Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2004 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI .

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số 36/2003/QĐ-UB ngày 27/02/2003 của UBND Thành phố ban hành Chương trình công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố Hà Nội từ năm 2003 đến năm 2007;
Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 73/TT-HĐ ngày 12/01/2004.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2004 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố, Thủ truởng các đơn vị sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận huiyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘi
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu

 

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2004 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo quyết định số 25/2004/QĐ-UB ngày 20/02/2004 của UBND Thành phố Hà Nội )

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình công tác phổ biến giáo dục pháp luật ( PBGDPL) của Chính phủ từ 2003-2007; Chỉ thị số 27/CT-TU ngày 1/2/2004 của Thành phố Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; Quyết định số 36/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 2 năm 2003 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành chương trình PBGDPL của thành phố Hà Nội năm 2003-2007, UBND Thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch công tác PBGDPL năm 2004 như sau:

I - MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tiếp tục phổ cập các kiến thức pháp luật tới các tầng lớp nhân dân, nâng cao hơn nữa trình độ dân trí pháp lý, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân Thủ đô, thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố trong năm 2004.

- Tăng cường phối hợp hoạt động PBGDPL giữa các cấp, các ngành, cắc đoàn thể của thành phố, phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là cơ sở.

2. Yêu cầu.

Công tác PBGDP năm 2004 cần bám sát nhiệm vụ do bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đề ra, đảm bảo duy trì nề nếp chú trọng cả bề rộng và chiều sâu, phù hợp với từng thời điểm, đối tượng và từng địa bàn.

- Tổ chức tốt các hoạt động PBGDPL phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố trong năm 2004: Bầu cử đại biểu HĐND các cấp, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm giải phóng Thủ Đô …

- Gắn công tác PBGDPL với hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật.

- Không ngừng phát huy sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả PBGDPL, tạo bước phát triển mới cho công tác PBGDPL trên địa bàn Thủ đô.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC PBGDPL NĂM 2004

1. Nội dung.

1.1- Chỉ thị 32/CT- TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, Chỉ thị số 27/CT-TU ngày 1/2/2004 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

1.2- Các văn bản pháp quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành:

a. Về lĩnh vực kinh tế:

- Bộ luật Lao động; Luật Thống kê; Luật Kế toán; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã.

b. Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ môi trường:

- Luật Thi đua khen thưởng, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, Luật Di sản văn hóa.

- Pháp lệnh Dân số; Pháp lệnh Phòng chống tệ nạn mại dâm; Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân; Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm; Pháp lệnh Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Pháp lệnh Người cao tuổi; Pháp lệnh Người tàn tật; Pháp lệnh Thể dục Thể thao.

c. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại:

- Luật Biên giới quốc gia; Luật Giao thông đường bộ; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Tôn giáo; Pháp lệnh Cán bộ công chức; Pháp lệnh Chống tham nhũng; Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

d. Về lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước hành chính, hình sự, dân sự, tư pháp:

- Bộ luật Hình sự;  Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003; Luật Họat động giám sát của Quốc hội; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản pháp luật phục vụ bầu của đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009.

- Pháp lệnh Thủ đô; Pháp lệnh Giám định tư pháp; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, dân sự, lao động; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi); Pháp lệnh Thi hành án dân sự; Pháp lệnh Luật sư …

1.3. Các văn bản về cải cách hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, HĐND, UBND Thành phố và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh.

2. Hình thức:

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, đặc thù đối tượng, địa bàn, thực hiện phổ biến giáo dục các nội dung trên đây thông qua các hình thức, phương pháp như sau:

2.1. Thông qua các cuộc họp, hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật.

2.2. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là:

- Trên hệ thống loa đài ở cơ sở phường, xã, thị trấn và các đơn vị.

- Các chuyên mục, chuyên trang về phổ biến giáo dục pháp luật trên báo chí, Đài Pháp thanh truyền hình Hà Nội.

- Biên soạn, in, phát hành tài liệu nghiệp vụ, hỏi đáp, tờ gấp, về tuyên truyền PBGDPL đến từng đối tượng phù hợp.

- Các hoạt động thông tin, cổ động, tranh ảnh, panô, áp phích, khẩu hiệu…

2.3. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi; tổ chức Hội thi giải viên giỏi.

2.4. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường Cao đẳng thuộc Thành phố; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.

2.5. Củng cố, phát triển hệ thống tủ sách pháp luật ở cơ sở và các đơn vị, tổ chức bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý tủ sách pháp luật, tiếp tục phát triển các hình thức, mô hình khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả ở địa phương và các điểm bưu điện văn hóa xã.

2.6. Tăng cường, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ hòa giải ở cơ sở (trên cơ sở Tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hòa giải) nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, giải quyết kịp thời đúng pháp luật những mâu thuẫn từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

2.7. Kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; Xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở các cấp từ thành phố đến quận huyện, xã, phường, thị trấn.

2.8. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Câu lạc bộ”, “Trợ giúp pháp lý”, “Tổ hòa giải 5 tốt”… nhằm tuyên truyền pháp luật và phòng chống tội phạm phù hợp ở cơ sở.

III. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI:

1. Sáu tháng đầu năm 2004.

a. Cấp thành phố:

- Tổ chức triển khai Chỉ 32/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền PBGDPL, triển khai các Chỉ thị, Quyết định của UBND Thành phố về kế hoạch PBGDPL năm 2004 của Thành phố

- Củng cố tổ chức hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

- Phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được thông qua, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi trong đoàn viên thanh niên phục vụ cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn Thành phố.

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi tìm hiểu Pháp lệnh phòng chống mại dâm trên địa bàn.

- Biên soạn, in, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, hỏi đáp, tờ gấp nhằm tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

- Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, phòng chống lụt bão bảo vệ đê điều, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm…

- Chuẩn bị các điều kiện để xuất bản tờ báo  Pháp luật nhằm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân Thủ đô.

b. Cấp quận, huyện:

- Lập chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị 27 của Thành ủy Hà Nội, Quyết định của UBND thành phố về công tác PBGDPL năm 2004 trên địa bàn, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở các cấp, thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở các đơn vị quận, phường mới thành lập.

- Tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp năm 2003; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về cải cách hành chính, quản lý đất đai, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, phòng chống lụt bão bảo vệ đê điều, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Triển khai thi tìm hiểu Pháp lệnh phòng chống mại dâm theo kế hoạch của Trung ương và Thành phố.

- Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Hàng quý có báo cáo đánh giá công tác PBGDPL gửi về Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Thành phố để tổng hợp chung.

2. Sáu tháng cuối năm 2004.

a. Cấp Thành phố.

- Tiếp tục phối hợp tổ chức tập huấn báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết.

- Tập trung tuyên truyền pháp luật, triển khai một số cuộc thi về pháp luật (do Sở Văn hóa Thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông công chính, Hội liên hiệp Phụ nữ tổ chức) phục vụ kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô, tháng an toàn giao thông.

- Tổ chức trao đổi kinh nghiệm PBGDPL giữa Hà Nội với một số địa phương trong và ngoài nước (có kế hoạch riêng).

- Phát động, tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi lần thứ 4 Thành phố Hà Nội.

- Kiểm tra, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai kế hoạch PBGDPL 2004 ở các cấp, ngành, đơn vị.

b. Cấp quận, huyện: Tiếp tục triển khai công tác PBGDPL theo kế hoạch.

- Tập trung tuyên truyền pháp luật phục vụ kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô, tháng an toàn giao thông…

- Tiếp tục tuyên truyền Luật Đất đai, Luật Xây dựng… các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chính sách giải phóng mặt bằng và các văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua.

- Triển khai thi Hòa giải viên giỏi từ phường, xã, thị trấn đến quận, huyện và các cuộc thi về pháp luật theo kế hoạch chung.

- Kiểm tra đánh giá công tác PBGDPL ở các đơn vị trực thuộc, tổ chức tổng kết năm 2004 công tác PBGDPL ở quận, huyện.

- Báo cáo kết quả công tác PBGDPL năm 2004 về UBND Thành phố trước ngày 15 tháng 12 năm 2004

IV. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cấp, các ngành, đơn vị tự bố trí kinh phí tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật chuyên ngành thực hiện Kế hoạch công tác PBGDPL của UBND Thành phố. Ngoài ra các sở, ngành, đơn vị sau đây tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện Kế hoạch này; Chủ trì tuyên truyền pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2004-2009); Tổ chức thi hòa giải viên giỏi lần thứ 4; Tuyên truyền pháp luật phục vụ kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô; cung cấp tài liệu, báo cáo viên pháp luật cho các cấp, các ngành; định kỳ báo cáo công tác PBGDPL của Thành phố với Bộ tư pháp, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố. Duy trì sinh hoạt Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Thành phố, lập dự toán, quyết toán kinh phí phục vụ công tác của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Thành phố.

2. Sở Văn hóa Thông tin: Chủ trì tuyên truyền pháp luật về quản lý di sản văn hóa, kẻ vẽ panô, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền pháp luật và triển khai thông tin cổ động; phối hợp với các cơ quan báo, đài và Sở Tư pháp triển khai PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hòa giải viên giỏi, hội diễn ca khúc pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, sử dụng, khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở; phối hợp PBGDPL gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nếp sống văn minh ở Thủ đô.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì tổ chức phổ biến giáo dục về pháp luật cho giáo viên, cha mẹ học sinh, Thi giáo viên dạy giỏi pháp luật, thi học sinh giỏi môn “Giáo dục công dân”, môn “Pháp luật” ở những trường chuyên nghiệp thuộc Sở hàng năm; phối hợp tổ chức tốt công tác giáo dục pháp luật và phòng chống tội phạm trong trường học.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố, Công an Thành phố: phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về Quốc phòng toàn dân, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm; có kế hoạch triển khai tuyên truyền pháp luật trong cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.

5. Sở Giao thông Công chính, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Y tế, Sở Thể dục thể thao, Sở Lao động thương binh và Xã hội… chủ trì phối hợp tuyên truyền PBGDPL gắn với thực hiện an toàn giao thông và văn minh đô thị trên địa bàn Hà Nội; Sở Giao thông công chính tổ chức thi tìm hiểu trật tự an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông; Sở Lao đông thương binh và Xã hội tổ chức thi tìm hiểu Pháp lệnh phòng chống mại dâm.

6. Sở Nội vụ phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu HĐND các cấp, tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính, Quy chế dân chủ… cho cán bộ, nhân dân địa phương và cán bộ công chức khối cơ quan nhà nước.

7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Có kế hoạch chỉ đạo, triển khai và kiểm tra tiến độ công tác PBGDPL ở địa phương mình; Tổ chức triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 27 của Thành Ủy Hà Nội, Kế hoạch của UBND Thành phố về công tác PBGDPL năm 2004; Tuyên truyền pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu HĐND các cấp; tuyên truyền pháp luật phục vụ kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô; tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, thi hòa giải viên giỏi năm 2004; Tổ chức tuyên truyền phổ viến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ…(Tùy theo đặc điểm địa phương, thời gian, đối tượng mà lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL cho phù hợp). Định kỳ hàng tháng, quý có báo cáo công tác PBGDPL gửi về UBND Thành phố (qua Sở Tư pháp để tổng hợp); Chủ động cân đối ngân sách ở địa phương để triển khai các công tác theo kế hoạch.

8. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn các cấp, các ngành lập dự toán, bố trí kinh phí triển khai kế hoạch này và quyết toán theo quy định.

9. Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra, đánh giá và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PBGDPL năm 2004.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động Thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Luật gia…) phối hợp với Sở tư pháp và UBND các quận huyện có kế hoạch chỉ đạo triển khai các hoạt động theo kế hoạch chung của Thành phố và phù hợp chức năng nhiệm vụ từng cơ quan; triển khai các hoạt động, xây dựng các mô hình điểm PBGDPL ở cơ sở, phổ biến các ca khúc về đề tài pháp luật. v.v.

11. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra Thành phố có kế hoạch chỉ đạo tăng cường PBGDPL thông qua các hoạt động truy tố xét xử, giải quyết đơn thư khiếu tố của nhân dân.

12. Đề nghị: các Ban của Thành ủy (Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Đại học); các Ban của HĐND Thành phố (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế Ngân sách, Ban Văn hóa Xã hội) tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ, tạo thuận lợi để các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện triển khai thực hiện kế hoạch này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2003/CT-UB về kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2004 trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 25/2003/CT-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/02/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản