Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2018/QĐ-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 07 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai ngày ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng Thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình ứng phó Biến đổi khí hậu;

Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;

Căn cứ Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 21 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 4343/TTr-STNMT ngày 14 tháng 8 năm 2018 về việc đề nghị ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy chế phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 9 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Quốc

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về trách nhiệm và công tác phối hợp quản lý nhà nước về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những nội dung về hoạt động Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu không nêu trong Quy chế này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan quan lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến hoạt động Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Mục đích phối hợp

1. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ và quy định trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm sự quản lý thống nhất, liên ngành, liên vùng; tính đồng bộ, hiệu quả có phân công trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương trong việc chủ trì phối hợp thực hiện quản lý Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.

2. Việc phối hợp thực hiện phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, đơn vị bảo đảm triển khai đầy đủ, chặt chẽ quy định, tuân thủ các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Việc phối hợp, trao đổi thông tin trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn, Biến đổi khí hậu phải thực hiện thường xuyên, nhằm phục vụ tốt công tác quan lý nhà nước về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu theo quy định pháp luật.

4. Bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp.

5. Việc phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động khí tượng thuỷ văn là các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, phục vụ, dịch vụ khí tượng thuỷ văn: giám sát Biến đổi khí hậu và tác động vào thời tiết.

2. Quan trắc khí tượng thuỷ văn là việc quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến của khí quyển, nước sông, hồ và nước biển.

3. Dịch vụ khí tượng thuỷ văn là hoạt động cung cấp thông tin, dữ liệu; tư vấn; chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về khí tượng thuỷ văn, Biến đổi khí hậu nhằm phục vụ mục đích dùng riêng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ Khí tượng thủy văn.

4. Hiện tượng Khí tượng thủy văn cực đoan là các hiện tượng khí tượng thuỷ văn bất thường về mức độ, thời gian xuất hiện, khu vực xảy ra, có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

5. Công trình Khí tượng thủy văn là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành để lắp đặt thiết bị quan trắc, thiết bị thông tin Khí tượng thủy văn.

6. Trạm Khí tượng thủy văn là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn chặt chẽ và thống nhất để đặt một hoặc nhiều công trình quan trắc Khí tượng thủy văn, gồm các loại: trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa, trạm định vị sét và các loại trạm chuyên đề khác.

7. Hành lang kỹ thuật công trình Khí tượng thủy văn là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước cần thiết để bảo đảm công trình hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, dữ liệu Khí tượng thủy văn thu được phản ánh khách quan tính tự nhiên của khu vực, bảo đảm độ chính xác theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

8. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Biến đổi khí hậu hiện nay biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng Khí tượng thủy văn cực đoan.

9. Ứng phó với Biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ Biến đổi khí hậu.

a) Thích ứng với Biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động và Biến đổi khí hậu hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại;

b) Giảm nhẹ Biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính.

10. Kịch bản Biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và có tính tin cậy về xu hướng trong tương lai của khí hậu dựa trên mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội phát thải khí nhà kính, Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

11. Khí nhà kính là tên gọi chung của một số loại khí trong thành phần khí quyển như: CQ2, CH4, N2O, 03, CFCs, các khí này hấp thụ và phát xạ trở lại mặt đất bức xạ hồng ngoại từ mặt đất phát ra, hạn chế lượng bức xạ của mặt đất thoát ra ngoài không trung.

12. Hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng giữ nhiệt ở tầng thấp của khí quyển bởi các khí nhà kính hấp thụ bức xạ từ mặt đất phát ra và phát xạ trở lại mặt đất làm cho lớp khí quyển tầng thấp và bề mặt trái đất ấm lên tựa như vai trò của một nhà kính.

13. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó Biến đổi khí hậu là chương trình có mục tiêu đánh giá được mức độ tác động của Biến đổi khí hậu với các lĩnh vực ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với Biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ Biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

14. Chương trình hỗ trợ ứng phó Biển đối khí hậu là chương trình hỗ trợ ngân sách chung cho các hoạt động xây dựng chính sách. Chương trình có mục tiêu cơ bản là hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc lồng ghép công tác ứng phó với Biến đổi khí hậu vào các chính sách, chương trình và các kế hoạch phát triển cũng như tập trung hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Chiến lược Biến đổi khí hậu quốc gia (tầm nhìn tới năm 2050).

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung phối hợp

1. Quản lý nhà nước Khí tượng thủy văn

a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Khí tượng thủy văn ở địa phương trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành theo phân cấp của Chính phủ;

b) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực Khí tượng thuỷ văn cho cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh;

c) Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện Khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; quan trắc, dự báo Khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai;

d) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu về Khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh bao gồm: Danh mục vị trí các trạm Khí tượng thủy văn chuyên dùng; danh mục tài liệu Khí tượng thủy văn hiện có; danh mục và số liệu các yếu tố Khí tượng thủy văn quan trắc được trên địa bàn tỉnh;

đ) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về khai thác, cung cấp thông tin dữ liệu Khí tượng thủy văn phục vụ qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn, dài hạn của địa phương;

e) Nâng cao chất lượng trong việc phát báo, dự báo, thu nhận các bản tin Khí tượng thủy văn giữa Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh;

g) Phối hợp tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực Khí tượng thủy văn: Điều tra cơ bản đánh giá nắm bắt tình hình diễn biến của khí hậu, thủy văn trên địa bàn tỉnh, tần suất bão, lũ lụt, dự báo sự xuất hiện lũ quét và các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm; đề xuất phương án phòng, chống, khắc phục tác hại do thiên tai gây ra.

2. Quản lý nhà nước về Biến đổi khí hậu

a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về Biến đổi khí hậu ở địa phương trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành theo phân cấp của Chính phủ;

b) Tổng hợp báo cáo tình hình tác động của Biến đổi khí hậu đến các yếu tố tự nhiên, con người, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh;

c) Đề xuất kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp ứng phó Biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai;

d) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu cho cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh;

đ) Phối hợp xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó Biến đổi khí hậu kịch bản Biến đổi khí hậu; điều phối việc thực hiện, hướng dẫn lồng ghép các nội dung ứng phó với Biến đổi khí hậu vào chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của từng ngành;

e) Xây dựng, đề xuất các chương trình, nhiệm vụ, dự án về ứng phó Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt;

g) Lập thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án về ứng phó Biến đổi khí hậu. Tiến hành thực hiện chế độ báo cáo, giám sát và đánh giá thực hiện dự án theo quy định;

h) Phối hợp tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào ứng phó với Biến đổi khí hậu.

Điều 6. Trách nhiệm phối hợp

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các địa phương liên quan tham mưu xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý hoạt động Khí tượng thủy văn, ứng phó với Biến đổi khí hậu, các biện pháp bảo vệ tài nguyên khí hậu và thủy văn trên địa bàn; quy hoạch phát triển chương trình kế hoạch dài hạn về Khí tượng thủy văn; kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo phân cấp của Chính phủ và chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đã trình;

b) Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó Biến đổi khí hậu; cập nhật kịch bản Biến đổi khí hậu; lồng ghép yếu tố Biến đổi khí hậu vào các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành và địa phương; hướng dẫn và điều phối việc thực hiện;

c) Phối hợp kiểm định việc tổ chức quan trắc, thu thập, lưu giữ tài liệu về các yếu tố khí tượng, thủy văn trên lưu vực hồ chứa của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh;

d) Chủ trì hoặc tham gia phối hợp nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin, tư liệu, dữ liệu quản lý Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; tham gia hợp tác quốc tế về lĩnh vực Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; thu thập, khai thác và sử dụng dữ liệu về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu ở địa phương theo quy định của pháp luật;

e) Chủ trì phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tổng hợp tình hình Khí tượng thủy văn, đánh giá diễn biến, tác động của Biến đổi khí hậu đến các yếu tố tự nhiên, con người, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thu thập và xử lý thông tin, xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai. Phối hợp với các ngành có liên quan báo cáo, đề xuất và kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp ứng phó với tác động của Biến đổi khí hậu;

e) Phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, đoàn thể nhân dân tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức và văn bản quy phạm pháp luật về Khí tượng thủy văn, Biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc tỉnh và quần chúng nhân dân;

g) Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, Ban, ngành có liên quan tổ chức thẩm tra độ chính xác các số liệu về lĩnh vực Khí tượng thủy văn gồm: khí tượng nông nghiệp, các số liệu Khí tượng thủy văn được sử dụng cho việc tính toán các đặc trưng thiết kế khi xây dựng công trình, quy hoạch theo yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường;

b) Tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác điều tra cơ bản về Khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy phạm kỹ thuật chuyên ngành và quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào lĩnh vực dự báo, điều tra cơ bản Khí tượng thủy văn; nâng cao chất lượng trong việc phát báo, dự báo, thu nhận các bản tin Khí tượng thủy văn với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh;

d) Cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, số liệu về Khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và dự báo tác động của Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; phối hợp Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và đề xuất các biện pháp ứng phó Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh;

đ) Phát báo kịp thời các hiện tượng khí hậu thời tiết thủy văn nguy hiểm (giá rét kéo dài, áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét) cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng theo chế độ quy định của Chính phủ; đồng thời thu và nhận thông tin dữ liệu, phát báo bổ sung các tin về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh;

e) Phối hợp với các sở, các ngành của tỉnh, các viện nghiên cứu trong nước nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực Khí tượng thủy văn, nắm bắt tình hình diễn biến của khí hậu, thuỷ văn trên địa bàn tỉnh, tham gia xây dựng, đề xuất phương án chủ động phòng, chống, giảm nhẹ tác hại do thiên tai gây ra, ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến quan trắc phát hiện kịp thời hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm như lốc xoáy, mưa đá lũ quét, lở đất, nâng cao chất lượng dự báo Khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội;

g) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phổ biến tuyên truyền đến các tổ chức và nhân dân về những chính sách pháp luật trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn; thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về Khí tượng thủy văn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thu thập cập nhật và tổng hợp các thông tin, số liệu về tác động của Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; trên cơ sở đó, báo cáo và đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp ứng phó, khắc phục;

b) Thường xuyên tiếp nhận các dự báo, cảnh báo về Khí tượng thủy văn do Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cung cấp xử lý thông tin theo chức năng để chỉ đạo kịp thời sản xuất nông, lâm nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

4. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm phối hợp các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của khí hậu, thủy văn, thiên tai trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, đề xuất phương án phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; phối hợp thẩm định các dự án, đề án ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến thuộc lĩnh vực Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Xây dựng

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 811/QĐ-BXD ngày 18 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó Biến đổi khí hậu của ngành xây dựng giai đoạn 2016 - 2020.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách địa phương cho các hoạt động: cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu; cập nhật kịch bản Biến đổi khí hậu khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đối ứng đối với các dự án từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ.

8. Sở Tài chính

Cân đối ngân sách hàng năm để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán cho các nội dung thực hiện nhiệm vụ về Khí tượng thủy văn và ứng phó Biến đổi khí hậu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

a) Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động Khí tượng thủy văn, Biến đổi khí hậu và các nhiệm vụ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn;

b) Thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng phương án ứng phó với thiên tai; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chỉ đạo các hoạt động sản xuất đời sống của địa phương, khi có thông báo của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và thông tin dự báo về bão, lốc, mưa, lũ phải khẩn trương triển khai phương án chủ động phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai; chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị hoạt động Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu tại địa bàn để nắm vững diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo huy động lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật, xử lý các vi phạm pháp luật về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về Khí tượng thủy văn, Biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt, bão, động đất, thiên tai tại địa phương.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cập nhật, truyền phát các bản tin về Khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai theo quy định của pháp luật.

11. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông tin phòng chống giảm nhẹ thiên tai, an toàn cứu nạn, cứu hộ và các thông tin khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

12. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các Sở, Ban, ngành, các địa phương liên quan trong việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về lĩnh vực Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.

13. Các Sở, Ban, ngành, tổ chức, cá nhân khác

Các Sở, Ban, ngành và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm cử cơ quan đầu mối phối hợp và gửi thông báo về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để được nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành./.