Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 25/2008/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 25 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH TẾ TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 61/CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
Căn cứ Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 4298/SKHĐT-ĐKKD ngày 28 tháng 12 năm 2007;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 67/2003/QĐ-UBBT, ngày 14 tháng 10 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản
- Bộ Tư Pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh;
- Ban TT. UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, PCTUBND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Bình Thuận;
- Website Bình Thuận;
- Trung tâm Công báo tỉnh;Sở Tư Pháp;
- Lưu: VT, TH, KT. Hồng (32b)

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH TẾ TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(ban hành kèm theo Quyết định số: 25/2008/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước là sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế tư nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận về:

1. Các quy định về kê khai nhân thân của người thành lập và quản lý doanh nghiệp; kê khai trụ sở, địa điểm kinh doanh; đăng ký vốn góp vào công ty; đăng báo sau khi đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh; treo bảng hiệu tại địa điểm kinh doanh; gửi báo cáo tài chính hàng năm; chế độ báo cáo thống kê, kế toán theo định kỳ,…

2. Các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp: về nghĩa vụ nộp thuế, các điều kiện kinh doanh; an ninh trật tự; về chứng chỉ hành nghề; quản lý đầu tư xây dựng công trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện các chế độ đối với người lao động; vệ sinh môi trường,…

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Là cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước hoạt động kinh tế tư nhân theo quy định hiện hành.

2. Là tổ chức, cá nhân thuộc kinh tế tư nhân có liên quan đến việc thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh:

a) Doanh nghiệp thành lập và đăng ký kinh doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm: công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân; chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

b) Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;

Các đối tượng nêu tại khoản 2 điều này, sau đây gọi tắt là doanh nghiệp.

Điều 3. Cơ quan quản lý hoạt động kinh tế tư nhân

Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và giao trách nhiệm cho các cơ quan sau đây phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế tư nhân:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối trong việc cung cấp, tiếp nhận, tổng hợp tình hình và đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

2. Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tùy theo tính chất quản lý chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các giải pháp quản lý hoạt động kinh tế tư nhân theo thẩm quyền.

3. Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và phòng thực hiện đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ do Chính phủ quy định về đăng ký kinh doanh phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quản lý hoạt động kinh tế tư nhân.

Điều 4. Việc quản lý doanh nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc

1. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

3. Phản ánh kịp thời và chính xác thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào hệ thống thông tin về doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

4. Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Không có sự chồng chéo về chức năng giữa các cơ quan quản lý nhà nước về một vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp.

6. Tránh sự trùng lắp về cung cấp thông tin; mỗi một cơ quan nhà nước chỉ cử một phòng hoặc bộ phận quan hệ với các cơ quan liên quan nắm thông tin về hoạt động doanh nghiệp. Trong các trường hợp khác, phải có giấy giới thiệu của lãnh đạo cơ quan đó.

Sau khi tiếp nhận thông tin, phòng hoặc bộ phận của cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ nắm thông tin có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp cho các phòng và bộ phận khác trong cùng cơ quan đó.

7. Việc cung cấp thông tin thực hiện theo hệ thống ngành dọc và các cơ quan cùng cấp.

Điều 5. Quy định về địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp

1. Địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh của doanh nghiệp được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được tổ chức, cá nhân cam kết thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp khi thành lập là nơi tiến hành các hoạt động giao dịch thường xuyên của doanh nghiệp.

2. Tại địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải gắn bảng hiệu cố định kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trên bảng hiệu không được ghi tên các cơ quan nhà nước.

3. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại các khu đất đang lập dự án, thuộc diện phải thuê đất của Nhà nước để đầu tư thì doanh nghiệp phải đăng ký văn phòng đại diện tại một địa điểm trên địa bàn tỉnh; tại địa điểm đăng ký văn phòng đại diện phải có nhà, phải treo biển hiệu và cử người giao dịch với cơ quan quản lý Nhà nước.

Điều 6. Thông tin về doanh nghiệp

Nội dung thông tin về doanh nghiệp, gồm:

1. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh.

2. Điều lệ đối với công ty; danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; danh sách các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

3. Báo cáo tài chính hoặc thông báo của doanh nghiệp.

4. Báo cáo thống kê, kế toán.

5. Thông tin về việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tổ chức lại, giải thể hoặc bị đình chỉ hoạt động.

6. Thông báo, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về tình hình thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp và biện pháp xử lý đã áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật.

7. Thông tin về địa chỉ trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

8. Các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 7. Trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh

Định kỳ, cung cấp thông tin về doanh nghiệp theo quy định sau:

1. Định kỳ vào tuần thứ hai hàng tháng, gửi danh sách kèm thông tin chi tiết về các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản trong tháng trước đó đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý ngành kinh tế kỹ thuật cùng cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Cung cấp thông tin về doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong thời hạn 07 ngày kể từ khi nhận yêu cầu bằng văn bản.

Ngoài việc cung cấp thông tin theo quy định tại Điều này; Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh và cơ quan đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố nếu phát hiện các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp là không chính xác, không trung thực, thì đồng thời với việc gửi thông báo yêu cầu doanh nghiệp hiệu đính, cơ quan đăng ký kinh doanh còn gửi đến cơ quan liên quan để cùng phối hợp xác minh các nội dung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Điều 8. Trách nhiệm của phòng thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố

1. Xây dựng quản lý hệ thống thông tin về hộ kinh doanh trên địa bàn.

2. Thực hiện chế độ tiếp nhận và bổ sung, cập nhật thông tin và chế độ cung cấp thông tin về hộ kinh doanh (thông tin về hộ kinh doanh gồm: tên, địa điểm hộ kinh doanh; ngành nghề và vốn kinh doanh, tên cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình) trên địa bàn cho các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

3. Định kỳ vào tuần thứ nhất hàng tháng, gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, cơ quan thuế cùng cấp và sở chuyên ngành.

4. Phối hợp xác minh theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh về nội dung đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin

1. Phối hợp xác minh thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh. Khi phát hiện có dấu hiệu không chính xác, không trung thực phải:

a) Phản ảnh với cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.

b) Phản ảnh với cơ quan cung cấp thông tin về những thông tin không chính xác của doanh nghiệp ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp.

c) Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục.

2. Cuối mỗi tháng, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ cung cấp thông tin về kết quả xử phạt theo phân cấp như sau:

a) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin cho phòng thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố.

Phòng thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố tổng hợp kết quả xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng gửi các cơ quan liên quan để tiếp tục phối hợp.

Chương 3:

QUAN HỆ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan thực hiện quy định về nhiệm vụ của cơ quan đầu mối trong việc cung cấp, tiếp nhận, tổng hợp tình hình và đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nêu trong Quy chế này.

Điều 11. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Chỉ đạo phòng thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trong việc quản lý hoạt động kinh tế tư nhân; cung cấp, tiếp nhận thông tin và báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

2. Quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo thẩm quyền.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển kinh doanh.

4. Hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Phối hợp xác minh thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn theo yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố danh sách các doanh nghiệp vi phạm quy định về trụ sở, bảng hiệu, kinh doanh ngành nghề chưa đăng ký; danh sách doanh nghiệp có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc bị đình chỉ hoạt động mà vẫn hoạt động.

c) Xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố kết quả thực hiện theo định kỳ.

5. Xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo thẩm quyền.

6. Định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư về:

a) Tình hình thực hiện Luật Doanh nghiệp trên địa bàn.

b) Những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp trên địa bàn.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Hướng dẫn, tư vấn việc thực hiện chính sách tài chính, chế độ kế toán, kiểm toán các doanh nghiệp trên địa bàn

2. Kiểm tra tài chính doanh nghiệp trên địa bàn khi thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về tài chính, mất khả năng thanh toán nợ theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và thực hiện đúng quy định của Nhà nước về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền về biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm về tài chính.

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận

1. Tiếp nhận, sao gửi thông tin về doanh nghiệp do Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh cung cấp cho Chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp của ngành Thuế.

2. Theo định kỳ 6 tháng một lần rà soát, đối chiếu danh sách doanh nghiệp đă đăng ký kinh doanh với doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế, đã hoạt động kinh doanh. Thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, Công an tỉnh:

a) Danh sách các doanh nghiệp không đăng ký mã số thuế; không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn một năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngừng hoạt động một năm liên tục hoặc đã giải thể mà vẫn kinh doanh; danh sách các doanh nghiệp bị thu hồi mã số thuế để làm thủ tục xoá tên doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

b) Danh sách các doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành thuế; hoạt động không đúng nội dung đăng ký kinh doanh, không đúng ngành nghề hoặc địa chỉ trụ sở đã đăng ký.

c) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo Chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố trong phạm vụ nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Rà soát, đối chiếu, phản ảnh các thông tin không trung thực không chính xác nêu trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh hoạt động trên địa bàn.

b) Phối hợp với sở, ban, ngành thuộc tỉnh; phòng thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, thành phố; Công an và phòng kinh tế kỹ thuật huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo quy định.

c) Định kỳ báo cáo Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tình hình thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, trên địa bàn.

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Thống kê

1. Tổ chức điều tra hoạt động doanh nghiệp theo định kỳ.

2. Đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, kế toán theo định kỳ.

3. Tổ chức cập nhật thông tin về hoạt động doanh nghiệp và giới thiệu lên mạng thông tin.

Điều 15. Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra của tỉnh đối với các doanh nghiệp trên cơ sở chỉ đạo hướng dẫn của Tổng Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý của tỉnh, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.

2. Hướng dẫn các sở, ngành của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành, địa phương.

3. Rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan tránh trùng lắp, gây khó khăn cho doanh nghiệp; tổng hợp chương trình kiểm tra các sở, ngành thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 25 tháng 12 hàng năm;

4. Định kỳ 6 tháng, tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.

Điều 16. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Xác minh các thông tin của tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân tỉnh và đề nghị của cơ quan nhà nước có liên quan.

2. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.

3. Cung cấp thông tin doanh nghiệp vi phạm cho cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm về đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành.

Điều 17. Trách nhiệm của các sở quản lý chuyên ngành

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, thực hiện quản lý doanh nghiệp theo chuyên ngành để quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, thị trường, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

2. Hướng dẫn doanh nghiệp thưc hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh ngành nghề phải có chứng chỉ hành nghề, ngành nghề kinh doanh phải có đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp trước khi kinh doanh.

3. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và gửi Thanh tra tỉnh trước ngày 25 tháng 11 hàng năm; phối hợp thực hiện thanh tra theo kế hoạch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Định kỳ hàng quý, tổng hợp báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp, danh sách các doanh nghiệp bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư.

5. Cuối mỗi tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định cho thuê đất đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế và cơ quan liên quan để phối hợp quản lý.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện các quy định của pháp luật và Quy chế này được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật và Quy chế này, thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện các tổ chức xã hội, hiệp hội các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện:

a) Vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

b) Tham gia, đề xuất các cơ quan nhà nước thực hiện những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Ngay khi Quy chế này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước liên quan thông báo tên phòng hoặc bộ phận; họ và tên công chức quan hệ với các cơ quan liên quan nắm thông tin về hoạt động doanh nghiệp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và thông báo đến cơ quan liên quan biết để thuận tiện trong quan hệ công tác. Ngoài ra, khi có sự thay đổi về công chức quan hệ với các cơ quan liên quan nắm thông tin về hoạt động doanh nghiệp, phải thông báo bổ sung họ, tên công chức cho cơ quan nhà nước liên quan biết.

3. Định kỳ, ngày 20 của các tháng: 3, 6, 9, 12; các cơ quan, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh. Báo cáo gửi về Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phổ biến và theo dõi việc thực hiện Quy chế này. Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2008/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 25/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 09/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản