 cán bộ.

Trình độ cử nhân: 107 cán bộ.

+ Đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước: 1.878 cán bộ.

7. Nguồn vốn cho đầu tư phát triển:

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm trong 5 năm (2005 - 2010) là 22.480 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn hỗ trợ của trung ương (bao gồm cả vốn ODA): 10.090 tỷ đồng.

- Vốn huy động ngân sách địa phương: 1.030 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp (cả FDI) và của khu vực dân cư: 11.360 tỷ đồng.

(Có Phụ lục danh mục các dự án cụ thể kèm theo).

8. Các giải pháp chủ yếu.

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh miền Tây tỉnh Thanh Hóa:

- Tập trung chỉ đạo hoàn thành và trình duyệt các quy hoạch:

+ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

+ Quy hoạch xây dựng đô thị Ngọc Lặc và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của khu vực miền Tây.

b) Rà soát, bổ sung và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực miền Tây:

Rà soát, bổ sung và xây dựng một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực miền Tây, tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu sau:

- Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào khu vực miền Tây Thanh Hóa.

- Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Chính sách khuyến khích phát triển các vùng cây công nghiệp tập trung.

- Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn miền núi.

- Chính sách về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.

- Cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.

c) Đổi mới quan hệ sản xuất, huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển:

- Thực hiện tốt chủ trương giao đất, giao rừng phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh, đảm bảo đất có chủ đích thực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, đồng thời tăng cường vai trò kinh tế nhà nước; phát triển các doanh nghiệp công ích để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị, để thực sự trở thành trung tâm hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trung du, miền núi.

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương (bao gồm cả vốn ODA).

- Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cơ sở trường học, bệnh xá theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích các hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

- Ưu tiên đầu tư hạ tầng ở các vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng cây nguyên liệu, vùng có tiềm năng phát triển để thu hút các nhà đầu tư. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư, xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý tạo ra khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững.

 

d) Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

 

- Tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ cho khu vực miền Tây, nhất là cán bộ chuyên môn cấp huyện, cán bộ xã và cán bộ thôn, bản ở vùng cao, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có kế hoạch dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công tác ở vùng dân tộc.

- Đẩy mạnh hình thức đào tạo tại chỗ, thông qua các lớp học bổ túc văn hóa, các chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước, bồi dưỡng lý luận chính trị để đẩy nhanh việc đào tạo cho cán bộ cơ sở miền núi.

- Thực hiện tốt chế độ dự bị, cử tuyển để đào tạo và tăng nhanh số cán bộ có trình độ chuyên môn ở miền núi, nhất là cán bộ chuyên môn biết tiếng dân tộc; chú ý đội ngũ cán bộ làm việc trong các lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, giáo dục - đào tạo và y tế.

- Xây dựng chính sách, chế độ để thu hút, sử dụng cán bộ về phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền Tây, nhất là cán bộ cơ sở.

đ) Xây dựng hệ thống chính trị các cấp, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh:

 - Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở xã, thôn, bản gắn với xây dựng xã, phường, thôn, bản vững mạnh toàn diện, an toàn và làm chủ. Tập trung chỉ đạo để không còn bản trắng về đảng viên ở khu vực miền núi.

- Tăng cường việc phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương các cấp đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành. Đề cao trách nhiệm cá nhân, ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân, để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia công tác xây dựng chính quyền, bảo vệ chế độ.

- Phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, có chính sách phụ cấp cho các già làng, trưởng bản để khuyến khích làm tốt công tác vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an ninh khu vực biên giới.

Điều 2. Giao ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án do một đồng chí lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo thực hiện.

2. Tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu và phương hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực thành các chương trình, dự án cụ thể để triển khai thực hiện đề án, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền Tây Thanh Hóa, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn miền Tây Thanh Hóa.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu vực miền Tây tỉnh Thanh Hóa.

Tập trung chỉ đạo để bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách một cách tập trung, theo thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.

5. Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Tây, coi đây là khâu trọng yếu, có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của vùng. Tập trung chỉ đạo để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cụ thể hóa đề án Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh miền Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010 bằng các chương trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa, đảm bảo miền Tây Thanh Hóa có điều kiện phát triển ngang bằng với các vùng miền khác trong cả nước.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
 Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b). HL.

 

THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khi

 

 

FILE ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 253/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh miền Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 253/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/10/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 23 đến số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản