UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2010/QĐ-UBND | Phủ Lý, ngày 03 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã” trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định nội dung và trách nhiệm công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 3. Yêu cầu của công tác quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã.
1. Đường bộ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa phải được nghiệm thu bàn giao, tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý, bảo trì được tính từ ngày Chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác.
2. Công tác quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, bảo trì được cơ quan có thẩm quyền ban hành và các quy định hiện hành khác.
3. Quy trình bảo trì đường bộ.
- Đối với những dự án đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; dự án có chuyển giao công nghệ mới, quy trình bảo trì do nhà thầu thiết kế hoặc nhà thầu cung cấp thiết bị kỹ thuật lập được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Đối với dự án có chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác phải hoàn thành tổ chức đào tạo trước khi bàn giao dự án.
Các dự án có thiết bị, nhà cung cấp thiết bị phải bàn giao quy trình công nghệ vận hành, bảo quản, quy định an toàn lao động và phòng ngừa cháy nổ.
- Đối với các công trình đường bộ theo khoản 1 Quy định này các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành.
4. Công tác quản lý bảo trì phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, vệ sinh và môi trường theo các quy định sau:
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình lân cận, cho người thi công, người sử dụng và các thiết bị thi công trên công trình.
- Có biện pháp tổ chức thi công và thời gian thi công hợp lý nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tiếng ồn, khói bụi, rung động… do máy móc thiết bị thi công gây ra và đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình thi công trên đường bộ đang khai thác sử dụng: Thi công phải bố trí đủ biển báo hiệu, có người thường xuyên hướng dẫn giao thông đảm bảo cho người và các phương tiện tham gia giao thông an toàn và thông suốt.
5. Công tác bảo trì sau khi nghiệm thu, bàn giao cho chủ quản lý khai thác (cơ quan quản lý đường bộ) phải được bảo hành trong thời gian 12 tháng (mười hai tháng) đối với sửa chữa định kỳ. Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên, phải đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Chương II
QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ
Điều 4. Nội dung công tác quản lý đường bộ.
1. Yêu cầu quản lý hồ sơ: Các hồ sơ tài liệu phải được quản lý một cách có hệ thống, khoa học, thuận lợi trong quá trình khai thác, sử dụng, phải được sắp xếp theo đúng tiêu chuẩn của công tác lưu trữ. Việc cập nhật số liệu bổ sung vào hồ sơ, tài liệu phải đúng theo quy định.
2. Các loại hồ sơ tài liệu quản lý đường bộ gồm:
- Hồ sơ hoàn công (bình đồ, cắt dọc, cắt ngang, mặt cắt địa chất, hồ sơ đền bù Giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới, lý lịch cầu, bình đồ duỗi thẳng, cấp phép thi công...), hồ sơ đăng ký, kiểm tra, kiểm định công trình hoặc bộ phận công trình, hạng mục công trình trong thời gian khai thác và sử dụng công trình.
- Các biên bản kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, đột xuất.
- Hồ sơ các biến động trong quá trình quản lý khai thác đường bộ.
- Các văn bản pháp quy có liên quan đến tình trạng kỹ thuật và khai thác công trình.
3. Lập và quản lý hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường bộ gồm:
- Hồ sơ tình trạng sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ, các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ghi rõ các vi phạm, thời điểm vi phạm và quá trình xử lý vi phạm;
- Hồ sơ đấu nối đường nhánh phải lập riêng để theo dõi và cập nhật bổ sung các vi phạm liên quan đến đấu nối đường nhánh để làm việc với các cấp có thẩm quyền và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ;
- Lập hồ sơ quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm hồ sơ hoàn công các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong hành lang an toàn đường bộ, giấy phép thi công và các văn bản liên quan khác.
4. Tổ chức quản lý, bảo vệ công trình đường bộ: phối hợp với Công an, Thanh tra Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
5. Theo dõi tình hình hư hại công trình đường bộ, tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời hư hỏng và các hành vi vi phạm đường bộ để xử lý kịp thời.
6. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật định kỳ tháng, quý, năm; kiểm tra đột xuất sau mỗi đợt lụt, bão hoặc các tác động bất thường khác.
7. Thực hiện việc đếm xe, phân tích số liệu và đánh giá sự tăng trưởng của lưu lượng, kiểu loại phương tiện cơ giới đường bộ.
8. Thực hiện quản lý tải trọng, khổ giới hạn xe, cấp giấy phép lưu hành cho các xe quá tải trọng công trình đường bộ.
9. Lập mẫu biểu theo dõi số vụ tai nạn, xác định nguyên nhân ban đầu từng vụ tai nạn, thiệt hại do tai nạn. Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để giải quyết tai nạn giao thông theo thẩm quyền.
10. Phân làn, phân luồng, tổ chức giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ cho phù hợp; lập hồ sơ điểm đen, xử lý và theo dõi kết quả các điểm đen đã được xử lý.
11. Trực đảm bảo giao thông, theo dõi tình hình thời tiết, ngập lụt, các sự cố công trình, xử lý và báo cáo theo quy định.
12. Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
Điều 5. Nội dung bảo trì đường bộ.
1. Công tác bảo trì đường bộ gồm: Bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
2. Bảo dưỡng thường xuyên là công việc làm hàng ngày, hàng tháng, hàng quý nhằm theo dõi tình trạng kỹ thuật của cầu, đường bộ để đưa ra các giải pháp ngăn chặn hư hỏng, sửa chữa kịp thời các hư hỏng nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, duy trì tình trạng làm việc bình thường để đảm bảo an toàn giao thông thông suốt. Nội dung bảo dưỡng thường xuyên theo tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức của các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
3. Sửa chữa định kỳ là sửa chữa hư hỏng đường bộ theo thời hạn quy định đồng thời kết hợp khắc phục một số khiếm khuyết của công trình xuất hiện trong quá trình khai thác nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật và cải thiện điều kiện khai thác của công trình.
Sửa chữa định kỳ bao gồm sửa chữa vừa và sửa chữa lớn trong thời hạn sửa chữa lớn có ít nhất một lần sửa chữa vừa.
Thời hạn sửa chữa vừa, sửa chữa lớn đường bộ được phân theo kết cấu mặt đường theo bảng dưới đây:
Kết cấu mặt đường | Thời gian (năm) | |
Sửa chữa vừa | Sửa chữa lớn | |
Bê tông nhựa | 4 | 12 |
Bê tông xi măng | 8 | 24 |
Đá dăm trộn nhựa, đá dăm đen | 3 | 9 |
Thấm nhập nhựa, láng nhựa 2-3 lớp | 3 | 6 |
Đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá dăm | 2 | 4 |
Cấp phối thiên nhiên | 1 | 3 |
Sửa chữa định kỳ cầu tạm phải căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ; đối với cầu khác căn cứ kết quả kiểm tra định kỳ, kết quả kiểm định.
4. Sửa chữa đột xuất là sửa chữa các sự cố hư hỏng cầu, đường không định trước do thiên tai lụt bão hoặc những sự cố bất thường khác gây ra. Cơ quan quản lý đường bộ phải chủ động tổ chức huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để tổ chức đảm bảo giao thông và hướng dẫn phân luồng xe, đồng thời báo cáo về đơn vị quản lý cấp trên, kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng biết khi cầu đường bộ hư hỏng nặng.
Khi thực hiện sửa chữa đột xuất, cơ quan quản lý được chỉ định ngay nhà thầu thi công và tư vấn thiết kế có đủ tư cách pháp nhân để thực hiện. Đối với nhà thầu thi công được chỉ định thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm để đáp ứng các yêu cầu của công việc. Nhà thầu xây lắp có trách nhiệm lập hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công công trình trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.
Điều 6. Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức trong công tác quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã.
1. Áp dụng trong bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Định mức bảo dưỡng thường xuyên là cơ sở để xác định khối lượng dự toán cần thiết phải thực hiện trong năm nếu công việc có trong định mức nhưng thực tế không làm thì không đưa vào dự toán, nếu công việc không có trong định mức nhưng thực tế phải làm thì vận dụng định mức tương tự để đưa vào dự toán. Định mức bảo dưỡng thường xuyên để lập kế hoạch quản lý vốn và là mức giới hạn phân biệt giữa bảo dưỡng thường xuyên với sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
- Tiêu chuẩn kỹ thuật, Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức do cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ ban hành.
2. Áp dụng trong sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất: Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức như quy định đối với công trình xây dựng cơ bản.
Điều 7. Nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì.
Hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ kế hoạch vốn được giao, nguồn thu của địa phương và số lượng, chiều dài đường, tình trạng đường đang quản lý có trách nhiệm phân bổ vốn cho công tác sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ cho từng tuyến đường.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm về tổ chức quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã.
1. Tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì đường huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì đường xã.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ theo các yêu cầu, nội dung của Quy định này và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình đường bộ bị xuống cấp do không thực hiện đúng yêu cầu, nội dung của công tác quản lý, bảo trì.
2. Tổ chức sửa chữa thường xuyên:
- Lập dự toán: Hàng năm căn cứ vào mức độ hư hỏng các tuyến đường, nguồn vốn được phân bổ và định mức sửa chữa thường xuyên, phòng Công thương (Quản lý đô thị), cán bộ giao thông xã tiến hành khảo sát, lập dự toán, trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
- Lựa chọn nhà thầu thi công: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo lựa chọn và ký hợp đồng với Nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện sửa chữa thường xuyên đường huyện, đường xã theo các quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
- Công tác giám sát: Phòng Công thương (Quản lý đô thị) các huyện, thành phố và Uỷ ban nhân dân xã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của nhà thầu thi công trên hiện trường đảm bảo khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc trong dự toán.
- Công tác nghiệm thu: Tổ chức nghiệm thu theo quý, từ ngày 25 tháng cuối quý đến ngày 15 đầu tháng sau, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ đạo tổ chức nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc của nhà thầu đã thực hiện làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu theo quy định.
- Thanh quyết toán: Cuối mỗi Quý, trên cơ sở khối lượng nghiệm thu; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ đạo thanh toán cho nhà thầu theo đúng chế độ chính sách và hợp đồng kinh tế đã ký kết.
3. Trách nhiệm về sửa chữa định kỳ.
Trên cơ sở kế hoạch vốn hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ đạo tổ chức sửa chữa theo trình tự xây dựng cơ bản và đúng quy định của pháp luật.
Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo.
Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo: Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cấp huyện, cấp xã; Phòng Công thương (Quản lý đô thị) các huyện, thành phố tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về Sở Giao thông vận tải làm cơ sở theo dõi, quản lý và tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Báo cáo định kỳ:
+ Thời gian gửi báo cáo tháng: vào các ngày 18 hàng tháng.
+ Thời gian gửi báo cáo quý: vào các ngày 15 của tháng cuối quý.
+ Thời gian gửi báo cáo năm: vào ngày 15 tháng 12.
- Báo cáo đột xuất: Tuỳ vào tình hình cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 10. Điều khoản thi hành.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời những vướng mắc, phát sinh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1Quyết định 35/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo trì đường huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 2Quyết định 16/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 3Quyết định 15/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 25/2010/QĐ-UBND quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã, địa bàn tỉnh Hà Nam
- 1Luật Đấu thầu 2005
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Luật giao thông đường bộ 2008
- 5Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 6Thông tư 10/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo trì đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Quyết định 35/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo trì đường huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 8Quyết định 16/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Sơn La
Quyết định 25/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành
- Số hiệu: 25/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/08/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Trần Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/08/2010
- Ngày hết hiệu lực: 10/08/2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực